Thứ Bảy, 7 tháng 1, 2012

[Sách hay] Papillon - Người tù khổ sai




Bạn nghĩ thế nào về những người tù? Những tội phạm nguy hiểm cho xã hội? Những kẻ mất nhân tính chỉ biết phạm tội? Những kẻ đáng ghê sợ và tránh xa? Hay những kẻ giống như trong phim hành động Mỹ: giết người như cỏ rác, cướp ngân hàng hay trộm cướp? Ừ thì một mặt nào đó, đúng đấy. Chính vì thế mà họ mới bị đẩy vào tù mà. Nếu không thì họ đã có thể an ổn sống giữa chúng ta, ăn như chúng ta và thậm chí làm bạn của chúng ta chứ không phải bóc lịch trong cũi sắt với những chú công an cầm súng kè kè bên cạnh. Nhưng này, nếu có hứng thú, bạn hãy thử tìm quyển sách “Papillo – Người tù khổ sai” để đọc nhé. Và trong bạn sẽ hiện ra một thế giới hoàn toàn khác biệt, một thế giới của những kẻ tử tù, tù chung thân hoặc tù khổ sai, nơi có lẽ tụ hội những kẻ độc ác nhất, nhưng bên trong họ, ồ, như bất cứ ai trong chúng ta, những con người tốt đẹp.


Henri Charrière (16 tháng 11 năm 1906 – 29 tháng 7 năm 1973) là một người bị kết án trọng tội và được biết tới với tư cách tác giả cuốn Papillon (Papillon người tù khổ sai), một hồi ký về thời gian ông bị bỏ tù trên một nhà tù thuộc địatại Guiana thuộc Pháp.


Charrière sinh tại ArdèchePháp. Ông có hai chị gái. Mẹ ông mất năm 1917, khi Henri gần 11 tuổi, mười bốn năm trước khi ông bị kết án tù. Năm 1923, ở tuổi mười bảy, ông tham gia Hải quân Pháp, và phục vụ trong hai năm. Sau khi rời hải quân, Charrière trở thành một thành viên của thế giới ngầm Paris, lấy vợ và có một con gái. Ông đã bị kết tội giết hại một tên ma cô, Roland le Petit, bản án mà ông luôn cho là sai trái. Ông bị kết án lao động khổ sai suốt đời ngày 26 tháng 10 năm 1931. Ông phải rời bỏ gia đình, người vợ đang mang thai và con gái.


Sau một thời gian ở tù ngắn tại nhà tù chuyển tiếp Beaulieu tại Caen, Pháp, ông được đưa tới nhà tù St-Laurent-du-Maronitrên sông Maroni, nhà tù hình sự của Guiana thuộc Pháp.


Vậy chắc các bạn cũng hiểu được phần nào rồi nhỉ? Cuốn sách này chính là hồi kí của chính tác giả, kể lại chi tiết những cuộc vượt ngục của “Bươm Bướm” – Charrière. Và tôi xin ghi lại chút cảm nghĩ của mình về quyển sách này (dù chắc chả ai vô blog của tôi nhỉJ)


Quyển sách này đã để lại cho tôi những ấn tượng vô cùng sâu sắc về con người, tình cảm, ý chí. Điều nổi bật xuyên suốt hết từng trang sách chính là thứ tình cảm vô cùng cao quý: tình bạn. Chính đọc quyển sách này tôi chân chính hiểu được tình bạn là như thế nào (tuy tôi không thật sự dám chắc định nghĩa về tình bạn của mình như vậy, nhưng tình bạn của những nhân vật trong truyện quả thật vô cùng đáng ngưỡng mộ). Những kẻ tử tù trong này có một ý chí mãnh liệt, và họ luôn bao che cho nhau một cách vô điều kiện. Giống như tình bạn của nhân vật chính với những tử tù khác: họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ, chịu mọi gian truân nguy hiểm dù kể cả nguy hiểm đến tính mạng, vẫn bảo vệ, tin tưởng nhau trong mọi hoàn cảnh một cách vô điều kiện. Tình bạn, chẳng phải thế sao? Ở bên cạnh, chia sẻ, bảo vệ, động viên, tin tưởng nhau một cách chân thành nhất. Và điều tuyệt đẹp đó hiện hữu mọi nơi, ngay cả nơi ngục tù.


Một thứ tình cảm khác cũng vô cùng cao quý, dù sự thực ở ngoài đời khó mà kiếm hay chứng kiến được loại tình cảm này, đó là tình cảm giữa những người hoàn toàn xa lạ. Chắc hẳn rất khó hiểu đúng không? Người xa lạ sao có thể có tình cảm được chứ? Nhưng hãy để tôi nói nhé, tình cảm giữa những người xa lạ cũng có thể hoàn toàn chân thật. Giống như trong quyển sách này đây, những người hoàn toàn xa lạ với Papillon trên đường vượt ngục, đã giúp đỡ anh hết lòng mà không yêu cầu trả ơn. Gia đình luật sư niềm nở, những người hủi, những người Anh-điêng, thậm chí có cả những quản ngục hay những kẻ tù khác. Đó là sự giúp đỡ chân thành dựa trên những tình cảm tôn trọng, khâm phục. Họ đã làm được điều mà rất rất nhiều người khác không thể làm được: họ chân thành giúp đỡ những kẻ vượt ngục – những tội phạm, nhưng cũng là con người. Họ đã nhìn nhận coi trong chính con người chứ không đánh giá bất kì ai vì quá khứ, họ nhìn về tương lai bản chất con người, và sẵn sàng đặt niềm tin niềm nở vào những “tù vượt ngục”.


Con người. Sự kết hợp giữa “con” và “người”, loài động vật cao cấp biết suy nghĩ, nói chuyện, giao tiếp, cư xử. “Người” chính là phần tiến hóa mạnh mẽ nhất. “Người” cho phép chúng ta suy nghĩ, phát triển tiếng nói, tính cách, học tập,... “Người” rất quan trọng, nhưng không có nghĩa “con” không quan trọng. Nhiều người muốn thoát khỏi “con” thật nhanh, vì họ cho rằng “người” mới là phần quan trọng nhất, giúp họ tồn tại giữa xã hội và có địa vị hay quyền lực. Nhưng “Con”, hay nói cách khác, bản năng, luôn là một phần không thể thiếu của con người. Chính “con” đã trao cho chúng ta những tình cảm thuần túy nhất, trung thành nhất, điều mà lý trý của “người” có thể ngăn cản hay kìm hãm. Và những “con người” chân chính nhất, hoàn thiện nhất chính là những người có thể dung hòa cả bản năng và lý trí, đầy đủ suy nghĩ nhân cách nhưng cũng mang trong mình những tình cảm chân thành và trong sáng nhất. Và những người tù này, những người tù đáng ghê tởm, lại cho thấy một mối liên kết tình cảm mãnh liệt và thuần túy nhất.


Một thứ tình cảm khác cũng vô cùng quan trọng, đó chính là tình yêu. Quả thật tôi mới 17, đến thích cũng chưa chả dám bàn đến chuyện yêu đương hay tỏ ra am hiểu nó, thế nên tôi chỉ xin đề cập một chút, vì đây cũng là một phần vô cùng quan trọng của quyển sách này. Và tình yêu ở trong đây hiện lên là một thứ tình cảm hoàn toàn trung thực chất phác : hiến dâng cả thân xác lẫn tâm hồn, tin tưởng và tôn sùng một cách vô điều kiện. Tôi chỉ dám nói đến thế chứ không dám nói xa hơn, vì suy cho cùngJ


Chính những người tù này cũng đã dạy tôi những điều vô cùng quan trọng, sự dũng cảm đương đầu khó khăn không chùng bước, lòng tin kiên định không ngừng nghỉ vào bản thân và tương lai tươi đẹp. Họ không bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Điều duy nhất họ làm là tiến lên, tiến lên, và tiến lên. Đoán xem họ cố vượt ngục bao nhiêu lần. 9 lần, trong mười một năm. Mỗi lần là một thử thách kinh khủng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng niềm tin mãnh liệt luôn dẫn đường họ. Họ khao khát tự do. Bão biển, cảnh sát, không gì có thể cản đường họ. Nhà tù cấm cố kinh khủng, những trận giết người tàn bạo, sống giữa nhưng kẻ bị xã hội ruồng bỏ, nhưng niềm tin của họ vẫn luôn sáng ngời như không thể dập tắt. Họ biết ơn những người giúp đỡ họ, đặt những người đã giúp họ vào sâu thẳm trái tim, nhưng khi thất bại và lại bị tống vào tù, họ vẫn vững bước tin tưởng, liên tục suy nghĩ lập kế hoạch chứ không bao giờ suy sụp. Họ lạc quan vào ngày mai. Họ là những chiến binh!


Chính họ cũng là những hình tượng tiêu biểu cho bản chất tốt đẹp của con người. Những tội phạm nguy hiểm, bị xã hội ruồng bỏ xa lánh, lại luôn muốn tìm cách làm lại từ đầu. Họ mong muốn được chấp nhận trở lại, được hoàn lương làm người tốt, được quyền mơ ước về tương lai tươi đẹp và sống giữa người thân của họ, được tự do. Nhưng liệu chính chúng ta có bao giờ nghĩ đến điều đó, hay chính chúng ta quá sợ hãi cái tội danh họ đeo trên người mà xua đuổi họ? Tất nhiên, không phải kẻ tù nào cũng thế. Có những người muốn hoàn lương, có người không, như lẽ dĩ nhiên chúng ta sợ họ. Nhưng nghĩ lại một chút, liệu có ai trong chúng ta đồng ý chấp nhận họ hòa nhập một lần nữa? Hay giống như chính phủ Pháp bấy giờ (được đề cập trong sách), vô nhân đạo và thờ ơ, sử dụng những hình phạt tù đày (tù ngoài đảo, tù cấm cố) để tước đoạt đi quyền sống, quyền làm người của những kẻ trót sai lầm lỡ bước? Họ thậm chí còn từ chối sự quay trở lại của những người tù, buộc họ phải tìm đến những nơi chấp nhận họ dù bao nhiêu khó khăn. Ở đây tôi sẽ không bàn đến tính đúng sai, vì đây là chính trị, rất phức tạp và đa chiều, nhưng bản thân tôi phản đối việc tù cấm cố (ở một nhà giam, không được tiếp xúc với bất cứ ai hay bất cứ thứ gì).


Quyển sách này cũng phản ánh một phần bản chất của xã hội chúng ta. Xã hội rất phức tạp, được xây dựng dựa trên rất rất nhiều người, mỗi người lại có liên kết với nhau theo một cách nào đó. Có người tốt, người xấu. Không ai hoàn hảo. Bất cứ ai cũng có hai mặt, nhiều tính cách và họ dùng nhiều cách để thể hiện cũng như giấu đi. Nhưng nếu có thể, xin hãy để tôi khuyên bạn rằng, hãy sống chân thực với bản thân và luôn nhìn nhận mọi vấn đề theo nhiều mặt khác nhau, đừng quá cứng đầu, không bạn sẽ dễ dàng lạc lối, hoắc trở thành kẻ xấu hẳn hoặc tốt đẹp hơn.


Và bạn đoán xem, Papillon đã vượt ngục thành công, sang nước Anh dựng một cuộc sống mới, với một người vợ, một việc làm ăn nho nhỏ, một vài người bạn mới và sự tự do anh hằng ao ước. Đó chính là kết quả của sự nỗ lực không ngừng. Và khi nhìn lại, anh thấy chính sự thành công trong chặng đường dài dặc của mình, quãng đường đã bồi dưỡng cho anh tính kiên cường chịu đựng, suy nghĩ thấu đáo, niềm tin vào con người, sức mạnh mãnh liệt, một nhân cách đáng nể trọng và một trí óc hoạt động không ngừng.


Về bản thân tôi, tôi thấy đây là một quyển sách rất đáng đọc. Nếu có ai đọc được bài viết này, xin hãy góp ý và chia sẻ cũng tôi nhé. Và tip tip một chút, nếu bạn muốn đọc, hãy chọn bản dịch của Dương Linh và Nguyễn Đức Mưu nha.




Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn link đến blog này. XIn cảm ơn!




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét