Bộ sách của nữ văn sĩ người Canada L.M
Montgomery kể về cô bé mồ côi Anne được anh em ông bà Cuthbert ở làng Avonlea,
thuộc đảo Hoàng Tử Eward, Canada nhận về “ngoài ý muốn”. Tuy thế, ngoài sự dự
đoán của họ, cô bé tóc đỏ, mặt đầy tàn nhang và lãng mạn vô phương cứu chữa này
lại trở thành một nhân vật đặc biệt tại Chái nhà xanh, một nguồn nước trong
lành cho những trái tim khô cằn vì tuổi tác và cuộc sống.
Qua những mẩu truyện nhỏ được đặt thành nhiều chương nhưng
không hề tách rời nhau mà đồng nhất trong một đường thời gian từ khi Anne 13 tuổi
cho tới khi 18 tuổi, độc giả có thể hình dung chân thực nhất về hình tượng cô
bé tóc đỏ này. Đó là một cô bé giàu cảm xúc mà “khi vui mừng hay tuyệt vọng đều
gấp 3 lần người khác”.
Hơn thế nữa, Anne còn là cô bé giàu trí tưởng tượng mà
bắt nguồn của nó là sự cô đơn, thiếu thốn cả vật chất lẫn tình cảm khi cô bé
còn nhỏ. Với trí tưởng tượng đó, cô bé dường như đã thay đổi cả làng Avonlea, từ
một ngôi làng bình thường trở nên tươi đẹp hơn, đáng yêu hơn: Cô gọi Hồ Barry là
“Hồ nước lấp lánh” mảnh kính màu vỡ là “Kính tiên” và sâu thẳm trong tâm tưởng
vẫn tin rằng Nữ Thần Rừng hoàn toàn có tồn tại.
Trí tưởng tượng ấy đôi khi lôi cô bé vào hàng đống rắc
rối khiến cô phải xấu hổ như tự tưởng tượng khu rừng vân sam là rừng ma ám khiến
bản thân sợ chết khiếp, rồi còn tự nhuộm tóc để mong sao mình từ Anne tóc đỏ có
thể trở thành Cordelia tóc đen tuyền như màn đêm để rồi kết quả là mái tóc màu
xanh lục khủng khiếp!
Thế nhưng người đọc vẫn không thể nào chán ghét cô bé
”lắm mồm” này được, cũng như dân làng Avonlea, như ông bà Cuthbert và như với cả
bà hàng xóm Rachel Lynde, người có “trái tim thân ái, cho dù có phần phiền phức”,
chúng ta đều nhận ra đằng sau cái vẻ láu táu, hay luyên thuyên của cô bé là một
tâm hồn rộng lượng, tràn ngập lãng mạn, tình thương và sự hoạt bát đáng yêu.
Chính bản chất ấy đã khiến cô bé trở nên đặc biệt so với bạn bè cùng trang lứa: “…khi Anne và chúng đứng cạnh nhau, dù con bé không xinh đẹp bằng một nửa hai đứa kia nhưng nó lại làm cho chúng trông có vẻ tầm thường và quá lố – tựa như con bé là bông lưu ly tháng Sáu trắng muốt, như cách nó gọi hoa thủy tiên, đặt bên cạnh đóa mẫu đơn lớn đỏ rực vậy”.
Và hơn hết, khác với tất cả mọi người, cô bé có khả
năng đem tình yêu thương trao cho khắp mọi người trong làng: Khi còn nhỏ, cô
đem đến cảm giác được làm cha, làm mẹ cho ông bà Cuthbert, đem đến tình bạn
trong lành cho cô bạn Diana Barry, rồi khi lớn lên cô lại đem tình yêu đến cho
cô Lavendar và ông Irving, đem tình cảm vợ chồng trở lại cho ông bà Harrison và
cùng với Hội cải tiến, cô còn gieo rắc tình yêu làng quê trong mỗi người… theo
cách giản dị nhất là chia sẻ và đồng cảm với họ. Và dần dần, Anne cũng đã cảm
nhận được tình yêu thương mà những người tưởng như hoàn toàn xa lạ ấy dành cho
cô, cô bé Anne giờ đã là Anne của Chái nhà xanh, của làng Avonlea và không bao
giờ còn cảm thấy thiếu thốn tình cảm như khi còn là Anne mồ côi – “Anne không của
nơi nào”.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Mark Twain đã nhận xét
bộ tác phẩm về cô bé Anne là “Cuốn sách thiếu nhi dễ thương nhất, thắm đượm
tình cảm nhất”. Đọc “Anne tóc đỏ”, người đọc không chỉ thấu hiểu giá trị nhân
văn trong cuốn sách, tình yêu thương giữa con người với con người, con người với
quê hương làng mạc mà còn được thả mình vào khung cảnh thiên nhiên đẹp đẽ của
Canada thông qua trí tưởng tượng của Anne và văn phong trau chuốt của nữ sĩ
Montgomery. Trong thời đại mà văn học ngày càng phong phú và có phần phức tạp với
các thể loại mới thì “Anne tóc đỏ” chính là lựa chọn hoàn hảo để bạn đọc có thể
quay trở lại tuổi thơ đáng yêu và lớn lên một lần nữa… cùng với Anne.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét