Kể ra tôi cũng không phải người tin vào thuyết định mệnh hay
những thứ tâm linh tương tự, nhưng dường như những trải nghiệm trong cuộc đời
tôi đều kéo đến theo trình tự cụ thể đủ để tôi thấm dần từng chút tri thức ít ỏi
mà tôi có thể lĩnh hội được. Demian đến với tôi theo cách như thế - tôi tình cờ
đọc được một chút Spinoza từ rất lâu về trước, và đột ngột trong hai tháng trở
lại đây những cơ hội bồi đắp kiến thức về mảng tâm linh tăng đột biến: hai
tháng trước tôi bất thình lình hứng thú với lịch sử và cách tiếp cận tri thức của
người Do Thái; tháng trước trong chuyến đi vòng quanh Đông Âu, khi tôi gặp một
cô bé năng động ở Hungary, cô bé đã giới thiệu tôi với Demian, và khi tôi leo
núi Vitosha ở Bulgaria, một giám đốc công ty phân phối thuốc lá chợ đen đã kể
cho tôi về lịch sử tôn giáo thần bí châu Âu, người thầy tâm linh của ông và
cách ông tiếp cận phần tâm hồn mình. Tất cả những sự kiện trên: triết học vũ trụ
Spinoza, lịch sử và văn hoá Do Thái, cuộc trò chuyện tôn giáo, sự tò mò với
Nietzsche – hầu như được tổng hợp và tóm gọn lại bởi Demian.
Thật ra mà nói Demian không có chiều sâu và tầm ảnh hưởng rộng
như cuốn Nhà Giả Kim của Coelho tôi từng đọc và viết cảm nhận trước đó nhưng nó cũng có những điều thú vị riêng đủ
khiến tôi thấy háo hức chép lại đôi điều sau khi đọc. Hơn nữa, tôi sẽ rất tích
cực đề cử bạn đọc, trước khi đọc Demian, hãy ngó qua một chút xíu triết học vũ
trụ của Spinoza, một chút tư duy trong văn hoá Do Thái, đọc cả Coelho nếu có thời
gian, và kết thúc Demian thì hãy đọc liền sau đó là Zarathustra nói thế của
Nietzsche. Nhưng nếu có ai hỏi tôi tóm tắt quyển sách nhỏ này, tôi sẽ chỉ nói rằng:
đó là một câu chuyện của một cậu nhóc nhà khá giả được bảo bọc quá kĩ, không được
chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với khủng hoảng tuổi dậy thì. Chỉ vậy thôi.
Nhưung Demian là một cuốn sách phản chiếu tham vọng của tôi
– không phải ở kiểu tham vọng về tương lai, mà là tham vọng về suy diễn chắp
ghép ý tưởng mà tôi cho rằng nó được đề cập đến trong sách. Hơn nữa do đã lâu
không suy nghĩ logic, nên bài viết này sẽ phân tích theo mạch truyện, và đi vào
những trích đoạn, những chi tiết tôi thích thú hơn cả. Sẽ không có một tổng kết,
một tóm lược ý chính nào xuất hiện ở đây; cũng sẽ chẳng có cảm nhận thực tế
nào: chỉ đơn thuần là suy tưởng của một người rỗi rãi khi đọc về tuổi dậy thì của
một thanh niên cũng rỗi rãi chẳng kém khác.
Điều đầu tiên tôi chú ý đến ở khoảng một phần ba đầu sách
không phải bản thân nhân vật chính là cậu bé yếu nhược được nuôi dạy trong một
gia đình đặc tính con chiên sùng đạo thuần tuý Sinclair và sự hèn nhát của cậu
bé trước mối đe doạ từ thế giới bên ngoài – ngay cả khi đó là dấu hiệu tiền đề
đầu tiên báo hiệu sự nhạy cảm tâm linh vượt khỏi đạo đức bầy đàn của cậu, mà là
cậu bé Demian. Kể ra tôi chú ý đến Demian hơn cả cũng là điều bình thường, cậu
bé hầu như là một nửa nhân vật chính, là người thầy tinh thần của Sinclair, và
quan trọng hơn cả cậu bé hầu như là một phần của Sinclair, là phản chiếu hình ảnh
tương lai của Sinclair, phản chiếu tư tưởng ở mức độ cao hơn của Sinclair, và
thậm chí cả bóng hình Chúa của thế giới bên trong Sinclair. Những tư tưởng tôn giáo Demian đề cập đến rất
mới mẻ và thú vị: ví dụ như chi tiết cậu bé nói về dấu ấn đặc biệt trên trán
Cain để đánh dấu những người khác biệt, và do đám đông sợ những gì khác với họ
nên mới áp đặt cái xấu lên sự khác biệt đó; hoặc như chi tiết cậu bé nói đến
hai tên trộm xấu xa bị đóng đinh cùng Chúa, khi một kẻ cả đời xấu xa lại lập tức
hối cải với một bài diễn văn bi thống, còn kẻ còn lại thì biết rằng mọi chuyện
đã đến điểm cuối cùng của sự và thà giữ nguyên “bản tính ác quỷ” trong sự chấp
nhận định mệnh – một kẻ có “đặc tính” cá nhân độc đáo, và hãy nhìn xem, trong
kinh thánh, những người “độc đáo” như vậy hầu như đều có những cái kết nhanh gọn
và sớm sủa. Một lời móc mỉa nhẹ nhàng đến những kẻ an phận thủ thường tôn sùng
đạo đức nhân tạo của đám đông chăng?
Những chi tiết trên thú vị không chỉ vì ý tưởng mới mẻ nằm
trong chúng, mà nó dấy lên những câu hỏi thực sự đáng suy xét về đạo đức, thái
độ đối mặt hoàn cảnh và tư duy của nhân loại trong bối cảnh truyền thống và tập
tục kiểm soát hướng tư duy. Chúng ta phải đặt câu hỏi với những điều mà chúng
ta đã mặc định là xấu xa từ lâu đến độ chúng đã trở thành hiển nhiên – bởi lẽ mọi
quan niệm trên đời đều là nhân tạo; không có điều gì có thể diễn tả thành lời lại
thực sự là chân lý của tự nhiên; mọi thứ trong tầm tư duy đều có khả năng bị chất
vất và suy xét liên tục, và hầu như khó có thể đến kết quả cuối cùng, mà chỉ có
thể dừng lại trong khoảng khả năng trí tuệ cá nhân. Nhưng chúng ta sẽ tiếp tục
vấn đề thấu hiểu tự nhiên ở phần sau, khi Sinclair đi vào thế giới nội tâm cá
nhân. Ở phần này của quyển sách, có hai điều tôi thấy nổi trội hơn cả: thứ nhất
là sự thừa nhận một cách hết sức duy lý của Sinclair về việc cậu ý thức được sự
trốn chạy của mình về “thế giới ánh sáng” yên ấm trong vòng tay của cha mẹ sau
sự cố gây cảm giác tội lỗi trong lương tâm với Kromber – trên cả việc cậu bé nhận
thức được thế giới đạo đức đẹp đẽ trong thế giới sùng đạo của cha mẹ đối lập với
“thế giới bóng tối” thực tế bên ngoài, tôi chỉ thấy hứng thú nhất với Sinclair
thời thơ ấu chỉ với duy nhất một câu thừa nhận rằng: “I had to replace my dependence on Kromer with a new one, for I was
unable to walk alone”. Trong môi trường thuần tuý sùng đạo mà cậu bé được
nuôi dạy, Sinclair không hề được chuẩn bị cho những biến cố mới mẻ trong cuộc sống
và cũng không được làm quen với những mặt “xấu xa” rất tự nhiên trong bản chất
của loài người, nên khi đối mặt với chúng, cậu đã lựa chọn quay trở về phụ thuộc
vào thế giới ánh sáng của trẻ thơ trong vòng tay cha mẹ, thay vì bứt ra truy
tìm tri thức và bản ngã của mình, hoặc đối mặt với Demian. Ít nhất chính ở thời
điểm đứng trước lựa chọn đó, cậu bé đã hiểu ra: “nothing in the world is more distasteful to a man than to take the
path that leads to himself” (tạm dịch: trên thế gian này không có gì cay đắng
hơn việc truy đuổi con đường dẫn đến bản ngã cá nhân).
Điều thứ hai đó chính là con đường dẫn đến tri thức của
Demian – cách cậu bé suy xét và đặt câu hỏi cho mọi thứ ngay cả với kinh thánh
và tôn giáo. Nói cách khác, cách cậu bé được chuẩn bị trước những thử thách của
thế giới hỗn độn bên ngoài và cả thế giới bí ẩn chưa được khai phá trong chính
bản thân mình. Từ đâu cậu bé nhận được hướng dẫn tư duy tự do và cá nhân đến
như thế? Chúng ta hoàn toàn có thể trả lời rằng đó là món quà thiên tài; vô thần;
trí tò mò cố hữu của con người trước khi bị tôn giáo và đạo đức đám đông đồng
hoá,… Có rất nhiều hướng suy diễn, và đường tôi thích nhất chính là lí giải về
môi trường tôn giáo dân tộc và chủ nghĩa cá nhân đạo Do Thái – tất nhiên đây
không phải câu trả lời đầy đủ; đây chỉ là hướng suy diễn tôi hứng thú nhất
trong thời điểm hiện tại, do tôi mới được tiếp cận đôi chút với lịch sử và trí
tuệ Do Thái mà thôi. Hơn nữa, chính từ điểm nhìn này mà dẫn đến cuộc đối thoại
về sự tồn tại của ý chí tự do xảy đến sau đó giữa Sinclair và Demian, và thậm
chí còn ám ảnh Sinclair suốt thời dậy thì.
Trên thế giới này, có một dân tộc đã phát minh ra giáo phái
độc thần đầu tiên, khởi nguồn của Thiên Chúa Giáo và cả Hồi Giáo sau này (chúng
ta không nhắc đến các biến thể trong Thiên Chúa Giáo như Công giáo La Mã, Chính
Thống giáo, Anh giáo, Tin Lành bla bla bla các kiểu nhé, tóm vào là Thiên Chúa
giáo thoi), đó chính là dân tộc Do Thái với đạo Do. Đây cũng là dân tộc duy nhất
khi người ta nhắc đến trí thông minh thì người ta sẽ nói là trí thông minh Do
Thái – một cách nói rằng trí thông minh này đến từ rèn luyên qua truyền thống
dân tộc và tập tục tôn giáo. Nếu một người thông minh theo Thiên Chúa giáo,
không ai gọi anh ta là trí tuệ Thiên Chúa Giáo; tương tự như vậy với Phật Giáo,
Hồi giáo. Bởi lẽ trong những con người đó, tôn giáo không đóng góp vào khả năng
phát triển trí tuệ mà chỉ đóng phần cấu tạo hệ thống tư duy đạo đức mà thôi;
nhưng Do Thái giáo khác hẳn – với những quy định và tập tục của họ, như mọi đứa
trẻ phải đến trường, như khuyến khích những người giỏi nhất kết hôn với
nhau,…cùng với lịch sử liên tục bị xua đuổi nên phải liên tục thích nghi, liên
tục dịch chuyển, sống ở thành phố, không được sở hữu gì ngoài trí tuệ cá nhân,
và buộc phải làm những nghề cần tri thức chuyên môn phức tạp nhưng không được
coi trọng ngày trước như ngân hàng, buôn bán, luật sư,… đã tạo ra một dân tộc đề
cao tri thức hơn tất cả mọi điều, và luôn sống để bảo toàn tri thức bằng cách
luôn đặt câu hỏi, luôn phân tích và xét đoán mọi thứ, ngay cả kinh thánh của
chính họ. Hay trên thực tế, chính kinh thánh bất ly thân của họ là nguồn gốc
phát triển trí não đa dạng hiệu quả nhất, khi mọi câu chuyện và truyền thuyết
trong đó được viết theo hướng mở buộc người đọc bàn luận và tư duy: chính nhờ
đó chúng ta mới bắt gặp được đôi chút tư duy của họ trong hai cuộc đối thoại về
kinh thánh giữa Sinclair và Demian. Và cũng chính nhờ môi trường giáo dục này
mà Demian nói riêng được chuẩn bị cho sự phức tạp của chính bản ngã và tâm hồn
mình cũng như sự cân bằng cả xấu cả tốt trong “đạo” của Tự Nhiên, của thế giới
thực.
Chính từ môi trường này mà chủ nghĩa cá nhân trong Demian
nói riêng được phát triển mạnh mẽ - tư tưởng riêng, sự tự khám phá, tự cứu chuộc,
nói chung là lý tưởng tất cả mọi sự phải tự thân trải qua và đối mặt để có thể
thấu hiểu chính bản thân mình. Đây chính là từ khoá quan trọng nhất của toàn bộ
câu chuyện: Thấu Hiểu Bản Thân. Chúng ta có thể sa đà vào những thứ nghe có vẻ
tâm linh và sâu sắc hơn, như truy tìm bản ngã, theo đuổi tâm hồn cá nhân các thứ,
nhưng đối với tôi ở mức độ hiện thực và hiệu quả thì đó là Thấu Hiểu Bản Thân. Nhưng
một điểm độc đáo ở chỗ, chính chủ nghĩa cá nhân và tự nghiệm của Demian lại gây
ra những bối rối trong việc xác định chỗ đứng của bản thân trên thế giới và ý
chí tự do cá nhân. Đây chính là khó khăn tuổi dậy thì Sinclair phải đối mặt:
xác định ý chí tự do của mình, dùng nó để vượt qua những “mặt tối” trong bản
ngã, để biết được Mục Đích Tồn Tại, để biết vai trò của mình trong dòng chảy Tự
Nhiên.
Nếu chúng ta nhớ lại những giáo lý Thiên Chúa Giáo về Chúa
toàn năng, toàn thiện và toàn tri, thì chúng ta cũng có thể phần nào hiểu được
mâu thuẫn bất khả lí giải trong ba đặc tính người ta thường gán cho Đức Chúa tối
cao này: nếu Chúa toàn năng thì ngài có thể làm được mọi việc kể cả điều xấu,
và thực tế thì điều xấu xuất hiện mỗi ngày, như vậy Chúa không thể toàn thiện
được; nhưng nếu Chúa toàn thiện thì ngài không thể làm điều xấu, mà nếu có gì
đó ngài không thể làm tức là ngài không toàn năng; và điều quan trọng nhất tôi
muốn đề cập đến chính là đặc tính toàn tri được gán cho Thiên Chúa, bởi nó đặt
ra câu hỏi muôn thuở về ý chí của con người: toàn tri. Nếu ngài toàn tri, biết
tất cả mọi sự, vậy thì con người làm gì có ý chí tự do? Cuộc sống của con người
đã được sắp đặt, được dự đoán hết cả, vậy thì mục đích được sinh ra và tồn tại
của con người là gì? Trên thực tế, Thiên Chúa Giáo cho rằng con người ý chí tự
do chỉ để cho họ giữa hai sự lựa chọn: tuân theo lời Chúa, tức giáo lý tôn giáo
được soạn bởi con người để được cứu rỗi, hoặc bất tuân và bị trừng phạt dưới địa
ngục. Đây là ý chí tự do trong quan niệm của tôn giáo. Nói tóm lại, thực ra
chúng ta không có ý chí tự do. Bởi Chúa biết tất và đã sắp đặt tất.
Nhưng trong trường hợp được nêu lên trong sách thông qua
Demian và những khó khăn mà Sinclair phải đối mặt, thì ý chí tự do được hiểu
theo cách khác. Demian đã phủ nhận ý chí tự do kiểu tôn giáo với Sinclair, bởi
lẽ theo Demian, có một định mệnh đặt ra cho tất cả, nhưng định mệnh đó không đến
từ Chúa, mà đến từ chính thẳm sâu tâm hồn mỗi con người. Như kiểu thuyết nhị
nguyên ấy, con người có thân xác và linh hồn, và cái mục đích tối cao nằm trong
thẳm sâu vô thức linh hồn chúng ta xác định giá trị của chúng ta, và chúng ta
chỉ thực sự có được ý chí tự do khi dùng hết sức lực, lòng nhiệt thành và tâm
trí để theo đuổi mục đích khám phá bản thân đó. Nói tóm lại, không khác gì mục
đích luận của Aristotle cho lắm: mục đích của con người là hoàn thiện bản thể
là vì chính bản thân chứ không phải vì bất cứ điều gì khác. Nhưng nói chung đến
cuối truyện thì Demian đi xa hơn, hướng theo thuyết vũ trụ mà có lẽ chúng ta sẽ
quay lại khi nhắc đến chi tiết đó sau.
Như vậy có hai điều chúng ta nhận ra được về quan điểm ý chí
tự do của Demian: thứ nhất là chúng ta không có ý chí tự do. Đoạn đối thoại này
khiến tôi nảy sinh nhiều câu hỏi. Ý của Demian khi nói chúng ta không có ý chí
tự do, mà chỉ tự do khi dùng hết sức lực theo đuổi mục đích khám phá bản ngã thẳm
sâu trong tâm hồn, vậy thì cái “ý chí tự do” đó có thật hay không? Hay nó cũng
đã được sắp đặt trước bởi định mệnh: một cơ số người ít ỏi được định sẵn ra là
sẽ đi theo hướng tư duy truy tìm bản ngã này và tin rằng ý chí tự do khi dùng hết
sức bình sinh theo đuổi nó. Hay chúng ta có ý chí tự do khi thoát khỏi tư duy bầy
đàn truyền thống để theo đuổi mục đích bản ngã của mình? Hay thực ra cái “ý chí
tự do” đó cũng chỉ là được định mệnh đặt ra sẵn, bởi lẽ nghĩ đi nghĩ lại, nếu
chúng ta phát hiện ra con đường truy tìm mục đích tồn tại cá nhân, nhưng từ chối
dùng ý chí để đạt đến mục đích đó, tức là từ chối đi theo “tiếng gọi tâm hồn”,
thì như thế cũng có thể nói chúng ta đã làm chủ ý chí thoát khỏi định mệnh được
đặt trước trong chúng ta lắm chứ? Tự đi tìm một mục đích khác thay vì mục đích
đã được đặt sẵn, nghe như vậy cũng tự do lắm mà. Well, bạn có thể tranh luận rằng
như vậy cái mục đích sau này mới là mục đích thực, và chúng ta sẽ quay lại cuộc
cãi lộn hồi quy vô tận mà thôi.
Rời khỏi tâm linh, có một điểm “trần tục” dễ hiểu hơn về cái
“ý chí tự do” này: tức là theo một cách nào đó, ý chí của chúng ta luôn bị ảnh
hưởng bởi thế giới, con người, tập tục, truyền thống, sách vở bên ngoài, và như
vậy hầu như ý chí không thể tự do. Vậy nên rất có thể ý chí tự do mà Demian muốn
nhắc đến là việc rời bỏ những định kiến, quan điểm, đạo đức bầy đàn cố hữu để
truy tìm bản thân, thì đó đã là tự do điều khiển ý chí rồi. (Thực ra đây chính
là điều Demian đề cập đến, tôi chỉ giỏi mỗi trò phức tạp hoá mọi thứ lên thôi.
Nhưng suy diễn chút đỉnh cũng thú vị).
Nói chung, dù có thực sự sở hữu ý chí tự do không thì cả
Sinclair và Demian nói riêng cũng như số ít có ý thức tự khám phá cũng quyết
tâm truy tìm mục đích tồn tại tối hậu của con người bên trong tâm thức, và quyết
định đó là định mệnh của con người. Nhưng định mệnh là gì? Tiếng kêu gọi trong
tâm thức đó là gì? Định mệnh đó được sắp đặt bởi Chúa hoặc thế lực Tự Nhiên nào
đó, hay chúng được tạo nên bởi các mảnh ghép sự kiện đời thường xảy ra một cách
tình cờ quanh nhân cách đó? Bạn biết đấy, có trước thì có sau, các chuỗi sự kiện
cũng có thể xô đẩy và thay đổi tâm thức con người ta lắm chứ? Hay định mệnh đó
chỉ có một mà thôi? Và nó có thực sự thuộc về mỗi người không hay nó xuất phát
từ tiếng gọi cao cả gơn? Và khi chúng ta tuân theo ‘tiếng gọi bên trong đó’,
chúng ta tuân theo chính mình hay tuân theo một mục đích đã được cài sẵn vào
chúng ta như mệnh lệnh cài vào robot? Và nỗ lực hết mình để đạt được mệnh lệnh
đó là chúng ta đã tự mình lựa chọn theo đuổi số mệnh, hay chúng ta đã đầu hàng
số mệnh mà không có ý chí tự do để cự tuyệt?
Trăn trở về định mệnh cá nhân và ý nghĩa tồn tại của mình,
Sinclair phải đơn độc bước vào hành trình đi tìm chính mình (hay còn gọi là nổi
loạn tuổi dậy thì) mà không có sự hướng dẫn của người dẫn đường tâm linh
Demian. Có một vài sự kiện lớn hơn cả ảnh hưởng đến quá trình thay đổi trong tư
duy của Demian mà tôi đặc biệt chú ý.
Thứ nhất là sự ý thức được bản thân mình. Trước khi đào sâu
được vào tâm hồn bản ngã, thấu hiểu được tiềm thức cá nhân, chúng ta phải hiểu,
theo một cách nào đó, con người tạm thời của chúng ta đã. Đó là chi tiết
Sinclair vượt khỏi giai đoạn say sưa nổi loạn và bắt đầu chìm vào suy tưởng, và
đánh dấu cho thời gian bước vào chính mình đó là bức tranh cậu vẽ: mang gương mặt
của mọi linh hồn ảnh hưởng đến cậu. Cậu nhìn thấy hình ảnh Beatrice, hình ảnh
Demian, hình ảnh của chính mình, hình ảnh của Chúa trong cậu,…nói chung là tất
cả. Từ đâu có sự đa dạng liên tưởng như thế? Bởi lẽ ở thời điểm này, Sinclair mới
manh nha hiểu được sự hoà hợp và đồng điệu của những tâm hồn tìm về chính mình
với dòng chảy tổng hoà của Thiên Nhiên – điều mà cậu chỉ thật sự khám phá ra
khi bước vào chiến tranh. Từ thời điểm mơ hồ này cho đến tận khi thừa nhận số
phận, cậu vẫn luôn là một linh hồn riêng biệt tìm thấy đồng điệu với Tự Nhiên
qua kênh Tình Yêu mà thôi. Nhưng ở chi tiết bức tranh này khiến tôi nảy sinh những
câu hỏi về bản ngã: bản ngã là cá nhân hay là một phần của dòng chảy chung?
Bởi lẽ, mỗi con người bị ảnh hưởng và hình thành từ nhiều
người, nhiều sự kiện ngoại tại khác nhau. Mọi sự kiện trong cuộc đời đều tạo
nên một phần nhân cách đó, mọi nhân vật đều thành một phần con người đó, thế
nên mọi hình ảnh phản chiếu trong bức chân dung đó là tất cả mọi người cũng như
là chính Sinclair. Như vậy, nhân cách của con người có thật hay không, hay đó
chỉ là những mảnh ghép của cuộc đời? Và đi sâu hơn thì, bản ngã – mục đích tối
hậu mà những người như Sinclair đang truy tìm – có thật hay không? Hay tiếng gọi
đó cũng chỉ được tạo ra từ nhiều mảnh ghép phản chiếu từ những tiếng gọi khác,
hoặc thậm chí chỉ là miếng ghép thứ cấp trong một bức tranh toàn thể to lớn
hơn?
Hơn nữa điều này còn nói rõ rằng con người nhìn người khác bằng
định kiến cá nhân chứ không phải bản chất nguyên bản nhất của họ. Nhưng
Sinclair thấy mình trong mọi người xung quanh bởi lẽ cậu thậm chí còn chưa hiểu
được chính mình mà chỉ có thể thấy hình ảnh phản chiếu của mình trong những đặc
tính câu thấy trong người khác. Ngay cả với vạn sự xung quanh cũng thế: chúng
ta suy nghĩ về bản thân quá nhiều nên dễ dàng rơi vào trường suy ngẫm về vạn vật
và thế giới bên ngoài thông qua lăng kính cảm xúc cá nhân thay vì thật sự cảm
nhận chúng đúng như chúng là.
Như vậy, cách tốt nhất để hiểu vị trí và ý nghĩa tồn tại của
mình, thì trước hết phải hiểu mình đúng như mình là; sau đó là hoà mình vào
dòng chảy số phận của Tự Nhiên, thấu cảm vạn sự như chúng đúng là chứ không để
phán đoán chủ quan ảnh hưởng nữa. (Sao cảm thấy mình bắt đầu lảm nhảm nhỉ…).
Cái chính là khúc ngay sau đó có một đoạn mô tả đại khái là
sự thiêng liêng của thế giới nằm ngay trong tâm thức của chúng ta và trong cả Tự
Nhiên, và nếu thế giới tự nhiên sụp đổ thì chỉ cần một trong chúng ta cũng có
thể xây dựng lại được chúng, bởi lẽ mọi hình thái tự nhiên nguyên sơ đều có sẵn
trong chúng ta, những điều chúng ta không thực sự thấu hiểu nhưng vẫn giao phó
cho tâm thức của chúng ta dưới dạng tình yêu và sáng tạo.
Nói chung cái khúc này khá tốn trí suy diễn. Nó vừa khiến
tôi gợi đến chủ nghĩa duy tâm Đức của Kant, bạn biết đấy, cái lí thuyết chúng
ta không thể hiểu được vật-tự-thân là gì, mà chỉ hiểu được hiện-tượng của nó mà
thôi. Và tri thức đến từ đâu, từ lý trí thuần tuý hay từ kinh nghiệm? Bởi lẽ
trong trường hợp truy tìm bản ngã của Sinclair và Demian nói riêng thì dường
như họ đi tìm chân lý có sẵn bên trong họ, và dường như tri thức về thế giới phải
được ý thức thông qua bản thể - bởi bản thể là tổng hoà của cả vũ trụ. Nhưng
nói chung nếu sa đà vào vùng phần nhận thức luận của triết học, chúng ta sẽ rối
tung lên mất. Tôi còn đã chuẩn bị sa vào cả lý thuyết của George Berkeley khi đọc
đến khúc này rồi đấy: nếu cả thế giới nằm trong ta và chỉ tồn tại khi được ta
nhận thức, vậy nếu ta không nhận thức nữa thì thế giới không tồn tại nữa à? Như
vậy thế giới bên ngoài có thực hay không? Thôi, xì tốp….
Cái khúc này làm tôi nhớ cuộc trò chuyện với ông giám đốc
công ty phân phối thuốc lá chợ đen trên núi ở Bun khủng khiếp. Ổng là một người
viết hẳn cả một quyển sách chống lại tôn giáo và sự cuồng tín tôn giáo, nhưng lại
tin sâu sắc vào thuyết vũ trụ - mỗi chúng ta là chúa của một thế giới khi phát
triển đến một mức độ nào đó, và chúng ta phải hiểu được tình yêu rồi mới hiểu
được tri thức và cuối cùng là chân lý. Vì Chúa, hỡi những tư tưởng ảo tưởng!
Kể ra còn gợi đến cho tôi cả công án thiền nữa đấy. Bạn biết
đấy, trước khi ngộ đạo núi là núi, sông là sông. Trong khi ngộ đạo, núi không
còn là núi, sông không còn là sông. Ngộ đạo rồi, núi lại là núi mà sông lại là
sông.
Chúng ta sẽ chuyển sang một vấn đề khác trong quá trình hình
thành nhận thức bản ngã của Sinclair, đó là khi cậu bước vào quá trình thừa nhận
mọi “thế giới” của cuộc sống, cả “thế giới ánh sáng” và “thế giới bóng tối”, đại
diện là Chúa Abraxas “phi đạo đức”, là tổng hoà cả xấu cả tốt, cả bóng tối ánh
sáng, của mọi điều đối lập. Điều quan trọng nhất của sự nhận thức này là việc
tách mình khỏi đánh giá và đạo đức hoá tất cả mọi thứ theo khuôn mẫu giáo lý
truyền thống trong tâm lý bầy đàn mù quáng. Tiếp đó là thừa nhận sự cân bằng và
phi đạo đức của cuộc sống, của Tự Nhiên, mà không gán mác xấu xa cho bất cứ điều
gì diễn ra theo tiến trình tự nhiên cả (không phải là không nhận thức những điều
xấu xa, mà là không coi những điều tự nhiên là xấu xa, ví dụ như tình dục:
trong Thiên Chúa giáo tình dục được coi là đáng xấu hổ hoặc tội lỗi chẳng hạn).
Cân bằng, điềm tĩnh và thừa nhận mọi vạn sự tự nhiên cũng như bản năng là cách
tốt nhất để truy tìm bản ngã và vị trí cá nhân trong tổng thể linh hồn thế giới.
Và khi đã khám phá được bản thân rồi, Sinclair bắt đầu đi đến
linh hồn thế giới với bước khởi đầu là tình yêu thuần túy. Mỗi linh hồn hoá ra
chẳng có chút đặc tính cá nhân nào – mỗi linh hồn đều đã tồn tại hàng ngàn hang
vạn năm, và nó sẽ vẫn còn phát triển mãi cho đến tận bước cuối cùng khi chính
nó hoà vào thế giới, trở thành thế giới. Welcome to Spinoza….
Thế nhưng chỉ với tình yêu, Sinclair mới thực sự hoà với làn
điệu của thế giới, đó là khi gặp Frau Eva, mẹ của Demian, và bắt đầu những chuỗi
ngày yên bình trong tâm hồn để được chuẩn bị cho những sự thay đổi dữ dội của
thế giới. Trong những ngày chuẩn bị đó, họ chỉ chăm chú vào nhiệm vụ và định mệnh
nhận thức hoàn thiện bản ngã cá nhân để khởi động hạt giống mà Tự Nhiên đã trồng
vào họ. Đây chắc là điểm phức tạp mà thú vị ở tác phẩm này? Chủ nghĩa siêu nhân
cá nhân kiểu Nietszche nhưng trong bối cảnh tối hậu là mọi linh hồn đều có vị
thế trong Tự Nhiên và vũ trụ, và đều có vai trò và bị cuốn theo dòng chảy dù nhận
thức được hay không?
Chúng ta sẽ nhanh chóng đi đến chương cuối và kết thúc bài
viết lê thê lộn xộn những suy diễn vô căn cứ này – sự bắt đầu của chiến tranh.
Khi Demian, Sinclair, Frau Eva nói riêng và những người tương tự họ nói chung cảm
nhận thấy thế giới rùng mình chuyển động, là lúc họ đã chuẩn bị cho những thay
đổi mạnh mẽ và đối mặt với vai trò được cài sẵn của họ bởi Tự Nhiên. Khởi đầu của
chiến tranh khiến Sinclair thất vọng khi cậu nhận ra ít người muốn có khả năng
sống vì lý tưởng nhưng lại sẵn sàng chết vì lý tưởng miễn là lý tưởng đó được cộng
đồng chấp nhận, nhưng đứng trước những thay đổi lớn lao của số mệnh, những người
khao khát sống vì lý tưởng truy tìm bản ngã cá nhân cũng phải ngạc nhiên trước
ý chí tập thể của những người tuân theo sắp đặt định mệnh dù không ý thức được
chúng bằng đức mạnh và danh dự. Rồi rốt cuộc họ chiến đấu hết mình bởi thẳm sâu
tâm thức đang thúc đẩy họ tiến đến một khởi đầu mới.
Nói tóm lại, một cuốn sách rất gây tham vọng suy diễn, nhiều
biểu tượng, nhiều hình ảnh, lồng ghép nhiều lý thuyết triết học và thần bí (mà
rất có thể do tôi tưởng tượng ra). Tôi từng đọc cả Narziss và Goldmund của ông,
motif cũng tương tự nhưng được phân tách rõ ràng hơn đôi chút – tuy nhiên vẫn
là quý trình lớn lên – đi tìm chính mình – suy tưởng kinh điển. Giống như ba
giai đoạn trong bộ Thiên Định của Tarot vậy. Nếu có thể tóm lược Hermann Hesse,
tôi sẽ tóm lược trong những cụm sau: Thuyết nguyên mẫu (hoặc kiểu kiểu như thuyết
lý tưởng Plato cũng được); thuyết vũ trụ (hơi tương tự Spinoza tý); chủ nghĩa
bán duy tâm Đức (có phần giống Kant đấy chứ); chủ nghĩa siêu nhân kiểu
Nietszche (có luôn đó nha). Nói chung là một nồi lẩu thập cẩm! Nhưng vẫn đáng đọc
thử.