Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2015

Chú bé mang pyjama sọc - John Boyne


Hai đứa bé giống hệ nhau, cùng ngày sinh tháng đẻ, nhưng lại có số phận trái ngược nhau vì khác dòng máu dân tộc. Nhưng đã là con người thì đều muốn tự do, chỉ là có hai loại tự do đối ngược nhau qua một chiếc hàng rào. Loại tự do được bảo hộ và loại tự do bị vùi dập.


Hừm, tôi không thật sự thích “Cậu bé trong bộ Pyjama sọc” cho lắm, là vì về cơ bản khi đọc đến tầm chương 5 hoặc chương 6 tôi đã phát hiện ra cuốn sách định nói về điều gì. Có thể điều tôi vừa nói trên đây là một sự xúc phạm đến trí tuệ và tài năng của tác giả, cũng như chỉ thể hiện sự hợm mình đáng ghét, nhưng dù sao tôi vẫn cứ nói thôi. Tất cả mọi dấu hiệu, một ông lính, đến một cái trại, nhốt hàng nghìn người trong đó có trẻ con, một ông già giúp việc chỉ chuyên gọt khoai và phục vụ trong khi từng là bác sĩ. Chỉ cần từng xem La vita è bella hoặc đại khái đọc một chút lịch sử, tôi nghĩ ai cũng thừa đoán ra được rằng cuốn sách này định nói về chế độ Đức Quốc Xã và người Do Thái. Đại khái thì người ta có thể bảo tôi hợm đời khi đọc xong mới ngồi viết bài phán, và ừ nhỡ tôi đọc xong nhưng phán là biết trước rồi thì sao. À thì kệ, chẳng quan trọng.


Tôi luôn có hai suy nghĩ thường trực khi đọc truyện mà nhân vật chính là trẻ con, một là trẻ con thật đáng ghét – vì chúng chẳng biết gì cả (tất nhiên chẳng phải lỗi của chúng, và ngay cả tôi cũng từng là một đứa trẻ đáng ghét), và quan trọng hơn, vì chúng quá ngây thơ nên chúng mới độc ác. Hai là, đại khái thì cứ bi kịch và chiến tranh mà đi theo hướng kể của một đứa trẻ (hoặc đại khái là cuộc sống một đứa trẻ hay cách nhìn một đứa trẻ), thì thường thê thảm và ngu xuẩn hơn – vì chúng không hiểu nên mọi lý lẽ đều trở thành vô lý.


Câu chuyện thì rất đơn giản thôi, một gia đình giàu có người Đức với ông bố quân hàm cao đang sống yên ổn vui thú ở thành phố Berlin giàu có thì đột ngột phải chuyển nhà, do ông ta là một người trung thành với Hitler và Hitler điều ông ta đến quản lý trại dành cho người Do Thái. Hẳn nhiên ai cũng từng nghe đến cái nỗi căm thù người Do Thái (và đại khái những dân tộc còn lại) một cách vô lý và vô đạo của Hitler áp đặt lên toàn bộ dân tộc Đức rồi. Chẳng phải kể nhiều lắm người ta cũng có thể chạm ngay được vào nỗi đau và nỗi sợ bề nổi của sự căm thù này. À nhưng hoàn toàn không có một cảnh chiến tranh nào nhé. Chỉ là một cậu bé đang sống sung sướng đột nhiên phải đến một nơi hết sức buồn tẻ và không biết phải làm bất cứ điều gì ngoài ăn ngủ và loanh quanh. Cậu bé phát hiện một hàng rào gai và bên kia hàng rào gai là một khu vực có rất nhiều người cùng mặc một kiểu áo và mũ kẻ sọc từ cửa sổ phòng mình. Sau một thời gian nhàm chán với căn nhà buồn tẻ, những tay lính đi đi lại lại trong nhà và một gã lính tơ bóng bẩy nhưng ngu xuẩn lẽo đẽo tán tỉnh chị gái cậu, cậu quyết định bày trò thám hiểm một phen, và bắt gặp một cậu bé cùng tuổi cùng ngày sinh ở phía bên kia hàng rào thép gai. Cái hàng rào mà ngăn cách hai thế giới.


Mọi chuyện thay đổi từ đó, theo một chiều hướng từ từ và rõ ràng hơn. Cậu bé hàng ngày đến chơi cùng cậu bé người Ba Lan gầy guộc tên là Shmuel. Cậu đến nói chuyện với cậu bé đó hàng ngày, hôm nào cũng đến, hôm nào cũng nói thật lâu nhưng Bruno chẳng bao giờ thực sự nghe bạn nói cả. À thì mọi đứa trẻ đều thế đấy, không ai học được cách lắng nghe ngay từ khi còn nhỏ cả (Biết vậy đấy nhưng đại khái tôi vẫn chẳng thích thằng bé Bruno cho lắm). Thỉnh thoảng thằng bé cũng biết việc trộm đồ ăn cho Shmuel nhưng ăn dần trên đường và đến nơi chỉ còn một mẩu nhỏ là giống như chế giễu cậu bé, nhưng Bruno cũng chẳng nghĩ gì sâu xa. Thằng bé vẫn cứ luôn ngây thơ ở đúng cái độ tuổi của mình và chỉ đơn thuần là vui vẻ khi có một người bạn để gặp mỗi ngày.


Nhưng từ khúc này một ranh giới bắt đầu hình thành rõ rệt. Người ta ngay lập tức có thể cảm nhận cái đối lập giữa hai thế giới hết sức khác biệt mặc dù lại rất giống nhau. Cuộc sống của Bruno chẳng phải lo nghĩ gì cả, trong khi những người xung quanh Bruno bắt đầu suy kiệt, tất bật và khốn khổ. Cậu nhận thấy dường như con người có than phận hết sức khác nhau, tỉ như cụ Pavel vốn tốt bụng giúp đỡ chữa trị cho cậu nhưng lại bị tay lính trẻ bóng bẩy dốt nát đối xử tàn tệ mà chẳng ai can thiệp cả; cô chị gái của cậu có một mối thù ghét hết sức vô cớ đối với những người “bên kia hang rào” mà chính cô cũng chẳng trả lời được vì sao; bố cô và cả gia đình xun xoe loạn lên vì một chuyến viếng thăm của một người đàn ông thô lỗ mà cậu không hề thích (chuyến viếng thăm của Furher đến gia đình cậu); Shmuel lúc nào cũng nơm nớp căm sợ những lính tráng, và ngay khi cậu bé được chọn đến để cọ chén cho gia đình của Bruno, Bruno cũng chẳng thực sự để tâm đến tình cảnh của bạn cho lắm mà mời bạn ăn rồi lại phủ nhận Shmuel là bạn của mình. Tóm lại có thể nói Bruno yêu quý bạn, nhưng cậu cũng chỉ là một đứa trẻ khá… (nhát) mà thôi. Rồi một ngày khi mẹ của Bruno không thể chịu nổi cuộc sống ở cái Ao Tuýt đó nữa, mẹ đòi đưa cậu và chị cậu Gretel trở về Berlin xinh đẹp. Cậu đến chào Shmuel, hứa sẽ giúp bạn tìm bố, và khi cậu bò qua chiếc hàng rào bên bạn, cậu tìm đến thế giới của bạn trong bộ quần áo giống hệt bạn. Thật đáng tiếc thay, bước vào thế giới đó, Bruno không bao giờ trở về được nữa: cậu là Shmuel bị dồn cùng đoàn diễu hành đi vào buồng xử tử hàng loạt, biến mất mà không có cảm giác gì cả, nhưng tay vẫn nắm chặt tay Shmuel. Shmuel là người bạn quan trọng nhất trên đời của Bruno.


Vậy đấy. Ý nghĩa của câu chuyện quả được thể hiện khéo léo và nổi bật thông qua những hình ảnh hết sức đơn giản. Ông bố Bruno là thế hệ những người tôn sùng chế độ phát xít; cậu lính trẻ bóng bẩy và Gretel là một thế hệ bị tẩy não ngu dốt và đi theo tiếng gọi của sự căm thù vô nghĩa; Pavel là đại diện của những con người khốn khổ bị mắc tội sinh ra là người thuộc dân tộc Do Thái – dân tộc là Hitler căm ghét; chiếc hàng rào gai là vật ngăn cản giữa hai thế giới – chính là định kiến ngăn cản những tình cảm trong sáng có thể đến được với nhau, chạm vào nhau. Nhưng tác giả cố tình dựng cái rào gai chứ không phải một bức tường gạch, là bởi cái định kiến đó vô số lỗ hổng, vô số chỗ vô lý, mềm quặt và dễ bị bẻ gãy, chỉ là Bruno và những người khác không bao giờ nghĩ đến việc thử làm mà thôi. Đoạn cuối chiếc rào không chắc chắn bị nhấc lên để Bruno đến với thế giới của bạn là một lời cầu nguyện của tác giả: cầu cho những tình cảm có thể phá tan mọi rào chắn để đến được với nhau, thấu hiểu nhau, giúp đỡ và ở cạnh nhau. Shmuel là hình ảnh của một thế hệ trẻ thơ vô tội không biết điều gì mà đã bị chôn vùi trong ngọn lửa thù hận của người lớn; chính Bruno cũng vậy, cũng chỉ là một đứa trẻ không hiểu chuyện đời và bỏ mạng vì đã bước qua hàng rào và mặc đồ giống bạn – cậu bé cũng là một phần thể hiện những trí thức, những tuổi trẻ, những con người muốn hiểu, muốn cảm thông, muốn giúp đỡ, nhưng lại gặp một kết cục thảm khốc vì đã hành động. Nhân vật tôi thích nhất có lẽ là bà nội của Bruno – một con người thông thái thấu hiểu việc chồng mình và con trai mình đang ủng hộ, đang theo đuổi là một tội ác không thể tha thứ; một người bà luôn may những bộ y phục cho cháu mình để đóng kịch trong các lễ giáng sinh và dặn dò rằng “Mặc những bộ quần áo phù hợp thì cháu sẽ cảm thấy mình giống như người cháu đang đóng vai vậy” – chỉ khi đứng ở hoàn cảnh một người khác mới có thể thấu hiểu được họ mà thôi. Thật đáng tiếc, cái giá mà Bruno phải trả cho việc “đóng vai người Do Thái” để được đi cùng bạn mình chính là mạng sống của cậu.


Và “trò chơi” đó đã chỉ cho cậu nhìn thấy một phần, một phần vô cùng nhỏ bé của sự thực: phía bên kia hang rào, phía bên kia định kiến là một nơi hết sức tồi tệ, khốn khổ, u ám và tuyệt vọng. Nhưng quá muộn để quay lại rồi. Liệu cậu có phải là một nước Đức bé nhỏ nhưng thiếu suy nghĩ không? Nhưng ít ra sự biến mất của cậu bé là một tiếng cảnh tỉnh của tác giả khi đi tìm điều quan trọng của mình. Và nó cũng là cái giá mà bố của cậu bé phải trả cho cả cuộc đời mình. Cũng như sự kiệt quệ cả về mặt danh tiếng lẫn kinh tế và xã hội nước Đức phải trả giá cho chế độ Phát Xít của mình vậy. Nhưng dù sao cha Bruno cũng hạnh phúc vì được trả giá.


Tôi đoán còn nhiều điều nữa chưa nói lắm, nhưng dừng ở đây thôi. Với một câu chuyện buồn, thế là đủ. Tôi cũng không bàn riêng về lịch sử của cuốn truyện này, vì nó dễ tìm thấy trên google lắm, và vì nó cũng quá nặng nề với loại sách tình cảm ngây thơ. Tôi cũng thấy có lỗi khi không giới thiệu về tác giả. À mà không đâu :v



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét