Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Demian - Hermann Hesse


Kể ra tôi cũng không phải người tin vào thuyết định mệnh hay những thứ tâm linh tương tự, nhưng dường như những trải nghiệm trong cuộc đời tôi đều kéo đến theo trình tự cụ thể đủ để tôi thấm dần từng chút tri thức ít ỏi mà tôi có thể lĩnh hội được. Demian đến với tôi theo cách như thế - tôi tình cờ đọc được một chút Spinoza từ rất lâu về trước, và đột ngột trong hai tháng trở lại đây những cơ hội bồi đắp kiến thức về mảng tâm linh tăng đột biến: hai tháng trước tôi bất thình lình hứng thú với lịch sử và cách tiếp cận tri thức của người Do Thái; tháng trước trong chuyến đi vòng quanh Đông Âu, khi tôi gặp một cô bé năng động ở Hungary, cô bé đã giới thiệu tôi với Demian, và khi tôi leo núi Vitosha ở Bulgaria, một giám đốc công ty phân phối thuốc lá chợ đen đã kể cho tôi về lịch sử tôn giáo thần bí châu Âu, người thầy tâm linh của ông và cách ông tiếp cận phần tâm hồn mình. Tất cả những sự kiện trên: triết học vũ trụ Spinoza, lịch sử và văn hoá Do Thái, cuộc trò chuyện tôn giáo, sự tò mò với Nietzsche – hầu như được tổng hợp và tóm gọn lại bởi Demian.


Thật ra mà nói Demian không có chiều sâu và tầm ảnh hưởng rộng như cuốn Nhà Giả Kim của Coelho tôi từng đọc và viết cảm nhận trước đó  nhưng nó cũng có những điều thú vị riêng đủ khiến tôi thấy háo hức chép lại đôi điều sau khi đọc. Hơn nữa, tôi sẽ rất tích cực đề cử bạn đọc, trước khi đọc Demian, hãy ngó qua một chút xíu triết học vũ trụ của Spinoza, một chút tư duy trong văn hoá Do Thái, đọc cả Coelho nếu có thời gian, và kết thúc Demian thì hãy đọc liền sau đó là Zarathustra nói thế của Nietzsche. Nhưng nếu có ai hỏi tôi tóm tắt quyển sách nhỏ này, tôi sẽ chỉ nói rằng: đó là một câu chuyện của một cậu nhóc nhà khá giả được bảo bọc quá kĩ, không được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với khủng hoảng tuổi dậy thì. Chỉ vậy thôi.


Nhưung Demian là một cuốn sách phản chiếu tham vọng của tôi – không phải ở kiểu tham vọng về tương lai, mà là tham vọng về suy diễn chắp ghép ý tưởng mà tôi cho rằng nó được đề cập đến trong sách. Hơn nữa do đã lâu không suy nghĩ logic, nên bài viết này sẽ phân tích theo mạch truyện, và đi vào những trích đoạn, những chi tiết tôi thích thú hơn cả. Sẽ không có một tổng kết, một tóm lược ý chính nào xuất hiện ở đây; cũng sẽ chẳng có cảm nhận thực tế nào: chỉ đơn thuần là suy tưởng của một người rỗi rãi khi đọc về tuổi dậy thì của một thanh niên cũng rỗi rãi chẳng kém khác.


Điều đầu tiên tôi chú ý đến ở khoảng một phần ba đầu sách không phải bản thân nhân vật chính là cậu bé yếu nhược được nuôi dạy trong một gia đình đặc tính con chiên sùng đạo thuần tuý Sinclair và sự hèn nhát của cậu bé trước mối đe doạ từ thế giới bên ngoài – ngay cả khi đó là dấu hiệu tiền đề đầu tiên báo hiệu sự nhạy cảm tâm linh vượt khỏi đạo đức bầy đàn của cậu, mà là cậu bé Demian. Kể ra tôi chú ý đến Demian hơn cả cũng là điều bình thường, cậu bé hầu như là một nửa nhân vật chính, là người thầy tinh thần của Sinclair, và quan trọng hơn cả cậu bé hầu như là một phần của Sinclair, là phản chiếu hình ảnh tương lai của Sinclair, phản chiếu tư tưởng ở mức độ cao hơn của Sinclair, và thậm chí cả bóng hình Chúa của thế giới bên trong Sinclair.  Những tư tưởng tôn giáo Demian đề cập đến rất mới mẻ và thú vị: ví dụ như chi tiết cậu bé nói về dấu ấn đặc biệt trên trán Cain để đánh dấu những người khác biệt, và do đám đông sợ những gì khác với họ nên mới áp đặt cái xấu lên sự khác biệt đó; hoặc như chi tiết cậu bé nói đến hai tên trộm xấu xa bị đóng đinh cùng Chúa, khi một kẻ cả đời xấu xa lại lập tức hối cải với một bài diễn văn bi thống, còn kẻ còn lại thì biết rằng mọi chuyện đã đến điểm cuối cùng của sự và thà giữ nguyên “bản tính ác quỷ” trong sự chấp nhận định mệnh – một kẻ có “đặc tính” cá nhân độc đáo, và hãy nhìn xem, trong kinh thánh, những người “độc đáo” như vậy hầu như đều có những cái kết nhanh gọn và sớm sủa. Một lời móc mỉa nhẹ nhàng đến những kẻ an phận thủ thường tôn sùng đạo đức nhân tạo của đám đông chăng?


Những chi tiết trên thú vị không chỉ vì ý tưởng mới mẻ nằm trong chúng, mà nó dấy lên những câu hỏi thực sự đáng suy xét về đạo đức, thái độ đối mặt hoàn cảnh và tư duy của nhân loại trong bối cảnh truyền thống và tập tục kiểm soát hướng tư duy. Chúng ta phải đặt câu hỏi với những điều mà chúng ta đã mặc định là xấu xa từ lâu đến độ chúng đã trở thành hiển nhiên – bởi lẽ mọi quan niệm trên đời đều là nhân tạo; không có điều gì có thể diễn tả thành lời lại thực sự là chân lý của tự nhiên; mọi thứ trong tầm tư duy đều có khả năng bị chất vất và suy xét liên tục, và hầu như khó có thể đến kết quả cuối cùng, mà chỉ có thể dừng lại trong khoảng khả năng trí tuệ cá nhân. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục vấn đề thấu hiểu tự nhiên ở phần sau, khi Sinclair đi vào thế giới nội tâm cá nhân. Ở phần này của quyển sách, có hai điều tôi thấy nổi trội hơn cả: thứ nhất là sự thừa nhận một cách hết sức duy lý của Sinclair về việc cậu ý thức được sự trốn chạy của mình về “thế giới ánh sáng” yên ấm trong vòng tay của cha mẹ sau sự cố gây cảm giác tội lỗi trong lương tâm với Kromber – trên cả việc cậu bé nhận thức được thế giới đạo đức đẹp đẽ trong thế giới sùng đạo của cha mẹ đối lập với “thế giới bóng tối” thực tế bên ngoài, tôi chỉ thấy hứng thú nhất với Sinclair thời thơ ấu chỉ với duy nhất một câu thừa nhận rằng: “I had to replace my dependence on Kromer with a new one, for I was unable to walk alone”. Trong môi trường thuần tuý sùng đạo mà cậu bé được nuôi dạy, Sinclair không hề được chuẩn bị cho những biến cố mới mẻ trong cuộc sống và cũng không được làm quen với những mặt “xấu xa” rất tự nhiên trong bản chất của loài người, nên khi đối mặt với chúng, cậu đã lựa chọn quay trở về phụ thuộc vào thế giới ánh sáng của trẻ thơ trong vòng tay cha mẹ, thay vì bứt ra truy tìm tri thức và bản ngã của mình, hoặc đối mặt với Demian. Ít nhất chính ở thời điểm đứng trước lựa chọn đó, cậu bé đã hiểu ra: “nothing in the world is more distasteful to a man than to take the path that leads to himself” (tạm dịch: trên thế gian này không có gì cay đắng hơn việc truy đuổi con đường dẫn đến bản ngã cá nhân).


Điều thứ hai đó chính là con đường dẫn đến tri thức của Demian – cách cậu bé suy xét và đặt câu hỏi cho mọi thứ ngay cả với kinh thánh và tôn giáo. Nói cách khác, cách cậu bé được chuẩn bị trước những thử thách của thế giới hỗn độn bên ngoài và cả thế giới bí ẩn chưa được khai phá trong chính bản thân mình. Từ đâu cậu bé nhận được hướng dẫn tư duy tự do và cá nhân đến như thế? Chúng ta hoàn toàn có thể trả lời rằng đó là món quà thiên tài; vô thần; trí tò mò cố hữu của con người trước khi bị tôn giáo và đạo đức đám đông đồng hoá,… Có rất nhiều hướng suy diễn, và đường tôi thích nhất chính là lí giải về môi trường tôn giáo dân tộc và chủ nghĩa cá nhân đạo Do Thái – tất nhiên đây không phải câu trả lời đầy đủ; đây chỉ là hướng suy diễn tôi hứng thú nhất trong thời điểm hiện tại, do tôi mới được tiếp cận đôi chút với lịch sử và trí tuệ Do Thái mà thôi. Hơn nữa, chính từ điểm nhìn này mà dẫn đến cuộc đối thoại về sự tồn tại của ý chí tự do xảy đến sau đó giữa Sinclair và Demian, và thậm chí còn ám ảnh Sinclair suốt thời dậy thì.


Trên thế giới này, có một dân tộc đã phát minh ra giáo phái độc thần đầu tiên, khởi nguồn của Thiên Chúa Giáo và cả Hồi Giáo sau này (chúng ta không nhắc đến các biến thể trong Thiên Chúa Giáo như Công giáo La Mã, Chính Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành bla bla bla các kiểu nhé, tóm vào là Thiên Chúa giáo thoi), đó chính là dân tộc Do Thái với đạo Do. Đây cũng là dân tộc duy nhất khi người ta nhắc đến trí thông minh thì người ta sẽ nói là trí thông minh Do Thái – một cách nói rằng trí thông minh này đến từ rèn luyên qua truyền thống dân tộc và tập tục tôn giáo. Nếu một người thông minh theo Thiên Chúa giáo, không ai gọi anh ta là trí tuệ Thiên Chúa Giáo; tương tự như vậy với Phật Giáo, Hồi giáo. Bởi lẽ trong những con người đó, tôn giáo không đóng góp vào khả năng phát triển trí tuệ mà chỉ đóng phần cấu tạo hệ thống tư duy đạo đức mà thôi; nhưng Do Thái giáo khác hẳn – với những quy định và tập tục của họ, như mọi đứa trẻ phải đến trường, như khuyến khích những người giỏi nhất kết hôn với nhau,…cùng với lịch sử liên tục bị xua đuổi nên phải liên tục thích nghi, liên tục dịch chuyển, sống ở thành phố, không được sở hữu gì ngoài trí tuệ cá nhân, và buộc phải làm những nghề cần tri thức chuyên môn phức tạp nhưng không được coi trọng ngày trước như ngân hàng, buôn bán, luật sư,… đã tạo ra một dân tộc đề cao tri thức hơn tất cả mọi điều, và luôn sống để bảo toàn tri thức bằng cách luôn đặt câu hỏi, luôn phân tích và xét đoán mọi thứ, ngay cả kinh thánh của chính họ. Hay trên thực tế, chính kinh thánh bất ly thân của họ là nguồn gốc phát triển trí não đa dạng hiệu quả nhất, khi mọi câu chuyện và truyền thuyết trong đó được viết theo hướng mở buộc người đọc bàn luận và tư duy: chính nhờ đó chúng ta mới bắt gặp được đôi chút tư duy của họ trong hai cuộc đối thoại về kinh thánh giữa Sinclair và Demian. Và cũng chính nhờ môi trường giáo dục này mà Demian nói riêng được chuẩn bị cho sự phức tạp của chính bản ngã và tâm hồn mình cũng như sự cân bằng cả xấu cả tốt trong “đạo” của Tự Nhiên, của thế giới thực.


Chính từ môi trường này mà chủ nghĩa cá nhân trong Demian nói riêng được phát triển mạnh mẽ - tư tưởng riêng, sự tự khám phá, tự cứu chuộc, nói chung là lý tưởng tất cả mọi sự phải tự thân trải qua và đối mặt để có thể thấu hiểu chính bản thân mình. Đây chính là từ khoá quan trọng nhất của toàn bộ câu chuyện: Thấu Hiểu Bản Thân. Chúng ta có thể sa đà vào những thứ nghe có vẻ tâm linh và sâu sắc hơn, như truy tìm bản ngã, theo đuổi tâm hồn cá nhân các thứ, nhưng đối với tôi ở mức độ hiện thực và hiệu quả thì đó là Thấu Hiểu Bản Thân. Nhưng một điểm độc đáo ở chỗ, chính chủ nghĩa cá nhân và tự nghiệm của Demian lại gây ra những bối rối trong việc xác định chỗ đứng của bản thân trên thế giới và ý chí tự do cá nhân. Đây chính là khó khăn tuổi dậy thì Sinclair phải đối mặt: xác định ý chí tự do của mình, dùng nó để vượt qua những “mặt tối” trong bản ngã, để biết được Mục Đích Tồn Tại, để biết vai trò của mình trong dòng chảy Tự Nhiên. 


Nếu chúng ta nhớ lại những giáo lý Thiên Chúa Giáo về Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn tri, thì chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được mâu thuẫn bất khả lí giải trong ba đặc tính người ta thường gán cho Đức Chúa tối cao này: nếu Chúa toàn năng thì ngài có thể làm được mọi việc kể cả điều xấu, và thực tế thì điều xấu xuất hiện mỗi ngày, như vậy Chúa không thể toàn thiện được; nhưng nếu Chúa toàn thiện thì ngài không thể làm điều xấu, mà nếu có gì đó ngài không thể làm tức là ngài không toàn năng; và điều quan trọng nhất tôi muốn đề cập đến chính là đặc tính toàn tri được gán cho Thiên Chúa, bởi nó đặt ra câu hỏi muôn thuở về ý chí của con người: toàn tri. Nếu ngài toàn tri, biết tất cả mọi sự, vậy thì con người làm gì có ý chí tự do? Cuộc sống của con người đã được sắp đặt, được dự đoán hết cả, vậy thì mục đích được sinh ra và tồn tại của con người là gì? Trên thực tế, Thiên Chúa Giáo cho rằng con người ý chí tự do chỉ để cho họ giữa hai sự lựa chọn: tuân theo lời Chúa, tức giáo lý tôn giáo được soạn bởi con người để được cứu rỗi, hoặc bất tuân và bị trừng phạt dưới địa ngục. Đây là ý chí tự do trong quan niệm của tôn giáo. Nói tóm lại, thực ra chúng ta không có ý chí tự do. Bởi Chúa biết tất và đã sắp đặt tất.


Nhưng trong trường hợp được nêu lên trong sách thông qua Demian và những khó khăn mà Sinclair phải đối mặt, thì ý chí tự do được hiểu theo cách khác. Demian đã phủ nhận ý chí tự do kiểu tôn giáo với Sinclair, bởi lẽ theo Demian, có một định mệnh đặt ra cho tất cả, nhưng định mệnh đó không đến từ Chúa, mà đến từ chính thẳm sâu tâm hồn mỗi con người. Như kiểu thuyết nhị nguyên ấy, con người có thân xác và linh hồn, và cái mục đích tối cao nằm trong thẳm sâu vô thức linh hồn chúng ta xác định giá trị của chúng ta, và chúng ta chỉ thực sự có được ý chí tự do khi dùng hết sức lực, lòng nhiệt thành và tâm trí để theo đuổi mục đích khám phá bản thân đó. Nói tóm lại, không khác gì mục đích luận của Aristotle cho lắm: mục đích của con người là hoàn thiện bản thể là vì chính bản thân chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Nhưng nói chung đến cuối truyện thì Demian đi xa hơn, hướng theo thuyết vũ trụ mà có lẽ chúng ta sẽ quay lại khi nhắc đến chi tiết đó sau.


Như vậy có hai điều chúng ta nhận ra được về quan điểm ý chí tự do của Demian: thứ nhất là chúng ta không có ý chí tự do. Đoạn đối thoại này khiến tôi nảy sinh nhiều câu hỏi. Ý của Demian khi nói chúng ta không có ý chí tự do, mà chỉ tự do khi dùng hết sức lực theo đuổi mục đích khám phá bản ngã thẳm sâu trong tâm hồn, vậy thì cái “ý chí tự do” đó có thật hay không? Hay nó cũng đã được sắp đặt trước bởi định mệnh: một cơ số người ít ỏi được định sẵn ra là sẽ đi theo hướng tư duy truy tìm bản ngã này và tin rằng ý chí tự do khi dùng hết sức bình sinh theo đuổi nó. Hay chúng ta có ý chí tự do khi thoát khỏi tư duy bầy đàn truyền thống để theo đuổi mục đích bản ngã của mình? Hay thực ra cái “ý chí tự do” đó cũng chỉ là được định mệnh đặt ra sẵn, bởi lẽ nghĩ đi nghĩ lại, nếu chúng ta phát hiện ra con đường truy tìm mục đích tồn tại cá nhân, nhưng từ chối dùng ý chí để đạt đến mục đích đó, tức là từ chối đi theo “tiếng gọi tâm hồn”, thì như thế cũng có thể nói chúng ta đã làm chủ ý chí thoát khỏi định mệnh được đặt trước trong chúng ta lắm chứ? Tự đi tìm một mục đích khác thay vì mục đích đã được đặt sẵn, nghe như vậy cũng tự do lắm mà. Well, bạn có thể tranh luận rằng như vậy cái mục đích sau này mới là mục đích thực, và chúng ta sẽ quay lại cuộc cãi lộn hồi quy vô tận mà thôi.


Rời khỏi tâm linh, có một điểm “trần tục” dễ hiểu hơn về cái “ý chí tự do” này: tức là theo một cách nào đó, ý chí của chúng ta luôn bị ảnh hưởng bởi thế giới, con người, tập tục, truyền thống, sách vở bên ngoài, và như vậy hầu như ý chí không thể tự do. Vậy nên rất có thể ý chí tự do mà Demian muốn nhắc đến là việc rời bỏ những định kiến, quan điểm, đạo đức bầy đàn cố hữu để truy tìm bản thân, thì đó đã là tự do điều khiển ý chí rồi. (Thực ra đây chính là điều Demian đề cập đến, tôi chỉ giỏi mỗi trò phức tạp hoá mọi thứ lên thôi. Nhưng suy diễn chút đỉnh cũng thú vị).


Nói chung, dù có thực sự sở hữu ý chí tự do không thì cả Sinclair và Demian nói riêng cũng như số ít có ý thức tự khám phá cũng quyết tâm truy tìm mục đích tồn tại tối hậu của con người bên trong tâm thức, và quyết định đó là định mệnh của con người. Nhưng định mệnh là gì? Tiếng kêu gọi trong tâm thức đó là gì? Định mệnh đó được sắp đặt bởi Chúa hoặc thế lực Tự Nhiên nào đó, hay chúng được tạo nên bởi các mảnh ghép sự kiện đời thường xảy ra một cách tình cờ quanh nhân cách đó? Bạn biết đấy, có trước thì có sau, các chuỗi sự kiện cũng có thể xô đẩy và thay đổi tâm thức con người ta lắm chứ? Hay định mệnh đó chỉ có một mà thôi? Và nó có thực sự thuộc về mỗi người không hay nó xuất phát từ tiếng gọi cao cả gơn? Và khi chúng ta tuân theo ‘tiếng gọi bên trong đó’, chúng ta tuân theo chính mình hay tuân theo một mục đích đã được cài sẵn vào chúng ta như mệnh lệnh cài vào robot? Và nỗ lực hết mình để đạt được mệnh lệnh đó là chúng ta đã tự mình lựa chọn theo đuổi số mệnh, hay chúng ta đã đầu hàng số mệnh mà không có ý chí tự do để cự tuyệt?


Trăn trở về định mệnh cá nhân và ý nghĩa tồn tại của mình, Sinclair phải đơn độc bước vào hành trình đi tìm chính mình (hay còn gọi là nổi loạn tuổi dậy thì) mà không có sự hướng dẫn của người dẫn đường tâm linh Demian. Có một vài sự kiện lớn hơn cả ảnh hưởng đến quá trình thay đổi trong tư duy của Demian mà tôi đặc biệt chú ý.


Thứ nhất là sự ý thức được bản thân mình. Trước khi đào sâu được vào tâm hồn bản ngã, thấu hiểu được tiềm thức cá nhân, chúng ta phải hiểu, theo một cách nào đó, con người tạm thời của chúng ta đã. Đó là chi tiết Sinclair vượt khỏi giai đoạn say sưa nổi loạn và bắt đầu chìm vào suy tưởng, và đánh dấu cho thời gian bước vào chính mình đó là bức tranh cậu vẽ: mang gương mặt của mọi linh hồn ảnh hưởng đến cậu. Cậu nhìn thấy hình ảnh Beatrice, hình ảnh Demian, hình ảnh của chính mình, hình ảnh của Chúa trong cậu,…nói chung là tất cả. Từ đâu có sự đa dạng liên tưởng như thế? Bởi lẽ ở thời điểm này, Sinclair mới manh nha hiểu được sự hoà hợp và đồng điệu của những tâm hồn tìm về chính mình với dòng chảy tổng hoà của Thiên Nhiên – điều mà cậu chỉ thật sự khám phá ra khi bước vào chiến tranh. Từ thời điểm mơ hồ này cho đến tận khi thừa nhận số phận, cậu vẫn luôn là một linh hồn riêng biệt tìm thấy đồng điệu với Tự Nhiên qua kênh Tình Yêu mà thôi. Nhưng ở chi tiết bức tranh này khiến tôi nảy sinh những câu hỏi về bản ngã: bản ngã là cá nhân hay là một phần của dòng chảy chung?


Bởi lẽ, mỗi con người bị ảnh hưởng và hình thành từ nhiều người, nhiều sự kiện ngoại tại khác nhau. Mọi sự kiện trong cuộc đời đều tạo nên một phần nhân cách đó, mọi nhân vật đều thành một phần con người đó, thế nên mọi hình ảnh phản chiếu trong bức chân dung đó là tất cả mọi người cũng như là chính Sinclair. Như vậy, nhân cách của con người có thật hay không, hay đó chỉ là những mảnh ghép của cuộc đời? Và đi sâu hơn thì, bản ngã – mục đích tối hậu mà những người như Sinclair đang truy tìm – có thật hay không? Hay tiếng gọi đó cũng chỉ được tạo ra từ nhiều mảnh ghép phản chiếu từ những tiếng gọi khác, hoặc thậm chí chỉ là miếng ghép thứ cấp trong một bức tranh toàn thể to lớn hơn?


Hơn nữa điều này còn nói rõ rằng con người nhìn người khác bằng định kiến cá nhân chứ không phải bản chất nguyên bản nhất của họ. Nhưng Sinclair thấy mình trong mọi người xung quanh bởi lẽ cậu thậm chí còn chưa hiểu được chính mình mà chỉ có thể thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong những đặc tính câu thấy trong người khác. Ngay cả với vạn sự xung quanh cũng thế: chúng ta suy nghĩ về bản thân quá nhiều nên dễ dàng rơi vào trường suy ngẫm về vạn vật và thế giới bên ngoài thông qua lăng kính cảm xúc cá nhân thay vì thật sự cảm nhận chúng đúng như chúng là.


Như vậy, cách tốt nhất để hiểu vị trí và ý nghĩa tồn tại của mình, thì trước hết phải hiểu mình đúng như mình là; sau đó là hoà mình vào dòng chảy số phận của Tự Nhiên, thấu cảm vạn sự như chúng đúng là chứ không để phán đoán chủ quan ảnh hưởng nữa. (Sao cảm thấy mình bắt đầu lảm nhảm nhỉ…).


Cái chính là khúc ngay sau đó có một đoạn mô tả đại khái là sự thiêng liêng của thế giới nằm ngay trong tâm thức của chúng ta và trong cả Tự Nhiên, và nếu thế giới tự nhiên sụp đổ thì chỉ cần một trong chúng ta cũng có thể xây dựng lại được chúng, bởi lẽ mọi hình thái tự nhiên nguyên sơ đều có sẵn trong chúng ta, những điều chúng ta không thực sự thấu hiểu nhưng vẫn giao phó cho tâm thức của chúng ta dưới dạng tình yêu và sáng tạo.


Nói chung cái khúc này khá tốn trí suy diễn. Nó vừa khiến tôi gợi đến chủ nghĩa duy tâm Đức của Kant, bạn biết đấy, cái lí thuyết chúng ta không thể hiểu được vật-tự-thân là gì, mà chỉ hiểu được hiện-tượng của nó mà thôi. Và tri thức đến từ đâu, từ lý trí thuần tuý hay từ kinh nghiệm? Bởi lẽ trong trường hợp truy tìm bản ngã của Sinclair và Demian nói riêng thì dường như họ đi tìm chân lý có sẵn bên trong họ, và dường như tri thức về thế giới phải được ý thức thông qua bản thể - bởi bản thể là tổng hoà của cả vũ trụ. Nhưng nói chung nếu sa đà vào vùng phần nhận thức luận của triết học, chúng ta sẽ rối tung lên mất. Tôi còn đã chuẩn bị sa vào cả lý thuyết của George Berkeley khi đọc đến khúc này rồi đấy: nếu cả thế giới nằm trong ta và chỉ tồn tại khi được ta nhận thức, vậy nếu ta không nhận thức nữa thì thế giới không tồn tại nữa à? Như vậy thế giới bên ngoài có thực hay không? Thôi, xì tốp….


Cái khúc này làm tôi nhớ cuộc trò chuyện với ông giám đốc công ty phân phối thuốc lá chợ đen trên núi ở Bun khủng khiếp. Ổng là một người viết hẳn cả một quyển sách chống lại tôn giáo và sự cuồng tín tôn giáo, nhưng lại tin sâu sắc vào thuyết vũ trụ - mỗi chúng ta là chúa của một thế giới khi phát triển đến một mức độ nào đó, và chúng ta phải hiểu được tình yêu rồi mới hiểu được tri thức và cuối cùng là chân lý. Vì Chúa, hỡi những tư tưởng ảo tưởng!


Kể ra còn gợi đến cho tôi cả công án thiền nữa đấy. Bạn biết đấy, trước khi ngộ đạo núi là núi, sông là sông. Trong khi ngộ đạo, núi không còn là núi, sông không còn là sông. Ngộ đạo rồi, núi lại là núi mà sông lại là sông.


Chúng ta sẽ chuyển sang một vấn đề khác trong quá trình hình thành nhận thức bản ngã của Sinclair, đó là khi cậu bước vào quá trình thừa nhận mọi “thế giới” của cuộc sống, cả “thế giới ánh sáng” và “thế giới bóng tối”, đại diện là Chúa Abraxas “phi đạo đức”, là tổng hoà cả xấu cả tốt, cả bóng tối ánh sáng, của mọi điều đối lập. Điều quan trọng nhất của sự nhận thức này là việc tách mình khỏi đánh giá và đạo đức hoá tất cả mọi thứ theo khuôn mẫu giáo lý truyền thống trong tâm lý bầy đàn mù quáng. Tiếp đó là thừa nhận sự cân bằng và phi đạo đức của cuộc sống, của Tự Nhiên, mà không gán mác xấu xa cho bất cứ điều gì diễn ra theo tiến trình tự nhiên cả (không phải là không nhận thức những điều xấu xa, mà là không coi những điều tự nhiên là xấu xa, ví dụ như tình dục: trong Thiên Chúa giáo tình dục được coi là đáng xấu hổ hoặc tội lỗi chẳng hạn). Cân bằng, điềm tĩnh và thừa nhận mọi vạn sự tự nhiên cũng như bản năng là cách tốt nhất để truy tìm bản ngã và vị trí cá nhân trong tổng thể linh hồn thế giới.


Và khi đã khám phá được bản thân rồi, Sinclair bắt đầu đi đến linh hồn thế giới với bước khởi đầu là tình yêu thuần túy. Mỗi linh hồn hoá ra chẳng có chút đặc tính cá nhân nào – mỗi linh hồn đều đã tồn tại hàng ngàn hang vạn năm, và nó sẽ vẫn còn phát triển mãi cho đến tận bước cuối cùng khi chính nó hoà vào thế giới, trở thành thế giới. Welcome to Spinoza….


Thế nhưng chỉ với tình yêu, Sinclair mới thực sự hoà với làn điệu của thế giới, đó là khi gặp Frau Eva, mẹ của Demian, và bắt đầu những chuỗi ngày yên bình trong tâm hồn để được chuẩn bị cho những sự thay đổi dữ dội của thế giới. Trong những ngày chuẩn bị đó, họ chỉ chăm chú vào nhiệm vụ và định mệnh nhận thức hoàn thiện bản ngã cá nhân để khởi động hạt giống mà Tự Nhiên đã trồng vào họ. Đây chắc là điểm phức tạp mà thú vị ở tác phẩm này? Chủ nghĩa siêu nhân cá nhân kiểu Nietszche nhưng trong bối cảnh tối hậu là mọi linh hồn đều có vị thế trong Tự Nhiên và vũ trụ, và đều có vai trò và bị cuốn theo dòng chảy dù nhận thức được hay không?


Chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến chương cuối và kết thúc bài viết lê thê lộn xộn những suy diễn vô căn cứ này – sự bắt đầu của chiến tranh. Khi Demian, Sinclair, Frau Eva nói riêng và những người tương tự họ nói chung cảm nhận thấy thế giới rùng mình chuyển động, là lúc họ đã chuẩn bị cho những thay đổi mạnh mẽ và đối mặt với vai trò được cài sẵn của họ bởi Tự Nhiên. Khởi đầu của chiến tranh khiến Sinclair thất vọng khi cậu nhận ra ít người muốn có khả năng sống vì lý tưởng nhưng lại sẵn sàng chết vì lý tưởng miễn là lý tưởng đó được cộng đồng chấp nhận, nhưng đứng trước những thay đổi lớn lao của số mệnh, những người khao khát sống vì lý tưởng truy tìm bản ngã cá nhân cũng phải ngạc nhiên trước ý chí tập thể của những người tuân theo sắp đặt định mệnh dù không ý thức được chúng bằng đức mạnh và danh dự. Rồi rốt cuộc họ chiến đấu hết mình bởi thẳm sâu tâm thức đang thúc đẩy họ tiến đến một khởi đầu mới.


Nói tóm lại, một cuốn sách rất gây tham vọng suy diễn, nhiều biểu tượng, nhiều hình ảnh, lồng ghép nhiều lý thuyết triết học và thần bí (mà rất có thể do tôi tưởng tượng ra). Tôi từng đọc cả Narziss và Goldmund của ông, motif cũng tương tự nhưng được phân tách rõ ràng hơn đôi chút – tuy nhiên vẫn là quý trình lớn lên – đi tìm chính mình – suy tưởng kinh điển. Giống như ba giai đoạn trong bộ Thiên Định của Tarot vậy. Nếu có thể tóm lược Hermann Hesse, tôi sẽ tóm lược trong những cụm sau: Thuyết nguyên mẫu (hoặc kiểu kiểu như thuyết lý tưởng Plato cũng được); thuyết vũ trụ (hơi tương tự Spinoza tý); chủ nghĩa bán duy tâm Đức (có phần giống Kant đấy chứ); chủ nghĩa siêu nhân kiểu Nietszche (có luôn đó nha). Nói chung là một nồi lẩu thập cẩm! Nhưng vẫn đáng đọc thử.



Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Người giúp việc - Kathryn Stockett



Tôi xem phim “Người giúp việc” trước khi đọc truyện qua lời giới thiệu của một người bạn thân, và đây có lẽ là một trong những bộ phim hiếm hoi tôi thấy xứng đáng với truyện: mặc dù chủ đề của tác phẩm hướng vào một trong những vấn đề phức tạp nhất trong lịch sử Mỹ, hoặc thậm chí là lịch sử thế giới, thì nó lại được diễn đạt bằng một cách hết sức rộng mở, và không có sự căng thẳng gay gắt đến tột độ như một số tác phẩm khác cùng chủ đề phân biệt chủng tộc như “Túp lều bác Tom” hay “Giết con chim nhại”. Có lẽ bởi do thời điểm viết nên tác phẩm thì nội chiến đã kết thúc, và ít nhất trên danh nghĩa thì người da đen không còn là nô lệ thuần tuý; cũng có thể đó là do cách tiếp cận từ hướng gia đình của tác giả, đi từ những sự kiện thường ngày; hoặc cũng do tác giả đã lựa chọn cách đấu tranh ôn hoà bằng tri thức và sự bày tỏ sự thật từ góc nhìn của bên nạn nhân thay vì cái nhìn phê phán gay gắt của người quan sát. Dù có từ lý do nào, thì “Người giúp việc” là một cuốn sách hết sức nên đọc, bởi với cá nhân tôi, có là một trong những cuốn sách bồi dưỡng nhân cách mà không sa vào dạy dỗ đạo đức nhàm chán kiểu Nga (mong những người ưa chuộng văn học Nga hãy thứ lỗi cho sự châm biếm của tôi).


Đây là một câu chuyện khá đơn giản, kể về cuộc sống của những người giúp việc da đen trong những gia đình da trắng ở miền Nam vẫn chưa thoát khỏi định kiến truyền thống về chủng tộc và sắc da, và về một cô gái da trắng hiếm hoi đặt câu hỏi cho số phận bị áp đặt lên những con người, quá khứ thì bị cướp đi quyền làm người mà hiện tại thì bị cướp đi phẩm giá và lựa chọn. Câu chuyện có cấu trúc lời kể ngôi một từ từng nhân vật một, gồm Aibeleen, Mimi và Skeeter. Aibeleen và Mimi đều là hầu gái trong những gia đình da trắng, còn Skeeter chính là cô gái da trắng, vì sự ích kỷ của mình mà rốt cuộc lại đem lại cơ hội đấu tranh ôn hoà cho những người giúp việc da đen. Sự đấu tranh nhân đạo và cũng đầy hài hước đó xuất hiện trong một thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn rõ ràng qua những biểu hiện xã hội như: các gia chủ da trắng buộc người giúp việc da đen đi vệ sinh riêng; xe công cộng dồn người da đen vào một chỗ; mọi dịch vụ công cộng hầu như từ chối phục vụ người da đen hoặc đẩy họ vào khu vực riêng biệt; cho đến những vụ bắn chết người da đen một cách nhẫn tâm và không bị truy tố,… Theo một cách nào đó, nỗi sợ và lòng mong mỏi sự thay đổi của những con người đã chịu số phận nhân tạo gây ra bởi đồng loại đã hoà vào nhau để cho ra đời một cuốn sách đầy tình nhân đạo, đánh động ý thức và mang tính đạo đức, ngay cả khi họ phải đối mặt với một cái giá to lớn, thậm chí có thể là mạng sống của họ.


Chúng ta từng có những tác phẩm nói đến sự gắn bó của người da đen với người da trắng, ví dụ như vú Mammy một đời trung thành với Scarlett bướng bỉnh, nhưng chúng ta liệu có biết được vú Mammy nghĩ gì? Bà có lựa chọn thế không? Bà còn có sự lựa chọn nào khác không? Những người vú da đen khi dốc lòng vì những đứa trẻ da trắng đã đổi lấy được cái gì ngoài nỗi sợ hãi mỗi ngày rằng một ngày khi đứa trẻ họ chăm bẵm và yêu thương lớn lên, chúng sẽ bắt đầu bị tiêm nhiễm cái định kiến về sự thấp kém của người da màu, và nỗi đau đớn khi chăm con cho những người phụ nữ không để tâm đến đứa trẻ trong khi phải bỏ lơ những đứa con của chính mình. Và chúng ta có Aibileen, người đàn bà dành cả đời chăm sóc 77 đứa trẻ da trắng, nhưng lại mất chính đứa con đầy triển vọng của mình. Bà là một người yêu chuộng tri thức, từng có hoài bão và mong ước, nhưng định mệnh lại đẩy bà vào tầng lớp có danh tính bị áp đặt là thấp kém, phải chịu nhục nhã và phải sống để chăm nuôi con cái cả thiên hạ nếu muốn kiếm đủ sống để chu cấp cho đứa con của chính mình. Người đàn bà với tấm lòng khoan dung đó rốt cuộc vẫn vất vưởng sống, chăm sóc bé Mae trong khi chính mẹ của bé chẳng để tâm đến bé, mỗi ngày vẫn thủ thỉ vào tai bé rằng con rất ngoan, rất thông minh, rất quan trọng, bởi lẽ trái tim bà không cho phép bà để một đứa trẻ thiếu thốn tình thương trở nên tự ti và khép kín, cho đến khi bà tìm được một động lực sống khác đó chính là câu chuyện trong quyển sách của một cô gái da trắng có thể đem lại được cơ may gợi ra nhận thức cũng như sự nguy hiểm. Rốt cuộc trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời bà sau khi phải nghỉ việc, bà mới tìm thấy ý nghĩa sống bám vào hoài bão từng chỉ là vọng tưởng của tuổi trẻ. Nhưng ít nhất ở cuối câu truyện, Aibileen đã có một công việc bà thích và theo một cách nào đó, bước một chân thoát khỏi số phận đáy xã hội, báo hiệu cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho người da màu. Bà đã chấp nhận đấu tranh, và sự đấu tranh đó đem lại cho bà sự thanh thản. Bà không phải chịu số phận như bà vú da màu của của Skeeter, người phụ nữ đem lại cho Skeeter sự tự tin và phẩm giá cá nhân thay cho người mẹ bị cuộc sống vật chất điều khiển lý trí của cô, nhưng rốt cuộc lại bị chính gia đình mình đã phục vụ suốt 29 năm đuổi đi chỉ vì bà lỡ có một đứa con có làn da màu sáng và đứa trẻ dám trở về đối mặt với gia chủ.


Một nhân vật khác cũng đáng yêu và độc đáo không kém chính là Minny. Minny là bạn thân của Aibileen, tính cách có chút nóng nảy, bộp chộp, nấu ăn rất ngon, an phận nhưng cũng cực kỳ mạnh mẽ và “có máu ăn thua”. Là một người phụ nữ phải chịu bạo hành gia đình, Minny có một nguồn sức sống mạnh mẽ và bao dung đối với những người cô quan tâm, và tinh thần chống đối rất mạnh. Có lẽ hành trình của Minny cho đến trước khi cô tự giải phóng được bản thân mình khỏi bạo hành gia đình, người ta sẽ nhớ đến nhất chiếc bánh sô cô la “đặc chết” cô dành cho Hilly độc địa và ngu xuẩn (mình sẽ không spoilllllll), và sự kiện cô quyết định đưa hành động tặng bánh đó vào quyển sách của Skeeter để làm bảo đảm an toàn cho tất cả những người đã cùng tham gia đấu tranh bất chấp an nguy cá nhân. Đó là một quyết định táo bạo và đáng phục từ một người phụ nữ sẵn sàng đem bản thân ra cược lấy an toàn của bè bạn. Thứ hai có lẽ là khi cuộc đời cô sang trang khi nhận công việc với Celia Foote, một người phụ nữ đến từ nơi nghèo đói và không bị ảnh hưởng bởi định kiến đặc miền Nam như giới da trắng bán quý tộc tự nhận, vợ của một người có tư tưởng khá cấp tiến. Đó là nơi đầu tiên và duy nhất Minny thực sự có tiếng nói và được đối xử như một con người, mặc dù vẫn trong thân phận người giúp việc. Có lẽ Celia Foote là nhân vật tôi ưng nhất trong cả câu chuyện, có lẽ là bởi sự chân thành ngốc nghếch của cô, cũng có lẽ là do cô là một loại ánh sáng ngây thơ, quyến rũ và lột khỏi vỏ bọc đạo đức Cơ Đốc độc ác của lũ đàn bà da trắng mà tôi xin phép được nói thẳng là ngu xuẩn. Có lẽ họ ngu xuẩn cũng không phải tội của họ, mà là do tác động của định kiến xưa cũ và truyền thống bảo thủ thối nát. Họ là những sản phẩm của những điều tồi tệ. Nhưng rốt cuộc điều đó cũng không thể thực sự bào chữa cho những quan niệm sai lầm của họ khi bên cạnh họ vẫn tồn tại những người như Skeeter.


Nhân vật Skeeter có lẽ là nhân vật tôi ít thích nhất, thậm chí còn không thích bằng cả Hilly “xấu xa một cách thuần tuý” hay Leelof “ngu xuẩn một cách thuần tuý”. Trong khi cả hai nhân vật này đều đã mang đặc cái hình ảnh “kẻ xấu” một cách triệt để rồi, thì nhân vật Skeeter theo một cách nào đó lại là một nhân vật đại diện cho quá trình thay đổi: từ sự bàng quan đến quan tâm, và cuối cùng là góp sức vào cuộc đấu tranh chống lại sự phân biệt chủng tộc. Nhưng đây là một nhân vật mà theo tôi là có sự ích kỷ khá nửa vời, không có đặc tính độc đáo. Cô có cảm xúc yêu quý đặc biệt với người vú của mình nhưng khi bà rời đi cô cũng không đặc biệt truy đuổi, cho đến khi cô muốn làm ra một quyển sách cũng chỉ để thoả mãn tham vọng cá nhân chứ không thực sự suy xét đến an toàn cho người tham gia, cho đến sự thờ ơ của cô với gia đình nói chung và với người mẹ bị cuộc sống điều khiển thay vì tự làm chủ đời mình nói riêng. Nói chung nhân vật này mang một tính chất đệm làm cầu nối giữa hai thế giới, thế giới người da đen và người da trắng, thế giới những phụ nữ truyền thống ở nhà ăn hại và thế giới những phụ nữ cấp tiến tự lo cho cuộc sống của mình. Cô là đại diện của tương lai thay đổi nhưng nói chung, Skeeter không phải một nhân vật có tâm tư phức tạp, tinh tế và đáng để suy diễn.


Đây là một câu chuyện rất hay, gợi sự đấu tranh đến từ cuộc sống thường nhật và mang một loại sóng ngầm dữ dội bên dưới mặt hồ phẳng lặng. Một tác phẩm rất đáng đọc.



Mặt trời nhà Scorta - Laurent Gaudé





Tôi đọc “Mặt trời nhà Scorta” kể ra hoàn toàn là do tình cờ: mấy bữa nay lên cơn đọc “Tội ác và Hình phạt”, một quyển sách được liệt vào hàng kinh điển trong mô tả tâm lý nhân vật, nhưng thực tế thì mình chỉ thấy chán ốm cả người bởi loại tư duy đạo đức khô cứng kiểu Nga, nên chỉ muốn kiếm một quyển khác để “giã cơn”; hơn nữa ngày trước tôi từng quen một bà bạn, mở miệng ra là thích chủ nghĩa hiện sinh, lại còn giới thiệu quyển này nên tôi càng quyết không đọc – tôi không phải không ưa chủ nghĩa hiện sinh hay gì, và thực ra tôi thấy nó cũng rất có lý, chẳng qua tôi không hứng thú lắm với việc đặt mình vào tình thế chỉ theo một lối tư duy, lại càng không thích bị người khác giới thiệu quá khích như tống vào mồm như vậy. Đâm ra “Mặt trời nhà Scorta” rơi vào quên lãng gần suốt một năm nay cho đến khi đêm qua tôi soạn lại tủ ebook và quyết định đọc thử xem sao, dù sao nó cũng ngắn.


Quả thật là tôi không hối hận. Rất hay (Cảm thấy rất có lỗi với bản thân vì không chịu đọc nó chỉ vì thói ương bướng khó sửa). Nhưng khi bị cuốn vào rồi thì hầu như không rời ra được. Mà thực ra cái làm tôi thích thủ hơn cả lại không phải tính hiện sinh trong truyện, mà là cái chất “đặc Ý” đến độ đáng ngạc nhiên – tôi đã sống ở Ý ba năm có lẻ và thực sự phải thừa nhận cái sự Ý đó được thể hiện quá xuất sắc. Câu chuyện tập trung vào 3 thế hệ của gia đình Scorta, sinh ra từ một vụ hiếp dâm của một tay tội phạm ra tù. Rồi con hắn được sinh ra, rồi đến cháu hắn được sinh ra, tất cả đều bước vào cuộc đời với hai bàn tay trắng và gầy dựng cuộc sống từ con số không. Thế nhưng, ngay cả khi đem trên mình “lời nguyền huyết nhục”, họ đã, đang và sẽ mãi mãi là những thành viên trong cái dòng họ đó, liên kết chặt chẽ, truyền đi những bí mật dòng họ để kéo dài sự tồn tại và dấu ấn của “một cái gì đó” trên đời.


Đầu tiên chính là tính gia tộc, hay nói ở tầm thu hẹp hơn là tính gia đình. Nếu ai đã đọc Bố Già rồi thì chắc cũng hiểu phần nào cái chất “gia tộc” được đặt lên trên mọi thứ của người Ý – đến cái độ mỗi cá nhân đều phải suy nghĩ và hết mình cho gia tộc. Điều này được thể hiện rõ ràng nhất qua câu nói của Domenico với đứa cháu là Elia sau khi ông giúp thằng cháu trốn khỏi làng Montepuccio vì đã dám cả gan đánh cắp những tấm mề đay trong lễ hội thánh: “Elia, con chẳng là cái gì cả, cả bác nữa cũng vậy. Chỉ có gia tộc là đáng kể. Không có gia tộc, con ắt chết và trái đất vẫn tiếp tục quay mà thậm chí chẳng nhận thấy là con đã biến mất. Chúng ta sinh ra. Chúng ta chết đi. Và trong khoảng giữa, chỉ có một điều là đáng kể. Con và bác, tách riêng ra, chúng ta chẳng là cái gì hết. Nhưng những người mang họ Scorta, dòng họ Scorta, đó là một cái gì.” Câu nói này khẳng định rõ ràng nhất tính chất bám chặt vào gia đình và gia tộc đậm chất Ý, mà trên thế giới này chắc không nơi nào sánh nổi. Tính trung kiên với gia tộc này còn thể hiện ở những sự lựa chọn của các thành viên trong gia đình Scorta: từ yêu cầu kiên quyết của “bạo chúa” Rocco rằng mọi thành viên Scorta phải được chon cất như ông hoàng bà chúa, cho đến Carmela ngay cả khi lấy chồng đổi họ vẫn kiên quyết mình là một thành viên họ Scorta, cho đến cả Anna sau này khi đã có cơ hội rời khỏi cái mảnh đất chôn vùi ba thế hệ trong gia tộc nhưng rốt cuộc vẫn nhận về huyết quản những cái “chất Scorta” – những tri thức được đúc kết qua các thế hệ và được truyền lại cho con cháu như một mong ước về sự trung thành với gia đình cũng như sự mở mang tầm mắt và lòng kiêu hãnh. Hãy nhìn cái cách người Ý hết lòng vì gia đình và vì thế hệ sau – thẳm sâu trong họ, đằng sau nhưng mong ước tốt đẹp thường tình của các bậc tiền bối dành cho hậu bối, đó là nỗi khao khát được để lại dấu ấn trên đời.


Có lẽ chính từ tính chất gia tộc truyền đời của người Ý mà ta có thể đi đến những suy ngẫm về định mệnh và sự tồn tại. Từ khởi đầu câu chuyện cho đến những dòng cuối cùng, phong cách tiếp cận của tác giả, hơi mang máng gợi đến “Trăm năm cô đơn” tuy không siêu thực bằng, đem đến cảm xúc về sự chấp nhận số phận mạnh mẽ, ngay cả khi trong sự chấp nhận đó là những nỗ lực kiên cường để tồn tại, để để lại dấu ấn và để truy cầu hạnh phúc.


Hãy chú ý đến sự chấp nhận số phận và định mệnh của những nhân vật trong truyện: từ Mascalzone chấp nhận bị giết ngay sau khi hiếp Immacolata, từ người phụ nữ đầu tiên của dòng họ là Immacolata chấp nhận bị hiếp để sinh ra Rocco, rồi đến Rocco chấp nhận định mệnh của mình để trở thành một kẻ cướp tàn bạo, và những đứa con của Rocco chấp nhận cha chuúng ném đi mọi thứ chúng từng được hưởng để bắt đầu sống từ bàn tay trắng; Carmela chấp nhận định mệnh của mình là người của dòng họ Scorta từ khi Rocco xoa đầu cô một lần duy nhất trước khi chết; cả ba anh em chấp nhận cuộc đời mình sẽ phải gắn với nắng, với bụi, với cái nóng và cái nghèo của mảnh đất chon rau cắt rốn khi bị đuổi khỏi thế giới mới; những đứa con của họ cũng chấp nhận và giang tay ôm lấy số phận bị trói buộc lại mảnh đất đó như cha mẹ chú bác của chúng,… dường như dòng chảy số phận của dòng họ này đã được định là sẽ vươn lên và sinh tồn trong cái nóng và cái gắt của mặt trời miền Nam.


Thế nhưng đằng sau sự chấp thuận số phận đó là sự nỗ lực lao động và truy cầu hạnh phúc. Mỗi thế hệ của dòng họ Scorta được tóm trong câu trả lời của Elia khi cầu hôn nàng Maria của đời anh:

“Thế dòng họ Scorta hợp với cái gì?”
“Với mồ hôi”.

Mỗi thế hệ đều bắt đầu bằng đôi bàn tay trắng: Rocco xây dựng cả một gia tài khổng lồ và trở thành bạo chúa của Montepuccio từ đôi bàn tay của một đứa trẻ mồ côi từng suýt bị dân làng giết chết; ba an hem Domenico, Carmela và Donato xây xựng gia tài từ việc chạy việc chui khi ở trên tàu bị đuổi về từ New York, và từ vay nợ buôn lậu để mở cửa hang thuốc lá đầu tiên ở Montepuccio; và ấn tượng nhất, có lẽ chính là Elia với việc tự tay đốt trụi cửa hàng thuốc lá của mẹ để xây dựng lại từ hai bàn tay trắng. Đây là một chi tiết đặc sắc cần phải chú ý: Elia đã “lựa chọn” việc đốt cửa hàng thuốc lá để bắt đầu lại từ đầu, bởi cậu đã thấu hiểu chính xác tri thức được truyền lại trong máu và trong truyền thống của gia đình – đó là lao động và xây dựng. Cậu không thừa kế, không quản lý tài sản để lại của mẹ, mà tự mình đấu tranh để đem lại cuộc sống sung túc cho vợ và con; và chi tiết này đặc sắc hơn cả khi đặt vào thế đối lập trong số phận của mẹ và các chú bác của cậu: họ không lựa chọn việc bắt đầu bằng tay trắng mà họ bị cha của họ, tức Rocco, cưỡng ép tước đoạt đi, và chính ở sự bị động đó họ mới thấm thía được bài học tồn tại lớn nhất trong đời người, đó là lao động. Đến cuối đời mỗi người trong số họ đều đã có sự nghiệp của riêng mình; nhưng rốt cuộc họ vẫn sống và chết ở chính cái mảnh đất khô cằn nắng gắt đó.


Chính từ hai từ lao động này đã dẫn chúng ta đến với hai câu hỏi hiện sinh lớn trong cuộc đời: ý nghĩa cuộc sống là gì và hạnh phúc là gì?


Chúng ta sinh ra có ý nghĩa gì không, và có thực sự để lại di sản gì không? Con người sinh ra có một mục đích được định sẵn không, hay chúng ta tự xây dựng bản thân mình và tự đặt ra mục đích của mình? Trong câu chuyện này, những thành viên trong gia tộc Scorta, mỗi người một cuộc đời riêng, một số phận riêng, cống hiến mình vào lao động, nhưng trong họ vẫn luôn có gì đó mênh mang và trống rỗng, như thể tự thân họ không có ý nghĩa mà phải nhờ lao động đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Đặc biệt hơn, chúng ta phải chú ý vào cách kể chuyện của tác giả - không chú trọng đặc tả nội tâm, tiếng lòng hay tính cách nhân vật, mà mô tả lựa chọn và hành động của họ để người đọc tự cảm tính cách của nhân vật. Và chúng ta có thể thấy được tinh thần hiện sinh trong cách tác giả dẫn dắt truyện: những sự kiện, những ảnh hưởng, những suy nghĩ cá nhân tạo nên một con người chứ không phải những cá nhân được sinh ra với tính cách và mục đích định sẵn – điều này dường như mâu thuẫn với phán đoán của tôi ở trên về định mệnh và số phận của mỗi con người; nhưng thực ra không hẳn. Khi định mệnh đem các cá nhân đến với cuộc đời, và cũng đem đến cho họ những sự lựa chọn. Họ có thể lựa chọn truy tìm ý nghĩa cuộc sống – giống như ba anh em nhà Scorta, hay Elia, tức là lao động đem lại sung túc cho gia đình; nhưng họ cũng có thể lựa chọn như em trai của Elia, lao đầu vào buôn lậu, dành nốt những ngày cuối cùng trơ trọi, cô đơn, vô nghĩa trên biển và đến với cái chết như tro bụi, không để lại chút dấu vết gì.


Nhưng dù chọn thế nào đi chăng nữa, tác giả vẫn giữ nguyên tinh thần hiện sinh về sự vô nghĩa của cuộc sống qua chính tri thức mà Domenico truyền lại cho Elia ở câu nói trên: “Elia, con chẳng là cái gì cả, cả bác nữa cũng vậy. Chỉ có gia tộc là đáng kể. Không có gia tộc, con ắt chết và trái đất vẫn tiếp tục quay mà thậm chí chẳng nhận thấy là con đã biến mất. Chúng ta sinh ra. Chúng ta chết đi. Và trong khoảng giữa, chỉ có một điều là đáng kể. Con và bác, tách riêng ra, chúng ta chẳng là cái gì hết. Nhưng những người mang họ Scorta, dòng họ Scorta, đó là một cái gì.”


Như vậy, mặc dù nhận thức được rõ sự vô nghĩa của mỗi mảnh đời, nhưng họ vẫn khao khát để lại một dấu vết gì đó để chứng minh họ đã tồn tại, để lại di sản trong thời gian vô tận. Câu trả lời của họ chính là gia tộc, truyền thống và tri thức. Bởi vì rốt cuộc, cho đến tận cuối đời, vẫn chưa có một cá nhân nào trong dòng họ sinh ra với lời nguyền cực nhọc này hiểu ra hạnh phúc là gì. Cuộc đời họ trôi qua với bao sự kiện, bao cống hiến, mà dường như khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời họ lại chỉ là một bữa ăn no căng có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Có lẽ đó chính là câu trả lời của họ với hai câu hỏi lớn trong chủ nghĩa hiện sinh: ý nghĩa cuộc đời và hạnh phuc mỗi người là để lại di sản truyền đời, và cả hai điều đó chỉ có thể đạt được trong gia đình dòng họ. Của cải có thể tiêu tán, lãnh địa có thể bị cướp đoạt, đế chế có thể bị suy tàn, chỉ có sự thông thái ăn trong truyền thống gia đình là còn được truyền đi mãi mãi. Đó là cách họ tiếp tục sống.


Có hai hình ảnh so sánh tôi thích nhất trong truyện: đó là hình ảnh điếu thuốc lá với cuộc đời con người:

“Cả đống thuốc lá đốt thành khói, ấy đấy, cuộc đời con giống như thế đấy. Những cuộn khói tan biến trong gió. Tất cả những cái đó chả là gì hết. Đó là một cuộc đời kỳ lạ mà người ta rít phì phèo, kẻ thì lập bập bồn chồn, người thì bình thản từng hơi dài, vào những chiều hè.”


Và mặc dù biết cuộc đời chỉ là phù du, nhưng con người ta vẫn phải cưỡng bức mình chèo lái con thuyền cuộc đời đến những ngày cuối cùng. Và chỉ trước khi chết, họ mới biết họ có hạnh phúc hay không. Nhưng cũng có thể, đây là câu hỏi vĩnh viễn không có lời giải đáp.


Và hình ảnh thứ hai chính là cây ô liu:

Nó chín rồi hư mục. Nhưng những trái ô-liu thì kế tiếp nhau một cách bất tận và lặp đi lặp lại. Chúng đều khác nhau, nhưng chuỗi dài nối tiếp của chúng thì vô tận. Chúng cùng một hình dáng, cùng một màu, chúng chín dưới cùng một mặt trời và có cùng một vị. Phải, những cây ô-liu là vĩnh cửu. Cũng như con người. Cũng cùng một sự nối tiếp bất tận sống và chết. Chuỗi dài những con người không đứt đoạn. Chẳng bao lâu sẽ đến lượt cha biến mất. Kết thúc cuộc đời. Nhưng mọi sự vẫn tiếp tục với những người khác chúng ta.”



Cây ô liu đó chính là gia phả của gia đình Scorta, những trái ô liu mọc r, chín nẫu và hư mục chính là những cá nhân cùng chung dòng dinh dưỡng tri thức gia tộc đó. Nhưng tất cả chúng đều có chung cội rễ là sự khô cằn sỏi đó của mảnh đất nắng bụi. Trái ô liu thì hư mục mà cái cây thì luôn còn mãi.


Văn phong đơn giản, khách quan và tinh tế, cùng với sự thấu hiểu sâu sắc về phong cách và tính chất Ý đã đem lại cho câu chuyện trăn trở về cuộc sống một sức quyến rũ đặc biệt. Có lẽ không phải là kiểu sách kinh điển buộc phải đọc, nhưng lại là một cuốn sách suy ngẫm không nên bỏ qua.