Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Thức tỉnh và 7 đại tội trong Kinh Thánh - Anthony De Mello





(Bài viết mang tính biện hộ và thậm chí còn hơi dạy đời. Xin hãy cân nhắc trước khi đọc – nếu có người nhỡ vào cái trang phủ bụi này.)


Dạo gần đây sách dạy kĩ năng, khuyên con người là là chính mình, sách dạy thành công hay ti tỉ loại sách “hiện đại” mới ra đời thế chỗ cho văn học. Tôi thì tôi chẳng thích những loại sách như thế, cũng chẳng phải chúng không tốt đẹp, tôi chỉ thấy chúng khá vô dụng và tẻ nhạt khi cứ nói huỵch toẹt hết mọi thứ ra cho toàn thiên hạ cùng biết, thay vì ý tứ gửi gắm trong văn học như trước kia. Như tôi là thích ngẫm ra từ những câu chuyện đầy ẩn ý cơ, chứ chẳng thích đọc mấy cái rõ như bóng trăng in trên mặt nước như vậy. Hơn nữa theo thiển ý cá nhân thì ngộ ra sẽ thấm hơn là để người ta nhồi vào đầu mình. Nhưng dù sao sách thì vẫn là sách, thiên hạ tiến bộ mình cũng phải tiến bộ theo, không thể cổ hủ bám vào những nền tảng cũ để nhận xét về những cái mới như vậy. Hôm nay là lần đầu tiên tôi quyết định chọn 1 quyển sách thuộc loại sách kiểu giáo dục thức tỉnh con người, blablabla, quyển “Thức tỉnh” của Anthony de Mello. Tôi sẽ viết về nó bằng cách đối chiếu bảy đại tội được ghi trong kinh thánh. Đại khái là tôi sẽ nói thế này, hãy hiểu việc thức tỉnh, nhưng đừng thức tỉnh vội. Hãy thức tỉnh lúc về già. Vì dù sao con người sinh ra là để tham sân si và để mắc tội. Và mắc tội thì sung sướng hơn là thức tỉnh hoàn toàn.


Hãy bắt đầu bằng những chuyện hiển nhiên nhất, 7 đại tội của con người. Thú nhận toẹt ra là tôi mắc đủ cả, và thậm chí còn tự hào về việc đó nữa là đằng khác. Để xem nào, tội đầu tiên của nhân loại là tội Kiêu Ngạo (Pride). Nó là mẹ đẻ của mọi tội lỗi. Tôi thì nghĩ nó là mẹ đẻ của nhân cách. Nói chung tôi không đề cập đến loại Kiêu Ngạo ngu dốt, mắt đặt trên đầu trong khi não đặt đằng mông. Tôi đang nói đến cái Kiêu Ngạo, Kiêu Hãnh đúng đắn của một kẻ biết vị thế của mình ở đâu. Các thánh thân hiền trí thì thường dạy phải biết khiêm nhường, khiêm tốn. Ừ tất nhiên đây là đức tính tốt rồi, nhưng nó làm cho con người bé nhỏ đi, dựa trên sự thật cơ bản rằng ai cũng bé nhỏ hết cả. Nhưng con người có nhu cầu tôn trọng cái tôi của mình và muốn được mọi người tôn trọng. Lại bảo không sung sướng khi mình thành công, đứng trên người khác, hưởng thụ cuộc sống, ăn vận đắt tiền, được thiên hạ ngưỡng mộ đi? Một cô gái xinh đẹp không sung sướng vì được bao chàng trai vây quanh thờ phụng chăng? Một quý tộc được giáo dục nghiêm khắc, quyền lực và giàu có không kiêu ngạo về địa vị của mình? Ôi làm gì có. Kiêu hãnh là cái tôi cốt yếu của con người, là một điều đáng khen ngợi đấy chứ, nó dạy con người tự yêu bản thân, tự chăm sóc bản thân, tự nỗ lực để có thể cảm thấy tự hào về bản thân mình. Này chứ một người mà cố gắng để được kiêu ngạo thì họ quá xứng với điều đó. Ít ra họ còn tìm cách để được là một kẻ kiêu ngạo.


Kiêu Ngạo hay bị đi liền với những tính từ rất chói tai kiểu như coi thường người khác, ảo tưởng về bản thân, kiêu kì, thích thể hiện,… để nói thẳng ra, ai chẳng kiêu ngạo, cái chính là có kiêu ngạo khéo léo hay không. Người mà kiêu ngạo để cả thiên hạ chía mũi dùi vào mới là loại kiêu ngạo dởm đời. Chứ có tài năng là phải thể hiện, và chẳng có gì xấu khi thích thể hiện để khẳng định bản thân. Kiêu ngạo đúng là loại kiêu ngạo đúng mực, kiêu ngạo ngầm, không phải thứ kiêu ngạo mù quáng dốt nát mà những người học chưa đến nơi làm chưa đến chốn khoe với thiên hạ về những thành công trong một thời điểm. Tốt nhất là thế này, hãy kiêu hãnh nhưng tỏ ra khiêm tốn, đó mới là người khôn ngoan. Hãy lắng nghe những ý kiến khác, nhưng hãy cố chấp một chút. Tất nhiên là nếu sự cố chấp kiêu hãnh đó dựa trên cơ sở lý trí và lí lẽ hợp lí.


Đại tội thứ hai là Ghen Tị. Nếu có những người đứng ở đỉnh cao và có quyền nhìn xuống thiên hạ bằng sự Kiêu Ngạo, thì hẳn nhiên phải có những kẻ ngó từ dưới lên và cảm thấy Ghen Tị. Ghen Tị không sai – tất nhiên rồi, vì trong cái bài viết quỷ quái này tôi sẽ toàn nói những nhân phẩm xấu xí đều đúng đắn mà thôi. Nhiều thảm hoạ có thể sinh ra từ lòng Ghen Tị mù quáng. Đi đánh ghen giết chết người. Dùng thủ đoạn triệt hạ hãm hại người khác vì Ghen Tị. Ghen Tị chỉ là….Ghen Tị thôi. Ờ thì hẳn nó sẽ là một thứ xấu xí nếu gây ra những đại hoạ ảnh hưởng đến nhiều người và không cứu chữa được. Nhưng xét sâu xa thì không có lửa sao có khói. Thiên hạ không ai sinh ra là được bình đẳng, vì vốn con người là không bình đẳng, nên không những Ghen Tị là một bản chất hiển nhiên mà nó còn có hữu dụng lớn lao khi biết kiểm soát nó một cách bình tĩnh. Bình tĩnh, chứ không phải đúng đắn. Bạn bình tĩnh kiểm soát ghen tị và triệt hạ những kẻ vượt mặt mình để đạt được sự Kiêu Hãnh. Còn nếu kiểm soát lòng Ghen Tị một cách đúng đắn thì bạn sẽ chỉ dậm chân tại chỗ hoặc cùng lắm là tiến bộ lên chút đỉnh thôi. Không có gì là đúng đắn khi các nhu cầu mong muốn của một cá nhân chưa được thoả mãn. Tóm lại lời lẽ của tôi gần giống như đang xúi giục một tâm tính ác độc trong con người. Có thể đó là sai. Nhưng dù sao sự tồn tại của Ghen Tị sẽ thúc đẩy con người cố gắng, hoàn thiện và lí trí hơn.


Tất nhiên vẫn phải nhấn mạnh lại, là loại Ghen Tị có chủ đích, chứ không phải thứ Ghen Tị vớ vẩn vu vơ, hay thứ Ghen Tị nanh nọc đến mức gây ra vài cuộc chiến tranh đầu rơi máu chảy. Và tốt nhất hãy Ghen Tị sao cho khéo léo, sao cho kín đáo, để người khác không nhận thấy chúng tồn tại. Ghen Tị chính đáng không xấu, chỉ có định kiến xã hội thêu dệt để gán mác lẫn nhau là xấu thôi.


Đại tội thứ ba là Giận Dữ, và phải nói tội này khá khó để biện hộ cho nó được. Không ai có thể tìm thấy được điều gì tốt đẹp trong cơn giận dữ và trong một con người đang giận dữ, hay thậm chí là một sinh vật đang giận dữ. Giận dữ đa phần là bạn đồng hành trung thành của lòng tham và sự mù quáng, từ đó kẻ giận dữ sẽ đánh mất lý trí và trở nên ngu xuẩn. Đại khái là tôi không dám nói có kẻ nào giận dữ hành động mà lại tạo ra hậu quả tốt đẹp cả. Nhưng tôi càng không muốn nhắc đến việc Giận Dữ không đáng tồn tại. Giận dữ là xấu thật, nhưng nó lại là một trong những loại cảm xúc chính yếu chứng minh rằng con người đang sống, đang ý thức, có bị tác động bởi những điều ở bên ngoài, có cảm nhận. Nói chung, Giận Dữ là thước đo tốt để tôn vinh cái đẹp của các cảm xúc tích cực, là miếng đòn đau cho những hậu quả, là bài học của những kẻ đánh mất mình trong cảm xúc, và là mầm móng của Lương Tâm và sự Kiềm Chế. Thực ra nếu là một người bình thường thì tôi vẫn khuyên không nên loại bỏ sự giận dữ, mà hãy giận dữ trong thầm lặng; nhớ lấy cái cảm giác giận dữ đó để còn biết đường mà đối đầu với nó. Bí quá, đếm từ một đến mười. Thường chỉ đến 7 thôi là cơn giận dữ đã tắt ngúm rồi. Hành động trong cơn giận dữ (có lý trí và suy xét, chứ không phải giận dữ suông) thì hiệu quá có khi lại đáng bất ngờ đấy. Suy cho cùng, càng nóng nảy bao nhiêu người ta càng hoàn thành nhanh mọi thứ bấy nhiêu. Chỉ là có theo hướng tốt đẹp hay không thôi. Mà khoan, không tốt đẹp thì được một phần nhật kí thú vị còn gì.


Đại tội thứ tư là Lười Nhác. E hèm, đây là một đại tội hết sức phổ biến và tôi cũng rất làm vui lòng được phép biện hộ cho sự Lười Nhác thường niên. Tôi sẽ rất thích thú được trích những câu nói kiểu kiểu như, lười động thân thì động não, lười động não thì lao than, hay những cái gì đó đại loại như thế. Nhưng chúng nghe thật tầm thường, và bản thân sự Lười Nhác thì cũng thật tầm thường. Hiền nhiên ai cũng muốn Kiêu Ngạo và Thành Công, và những lời nói cảnh cáo một trong những chướng ngại lớn nhất của con người là sự Lười Nhác đều hoàn toàn chính xác. Nếu nói như vậy thì Lười Nhác là hoàn toàn sai còn gì. Xét về lý thuyết thì thực tế giống trong lý thuyết, nhưng xét về thực tế thì lý thuyết khác xa thực tế. Nhưng ai mà tránh được sự Lười Nhác? Lười sướng quá đi chứ, nhất là dụng nhuần nhuẫn Trung Dung Chi Đạo. Có thể biện hộ Lười Nhác bằng sự bình thản nữa cơ đấy chứ đùa đâu. Ăn nằm ngủ nghỉ chơi không sướng à? Chỉ làm cái mình thích không sướng à? Cái chính là, nên áp dụng Lười Nhác trong hoàn cảnh nào, trong lĩnh vực nào, trong thời gian nào mà thôi. Một kiến trúc sư chẳng sai khi lười nhác đọc sách văn học; một đầu bếp cũng chẳng sai khi lười nhác tìm hiểu về điện thế. Lười Nhác về thứ không thuộc về mình cũng chẳng sai, nhưng lười nhác về điều mình giỏi thì đúng là ngu lắm đấy. Nhưng xét cho cùng, ai cũng sẽ phải lười nhác, nên cũng như lời khuyên trên, lười thì lười cho khéo, đừng lười lộ liễu quá thiên hạ chỉ trỏ. Lười mà thiên hạ không nhận ra, đó mới là nghệ thuật.


Đại tội thứ năm là Tham Lam, và là đại tội tôi khá khoái. Thừa nhận đi, bản chất cơ bản của con người là tham lam ích kỉ, và để nói thẳng ra, nó tốt gần như hoàn toàn chứ chẳng có gì xấu xa. Người ta thì bảo tham lam xấu xa nhưng tôi không bói nổi ra vì sao tham lam lại là xấu. Thánh nhân hoặc các triết-học-gia-xì-teen ngày nay, những người thích nói về những điều cao đẹp, mấy thứ sâu sắc ở trên internet ấy ạ, với tôi đều nhạt nhẽo hết. Mọi thứ sinh ra từ lòng tham và kết thúc cũng ở lòng tham. Cái chính là có dám thừa nhận mình tham hay không thôi. Tham lam gây nên nhiều đại hoạ, hẳn rồi, lịch sử đã chứng minh thế - lòng tham của con người đối với tiền bạc (thước đo nhân phẩm chuẩn xác nhất) là vô đáy, và dù có biện hộ là tham đi với bất cứ thứ gì khác tỉ như hạnh phúc gì gì á, thôi đi, lòng tham đó cũng phải có điều kiện dựa trên tham lam về vật chất, hay nói đơn giản hơn, tham những gì chưa đạt được. Ai cũng sẵn sang có được hạnh phúc (hay những cái cao đẹp khác), miễn là có thứ này thứ nọ. Nhưng con người có lòng tham thì lại tốt. Đó là điều kiện cơ bản để phát triển. Các nhà nghiên cứu, tiến sĩ giáo sư về mọi trường phái tính cả triết học, dù có nghiên cứu về động lực phát triển của con người có tỉ mỉ, có sâu xa, có nguồn cội và thuyết phục bao nhiêu đi chăng nữa, rốt cuộc vẫn chỉ chốt về một chữ “Tham”. Chính “tham lam” tạo nên tri thức, tiền tài, văn hoá, cuộc sống, sự phát triển, mọi thứ. Nghe thì tiêu cực, nhưng sự thực là vậy đấy. Vậy nên, muốn tài giỏi, hãy tham lam.


Tham lam thì hay sóng đôi với ích kỷ, và ích kỷ, xin lỗi đùa chứ, càng tốt. Trên đời này chỉ có 2 loại người: loại ích kỷ và biết mình ích kỷ, loại ích kỷ nhưng chỉ biết thiên hạ ích kỷ. Loại thứ nhất ta dành cho mình cái khoái lạc của việc làm thoả mãn chính mình (qui ngã). Loại thứ hai ta dành cho mình khi thoả mãn người khác. Và loại thứ 3, tệ hại nhất, làm điều tốt để tránh sự trừng phạt của lương tâm. Xét về mặt nói chung, con người sinh ra là ích kỉ, nhận thức nó đúng đắn thì sẽ đỡ tự đề cao mình một cách ngu xuẩn. Bạn yêu bản thân mình, làm mọi việc vì bản thân và để thoả mãn dục vọng của mình, rồi người ta gọi bạn là ích kỉ? Thường như trái đất. Hãy nhớ cho: người không vì mình, trời tru đất diệt. Chẳng ai sinh ra được quyền nghĩ người khác ích kỉ mà không nghĩ lại bản thân mình cả. Nhưng nói chung ích kỉ không công khai và ích kỉ một cách kín đáo thì hay được đánh giá tốt hơn, bởi lẽ con người ta không thích thấy những sự thật xấu xí, không muốn thừa nhận xấu xí và cũng gần như chẳng mấy người nghiệm lại bản thân mình là người như thế nào trước khi đánh giá người khác. Thế đấy.


Loại ích kỉ thứ hai nghe trang nhã và trắc ẩn hơn, là loại ích kỉ khi dành sự tán dương cho bản thân khi thoả mãn người khác. Thường thì người ta sẽ nhận xét đây là một người tốt, một nhân cách tốt, nhưng xin lỗi, (đây không phải tôi nói mà là Anthony nói nhé), bạn chỉ làm việc tốt khi bạn không biết mình đã làm việc tốt mà thôi. Giúp đỡ người khác, làm những việc tốt bạn ý thức được chẳng qua là một cách để bạn ngầm tán dương địa vị và tầm quan trọng của bản thân trước những người khác và diễu võ giương oai trước những chuẩn mực xã hội. Và đại khái, chẳng ai làm gì mà không tính toán vụ lợi – nên về cơ bản ích kỉ trong lòng tốt cũng là một điều hiển nhiên. Đừng ngạc nhiên.


Loại thứ ba, tồi tệ nhất, đó là bạn làm điều gì đó trái ngược với mong muốn cá nhân. Bạn nói cái này liên quan gì đến ích kỉ? Liên quan quá đi chứ, bạn làm mà bạn không muốn, thì bạn ích kỉ vì đã miễn cưỡng không thực tâm muốn làm, tức là bạn ích kỉ với đối tượng. Ngoài ra, bạn còn ích kỉ với chính mình chỉ vì bạn buộc bản thân mình phải làm thế để đỡ cắn rứt lương tâm. Đây là loại ích kỉ ngu xuẩn nhất vì nó vừa làm mệt mình vừa làm mệt người. Con người ai cũng thích làm khổ người khác để thấy mình tốt đẹp cả thôi, và giờ thì bạn chuyển sang làm mệt mình để thấy mình tốt đẹp.


Vậy ích kỉ tốt không? Tốt quá đi chứ. Giống như Tham Lam, Ích Kỷ cũng là một trong những đức tính nền tảng để phát triển cá nhân. Nếu Tham Lam có thể giúp phát triển từ cá nhân đến diện rộng, thì Ích Kỷ phát triển cá nhân khá tốt. Bạn sẽ ngạc nhiên khi bạn đạt được những gì từ việc ích kỷ. Tất nhiên vẫn nên ích kỉ cho khéo léo thôi, thiên hạ thích lôi nhau ra ném gạch đá lắm.


Đến thứ 6, Tham Ăn! Vì chúa linh thiêng, con không theo đạo cũng chẳng có ý xúc phạm Chúa, nhưng tội này là loại tội sung sướng và khoái cảm nhất! Ăn thì quỷ nào chẳng thích! Được ăn, lại còn ăn ngon, không chỉ nuôi cái bụng, cái thân, cái tâm, nó trắng ra nó nuôi cả tâm hồn. Đã đói đã rét thì chẳng có nghĩa lý gì hết. Cái đói là nguyên nhân gây ra hầu hết mọi hậu hoạ ngu dốt bên cạnh lòng tham ngu xuẩn. Được ăn đã sướng, đã thế, nói cho văn hoa màu mè, cho ca ngợi cái đức ăn thì ẩm thực là một trong những con đường học về đa dạng văn hoá và đa dạng con người đáng mến nhất. Ăn là một dạng nghệ thuật, ăn ngon là nghệ sĩ, và ai cũng đều hướng đến cái Ăn tốt lành đó. Ăn đến béo quay đến mức đầu óc mụ mị đi thì không còn là ăn nữa, mà là cái máy tiêu hoá không suy nghĩ rồi. Chứ Tham Ăn là tội thì….Amen…


Cuối cùng, kết thúc trường ca biện hộ là Dục Vọng. Cái quan niệm Dục Vọng là đại tội này chắc chắn chỉ có ở thời xửa xưa khi mấy Bô Lão hay mấy Cha Xứ phán gì thiên hạ tin đó. Dục vọng là nhu cầu sinh lý cơ bản nhất đi kèm với thân thể, là “hàng không trả”, là một thứ hiển nhiên đến không thể hiển nhiên hơn. Bỏ qua mấy cái lợi cho xã hội hay duy trì nòng giống đi, thoả mãn Dục Vọng theo nghĩa đen rất sướng :v Thế đấy. Và như xã hội hiện đại thì khoa học còn chứng minh Dục Vọng là tốt cho sức khoẻ kìa. Đầy nước công khai hoá hợp pháp hoá kìa. Ái chà. Dục Vọng chẳng bao giờ là sai. Chết vì Dục Vọng thì mới là ngu, vì chết vì nó thì làm sao được hưởng tiếp nữa.


Vậy tự nhiên tôi lôi một đống điều chẳng liên quan gì đến vấn đề Thức Tỉnh như quyển sách tôi quảng cáo là tôi đã đọc ở trên kia làm gì? Đơn giản lắm, tôi đang chứng minh cho bạn làm người thì sướng hơn nhiều việc thức tỉnh, vì bạn thấy đấy, những điều trên đây gần như ai cũng có sẵn từ khi sinh ra, hết sức hiển nhiên, hết sức tự nhiên, và chẳng có gì phải xấu hổ trừ phi bạn là người chạy theo các định kiến xã hội. Còn bạn muốn Thức Tỉnh? Được, cùng Thức Tỉnh nào.


Về sự yêu quý? Xin lỗi, không có thật, bạn chỉ yêu những định kiến và quan niệm bạn gán cho người đó thôi. Bạn không thật sự yêu họ, vì bạn có biết bản ngã của họ không? Bạn có biết “họ” – người bạn yêu quý, thật sự là ai không? Không đâu ạ, bạn còn chẳng biết mình là ai, chẳng ai biết mình là ai. Bạn và người ngoài chỉ biết cái “tôi” đối tượng, cái tôi bạn nghĩ là mình. Còn bản thân bạn? Nồ.


Tương tự, về mọi thứ trên kia cũng như mọi thứ tốt đẹp khác (hạnh phúc, tình yêu, tình bạn, chân thành,…blab la bla), và tất tần tật những điều trần tục khác bạn từng biết, từng nghĩ đến, từng trải qua, cũng đều là những định kiến được tạo ra trong quá trình phát triển và bạn biết chúng vì bạn nghĩ rằng bạn biết chúng, có thế thôi. Hãy nghĩ cho thật rõ ràng, bởi chân lý và thức tỉnh chính là bạn hoàn toàn gạt ra mọi thứ, gạt khỏi mọi ảo tưởng, đặt mình sang một bên để xem, để chứng kiến mọi thứ, phải hoàn toàn rộng mở tiếp thu mọi thứ. Không phải là cái tiếp thu rộng mở để củng cố những thứ bạn có sẵn, mà là hoàn toàn phóng thích để hoàn toàn tiếp thu. Thức tỉnh tốt lắm, nó cho bạn sự bình thản tuyệt đối như The Papessa trong bài Tarot ấy, nhưng đồng nghĩa với việc bạn phải hoàn-toàn-gạt-bỏ-mọi-thứ, tức là không bao giờ bị tác động bởi những thứ tầm thường như tham sân si hoặc bất cứ điều gì hết sức vĩ đại hay hiển nhiên đi chăng nữa. Nói chung, nó là một dạng thinh lặng tuyệt đối, đứng ngoài xã hội, và, vì Chúa, Vô Ngã.


Thế nên thay vì nhận xét là nói về ý kiến của tôi về từng chương từng chuyện trong sách như trước kia, tôi chọn cách viết một bài châm biếm nho nhỏ để khuyên bạn rằng, về già hãy Thức Tỉnh, còn giờ thì hãy chỉ Hiểu Thức Tỉnh Là Gì thôi. Vì nó, như cách nhìn nhận của một trẻ-trâu-qua-đào-tạo, nhạt nhẽo lắm.



1 nhận xét:

  1. Tôi nhớ còn có bài nào viết "bất cứ từ gì có chữ "tham" đều là xấu" :v hẳn là thế, tham lam thì ai mà chả có. Còn tham vọng hình như là sai hay sao mà ghi đều là xấu.

    Trả lờiXóa