Thứ Tư, 4 tháng 2, 2015

Chùm nho uất huận - John Steinbeck



Người ta thường nói, “Thời thế tạo anh hùng”; còn như tôi, tôi thấy Thời Thế còn tạo nên cả những tuyệt phẩm văn học bất hủ nữa. Phàm là những thời kì càng nhiều biến động, con người càng khổ đau, chân lý càng mờ nhạt, thì càng ra đời nhiều những tác phẩm nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng mang trong mình dòng chảy vĩ đại khó có thể phủ nhận. “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck cũng là một trong số những tác phẩm đó, một tác phẩm của nỗi đau, sự sinh tồn, hi vọng và tình thương. Để nói về mặt cá nhân, tôi khá ưng cuốn sách mỏng này, một phần là vì nó không nói nhiều về tình yêu nam nữ, một phần khác là vì, ờ, tôi đặc biệt thích nhân vật Mục Sư Casy. Nói chung đến thời điểm hiện tại tôi nhận ra tôi có xu hướng thích nhân vật phụ hoặc nhân vật phản diện hơn, vì diễn biến tâm lý của họ mâu thuẫn hơn.


Câu chuyện mở đầu bằng hình ảnh anh chàng Tom Joad vừa được ra tù tạm thời sau bốn năm ngồi bóc lịch vì tội vô tình giết người trong một cuộc ẩu đả. Anh đang trên đường trở về quê hương, về với gia đình để tiếp tục làm một tá điền lương thiện, tự cung tự cấp nuôi lấy mình, nuôi lấy gia đình mình. Trên đường trở về anh đã tình cờ gặp được tay mục sư cũ tên là Jim Casy. Jim Casy đã mất niềm tin vào tôn giáo chính thống khi nhận ra suốt bao năm ông chỉ làm những điều người ta nghĩ ông phải làm, nên làm và cho là làm người thờ phụng Chúa bằng những bài kinh thuộc lòng nhưng trống rỗng là điều cao quý lắm. Khi thờ phụng Chúa trong giáo đường và giảng đạo cho con chiên, Jim Casy không thực sự ngộ ra được bất cứ điều gì, nhưng đến khi gặp Tom Joad, tức là sau một thời gian phá giới, sau một thời gian cảm thấy phải đi tìm chân lý của riêng ông chứ “không thể bằng lòng với kinh sách cũ tốt lành nằm trong tầm tay”, Jim Casy đã ngộ ra những thứ mà khi còn là một mục sư đứng đắn và rao giảng kinh đạo khắp nơi, ông đã không thể ngấm chúng được. Ông ta đã thức tỉnh, vì ông ta nhận ra mọi chuyện, mọi chuyện đều là tầm phào hết, rằng mọi chuyện đều không phải tội lỗi gì cả, mà chỉ đơn giản là con người sinh ra để làm tất cả những chuyện họ nên làm, phải làm, hay lỡ làm; “Tội lỗi ư? Đức hạnh ư? Đó chỉ là những điều tào lao! Chả có gì mà con người không làm.” “Ai cũng mắc tội lỗi. Tội lỗi là một điều gì người ta không biết chắc.”; “Người ta phải làm những gì mà người ta phải làm.”; “Ai cũng phải tự lo liệu lấy phận mình. Giúp đỡ người, có thể được, nhưng không được bảo người ta phải thế này phải thế nọ”; “Người ta chỉ tự dựng lên tội lỗi của chính mình mà thôi.” Tất cả mọi thứ chẳng có gì quan trọng cả, chỉ quan trọng cái là ông ta đã nhận ra rằng ông ta yêu thương con người, không phải bằng thứ tình yêu của Chúa dành cho con người như cách những mục sư được dạy, mà ông ta yêu con người bằng trái tim cá nhân, bằng thâm tâm cá nhân mình. Từ đôi mắt của một người đã trải qua sự thông thái (mà ít ra là tôi tin như vậy), ông ta nhìn thấy cái cá nhân bé nhỏ của mình, cũng như thấy mỗi cá nhân khác cũng đều nhỏ bé, và tất cả đều chung một thực thể, chung một linh hồn lớn, vì hẳn rằng không ai có thể sống đơn độc và phải có một cộng đồng để dựa vào, để yêu thương và tình cảm; không còn Đức Thánh Thần hay Chúa nữa, mà chính những người chúng ta yêu thương là Đức Thánh Thần, là Chúa của chúng ta. Không có thánh thần, không có tội lỗi, chỉ có tình thương giữa người với người là Đức Thánh Thần thực sự.


Họ bắt đôi cùng nhau trở về nhà của Tom Joad. Tom muốn về với mảnh đất cố hương, còn mục sư Casy giờ đây không còn là đi giảng đạo ở những nhà thờ nữa, mà ông ngẫm rằng ông sẽ đến với những người cần ông trên những nẻo đường ông sẽ đi. Ở đâu có “họ” thì ông sẽ đến để an ủi họ bằng tri thức của ông, chứ không còn bằng những bài kinh nguyện sáo rỗng nữa. Họ cùng về với mảnh đất Oklahoma, “miền đất bụi”. Và ở đó, sự thật của cả một thời đại hiện lên bàng hoàng. Đất đã tan hoang, miền đất bụi khô cằn không trồng nổi một thứ gì nuôi sống được con người đó khiến những người sở hữu nó, yêu thương nó, sinh sống lớn lên và chung một phần linh hồn với đất đai đó, lâm vào cảnh khốn cùng kiệt quệ của đói nghèo. Con quái vật ngân hàng sống bằng tiền lãi đẩy họ xuống tận cùng không lối thoát, máy móc phá vỡ phương thức lao động truyền thống của những tá điền, cuối cùng là bao thứ quý giá trong đất đã tán đi trong gió, trong nắng. Chẳng trồng trọt được gì trên đó cả! Chúng xua các tá điền ra khỏi chính đất của họ, chẳng quan tâm rồi họ sẽ sống ra sao, xoay sở như thế nào. Nhưng họ phải đi, phải đi thôi. Mua lấy một con xe cũ, tiết kiệm ít tiền, và ra đi, vì không còn chỗ cho họ trên chính mảnh đất quê hương của họ nữa, vì đất máu đất thịt của họ rồi sẽ khô cạn như một cái xác ướp và dù có bám lại, họ cũng sẽ chết vì đói. Điều đau đớn hơn, là họ nhận thấy tầm quan trọng của đất, của sự sống của đất đang mài mòn, còn những kẻ kia, những con quái vật máy kéo và những kẻ điều khiển nó, đâu còn có nhận thấy mùi của đất, sức mạnh và tình yêu với đất đai nữa rồi. Công nghệ đến thay đổi bao nhiêu, khiến mọi việc trở nên dễ dàng nhanh chóng nhưng cũng khiến bao giá trị thay đổi và tệ mạt. Họ không yêu mến đất. Chỉ đơn giản vậy. Và đất sẽ chết dưới lưỡi sắt thép và sự ghẻ lạnh của con người và thời đại. Đất đang chết. Chỉ bằng hình ảnh người tá điền “Tôi là mảnh đất, mảnh đất là tôi” (I am the land, the land is me) mà tác giả đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của việc yêu thương quê hương nguồn cuội, và tầm quan trọng của mảnh đất “tư hữu” thuộc về cá nhân, cũng như tầm quan trọng của một “mảnh đất” sẽ kết nối cộng đồng với nhau, giúp con người an cư lạc nghiệp. Khác nhau thay những người trân trọng đất và những kẻ trục lợi từ đất.


Jim Casy và Tom Joad đã nhận thấy cái sự thực đau đớn đó khi họ trở về và thấy những ngôi nhà tan hoang lạnh lẽo, và gặp lại người bạn của của Tom là Muley. Chỉ còn duy nhất Muley sống vạ vật ở “miền cát bụi” Oklahoma đó, còn dân tình đều đã phải rời đi cả. Mua lấy cái xe tồi và rời đi hết về miền Tây tìm cơ may kiếm sống qua những quảng cáo về sự trù phú của California. Những kẻ ở lại, hoặc là vì kiếm sống mà chọn quên đi cái tình với đất, và vì đặt bản than lên đầu tiên, nên trở thành những điền chủ; hoặc đó là những kẻ tay không tấc sắt nhưng máu thịt lại hoà lẫn vào đất như Muley. Muley ngày qua ngày ngủ bờ bụi, ăn thú bẫy ở ruộng, ở rừng, dần quên đi bản tính người, chỉ còn lòng căm thù là còn tồn tại. Những kẻ ở lại không hiểu rõ vì sao họ ở lại, họ chỉ biết là không thể rời đi khỏi mảnh đất cha ông cướp về và gầy dựng này được. Thế nên, họ ở lại, chìm dần đi trong lãng quên và nỗi căm thù.


Nhưng phần lớn con người đều khao khát được sống, dù chỉ là hi vọng nhỏ nhoi họ vẫn muốn sống. Sự sống là thứ thiêng liêng nhất. Nên tất cả hàng ngàn hàng trăm ngàn gia đình, bán hết mọi thứ, gói ghém đồ đạc để đi tìm “miền đất hứa” trong sự mù mờ và ảo vọng. Vì thời đại chuyển mình nên con người cũng phải chuyển mình đi thôi. Chẳng ai biết điều gì chờ đợi mình, vậy mà ai cũng cứ lên đường. “Tôi thấy hình như chúng ta không bao giờ đi đâu cả. Cứ việc đi và đi. Luôn luôn lên đường. Tại sao thiên hạ lại không nghĩ đến tất cả những điều đó? Ngày nay cái gì cũng chuyển, cũng động. Người ta di chuyển. Chúng ta biết tại sao di chuyển và di chuyển như thế nào. Họ di chuyển vì họ không thể làm khác được. Chính vì thế là họ di chuyển mãi mãi.” Rốt cuộc con người vẫn luôn tiến tới dù không có đích đến rõ ràng. Rốt cuộc mọi người ai cũng phải sống cho đến khi buộc phải chết. Chuyển động khó khăn chứ, tiến lên khó khăn chứ! Nhưng “Thiên hạ thì ai mà chẳng có thể ngã lòng: nhưng con người thì phải biết chịu đựng.”


Tom và Jim Casy may mắn thay gặp lại được gia đình Joad ngay trước lúc họ đang ở nhờ nhà một người chú là John và đang chuẩn bị lên đường. Mọi thứ đã được bán, đã được chuẩn bị cho một hành trình dài đến miền đất hứa California với những quảng cáo thuê nhân công giá cao, những hứa hẹn về sự trù phú của đất đai, của thiên nhiên, của thực phẩm. Họ, như bao gia đình khác, chẳng hề muốn rời khỏi ngôi nhà nhỏ ấm cúng và mảnh đất máu thịt, nhưng cũng buộc phải ra đi, vì thời đại đòi hỏi vậy. Và hiển nhiên chờ đợi họ là bao thách thức khốn khổ. Mẹ đốt đi những bức thư mang kỉ niệm. Họ để lại những con chó, bán những món đồ trong gia đình.


Nhưng chính lúc lên đường, Ông Nội từ chối ra đi, không muốn rời khỏi mảnh đất máu thịt của ông. Âu cũng là lẽ thường với người cả đời sống cuộc sống ngay thẳng với mồ hôi xương máu nhỏ đẫm mảnh đất chôn rau cắt rốn đó. Họ đã phải dùng thuốc để đưa ông đi, rồi chẳng được bao lâu Ông Nội cũng chết vì tai biến mạch máu não. Ông Nội chết vì bệnh; nhưng thực ra Jim Casy đã nhìn thấy cái bệnh sâu xa trong tâm hồn Ông Nội: Ông Nội chết ngay từ lúc họ phải ra đi, phải rời khỏi “miền đất bụi”, chứ không phải vì vài căn bệnh vớ vẩn. Con đường họ vạch ra đến chân trời mới không dành cho Ông Nội, “không có chỗ cho Ông Nội. Ông Nội chết không hề đau đớn. Ông ở lại với ruộng đất của ông. Ông không thể từ bỏ nó được.” Bao giờ cũng có những người không thể rời bỏ, như Ông Nội và Will. Sống hay chết, vẫn phải ở mảnh đất này.


Họ chon Ông Nội giữa cuộc hành trình gian khó, cũng như cách nói chôn đi một thế hệ cũ, một lý tưởng cũ, chôn đi đau đớn khát khao nơi quê nhà để đi tìm tương lai. Họ lại tiếp tục lái con xe cà tàng trên quốc lộ 66 – nay đã trở thành biểu tượng hướng đến tự do của Mỹ. Trên đường đi họ đã gặp gia đình Wilsons. Chỉ bằng một câu nói của Mẹ: “Đừng bỏ qua những dịp giúp đỡ người khác”, họ giúp gia đình Wilsons sửa xe, và cả hai gia đình tiếp tục chuyến hành trình cùng nhau. Hàng ngàn hàng tram gàn người cũng đang di chuyển như họ. Họ chỉ không biết rằng, các điền chủ miền Tây, đất đai miền Tây đang bắt đầu bồn chồn trước những thay đổi, những thay đổi lớn lao. Những điền chủ miền Tây lúc đầu chiếm đất đai bằng thủ đoạn và vũ lực, nhưng rồi cuộc sống giàu sang lười biếng, những mảnh đất bao la khiến họ trở nên yếu nhược, và họ hiểu rằng chỉ cần những Okies, những kẻ di cư “bẩn thỉu” kia đoàn kết lại với nhau, chúng sẽ lật đổ những kẻ tư bản giàu có để chiếm đoạt đất. Các điền chủ đổ lỗi cho những kế hoạch của nhà nước, cho sự phát triển những tổ chức của thợ thuyền, đổ lỗi cho tất cả mọi thứ mà không nhận ra rằng nguyên nhân sâu xa nhất chính là Cái Đói. Cái Đói là điều cơ bản nhất buộc con người phải thay đổi, phải di chuyển. Không chỉ là Cái Đói tầm thường của cái bụng, mà đó còn là Cái Đói Lao Động – con người sinh ra với đầu óc và cơ bắp là để làm việc, là để khao khát tiến lên bằng sức lực, là để được lao động và phát triển. “Các cơ bắp đau đớn nỗi ham muốn lao động, khối óc đau đớn nỗi ham muốn sang tạo vượt qua cả những nhu cầu cá nhân…đấy, con người là thế!” Tất cả những nỗi ham muốn lao động, cái đói lao động đã thúc đẩy con người về phía trước. “Khác với các vật hữu cơ hay vô cơ trên Trái Đất, con người phát triển vượt quá sức lao động của y, leo lên các bậc thang tư tưởng của y, làm chủ các thành quả của chính y. Đấy là những điều người ta có thể nói về con người. Khi các lý thuyết thay đổi và sụp đổ, khi mà các trường phái, các nền triết học, các ngõ cụt tăm tối của tư tưởng quốc gia, tôn giáo, kinh tế lớn lên và tan ra, thì con người vẫn vươn tới về phía trước, lần mò, vấp ngã, đau đớn, đôi khi lầm lạc. Đã bước lên phía trước, có thể trượt lại sau, nhưng chỉ lùi nửa bước không bao giờ trọn vẹn cả bước. Điều đó, người ta có thể biết được.”


Nhưng to lớn hơn cả, mạnh mẽ hơn cả, là con người không bao giờ tiến lên một mình. Khi giàu sang sung sướng, họ có thể sẽ đi một mình, con đường của riêng mình, con đường tư bản, trở nên đối nghịch với mọi thứ khác để bảo vệ quyền lợi cá nhân; nhưng khi nghèo đói, khi buộc phải tiến lên và đối mặt với những khó khăn, họ lại chung vai sát cánh thành một cộng đồng, để nương tựa lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Vì con người hiểu họ không hể khắc nghiệt với nhau mà sống, khi tất cả đều khổ cực như nhau đến vậy. Cái khổ đau là “cái mở đầu đi từ “tôi” đến “chúng ta””, và rằng một con người “khi ông đã có của, ông bị đông cứng mãi trong cái “Tôi” và bị cắt lìa mãi mãi với cái “Chúng ta””. Chỉ là, vấn đề ở chỗ khi cái “Chúng ta” quá đông, quá yếu nhược, chuyển động quá nhanh, thì lại thành đe doạ của cái “Tôi”. Đó, thiên hạ đang trong tình trạng như thế. Tất cả những kẻ di cư đang trong tình trạng như thế, khốn khổ như nhau, nương tựa vào lẫn nhau. Mỗi kẻ có cách đi riêng nhưng rốt cuộc chung một hướng đi để kiếm sống cả. “Có những sự việc đang diễn ra và có những con người làm nên những sự việc. Những người đặt bàn chân này lên trước bàn chân kia, họ không nghĩ họ đi tới đâu, …nhưng cái đó không ngăn trở họ đặt chân về cùng một hướng.” Quan trọng nhất là, “khi gặp một hang rào chắn ngang trước mặt mày nhất định phải vượt qua nó.”


Tom Joad mỗi ngày trôi qua bắt đầu nghĩ đến người khác nhiều hơn thay vì chỉ nghĩ riêng cho bản thân mình. Ai cũng vậy, rơi vào cảnh khốn khó với bao nhiêu người chung cảnh ngộ, họ đều trở nên đồng cảm hơn, thân thương hơn, họ thương cho số phận người cũng như thương cho số phận của chính họ. Chỉ khi rơi vào bước đường cùng hoặc sự thức tỉnh, con người mới nhận ra, nghĩ cho đồng loại là nghĩ cho bản thân mình. Những con người đó yêu thương lẫn nhau và cầu cho những kẻ khác hãy học điều đó. “Chỉ mong có cách nào đó để sống được mà không rút mất cuộc sống của kẻ khác.”


Nhưng càng đến gần miền đất hứa, mọi chuyện lại càng tồi tệ dần, nhất là khi một vài sự thật bắt đầu xuất hiện. Ví như người đàn ông họ tình cờ gặp trên đường, với sự thật khốn nạn của riêng hắn ta, rằng việc nhiều nhưng người còn nhiều bội phần, và rồi họ sẽ dìm tiền lương xuống tận đáy, đến tận khi anh buộc phải nhận những công việc rẻ mạt không đủ nuôi sống bản thân chứ chẳng còn nói gì đến gia đình. Gia đình Joad đông đúc bao nhiêu, Bố, Mẹ, Tom, em trai Tom là Al, hai đứa bé, Bà Nội, Connie chồng của Rosasharn, Rosasharn đang mang chửa, Jim Casy đi cùng, chú John kì quặc.


Chen vào cuộc hành trình của gia đình Joad, gia đình tiêu biểu, là hàng sa số những gia đình cùng đi trên con đường mờ mịt khác. Họ hợp với nhau thành từng đoàn từng đoàn, và theo bản năng một cộng đồng xuất hiện. Nhưng sự đói nghèo đem họ thành một gia đình duy nhất, thành cộng đồng gắn kết nhất, chung nỗi đau chung khốn khó, chung sẻ chia cả về tình cảm lẫn vật chất. Họ hát trong tiếng đàn, quên nỗi đau trong cộng đồng, vì con người ta chỉ có thể sống yên tâm khi có cộng đồng bên cạnh, để biết họ không lạc lõng. Trong nội bộ các thế giới, các hành vi xã hội mang tính cố định, cứng nhắc. Các quy ước xuất hiện và chặt chẽ đến mức mà mọi gia đình đều hành động trong luật lệ đều biết chắc là mình sẽ được an toàn trong sự che chở của các luật lệ đó…. Chính như vậy mà họ thay đổi cách sống về mặt xã hội, một sự thay đổi mà trên toàn vũ trụ này chỉ con người là làm được. Vì như thế họ mới không lạc lõng. Và khi đến nơi họ còn biết bên cạnh mình còn có những thứ mình có thể nương tựa. Những xã hội nương tựa vào với nhau.


Nhưng gần California hơn, xã hội của những kẻ di tản đó bắt đầu nhận ra những sự khốc liệt đến từ nỗi căm hờn của những điền chủ California cũng như dân bản địa. Những điền chủ giàu có, bám chặt lấy đất, thà tàn sát cả thiên hạ còn hơn buông đất ra; họ không thể tử tế với bất cứ ai, vì họ sợ đánh mất tàn sản vào tay những kẻ di cư nổi dậy như chính họ và ông cha họ từng dung bạo lực với dân bản địa ngày trước, đến mức ngay giữa họ cũng chẳng thể tốt nổi với nhau. Họ giàu nên họ càng sợ chết, phàm là kẻ đến đường cùng thì chết có là thá gì? Ở đất màu mỡ đó, những kẻ giàu có “cần đến nửa triệu héc ta để cảm thấy mình giàu, thì theo tôi (Jim Casy), chắc y cảm thấy long mình nghèo ghê gớm”. Giàu ở đây là giàu tình cảm, như tình cảm những người nghèo khó dành cho nhau, như bà Wilsons nhường giường cho Ông Nội chết, nhưng những cộng đồng di tản chồng tiền để chon cất một đứa bé kém may mắn vừa ra đời đã phải về với Chúa, như gia đình Joad dừng lại giúp đỡ cặp vợ chồng Wilsons,…đó là cái giàu của lòng nhân ái, của tình thương đồng loại, của con người giữa con người với nhau.


Gia đình Joad vừa thoáng thấy được tiểu bang California bạt ngàn hoa quả tươi đẹp thì Bà Nội cũng qua đời trong cảnh nghèo khó. Bà đã không thể chịu được cái khắc khổ trên đường. California không có chỗ cho bà, cũng như không có chỗ cho Ông Nội. Chồng của Rosasharn cũng đã bỏ đi, một người con trai bỏ đi, chỉ còn lại Bố, Mẹ, Tom, Al, hai đứa trẻ, Jim Casy và chú John. Nhưng nhanh chóng ngay khi nhập vào dòng người di cư, họ phát hiện giấc mộng trong quảng cáo về California là hoàn toàn dối trá. Có nhiều việc nhưng lại có quá nhiều người, khiến tiền công liên tục bị giảm xuống đến mức không nuôi nổi một người một bữa, khiến hang ngàn người chết đói hoặc đứng cận bờ chết đói. Đám người bị tước mất ruộng đất tràn xuống như thác lũ chỉ để tìm những công việc tay chân hòng kiếm chút đồ ăn bỏ bụng và cho đám trẻ khốn khổ mòn đi vì đói. California căm ghét họ, trong khi họ chỉ mong kiếm một công việc và chỗ để ngủ cho yên thân; những gã điền chủ ăn đẫy bỏ đi mà họ lại đói; chúng ghét họ vì chúng hiểu những kẻ bần cùng có vũ khí trong tay mạnh ra sao và có thể hạ bệ chúng – những kẻ ươn lười – một cách dễ dàng thế nào; những cửa hiệu ghét họ vì họ không mua nổi thứ gì; thợ thuyền ghét người di cư vì chiếm mất công việc của họ; cả miền đất hứa chống lại những con người khốn khổ đó, trong khi ruộng đất màu mỡ tuyệt vời bị bỏ hoang. Có thể nào tưởng được rằng những tá điền sống bằng việc tắm máu tắm mồ hôi trên đất đai khi nhìn thấy những mảnh đất màu mỡ bị bỏ hoang là việc tàn nhẫn đến thế nào – bỏ hoang đất là có tội; không sử dụng đất đai là tội ác chống lại đàn trẻ con đói khát. Cái khao khát bé nhỏ của những “Okies” bẩn thỉu đó chỉ là một mảnh đất, một mảnh đất hoang để lo lấy than, lo cho gia đình mà thôi, vậy mà họ vẫn chỉ là thứ hạ tiện hạ cấp, bị cảnh sát hành hạ làm trò và chịu đủ mọi loại đối xử như dành cho thú vật, súc sinh.


Các đại điền chủ biết đến thực tại đó, rằng họ thì giàu nứt đố đổ vách với đất đai bỏ hoang cỏ dại, dưới chân họ hang ngàn hàng ngàn người đang chết đói, thậm chí không thế động đến một quả cam, trong khi những vườn cam bạt ngàn chỉ cần bị thị trường đánh tụt giá là sẽ lập tức bị đổ bỏ; họ biết rằng lúc của cải tích luý vào tay một dúm người quá ít ỏi, nó sẽ bị tước đi…và chân lý khác bạn đồng hành với nó: một số đông người lâm vào đói rét, họ sẽ dùng sức mạnh chiếm lấy những gì họ cần….và chân lý khác nữa, cái chân lý hiển nhiên vang vọng qua lịch sử: sự đàn áp chỉ đem lại kết quả củng cố them ý chí đấu tranh của hững người phải gánh chịu sự trấn áp và thắt chặt tình đoàn kết. Nhưng các đại điền chủ vẫn đút nút lỗ tai để khỏi phải nghe ba lời cảnh cáo đó của lịch sử; Người ta mù tịt sự tiến bộ kinh tế, người ta mù tịt các dự án cải cách. Người ta chỉ nghĩ đến cách đè bẹp khởi nghĩa, trong khi các nguyên nhân khởi nghĩa lại vẫn tiến triển. Họ đốt những trại ở vì những lí do vệ sinh này nọ chỉ nhằm đẩy con người khốn cùng đi nơi khác; họ tẩm xăng hoặc đốt trụi thực phẩm chỉ vì chúng bị sụt giá thay vì từ thiện cho những kẻ đói; người chết dần, chết mòn, khốn khổ dần khốn khổ mòn. Những kẻ không bao giờ biết đói đag nhìn thấy những đôi mắt của cái đói. Họ nhìn thấy ánh mắt them khát của những người di tản và họ tìm cách tự vệ bằng vũ lực. Họ tự trấn an mình bằng cách cứ mải nhắc lại rằng họ là những người tốt, còn lũ xâm lăng là lũ người xấu xa độc ác. Đành rằng những kẻ di cư khốn khổ không hiểu thế nào là quyền tư hữu, điều này đúng, vì kẻ chưa từng có gì sao có thể hiểu được nỗi nhức nhối của những điền chủ. Tiền có thể bỏ ra cho tiền công, thì lại đổ vào lựu đạn hơi, vào súngm vào cai, vào mật thám, vào sổ đen, vào sự tập tành rèn luyện. Tràn các đại lộ, người người lang thang như lũ kiến và tìm kiếm công ăn việc làm, tìm kiếm cơn ăn. Cơn uất hận bắt đầu lên men.


Cái vùng đất California màu mỡ vỡi những con người tài năng có khả năng cấy ghép thành công cải tiến hạt giống tạo ra những thứ hoa màu tuyệt vời nhất lại không thể tìm thấy nổi cách khiến người đói khát ăn được những trái cây đó. Họ tưới dầu hoả lên những đống cam, đổ khoai tây xuống sông rồi cho người canh gác để kẻ đói không thể vớt lên vài dăm củ; họ vợt hàng tấn nho không lựa để làm ra thứ rượu nho toàn cồn; họ để lê ngọt dịu, ah đào mọng nước rơi rũ vỡ nát dưới đất vì không chịu trả công thuê người hái quả; họ chọc tiết lợn rồi chôn chúng trong những hố vôi; Đây là một tội ác; Đây là một nỗi đau khổ không thể được biểu tượng bằng nước mắt. Đây là một sự phá sản lớn lao đến nỗi nó huỷ bỏ tất thảy những thành công trước đây. Một vùng đất phù nhiêu, những hang cây thẳng tắp, thân cây vạm vỡ và quả chin. Và bọn trẻ con mắc bệnh Penlagro phải chết vì mỗi quả cam phải đem lại lợi nhuận. Và các viên cảnh sát tư pháp phải ghi trên những biên bản khai tử: chết do thiếu ăn. Mà sở dĩ như vậy là do lương thực bị thối rữa, do người ta buộc nó phải thối rữa.


Sau khi bị đuổi khỏi một trại bẩn thỉu, gia đình Joad lại phải lên đường. Họ dừng lại ở một trại chính phủ và có được vài ngày dễ chịu tại đó, sạch sẽ, có nước nóng, được đối xử như con người bình thường. Họ trở lại là những con người. Những người trong những khu trại đó, không bị cảnh sát làm phiền bắt bớ, bắt đầu quen được đối xử như những con người. Khi trở lại các trại khác, họ không để người ta muốn làm gì họ, tuỳ ý.”


Nhưng khi không tìm được việc nữa, họ đành buộc phải ra đi. Jim Casy trước đó đã nhận tội ẩu đả với những kẻ cầm quyền thay Tom, vì nếu Tom bị tóm thì sẽ lòi them ra việc anh trốn khỏi bang cũ trong khi giấy phép tự do tạm thời của anh yêu cầu ở trong bang. Họ chỉ còn lại một nhúm nhỏ, Bố, Mẹ, Rosasharn, Tom, Al, 2 đứa trẻ và chú John, tiếp tục hành trình. Họ buộc phải nhận việc việc hái quả năm xu một tấn ở một nơi tàn mạt để có thể duy trì cuộc sống. Mẹ đã phải nói những lời cay đắng thay: “ngày nào cũng học được. Là thế này, khi người ta bị túng thiếu hoặc gặp sự phiền muộn hay bị xúc phạm, thì chỉ nên đến với người nghèo khổ. Họ là những người duy nhất sẵn sang giúp mình. Chỉ có họ mà thôi.”


Chính ở đây, ở khu vườn bị cảnh sát canh giữ vì bên ngoài có những kẻ đình công đó, Tom Joad đã gặp lại mục sư Jim Casy vốn đã bị tống tù thay anh. Giờ Jim Casy đã ngộ ra được những điều cay đắng trong cuộc sống, và ông đang cố gắng thành lập một nghiệp đoàn để nổi dậy cứu lấy những kẻ đang chết đói. Chính cái đói nghèo là nguyên nhân gây nên mọi sự rắc rối. Ông đã hiểu ra rằng phải đứng lên, phải khởi nghĩa thôi, không còn cách nào khác cả, vì nếu không tất cả mọi chuyện sẽ ngã ngũ, tất cả sẽ chết. Nhưng đắng cay thay những người muốn đứng lên làm những chuyện vì cộng đồng lại phải chịu những kết cục tồi tệ. Một câu “Các anh không có quyền làm cho thiên hạ chết đói” và hắn bị kết tội thằng đỏ khốn khiếp, bị truy lùng, và bị chính đồng loại quay lưng nếu bị ngắm đến, và rốt cuộc kết cục là cái chết. Jim Casy cũng chính là một người như thế, ông nhận ra mọi chuyện và bị lũ cảnh vệ đánh chết ngay trước mặt Tom vì cố tìm cách thức tỉnh những kẻ “đại diện cho pháp luật”. Tom đánh gục một thằng và bỏ chạy.


Tom đã suy nghĩ, và anh thay đổi. Trong thời gian trốn chui trốn nhủi khỏi sự truy lung, anh đã ngộ ra rồi. “Ông ta nói có lần ông ta đã tới vùng hoang vu để tìm linh hồn của mình và ông đã khám phá ra rằng ông ta không có linh hồn của riêng mình (Jim Casy). Ông ta nói, ông ta phát hiện ra rằng tất cả những gì ông có chỉ là một mẩu nhỏ của linh hồn lớn”… Một cây làm chẳng nên non. Giờ thì anh đã biết số mệnh của mình ở đâu, phải đi về hướng nào. Sự tồn tại cá nhân không còn quan trọng nữa. Anh sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ Mẹ nhìn. “Khắp nơi nào có đánh lộn để con người đói khát có thể giành giật nhau miếng ăn, nơi đó sẽ có con… Khắp nơi nào có một tên cảnh sát đang đánh đập một người, sẽ có con. Nếu đúng như Casy cảm thấy, thì thế này, nơi nào có tiếng kêu thét của những người đang nổi giận vì họ đói khát, con sẽ ở đấy. Và nơi nào có tiếng cười trẻ nhỏ đang đói bụng và bết rằng bữa xúp đang chờ đợi chúng, con có ở đấy. Và khi nào những người cùng cảnh với chúng ta đang ngồi trước bàn ăn có đủ những thứ họ trồng trọt và gặt hái khi nào họ ăn ở trong những ngôi nhà họ xây dựng ở đây, sẽ có con.


Mọi thứ đang chuyển mình.


Kết thúc câu chuyện, chưa gì hoàn thành. Nhưng Rosasharn mới mất đứa con do sẩy thai, vạch vú trao sữa cho một người đàn ông chuẩn bị chết đói.


Buồn, mà cũng không buồn. Không có kết, nhưng mỗi chương đều là sự Khởi Đầu. Gia đình Joad là hiện thân của cả một xã hội, một thời đại suy tàn khủng hoảng; Mẹ là nơi dựa của gia đình, và chốn đi chốn về, là người gìn giữa điều quan trọng nhất của mọi mạng sống; đứa trẻ chết đi là lời khóc thương và tố cáo mãnh liệt; Tom là niềm hi vọng mới; (sưu tầm/trích trên mạng): Vài hình ảnh đặc biệt khác trong tác phẩm “Chùm Nho Uất Hận” là “cát bụi” (dust), “con rùa” và “chùm nho”. Cát bụi tượng trưng cho sự xoi mòn của đất đai, đồng thời cũng là sự xoi mòn đời sống của con người. Cát bụi biểu hiện cho “sự chết” bởi vì đất đai đã bị khai thác, cho tới khi cơn mưa rơi xuống, thiên nhiên được tái lập và một chu kỳ mới bắt đầu. Con rùa tượng trưng cho sự sống còn, là sức sống của nhân loại. Con rùa đã kiên nhẫn vượt qua các trở ngại: bầy kiến lửa cản lối, chiếc xe tải suýt cán phải, sự giam cầm trong túi áo của Tom. Chùm nho là biểu tượng của sự cay đắng hay cơn uất hận như trong câu 32:32 của Sách Phục Truyền (Deuteronomy) và sự sung mãn như câu 13:12 trong Sách Dân Số (Numbers) của bộ Thánh Kinh. Gia đình Joads đã phải chịu đựng nhiều gian truân và gặp nhiều thất vọng. Tom Joad là người chỉ quan tâm tới chính mình vào thời kỳ ban đầu, rồi về sau đã nghĩ tới gia đình. Ma Joad lo cho gia đình của bà ta nhưng sau đó đã giúp đỡ những người cần được trợ giúp. Rose of Sharon là một hình ảnh của cảnh sống lại vì nhờ thứ sữa của người phụ nữ này mà một người được cứu khỏi cảnh chết đói. Tình trạng kinh tế kém dần của gia đình Joads là thực trạng chung, áp dụng cho toàn nhân loại.


“Chùm Nho Uất Hận” chịu ảnh hưởng của Thánh Kinh, đặc biệt là Kinh Cựu Ước với lễ ban thánh thể qua đó bánh mì và rượu nho tượng trưng cho thân thể và máu huyết của Chúa Ki-tô. Tác phẩm này cũng mang tính ẩn dụ từ Thánh Kinh, một tác phẩm mô tả cảnh xuất hành (exodus) của dân tộc Do Thái, đi từ xứ Ai Cập, một miền đất của cảnh nô lệ tới Miền Đất Hứa đầy sữa và mật ong. Các chương từ 1 tới 10 ám chỉ cảnh nô lệ tại Ai Cập với các ngân hàng và công ty đất đai hoạt động giống như vai trò của Vua Pharaoh, cùng các hoàn cảnh hạn hán và xói mòn đất đai. Chương 11 tới chương 18 tương đương với Sách Xuất Hành (the Exodus), mô tả cuộc hành trình qua miền hoang vu, và trong cuộc đi xa này, các người già lão đã chết dần. Cuộc định cư trên Miền Đất Hứa với tiểu bang California là hình ảnh, được mô tả từ chương 19 tới chương 30, tại nơi đây là loại người dân ác cảm, là nơi Thượng Đế Giả đã thống trị các kẻ di dân giống như các con người lưu vong của xứ Do Thái, với hình ảnh của đứa con mới sinh ra và đã chết, bỏ trong chiếc thùng đựng táo, thả trôi theo giòng sông, làm người ta liên tưởng tới câu chuyện tương đương của Moses dù cho không phải là đứa bé, mà là bà Mẹ đã mang lại hình ảnh của hy vọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét