Tôi đọc “Mặt trời nhà Scorta”
kể ra hoàn toàn là do tình cờ: mấy bữa nay lên cơn đọc “Tội ác và Hình phạt”, một
quyển sách được liệt vào hàng kinh điển trong mô tả tâm lý nhân vật, nhưng thực
tế thì mình chỉ thấy chán ốm cả người bởi loại tư duy đạo đức khô cứng kiểu
Nga, nên chỉ muốn kiếm một quyển khác để “giã cơn”; hơn nữa ngày trước tôi từng
quen một bà bạn, mở miệng ra là thích chủ nghĩa hiện sinh, lại còn giới thiệu
quyển này nên tôi càng quyết không đọc – tôi không phải không ưa chủ nghĩa hiện
sinh hay gì, và thực ra tôi thấy nó cũng rất có lý, chẳng qua tôi không hứng
thú lắm với việc đặt mình vào tình thế chỉ theo một lối tư duy, lại càng không
thích bị người khác giới thiệu quá khích như tống vào mồm như vậy. Đâm ra “Mặt
trời nhà Scorta” rơi vào quên lãng gần suốt một năm nay cho đến khi đêm qua tôi
soạn lại tủ ebook và quyết định đọc thử xem sao, dù sao nó cũng ngắn.
Quả thật là tôi không hối hận.
Rất hay (Cảm thấy rất có lỗi với bản thân vì không chịu đọc nó chỉ vì thói ương
bướng khó sửa). Nhưng khi bị cuốn vào rồi thì hầu như không rời ra được. Mà thực
ra cái làm tôi thích thủ hơn cả lại không phải tính hiện sinh trong truyện, mà
là cái chất “đặc Ý” đến độ đáng ngạc nhiên – tôi đã sống ở Ý ba năm có lẻ và thực
sự phải thừa nhận cái sự Ý đó được thể hiện quá xuất sắc. Câu chuyện tập trung
vào 3 thế hệ của gia đình Scorta, sinh ra từ một vụ hiếp dâm của một tay tội phạm
ra tù. Rồi con hắn được sinh ra, rồi đến cháu hắn được sinh ra, tất cả đều bước
vào cuộc đời với hai bàn tay trắng và gầy dựng cuộc sống từ con số không. Thế
nhưng, ngay cả khi đem trên mình “lời nguyền huyết nhục”, họ đã, đang và sẽ mãi
mãi là những thành viên trong cái dòng họ đó, liên kết chặt chẽ, truyền đi những
bí mật dòng họ để kéo dài sự tồn tại và dấu ấn của “một cái gì đó” trên đời.
Đầu tiên chính là tính gia tộc,
hay nói ở tầm thu hẹp hơn là tính gia đình. Nếu ai đã đọc Bố Già rồi thì chắc
cũng hiểu phần nào cái chất “gia tộc” được đặt lên trên mọi thứ của người Ý – đến
cái độ mỗi cá nhân đều phải suy nghĩ và hết mình cho gia tộc. Điều này được thể
hiện rõ ràng nhất qua câu nói của Domenico với đứa cháu là Elia sau khi ông
giúp thằng cháu trốn khỏi làng Montepuccio vì đã dám cả gan đánh cắp những tấm
mề đay trong lễ hội thánh: “Elia, con chẳng
là cái gì cả, cả bác nữa cũng vậy. Chỉ có gia tộc là đáng kể. Không có gia tộc,
con ắt chết và trái đất vẫn tiếp tục quay mà thậm chí chẳng nhận thấy là con đã
biến mất. Chúng ta sinh ra. Chúng ta chết đi. Và trong khoảng giữa, chỉ có một
điều là đáng kể. Con và bác, tách riêng ra, chúng ta chẳng là cái gì hết. Nhưng
những người mang họ Scorta, dòng họ Scorta, đó là một cái gì.” Câu nói này
khẳng định rõ ràng nhất tính chất bám chặt vào gia đình và gia tộc đậm chất Ý,
mà trên thế giới này chắc không nơi nào sánh nổi. Tính trung kiên với gia tộc
này còn thể hiện ở những sự lựa chọn của các thành viên trong gia đình Scorta:
từ yêu cầu kiên quyết của “bạo chúa” Rocco rằng mọi thành viên Scorta phải được
chon cất như ông hoàng bà chúa, cho đến Carmela ngay cả khi lấy chồng đổi họ vẫn
kiên quyết mình là một thành viên họ Scorta, cho đến cả Anna sau này khi đã có
cơ hội rời khỏi cái mảnh đất chôn vùi ba thế hệ trong gia tộc nhưng rốt cuộc vẫn
nhận về huyết quản những cái “chất Scorta” – những tri thức được đúc kết qua các
thế hệ và được truyền lại cho con cháu như một mong ước về sự trung thành với
gia đình cũng như sự mở mang tầm mắt và lòng kiêu hãnh. Hãy nhìn cái cách người
Ý hết lòng vì gia đình và vì thế hệ sau – thẳm sâu trong họ, đằng sau nhưng
mong ước tốt đẹp thường tình của các bậc tiền bối dành cho hậu bối, đó là nỗi
khao khát được để lại dấu ấn trên đời.
Có lẽ chính từ tính chất gia
tộc truyền đời của người Ý mà ta có thể đi đến những suy ngẫm về định mệnh và sự
tồn tại. Từ khởi đầu câu chuyện cho đến những dòng cuối cùng, phong cách tiếp cận
của tác giả, hơi mang máng gợi đến “Trăm năm cô đơn” tuy không siêu thực bằng,
đem đến cảm xúc về sự chấp nhận số phận mạnh mẽ, ngay cả khi trong sự chấp nhận
đó là những nỗ lực kiên cường để tồn tại, để để lại dấu ấn và để truy cầu hạnh
phúc.
Hãy chú ý đến sự chấp nhận số
phận và định mệnh của những nhân vật trong truyện: từ Mascalzone chấp nhận bị
giết ngay sau khi hiếp Immacolata, từ người phụ nữ đầu tiên của dòng họ là
Immacolata chấp nhận bị hiếp để sinh ra Rocco, rồi đến Rocco chấp nhận định mệnh
của mình để trở thành một kẻ cướp tàn bạo, và những đứa con của Rocco chấp nhận
cha chuúng ném đi mọi thứ chúng từng được hưởng để bắt đầu sống từ bàn tay trắng;
Carmela chấp nhận định mệnh của mình là người của dòng họ Scorta từ khi Rocco
xoa đầu cô một lần duy nhất trước khi chết; cả ba anh em chấp nhận cuộc đời
mình sẽ phải gắn với nắng, với bụi, với cái nóng và cái nghèo của mảnh đất chon
rau cắt rốn khi bị đuổi khỏi thế giới mới; những đứa con của họ cũng chấp nhận
và giang tay ôm lấy số phận bị trói buộc lại mảnh đất đó như cha mẹ chú bác của
chúng,… dường như dòng chảy số phận của dòng họ này đã được định là sẽ vươn lên
và sinh tồn trong cái nóng và cái gắt của mặt trời miền Nam.
Thế nhưng đằng sau sự chấp
thuận số phận đó là sự nỗ lực lao động và truy cầu hạnh phúc. Mỗi thế hệ của
dòng họ Scorta được tóm trong câu trả lời của Elia khi cầu hôn nàng Maria của đời
anh:
“Thế dòng họ Scorta hợp với cái gì?”
“Với mồ hôi”.
Mỗi thế hệ đều bắt đầu bằng
đôi bàn tay trắng: Rocco xây dựng cả một gia tài khổng lồ và trở thành bạo chúa
của Montepuccio từ đôi bàn tay của một đứa trẻ mồ côi từng suýt bị dân làng giết
chết; ba an hem Domenico, Carmela và Donato xây xựng gia tài từ việc chạy việc
chui khi ở trên tàu bị đuổi về từ New York, và từ vay nợ buôn lậu để mở cửa
hang thuốc lá đầu tiên ở Montepuccio; và ấn tượng nhất, có lẽ chính là Elia với
việc tự tay đốt trụi cửa hàng thuốc lá của mẹ để xây dựng lại từ hai bàn tay trắng.
Đây là một chi tiết đặc sắc cần phải chú ý: Elia đã “lựa chọn” việc đốt cửa
hàng thuốc lá để bắt đầu lại từ đầu, bởi cậu đã thấu hiểu chính xác tri thức được
truyền lại trong máu và trong truyền thống của gia đình – đó là lao động và xây
dựng. Cậu không thừa kế, không quản lý tài sản để lại của mẹ, mà tự mình đấu
tranh để đem lại cuộc sống sung túc cho vợ và con; và chi tiết này đặc sắc hơn
cả khi đặt vào thế đối lập trong số phận của mẹ và các chú bác của cậu: họ
không lựa chọn việc bắt đầu bằng tay trắng mà họ bị cha của họ, tức Rocco, cưỡng
ép tước đoạt đi, và chính ở sự bị động đó họ mới thấm thía được bài học tồn tại
lớn nhất trong đời người, đó là lao động. Đến cuối đời mỗi người trong số họ đều
đã có sự nghiệp của riêng mình; nhưng rốt cuộc họ vẫn sống và chết ở chính cái
mảnh đất khô cằn nắng gắt đó.
Chính từ hai từ lao động này
đã dẫn chúng ta đến với hai câu hỏi hiện sinh lớn trong cuộc đời: ý nghĩa cuộc
sống là gì và hạnh phúc là gì?
Chúng ta sinh ra có ý nghĩa
gì không, và có thực sự để lại di sản gì không? Con người sinh ra có một mục
đích được định sẵn không, hay chúng ta tự xây dựng bản thân mình và tự đặt ra mục
đích của mình? Trong câu chuyện này, những thành viên trong gia tộc Scorta, mỗi
người một cuộc đời riêng, một số phận riêng, cống hiến mình vào lao động, nhưng
trong họ vẫn luôn có gì đó mênh mang và trống rỗng, như thể tự thân họ không có
ý nghĩa mà phải nhờ lao động đem lại ý nghĩa cho cuộc đời của họ. Đặc biệt hơn,
chúng ta phải chú ý vào cách kể chuyện của tác giả - không chú trọng đặc tả nội
tâm, tiếng lòng hay tính cách nhân vật, mà mô tả lựa chọn và hành động của họ để
người đọc tự cảm tính cách của nhân vật. Và chúng ta có thể thấy được tinh thần
hiện sinh trong cách tác giả dẫn dắt truyện: những sự kiện, những ảnh hưởng, những
suy nghĩ cá nhân tạo nên một con người chứ không phải những cá nhân được sinh
ra với tính cách và mục đích định sẵn – điều này dường như mâu thuẫn với phán
đoán của tôi ở trên về định mệnh và số phận của mỗi con người; nhưng thực ra
không hẳn. Khi định mệnh đem các cá nhân đến với cuộc đời, và cũng đem đến cho
họ những sự lựa chọn. Họ có thể lựa chọn truy tìm ý nghĩa cuộc sống – giống như
ba anh em nhà Scorta, hay Elia, tức là lao động đem lại sung túc cho gia đình;
nhưng họ cũng có thể lựa chọn như em trai của Elia, lao đầu vào buôn lậu, dành
nốt những ngày cuối cùng trơ trọi, cô đơn, vô nghĩa trên biển và đến với cái chết
như tro bụi, không để lại chút dấu vết gì.
Nhưng dù chọn thế nào đi
chăng nữa, tác giả vẫn giữ nguyên tinh thần hiện sinh về sự vô nghĩa của cuộc sống
qua chính tri thức mà Domenico truyền lại cho Elia ở câu nói trên: “Elia, con chẳng là cái gì cả, cả bác nữa
cũng vậy. Chỉ có gia tộc là đáng kể. Không có gia tộc, con ắt chết và trái đất
vẫn tiếp tục quay mà thậm chí chẳng nhận thấy là con đã biến mất. Chúng ta sinh
ra. Chúng ta chết đi. Và trong khoảng giữa, chỉ có một điều là đáng kể. Con và
bác, tách riêng ra, chúng ta chẳng là cái gì hết. Nhưng những người mang họ
Scorta, dòng họ Scorta, đó là một cái gì.”
Như vậy, mặc dù nhận thức được
rõ sự vô nghĩa của mỗi mảnh đời, nhưng họ vẫn khao khát để lại một dấu vết gì
đó để chứng minh họ đã tồn tại, để lại di sản trong thời gian vô tận. Câu trả lời
của họ chính là gia tộc, truyền thống và tri thức. Bởi vì rốt cuộc, cho đến tận
cuối đời, vẫn chưa có một cá nhân nào trong dòng họ sinh ra với lời nguyền cực
nhọc này hiểu ra hạnh phúc là gì. Cuộc đời họ trôi qua với bao sự kiện, bao cống
hiến, mà dường như khoảnh khắc hạnh phúc nhất đời họ lại chỉ là một bữa ăn no
căng có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Có lẽ đó chính là câu trả lời của
họ với hai câu hỏi lớn trong chủ nghĩa hiện sinh: ý nghĩa cuộc đời và hạnh phuc
mỗi người là để lại di sản truyền đời, và cả hai điều đó chỉ có thể đạt được
trong gia đình dòng họ. Của cải có thể tiêu tán, lãnh địa có thể bị cướp đoạt,
đế chế có thể bị suy tàn, chỉ có sự thông thái ăn trong truyền thống gia đình
là còn được truyền đi mãi mãi. Đó là cách họ tiếp tục sống.
Có hai hình ảnh so sánh tôi
thích nhất trong truyện: đó là hình ảnh điếu thuốc lá với cuộc đời con người:
“Cả đống thuốc lá đốt thành khói, ấy đấy, cuộc đời con
giống như thế đấy. Những cuộn khói tan biến trong gió. Tất cả những cái đó chả
là gì hết. Đó là một cuộc đời kỳ lạ mà người ta rít phì phèo, kẻ thì lập bập bồn
chồn, người thì bình thản từng hơi dài, vào những chiều hè.”
Và mặc dù biết cuộc đời chỉ
là phù du, nhưng con người ta vẫn phải cưỡng bức mình chèo lái con thuyền cuộc
đời đến những ngày cuối cùng. Và chỉ trước khi chết, họ mới biết họ có hạnh
phúc hay không. Nhưng cũng có thể, đây là câu hỏi vĩnh viễn không có lời giải
đáp.
Và hình ảnh thứ hai chính là
cây ô liu:
Nó chín rồi hư mục. Nhưng những trái ô-liu thì kế tiếp
nhau một cách bất tận và lặp đi lặp lại. Chúng đều khác nhau, nhưng chuỗi dài nối
tiếp của chúng thì vô tận. Chúng cùng một hình dáng, cùng một màu, chúng chín
dưới cùng một mặt trời và có cùng một vị. Phải, những cây ô-liu là vĩnh cửu.
Cũng như con người. Cũng cùng một sự nối tiếp bất tận sống và chết. Chuỗi dài
những con người không đứt đoạn. Chẳng bao lâu sẽ đến lượt cha biến mất. Kết
thúc cuộc đời. Nhưng mọi sự vẫn tiếp tục với những người khác chúng
ta.”
Cây ô liu đó chính là gia phả
của gia đình Scorta, những trái ô liu mọc r, chín nẫu và hư mục chính là những
cá nhân cùng chung dòng dinh dưỡng tri thức gia tộc đó. Nhưng tất cả chúng đều
có chung cội rễ là sự khô cằn sỏi đó của mảnh đất nắng bụi. Trái ô liu thì hư mục
mà cái cây thì luôn còn mãi.
Văn phong đơn giản, khách
quan và tinh tế, cùng với sự thấu hiểu sâu sắc về phong cách và tính chất Ý đã
đem lại cho câu chuyện trăn trở về cuộc sống một sức quyến rũ đặc biệt. Có lẽ
không phải là kiểu sách kinh điển buộc phải đọc, nhưng lại là một cuốn sách suy
ngẫm không nên bỏ qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét