Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Hoá thân - Kafka - Khi công thức "nhân đạo" trong văn học nhắm trượt trọng tâm

Hoá thân và bản chất tự nhiên của con người



Trong khi hàng sa số những tác phẩm văn chương đực ra đời hoặc để ca ngợi những bản tính tốt đẹp của con người hoặc để phê phán những bản tính xấu xa của con người, thì có một tác giả khác hẳn với một tác phẩm có cách nhìn khác hẳn về bản tính của con người: Franz Kafka với “Hoá Thân”. Một quyển sách mỏng, kinh khủng, ghê rợn, chát chúa và trần trụi. Tác phẩm đầu tiên tôi đọc mà đem theo cái cảm giác thấu hiểu cay đắng: ngay cả khi không đồng tình thì cũng không thể phê phán nổi, vì người ta biết rõ người ta cũng sẽ làm như thế bất chấp những lời đẹp đẽ tôn vinh đức hạnh đến đâu.


Câu chuyện rất đơn giản: người con trai cả của một gia đình nghèo, vốn năng động và nâng đỡ cho cả gia đình, bỗng một ngày tỉnh dậy và phát hiện mình đã bị biến thành một con côn trùng khổng lồ kinh tởm và trở thành vật kí sinh đè lên gia đình. Khởi đầu, gia đình hết sức đau khổ và, tuy sợ hãi cái hình hài của anh, thì vẫn giữ anh ở trong nhà và tìm cách chăm lo cho anh theo đúng tình thương và nghĩa vụ của một gia đình nên có. Nhưng thời gian dần trôi qua, anh ngày càng sống hẳn như một con côn trùng kinh tởm, và những biến động cảm xúc đau đớn nặng nề hành hạ những thành viên trong gia đình khiến họ từ đau khổ, thương cảm, sợ hãi chuyển đến ghê khiếp, căm ghét, và lên đến đỉnh điểm – chính là kết thúc truyện – là họ thở phào nhẹ nhõm và hạnh phúc khi anh chết đi.


Để xem nào, đây cũng là một trong những cuốn sách thuộc thể loại “dễ suy diễn”, vì nó là loại sách điển hình viết về thân phận con người trong xã hội, tuy nhiên lại chưa đủ triệt để được như những nhà văn theo chủ nghĩa vị nhân sinh; nó nằm ở một mức chênh vênh hơn, mông lung hơn – trong khi những nhà văn theo chủ nghĩa nhân sinh đều đặt nhân vật ở vị thế tách biệt khỏi xã hội, thì sự tách biệt đó không phải là bị đẩy hẳn ra ngoài lề xã hội, mà là họ đặt tinh thần mình tách khỏi xã hội trong khi vẫn luôn nhận thức xã hội như một phần bản thân; nói đơn giản hơn, họ nhận ra mình đang khuyết thiếu một điều gì đó, ý thức được mình phải lấp đầy sự trống rỗng đó, và họ có cơ hội đi tìm bản thể và ý nghĩa của chính mình. Trong khi đó, truyện của Kafka nói chung và đặc biệt là tác phẩm “Hoá thân” nói riêng đều đẩy vấn đề số phận bên lề cuộc sống lên đến một mức cực đoan. Nhân vật tự sự của Kafka, không ý thức được thân phận của mình do thân phận của anh ta hoàn toàn bị quy định bởi cách nhìn của xã hội; liên tục muốn đấu tranh chống lại một cái gì đó nhưng lại không biết đó là cái gì; sống vô dụng, vô nghĩa, hoàn toàn bị đẩy ra khỏi cuộc sống, trở thành một sự tồn tại thừa thãi, và ngoại trừ việc nhìn thấy dấu vết ý nghĩa tồn tại của bản thân mờ dần với chính bản thân mình, thì nhân vật tự sự của Kafka đều không đến được một điểm kết thúc, một kết luận cụ thể nào cả. Nếu chủ nghĩa hiện sinh có thể khơi gợi ra được chút gì đó tươi sáng gọi là “tự xây dựng ý nghĩa cho tồn tại cá nhân”, thì chủ nghĩa bi quan của Kafka thậm chí còn không đạt được đến nhận thức đó.


Vậy là chỉ bằng vài dòng đơn giản, tôi hi vọng mình đã phổ quát được tinh thần chung trong phong cách văn chương của Kafka, nếu điều này nghe không quá tự đại. Khi tìm hiểu về Kafka, tôi thấy đa phần người ta rất hay chú ý vào cái ý nghĩa nhân sinh thuần tuý trong truyện của ông. Điều nổi bật hơn cả là cách nhìn nhận giá trị của một cá nhân trong truyện của Kafka. Như ta có thể thấy, khá rõ ràng, và được phân tích nhan nhản ở mọi nơi, đó là giá trị của con người bị hạ thấp bởi xã hội và bị quy định bởi tiền bạc đến độ nếu không có khả năng lao động và làm ra tiền bạc thì những cá nhân đó lập tức bị cho là vô dụng và ăn bám. Từ một thanh niên khoẻ mạnh chu cấp cho cả gia đình, Gregor biến thành một con côn trùng kinh khủng chỉ có thể ngày ngày ở nhà ăn bám và làm đau lòng người thân yêu. Tôi chưa nhắc đến vế còn lại, tức là vế gia đình coi chuyện anh phải chu cấp cho gia đình là điều hiển nhiên vội, mà tôi muốn chú ý đến vế “không có khả năng lao động và làm ra tiền bạc tức là vô dụng” trước. Ở mức độ nông, người ta có thể tha hồ phê phán xã hội coi trọng tiền bạc hơn nhân phẩm con người, rồi con người không có lối thoát, bị xã hội tha hoá đến độ chỉ biết đến làm việc như cỗ máy để được xã hội xác nhận là “có tồn tại”, là “một thành phần trong xã hội đó”. Nói chung cách đánh giá này gần như là luật bất thành văn dành cho những tác phẩm kiểu này, và cứ tác phẩm nào suy diễn ra được đến độ này đều được cho là có giá trị, ít nhất là tại thời điểm lịch sử đó.


Tuy nhiên, hãy suy xét cho kĩ. Trước hết, chưa nhắc đến cách cư xử của gia đình với Gregor, chưa nhắc đến đạo đức hay nói chung là nhắc đến bất cứ điều gì liên quan đến “giá trị con người bị coi thường” hay những cái gì đại loại thế, thì có hai điều quan trọng hơn cả. Thứ nhất, những vấn đề xã hội luôn là những vấn đề muôn thuở không có cách nào giải quyết triệt để được, nên tôi thừa nhận hướng nhìn này giúp tác phẩm luôn có được sự tôn trọng nhất định trong mọi thời đại. Thế nhưng hãy nghĩ có kĩ cái đã, phê phán một xã hội bị tiền bạc và định kiến chi phối là một chuyện, nhưng phải thừa nhận những điều đó thúc đẩy xã hội phát triển liên tục là một chuyện khác. Bản chất của con người là tham lam và luôn muốn làm điều lợi cho mình, và trong trường hợp không phải tiền bạc thì cũng sẽ nảy sinh một thứ gì đó khác chi phối con người mà thôi. Thế nên, đặt nặng phân tích vấn đề xã hội trong tác phẩm này là không thích hợp, vì xã hội trong truyện không được nhìn nhận đầy đủ mà chỉ là một tác nhân tác động đến tâm lý của mỗi cá nhân tồn tại trong đó mà thôi. Cụ thể, điều đặc sắc nên chú ý đó là cách Gregor nhìn nhận tình thế khi mình bị biến thành con côn trùng – tức là sự ảnh hưởng của định kiến xã hội đến tâm lý anh: cái anh lo không phải là về bản thân, mà là về nghĩa vụ của bản thân với gia đình. Nhưng chúng ta cũng không thể khẳng định hoàn toàn được rằng việc anh ý thức quá mạnh mẽ đến nghĩa vụ với gia đình đến mức để nó lấn át ngay cả lợi ích cá nhân là một tác động quá tiêu cực – bởi mặc dù đánh mất ý thức cá nhân, thì ta phải nhìn nhận anh dưới khía cạnh một con người có ý thức lớn về sự có ích của mình.


Chính điều này sinh ra điều thứ hai rất đáng xem xét: anh có ý thức lớn về sự có ích của mình thông qua lao động. Tất nhiên, sự có ích của anh đã phần nào bị biến chất hoá thành loại có ích “vị nhân sinh”/vì kẻ khác, chứ không phải vì bản thân; nhưng vế sau mới là vế quan trọng: thông qua lao động. Khi phân tích bề nổi của “Hoá thân”, người ta cứ đâm đầu vào cái công thức mĩ miều nói rằng “giá trị của một con người bị hạ thấp”, nhưng quan trọng là, “giá trị của con người là ở đâu?” . Trên thực tế, đây là một câu hỏi rất khó để trả lời, nhưng tôi đoán rằng phần lớn sẽ thừa nhận rằng giá trị của con người được đánh giá thông qua “thành quả lao động” của anh ta. Tôi xin lỗi phải nói rằng những thứ cao thượng như phẩm hạnh, đạo đức, địa vị,…hay những danh từ đẹp đẽ đồng loại đều không có sức khẳng định giá trị của con người mạnh bằng “sức lao động”. Từ lao động, con người tạo ra, kiểm soát và sở hữu tất cả những đức tính mà nhân loại hay nhận nhầm rằng chúng là giá trị của một con người. Vậy nên, khi nói rằng xã hội biến Gregor và con người thành những người chỉ biết sống để làm việc là không đúng, chẳng qua là được cường điệu lên mà thôi. Hơn nữa, nếu suy diễn theo hướng này, chẳng phải ta nên phang thêm một câu có phần hơi nực cười là: ông đang đề cao giá trị con người thông qua đề cao giá trị của lao động hay sao? Nhưng từ từ đã, vì cái ông chú ý hơn cả là giá trị tinh thần cơ, chứ không chỉ giá trị lao động đâu.


Từ câu hỏi về giá trị của con người, chúng ta có thể suy diễn ra một câu hỏi lớn hơn: “Sống có nghĩa là gì?”. Con người ta, nếu không lao động, thì có thực sự tồn tại hay không? Hay cũng đều là cái loại côn trùng kí sinh kinh tởm vô ích đó? Lại một lần nữa, một câu hỏi không có câu trả lời, tha hồ để trí tưởng tượng “bay xa”. Thế nên, thay vì tiếp tục với cái vấn đề chỉ có thể dẫn đến quy luật hồi quy vô tận này, chúng ta nên quay lại với một thực tế gần gũi hơn trong tác phẩm của Kafka: cách con người nhìn nhận chính mình.


Nếu ở trên, ta đã thấy, ít nhất là trong thời điểm lịch sử mà Kafka viết tác phẩm này, thì con người đánh giá người khác thông qua sự “có ích” của người đó trong mối tương quan với bản thân mình. Nhấn mạnh là không phải có ích với xã hội: con người chẳng để tâm đến xã hội thế nào đâu, họ để tâm đến người khác có ích cho mình hay không thôi; và chăng có ai mà để tâm đến sự có ích của người khác cho xã hội thì người đó cũng chẳng qua là chú ý đến cái lợi của xã hội tạo cho mình. Từ điểm này, Kafka mô phỏng được một lí thuyết tâm lý về cách con người nhìn nhận chính mình. Con người không nhìn nhận người khác, họ chỉ nhìn nhận chính bản thân mình mà thôi, và họ có nhìn nhận người khác thì cũng chỉ để thông qua người ngoài mà xác định chính mình. Trong trường hợp này, Gregor chính là như vậy: bản thân anh trước khi bị buộc phải hoá thân đã luôn sống và nhìn nhận bản thân mình thông qua người khác, và về cơ bản điều đó đã khiến anh độc lập về thể xác (vì có thể lao đông) nhưng lại phụ thuộc, “kí sinh” về tinh thần. Đến khi đã hoá thân, thì anh lại kí sinh về thể xác (sống ăn bám vào gia đình) trong khi lại độc lập về tinh thần. Đây chính là cái tinh tuý trong “giá trị tinh thần” mà tôi muốn nhắc đến. Từ nền tảng là giá trị lao động, anh “hoá thân” để tiến tới tìm hiểu giá trị tinh thần.


Nhưng vấn đề ở chỗ, cái “độc lập tinh thần” của Gregor không triệt để, mà vẫn còn hết sức chênh vênh, thể hiện xuyên suốt tập truyện thông qua sự ngỡ ngàng và không hiểu nổi sự thay đổi trong thái độ của mọi người trong gia đình đối với anh. Nói đúng hơn, anh chưa độc lập hẳn về tinh thần, anh chỉ đang có thời gian để suy xét lại xem giá trị của mình là gì khi mình không lao động mà thôi, và cái quá trình đó chưa đến được điểm kết thì anh đã chết. Anh chưa đi được đến sự hoàn thiện trong suy nghĩ và trưởng thành trong tư duy, bởi vì anh đã từ bỏ chính bản thân mình ở điểm mấu chốt khi nhận ra anh không có ích cho mọi người nữa, bởi anh với họ anh không nên tồn tại, và cũng vì vậy mà anh không nhìn thấy mình trong họ, tức là anh không thấy mình, và rồi anh cũng đi theo dòng suy nghĩ rằng mình vô dụng và ăn bám. Và đúng là như thế. Không nên để lòng thương cảm nhu nhược chen vào ở đây khi đánh giá bi kịch của Gregor hay bi kịch của những người bị đá ra ngoài lề xã hội nói chung: con người chỉ thương cảm nhau trên lý thuyết mà thôi, vì vậy chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng, bất chấp bi kịch của Gregor là một bi kịch đau thương, thì giờ phút khi đã trở nên vô dụng, thì anh đúng là vô dụng. Rồi khi anh thừa nhận điều đó thì anh cũng chẳng còn quan tâm đến chính bản thân mình nữa.


Và như vậy, nói rằng anh “khao khát nhân dạng con người” là không đúng, hay nói đúng ra là cách nhìn nhận như thế là quá nông cạn. Khi đã từ bỏ chính mình và dần thuận theo sự tiện lợi và thoải mái của bản thân trong hình hài một con côn trùng, thì không một lời lẽ biện hộ nào có thể khẳng định được rằng anh đang khao khát nhân dạng con người nữa, hoạ chăng thì cũng chỉ là anh khao khát được tồn tại trong xã hội và được trở lại mà thôi. Hãy nhìn cho rõ, anh muốn được làm việc, muốn gặp gia đình, muốn này muốn nọ, đau khổ này đau khổ nọ nhưng anh quen với hình hài mới và thích thú cũng nhanh chóng chẳng kém gì. Những hành động níu kéo với bất cứ điều gì anh đã mất khi phải sống dưới lốt côn trùng cũng chỉ là những hành động níu kéo những phần nhân tính bé nhỏ mà thôi.


Chúng ta có thể thấy vị thế của chính Kafka trong những nhân vật của ông: những nhân vật bị đẩy ra lề xã hội. Có lẽ đó là sự thương cảm của ông, có thể đó là sự phẫn nộ với xã hội, có thể là tiếng kêu bi thống khi không hiểu ý nghĩa tồn tại của mình, lại cũng có thể là câu hỏi về giá trị mỗi cá nhân,… cái gì cũng có thể hết. Trong khi nhân vật chính luôn đóng vai trò là một biểu tượng của sự đấu tranh dai dẳng không có kết quả trong cuộc chiến không rõ kẻ thù, thì những nhân vật phụ của ông, thực tế, đơn giản, và “con người” hơn rất nhiều. Có thể nói rằng, những nhân vật phụ của ông mới là “người”, những con người trần trụi.


Trong “Hoá thân”, đó là gia đình Gregor, bà mẹ, ông bố, cô em gái. Lúc đầu, họ hoảng sợ, kinh khiếp, nhưng cũng cố làm tròn cái nghĩa vụ chăm sóc anh với tình thương dành cho anh của quá khứ. Đây có thể xét là một hành động nhân đạo trong bản chất của con người, và rằng ngay cả khi người khác không còn lợi ích cho họ nữa, họ vẫn có một thứ tình thương yêu đặc biệt nào đó để tiếp tục nỗ lực đối đầu với sự thay đổi. Nhưng dần dà, khi con côn trùng đó trở thành gánh nặng, thì họ bắt đầu căm ghét nó. Từ điểm này mà rất nhiều người bắt đầu lao vào cái vòng lý thuyết nhân đạo không phải lối bằng thứ biện hộ đầy chất hàn lâm về đạo đức và tình cảm của con người: rằng họ rũ bỏ anh, họ bất công với anh, họ quên đi tình nghĩa, họ coi anh như kẻ thừa,… con người ta đau xót cho bi kịch của Gregor bằng thứ xót xa giả tạo dành cho một kẻ sa cơ lỡ vận – nhưng đó cũng là một loại đau xót hết sức “nhân văn” được đặt dưới chiêu bài “đặt mình trong tình thế kẻ khác”. Tóm lại, khi con người bị đặt trong tình huống những người thân của Gergor, họ chắc chắn cũng sẽ hành xử như những nhân vật đó, thế nhưng vì không phải ở trog trường hợp đó, nên họ tỏ lòng xót thương với suy diễn rằng nếu mình vấp phải trường hợp của Gergor thì hi vọng mình cũng được thương xót và không bị đối xử như vậy. Thuyết vị kỉ tâm lý học được miêu tả bao nhiêu tài tình ở đây? Gergor, kẻ mà suốt cả câu chuyện bị đối xử một cách bất công lại không hề oán thán lấy một lời, không phải vì anh cao thượng, mà vì anh biết vị trí của mình. Anh cũng đâu cầu lòng thương xót? Và đến đỉnh điểm kết truyện, khi anh chết đi trong sự thở phào của những người trong gia đình, chúng ta chỉ có quyền của kẻ quan sát mà nhận xét rằng: chết là giải thoát cho anh, giải thoát cho cả gia đình anh.


Chính những thay đổi trong hành động và suy nghĩ của những “con người” trong truyện này mới là đỉnh cao của tâm lý học. Người ta có thể viện ra cả ngàn lí do đạo đức đẹp đẽ để bảo vệ cho cái con bọ hung kinh tởm đó, rằng đó từng là một con người, đó từng là con trai họ, đó là một thành viên trong gia đình mắc phải tai hoạ và không đáng bị đối xử một cách vô ơn như vậy. Người ta có thể phẫn nộ về cách những nhân vật đối xử với anh chàng thật thà nhân hậu nhưng khốn khổ đó, nhưng người ta phẫn nộ như vậy chẳng qua chỉ vì cái bản chất đen tối mà hiển nhiên nhất trong con người mình bị bóc trần mà thôi, vì bất cứ ai cũng hiểu rằng trong tình cảnh đó thì ai cũng sẽ hành động như những con người mà họ phê phán như vậy. Đó là cái cảm giác khó chịu, đau đớn và nhức nhối khi cái xấu xa nguyên bản bị đem ra ánh sáng một cách lộ liễu, khiến con người ta không còn cách nào khác ngoài tự vệ cho chính mình bằng những thuyết văn đạo đức giả trong trường hợp tương tự. Tuyệt không? Vậy là, theo một cách nào đó, tôi đang nói rằng hành xử như những kẻ đó mới là con người cơ đấy. Đây cũng chỉ là một trong những lý do tôi không ủng hộ chủ nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh” trong những tác phẩm gợi cảm xúc kể về thứ lòng tốt cao thượng mà đa phần con người không có; đó chỉ là mong ước của loài người thôi. Không mấy khi có ai đối diện với những phần đen tối xấu xa trong mình, hay cụ thể hơn là chẳng mấy ai dám đứng ra thừa nhận mình sẽ hành động như những “kẻ ác” trong tác phẩm này; vì vậy là những tác phẩm “vị nhân sinh” mới luôn được ủng hộ, tán dương và trân trọng đến vậy.


Thực ra “Hoá thân” cũng đại khái là một tác phẩm vị nhân sinh nhưng theo chiều hướng “bạo lực” hơn thôi – nó bắt ta phải nhìn nhận đúng bản chất con người như nó vốn có, chứ không phải cổ vũ những ảo tưởng xa vời về sự tốt đẹp nên có. Dù sao tôi cũng phải thừa nhận một tác phẩm “xấu xí” đôi lúc lại đẹp đẽ hơn cả. Cực kì nên đọc và nên suy diễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét