Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

[Sách hay] Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ



Tác phẩm đạt giải thưởng văn học ASEAN 2010


Ngày hôm nay tôi xin chia sẻ với mọi người quyển sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh, mà theo tôi đó là một tác phẩm vô cùng dễ thương và đầy ý nghĩa.

Nguyễn Nhật Ánh cũng là tên thật của nhà văn sinh năm 1955 tại Quảng Nam này. Tốt nghiệp ngành Sư phạm, đi Thanh niên xung phong, từng dạy học và hiện nay là phóng viên phụ trách trang thiếu nhi của báo Sài Gòn Giải Phóng. Chưa hết, nếu bạn nào để ý một chút thì sẽ biết rằng đây cũng chính là anh Bồ Câu luôn trả lời những thắc mắc trên chuyên mục Hôn nhân & gia đình của báo Thanh niên hàng tuần. Thế nhưng Nhật Ánh ra mắt độc giả lần đầu tiên vào năm 13 tuổi là một bài thơ và tác phẩm đầu tiên in thành sách cũng là một tập thơ "Thành phố tháng tư" in chung với Lê Thị Kim tại NXB Tác phẩm mới. Trở thành nhà văn được yêu thích nhất trong năm của bạn đọc báo Tuổi Trẻ (1989, 1990), báo Bạn Ngọc (1991), báo Mực Tím (1996, 1997, 1998)... Đến năm 1995, được Hội Nhà văn TP.HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975 - 1995) sau cuộc trưng cầu ý kiến của Thanh Đoàn TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức. 

Không chỉ làm say mê những người đọc ở lứa tuổi thanh thiếu niên mà ngay cả những bậc trung niên như "Chuyện cổ tích dành cho người lớn", Nguyễn Nhật Ánh thật sự đã để lại một dấu ấn trong lòng độc giả Việt Nam. 




“Tôi viết quyển sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ con.”


Tôi đang ở tuổi 17 “bẻ gãy sừng trâu, cái tuổi “dậy thì” vừa mới chập chững rời khỏi cái mác trẻ thơ khi cái đầu vẫn còn mập mờ những kí ức hết sức ngốc nghếch của một đứa trẻ, nhưng lại chưa thể nào quen được với những trách nhiệm, tự do, chủ động của một vị thành niên đã bắt đầu chớm những suy nghĩ nhận xét của chính bản thân về con người và thế giới xung quanh – cái tuổi mà theo trẻ con là tuổi xuân xanh con với người lớn vẫn là tuổi ẩm ương.


Thế nhưng quyển sách này đã cho tôi thấy hai thế giới của người lớn và trẻ con sao mà khác biệt đến thế.


Thế giới của trẻ con thật sự sao mà quá ư kì lạ, đầu tưởng tượng, đầy màu sắc rực rỡ lấp lánh biển chuyển không ngừng nghỉ. Tôi luôn tự hỏi tại sao những đứa trẻ có thể tha thứ nhanh đến thế, cười tươi đến thế, vui vẻ đến thế? Này đừng tự hỏi nữa nhé, vì chẳng phải chính bạn cũng từng trải qua một thời tươi đẹp mang tên tuổi thơ? Thời gian có lẽ là vô tư nhất của đời một con người mà ai cũng biết : đã đi rời sẽ không bao giờ trở lại. Và thật buồn cười làm sao khi chỉ lớn lên rồi họ mới thấy tầm quan trọng và đẹp đẽ của những “kí ức kim cương đó”. Thậm chí nhiều người lớn vì chính lý trí đã phủi đi những kí ức kim cương đó như phủi bụi.


Cuộc sống trong mắt một đứa trẻ chưa có gì nhiều. Tất cả những gì trẻ con nghĩ đến là những món ăn dinh dưỡng chán ngắt của mẹ, học bài lảm nhảm và những vòng quay vô vị mà người lớn cho đó là sự ổn định. Có phải trẻ con quá hiếu động để có thể chịu đựng sự quay vòng của cuộc sống? Có lẽ vì chúng đầy sức sống và luôn đi tìm những niềm vui mới mẻ để làm mới cuộc sống của mình. Ồ, đứa trẻ nào cũng vậy cả. Chúng thích sự tò mò và hứng thú khi người lớn như đã quên mất chúng rồi. Người lớn thích đi theo một sự êm đềm nhất định đã được vạch kế hoạch sít sao trước, trong khi trẻ con lại mong muốn những cái mới đầy bất ngờ vào ngày mai.


Nhưng khi cuộc đời một con người được lập trình chặt chẽ và khoa học đến thế, tất cả mọi thứ đều đã được đúc vào khuôn như dự tính thì liệu bạn có bão hòa về cảm xúc hay không?”


Trí tưởng tượng của trẻ con cứ như không bao giờ ngừng nghỉ. Chúng thích nghĩ chéo một vấn đề nào đó, liên tục đặt ra những câu hỏi “tại sao” từ dễ đến khó, và nhiều câu hỏi tưởng chừng đơn giản thì ngay cả những nhà khoa học có khi cũng không thể nào trả lời được. Chúng nghĩ ra những thứ chỉ chúng mới biết, những tên gọi chắc hẳn là kì cục lắm và những trò chơi người lớn luôn cho là nghịch dại. Trẻ con mà! Liệu có phải khi lớn lên người lớn đã quên mất trí tưởng tượng phong phú của bản thân không? Trẻ con luôn nhìn mọi vật xung quanh một cách phong phú đầy hiếu kì, còn người lớn lại thích nhìn vào những thứ thực tế đến khô khốc và lợi ích cho chính bản thân mình hơn chăng?


Chúng tôi muốn thay đổi một cách gọi, thậm chí nếu được thì đặt tên lại cho cả thế giới, chỉ với một mục đích tốt đẹp là làm cho thế giới mới mẻ và tinh khôi như được sinh ra lần nữa. Chúng tôi đâu thể làm khác được trong khi chúng tôi còn quá trẻ và thế giới thì quá già. Vì vậy bọn nhóc chúng tôi rất cần một thế giới non trẻ và giàu có cho riêng mình.”


Người lớn cũng thật kì lạ. Có lẽ trong mắt trẻ con, họ lúc nào cũng cao vời vợi, với những định nghĩa chỉ quay quanh điều họ quan tâm nhất : “Chức năng” của một vật, mọt sự việc, một vấn đề trong khi trẻ con có thể sáng tạo ra hàng chục những cách khác để thay đổi chức năng của một vật, kiểu như cái bát cho nước vào gõ ra tiếng nhạc, cái chổi quét nhà thành chổi biết bay của phù thủy,... những điều người lớn thường chẳng bao giờ quan tâm-họ cho là vớ vẩn. Họ quá bận rộn với những suy nghĩ logic, những công việc lo cơm-áo-gạo-tiền đè nặng. Có lẽ vì thế họ đã xếp xó mất trí tưởng tượng của họ ở nơi nào sâu xa lắm rồi ấy.


Chẳng qua so với người lớn, trẻ con sống trong một bầu khí quyển khác và dưới một thứ ánh sáng khác. Ở đó, trẻ con tiếp cận thế giới theo cách của riêng chúng, nghĩa là chúng không nhìn thế giới dưới khía cạnh sử dụng. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa trẻ con và người lớn.”


Một điều nữa ở người lớn mà tôi cho rằng có lẽ điều này chẳng thú vị chút nào cả. Thực chất ngay cả bố mẹ tôi, những người tôi tin tưởng rằng họ hoàn toàn không bị bó buộc bởi suy nghĩ cổ hủ thời bao cấp, thậm chí còn là những người có tư tưởng cấp tiến theo kịp thời đại đi chăng nữa, thì họ vẫn nói với tôi rằng “con hãy là một người bình thường. Đó mới chính là hạnh phúc”. Ồ, họ là người bình thường, và tôi chẳng thấy người bình thường có gì là xấu cả. Tuân theo trật tự của tự nhiên sẽ đơn thuần có một thứ “hạnh phúc” nhất định-theo quan điểm mỗi người. Trừ những người danh nhân cực tài giỏi ra, đó là số ít. Thế nhưng tôi vẫn không đồng tình. Người lớn dường như quá thích sự ổn định quay vòng trong cuộc sống của họ, thậm chí là mờ nhạt. Họ thích sự an toàn. Trong khi trẻ con thường (không phải đứa trẻ nào cũng thế) luôn luôn “muốn khẳng định rằng ta khác với phần còn lại của thế giới” thì với người lớn đó lại đi ngược với thứ nguyên tắc an toàn tuyệt đối, phòng bị hoàn hảo của họ.


Nghĩ khác, nói khác và làm khác đám đông, dù là nghĩ đúng, nói đúng và làm đúng vẫn là sự lựa chọn tiềm ẩn nhiều nguy cơ”


Dù gì thì tôi vẫn thích trẻ con hơn, vì chúng vẫn dám nghĩ theo cách riêng của chúng chứ không bị đồng hóa. Và bạn ơi, người lớn có lẽ sẽ không khuyên bạn rằng “hãy thành một vĩ nhân đâu”. Họ sẽ luôn khuyên bạn làm một người bình thường nhưng vẫn phải giỏi giang sao cho họ có thể “nở nang mặt mũi với họ hàng làng xóm”.


Và một điều nữa có lẽ bất cứ người lớn nào cũng mặc định cho mình trước trẻ con, đến mức nhiều trẻ con luôn tin rằng người lớn luôn đúng. Không ai là hoàn hảo, đó là sự thật không cần hệ thức hay khoa học chứng minh.


Trong khi trẻ con luôn tìm cách che giấu khuyết điểm của mình trước mặt người lớn thì người lớn cũng luôn tìm cách giấu khuyết điểm của họ trước trẻ con”


“nếu làm một cuộc so sánh thì rõ ràng trẻ con che giấu khuyết điểm tốt hơn và khéo léo hơn, đơn giản là trẻ con sợ bị phạt. Người lớn che giấu khuyết điểm kém hơn, không phải vì vụng về hơn, mà là do bất chấp. Trẻ con không thể phạt họ và điều đó giao vào đầu họ cái ý nghĩ tai hại rằng phạm khuyết điểm là đặc quyền của người lớn.”


“Người lớn thường thích cường điệu nõi cô đơn trong cuộc sống, thích ca cẩm rằng tìm đâu cho ra một người tri kỉ trong khi chính trẻ con mới cảm nhận điều đó sâu sắc hơn ai hết.”


Trên lý thuyết thì người lớn phải là tấm gương cho trẻ con. Gương tròn gương méo, vẫn là gương. Đừng nghĩ rằng trẻ con không biết phán xét. Chính bản thân trẻ con mới cảm nhận mọi thứ một cách rõ ràng nhất, khi mà chưa bị lý trí hay ngoại cảnh ngăn cản, và chính chúng mới đưa ra những lời phán xét trung thực nhất. “Về tâm lý, người lớn luôn cho mình đứng về chân lý”.


“Người lớn đánh lừa người lớn dễ hơn là đánh lừa trẻ con. Bởi người lớn tiếp nhận thế giới bằng óc phân tích còn trẻ con cảm nhận thế giới bằng trực giác.”


Và cuối cùng thời gian trôi qua, “trẻ con” dần lại thành “người lớn”, và lại dường như cũng đánh mất nhiệt huyết, trí tưởng tượng, tò mò khám phá và cái “gan” của thời còn bé.


“Tôi biết mình không thể khơi dòng đời theo bản vẽ trong đầu tôi, và nếu tôi có cố khơi nó theo hướng này thì dòng đời vẫn cứ chảy theo hướng khác.”


“Mặc dù sau này chúng ta trở thành người lớn chúng ta thường có xu hướng bơi theo những dòng chảy đã được người khác khơi sẵn.”


Xin đừng nghĩ rằng bài này để phê phán người lớn nhé. Tôi chỉ đơn thuần muốn chia sẻ suy nghĩ của mình về một quyển sách vô cùng ý nghĩa mà thôi. Và cũng đừng nghĩ rằng cứ lớn lên là xấu, vì đô lúc có những điều chỉ lớn lên mới cảm nhận được, chẳng hạn như trách nhiệm, tri thức, tình yêu, thử thách, gia đình, xã hội,... Chỉ khi lớn lên thì con người mới bắt đầu nhận thức được bản thân và tự do làm những điều mình muốn, làm thoe “ước mơ”. Tất cả đều để xây dựng một xã hội tươi đẹp phát triển đầy tình người mà thôi. Chỉ là, nếu người lớn chịu nhớ lại thời trẻ con “nông nổi, trong sáng, dại dột, đầy tưởng tượng ngốc nghếch” thì có lẽ cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn nhiều. VÌ suy ra cho cùng, cả hai đều là những nhân tố song song tồn tại không thể thiếu cái nào, cũng như “con” và “người”, một bên lý trí một bên bản năng, và tất cả đều là “chúng ta”.


Ở một nơi nào đấy xa xôi

Có một thành phố
                
                    Như giấc mơ
                              
                                 Im ắng

Đầy bụi bặm

Một dòng sông phẳng lặng

           Một dòng sông

                  Nước như gương

                          Lờ trôi...


Một nơi nào đấy xa xôi

          Có thành phố,
           
                 Ngày xưa,

Có thành phố

Nơi rất ấm, tuổi thơ ta ở đó
        
                 Từ rất lâu

                         Đã từ lâu

                                 Trôi qua...


Đêm nay tôi vội bước ra khỏi nhà,

Đến ga,

Xếp hàng mua vé:

                   “Lần đầu tiên trong nghìn năm,

                    Có lẽ,

                          Cho tôi xin một vé

                                                đi tuổi thơ.

Vé hạng trung-

Người bán vé hững hờ

Khe khẽ đáp

                   Hôm nay vé hết

                                Biết làm sao!

                                          Vé hết, biết làm sao!


Đường tới tuổi thơ

Còn biết hỏi nơi nào?

Nếu không kể

Đôi khi ta tới đó

Qua trí nhớ

Của chúng ta

Từ nhỏ...

Thành phố tuổi thơ

                         Thành phố chuyện thần kì.

Cơn gió đùa

Tinh nghịch dẫn ta đi.

Ở đấy

Làm ta say, chóng mặt,

                     Là những cây thông vươn tới mây,

                                         Là những ngôi nhà

                                                             Cao

                                                                      Cao ngất.

Và mùa đông

         Rón rén

                Bước

                     Trong đêm.

Qua những cánh đồng

Phủ tuyết trắng và êm...

Ôi thành phố tuổi thơ-

Bài ca ngày nhỏ

Chúng tôi hát

Xin cảm ơn điều đó!

Nhưng chúng tôi không trở lại,

Đừng chờ!

Trái đất nhiều đường.

Từ thành phố tuổi thơ

Chúng tôi lớn

                        Đi xa...

Hãy tin

Và thứ lỗi!
          
                                                         Robert Rojdesvensky   (Thái Bá Tân dịch)

Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem bài viết đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link đến blog này. Xin cảm ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét