Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Lolita, sự nguy hiểm của thói đồng cảm và đạo đức hư không



Tôi đọc Lolita từ bốn năm trước, tức là khi mới 16 tuổi, và phải thú nhận rằng tôi chẳng hiểu được mấy chữ và cũng chẳng thực sự ngấm được mấy điều ngoại trừ sự văn vẻ hoa mỹ trong bản dịch của Dương Tường. Không lâu sau khi tôi đọc lướt và đã quên đi Lolita thì cuộc tranh luận về bản dịch giữa Dương Tường và Thiên Lương nổi lên khá là rầm rộ. Nhưng dù sao với tôi đó vẫn là một chuyện nhạt nhẽo – những người không đồng tình thay vì đóng góp ý kiến xây dựng thì lại lao đầu vào chống đối một cách khá là ngu xuẩn. Năm nay tự nhiên tôi nổi hứng đọc lại Lolita trong cơn chán chường vô nghĩa không lí do cụ thể; và như một thứ thử thách ngớ ngẩn dành cho chính mình, tôi đọc cả hai bản dịch của Dương Tường lẫn Thiên Lương, và cũng xem qua dăm phần ở cả bản tiếng Anh. Thôi thì ngứa mồm nhận xét hai bản dịch phát, biết đâu lại đủ gạch đá xây nhà. Xét về tổng thể, trôi chảy và cuốn hút thì rõ là Dương Tường ăn đứt Thiên Lương, vì bản của Thiên Lương lấc cấc như cỗ máy bị sạn, đọc lỉnh cà lỉnh kỉnh, lại còn cố bám vào cái chất đặc “Tây” trong câu cú nên khi đọc sang tiếng Việt cảm giác muốn cười lệch mồm. Nhưng xét về những chi tiết lặt vặt nhỏ lẻ mà nhiều khi người ta chẳng để ý nổi ngay cả trong bản tiếng Anh thì đúng là Thiên Lương hơn Dương Tường thật. Hơn nữa Thiên Lương gần như không bao giờ dịch những câu từ tiếng Pháp – điều tôi không ưa hơn cả, vì tôi chẳng hiểu tiếng Pháp, nhưng có thể những người biết tiếng Pháp lại cho thế mới là “giữ nguyên tác” thì sao? Tóm lại, giữ chân được người đọc, bản của Dương Tường làm tốt hơn bản của Thiên Lương. À thì ngứa mồm nhận xét vài câu chơi vui thôi chứ không đào sâu gì cả.


Điều tôi chú tâm đến Lolita nhiều hơn có lẽ không phải những điều người ta thường nhận thấy ở Lolita. Chúng ta có thể nói điều quyến rũ hơn cả trong Lolita chính là tình yêu điên cuồng của Humbert dành cho cô con gái kế được diễn tả một cách đậm thơ tràn nhạc đến mức che lấp được cả chất bệnh hoạn của nó. Tôi tin rằng ngày nay con người khoan dung hơn nhiều trong việc đón nhận một tác phẩm kiểu như “Lolita”, bằng chứng là việc nó đã được đưa vào bảng xếp hạng một trong những tuyệt tác hay nhất trên thế giới. Ồ, “Lolita” hay chứ, hay tuyệt, hay một cách tài tình. Nhưng đây chính là cái nguy hiểm của nó: sự vi diệu trong ngôn từ của Nabokov có thể gây cho người ta một cảm giác đồng cảm với nhân vật tự sự đến độ bị cuốn theo dòng suy tưởng của hắn ta và cảm thấy hắn ta không còn nguy hiểm nữa. Vậy là, người đọc “Lolita” nói chung chia làm hai loại: loại thứ nhất đồng cảm và tung hô “Lolita” thì chỉ là loại bị cuốn theo sự đồng cảm phi đạo đức của nhân vật tự sự “thực hơn cả người thực”; loại thứ hai – phê phán “Lolita” là đồi truỵ - thì lại chỉ là loại thuộc về “đám đông” sống dựa vào những định kiến đạo đức do chính loài người đặt ra để kiểm chế lẫn nhau – hay có thể nói là bị cộng đồng “quy định”. Vậy tôi thì thuộc loại nào đây nhỉ?


Vậy, đọc hay không nên đọc “Lolita”? Nên quá đi chứ. Trên đời này có được bao nhiêu tác phẩm gây được nhiều tranh cãi như Lolita? Một tác phẩm thành công, đẹp đẽ và vĩ đại khi nó gây được nhiều tranh cãi, khiến người đời không thể không nhớ đến nó, không thể dứt nổi cơn ám ảnh về nó, và cuối cùng dù muốn hoặc không vẫn bị nó chinh phục. “Lolita” ngày nay có lẽ đã bị đám đông phán xét một cách hờ hững và vô tình hơn nhiều so với giá trị thực sự của nó. Ngay cả khi đã được xét vào hàng tuyệt phẩm, người ta cũng chỉ nhớ về về nó với “câu cú tài tình”, “nghệ thuật chơi chữ vi diệu”, “bút tác tuyệt mĩ”,… tôi không phủ nhận điều đó. Thậm chí phải nói rằng nếu không có những điều đó, “Lolita” chắc chắn không được đánh giá cao, vì với cốt truyện giản đơn về một kẻ bị bệnh tâm thần, hiếm ai có thể viết nên được một tác phẩm dài và cuốn hút đến như vậy nếu không có sự thăng hoa trong nghệ thuật và bút pháp. Trên đời này chắc chắn có những câu chuyện tâm thần còn hay hơn cả “Lolita”, nhưng chúng vĩnh viễn không thắng được “Lolita” vì chúng không có được một tác gia vĩ đại như Nabokov. Thế nhưng hãy là người đọc thông minh. Hãy xét cho rõ vì sao mình lại yêu ghét một tác phẩm nào đó nói chung hay “Lolita” nói riêng.


Theo thiển ý của tôi, có hai điều đáng bàn nhất trong tác phẩm này: quan niệm đạo đức và thói đồng cảm. “Đạo đức” là gì là một câu hỏi không bao giờ có câu trả lời xác đáng; vài ngàn năm trôi qua với những triết gia vĩ đại nhất của thế giới từ Socrates, Platon, Ecupirus đến Kant, Hegel, Camus,… chưa từng có ai thống nhất được với nhau về quan điểm đạo đức khi làm người. Ngay cả những hiểu biết chung về đạo đức ngày nay cũng chỉ là những quy tắc ngầm do con người và thời gian cùng tạo ra mà thôi. Thế nên việc đánh giá “Lolita” trên lĩnh vực đạo đức là một điều ngu xuẩn và hạ thấp giá trị tác phẩm. Thế nhưng khi nói rằng “đạo đức là hư không” và “không đánh giá Lolita trên lĩnh vực đạo đức”, chẳng phải tôi đã tước đi gần như toàn bộ phần ý nghĩa của một tác phẩm văn chương? Con người ta thường đánh giá văn chương trên bối cảnh, ý nghĩa và nghệ thuật của nó, và một tác phẩm có ý nghĩa phải dạy được một điều gì đó. Nhưng tôi ngờ rằng ngoài việc muốn lưu danh muôn thuở vị tiểu nữ thần trong tình yêu cuồng dại của Humbert, cái Nabokov theo đuổi là một cái đẹp tối cao ngự trị trong cuộc sống của một cá nhân. “Nghệ thuật vị nghệ thuật”, chúng ta có thể nói như vậy. Vậy là, thông qua một tác phẩm văn chương kì thú nhưng dễ dàng bị gán mác “vô đạo đức”, “Lolita” vượt khỏi những băn khoăn về quy phạm đạo đức tầm thường để tiến tới một câu hỏi lớn hơn: Thế nào là đạo đức?


Điều thứ hai, đó là thói đồng cảm. Đồng cảm là một thứ đức tính nhu nhược mà con người đặt ra để biện hộ cho tình thế của bản thân. Con người ta, đúng thế, nên đặt mình ở vị trí của người khác để cư xử cho phù hợp; nhưng điều đó không có nghĩa là viện đến sự đồng cảm để kêu gọi sự thương hại hay để thương hại kẻ khác. Thực ra đồng cảm có thể nói là một thói trào lưu dễ lây lan giữa những kẻ vốn chỉ để tâm đến bản thân nhưng lại làm ra vẻ là đang quan tâm đến thiên hạ. Dù sao sự thực thì thường phũ phàng và con người chẳng mấy ai muốn thừa nhận những điều đó. Nếu đặt đồng cảm ở trong trường hợp xét đoán về Lolita, thói đồng cảm và sự vi diệu trong bút pháp của tác gia tài năng Nabokov sẽ khiến người đọc bị cuốn theo nhận vật, và như tôi nói ở trên, đánh giá “Lolita” trên phương diện phi đạo đức. Thói đồng cảm và đạo đức trong tác phẩm này có liên quan chặt chẽ với nhau đến độ không thể tách ra nổi. Từ những dòng văn ngọt ngào và cuồng nhiệt như thơ trong tâm khảm Humbert, tôi dám chắc sẽ có khối người có cảm thức rằng tình yêu của ông ta thực ra đâu có sai trái, và tội lỗi không chỉ ở ông ta mà còn ở chính Lolita “phát triển sớm” kia nữa kìa. Chà, việc này thì chẳng quan trọng, quan trọng ở điểm rốt cuộc người đọc đã đủ tỉnh táo để giữ mình tách khỏi cảm xúc của một tác phẩm để đánh giá nó ở một vị thế khách quan hay chưa? Hay là bị nó chiếm đoạt đến mức chỉ có một hướng nhìn phiến diện và rồi thông qua nghiên cứu, học thuật để tự nhận mình thấu hiểu một tác phẩm văn chương? Tôi không rõ có ai làm được điều này không và bản thân tôi cũng chưa dám nhận mình ở mức độ đó. Tôi thực ra không yêu văn chương đủ để hiến thân tâm cho nó và hẳn nhiên cũng chỉ là một người đọc tầm thường đôi lúc bị cuốn đi bởi tài năng của những cây đại thụ lớn trong lĩnh vực văn chương, đến mức đôi lúc tôi phải rùng mình trước những suy nghĩ lệch lạc của chính mình.


Đây có lẽ là bài cảm nhận đầu tiên tôi viết lạc đề đến thế này. Tôi không dám phê phán Lolita về mặt đạo đức, cũng không đủ tầm để tán dương Lolita trên bình diện nghệ thuật. Tôi chỉ có thể ngả mình bái phục trước sự tài tình của tác gia trong việc tạo ra được một tuyệt phẩm gây được nhiều đồng cảm đến thế, đến mức khiến nhiều người đọc quên đi cái trần trụi thô tục và cái nguy cơ điên rồ trong chủ đề ông lựa chọn; hoặc tạo ra được nhiều phê phán đến thế, đến mức những lý thuyết về đạo đức được tôn vinh như thể những điều cốt lõi trong cuộc sống, và khiến con người ta quên mất rằng đạo đức cũng chỉ là thứ kẻ yếu tạo ra để kiểm soát lẫn nhau mà thôi. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét