Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

[Sách hay] Lolita



Lolita


Tôi kết thúc chương 1 của tác phẩm bằng 1 tiếng “ờ”, và đến khi ném toàn bộ sự kiên nhẫn hiếm hoi đến tận chương cuối của truyện, tôi cũng chỉ có thể nói 1 tiếng “ờ”.


Tôi đã dạo qua quyến sách nổi danh làm mưa làm gió ở khắp nơi trên thế giới không chỉ gây tranh cãi về nội dung, ý nghĩa đến cách hành văn và giá trị đạo đức này không dưới chục lần, và phải đến lần thứ 10+n tôi mới đạt được đủ độ quyết tâm rước về nhà. Điều duy nhất tôi có thể nói với các bạn là, khi đọc Lolita, đừng đọc trong trạng thái quá nghiêm túc muốn ngẫm nghĩ đến từng lối diễn đạt và chơi chữ của tác giả - chúng rất thú vị, nhưng chúng cũng sẽ nhanh chóng vắt kiệt sự tỉnh táo của bạn và đảo lộn đầu óc bạn thành một mớ bòng bong mờ hồ.


Tôi tin là các bạn có thể tìm thấy hàng ngàn những thông tin phong phú đầy đủ về tác phẩm này chỉ qua 1 lần gõ google – bất kể lời bình, giá trị tác phẩm, hành trình ra đời đến lời phỏng vấn chính tác giả. Xét về nhiều mặt, Lolita từng mang đủ tiếng xấu và bị đánh giá như một quyển sách loạn luân khiêu dâm không hơn, thì tôi quả thật không dám đưa bất kì nhận xét nào về quyển sách được lọt vào top những quyển sách kinh điển nhất trên thế giới này. Điều duy nhất tôi có thể khẳng định rằng: Nabokov là một bậc thầy trong nghệ thuật chơi chữ. Bỏ qua các định kiến về tác phẩm và nội dung tác phẩm, thì những ngôn từ chắt lọc huyền ảo và cách viết lắt léo quả thật có thể đánh gục bất cứ một nhà văn nào.


Tuy nhiên, để nhìn nhận phía sau vẻ tài tình của ngôn từ, thì Lolita không hẳn hoàn toàn vô nghĩa hay chỉ đơn thuần là một tác phẩm đồi trụy. Nói theo cách “một bệnh án gây chấn động đối với giới tâm thần”, tình yêu được cho là loạn luân của Humbert trong Lolita bị coi là thứ đáng ghê tởm – nhưng người đọc lại không thể phủ nhận được tình yêu mãnh liệt của ông đối với cô bé Lolita 12 tuổi “tiểu thiên thần”. Mặc dù điều này bị quy về một dạng tâm thần ám ảnh ngược hẳn với chuẩn mực đạo lí và luật pháp – hay nói cách khác là ngược lại với định kiến do con người tạo ra. Tình dục cũng là một trong những điều được đề cập đến nhiều nhất trong tác phẩm – được ẩn mình dưới những ngôn từ hoa mỹ và hình ảnh ngắt quãng – tôi sẽ không bàn về khái niệm tình dục ở đây, mỗi nơi mỗi người có quan niệm riêng, và với một tác phẩm vẫn còn gây nhiều tranh cãi như Lolita thì việc bàn đến sự khác biệt hay đặc biệt của nó vẫn là một điều khá khó khăn.


Ngoài ra, tôi có mò mẫn tìm hiểu và tìm được một bài phê bình đánh giá tác phẩm Lolita, xin trích lại đây để những người (tình cờ) đọc bài viết này có thể biết thêm đôi chút và suy ngẫm:


“Nếu xét theo đạo đức học thông thường thì hai người mắc tội loạn luân. Nhưng dưới ngòi bút của Nabokov, hai người không mắc tội gì cả. Tình yêu thật sự không bao giờ là tội lỗi. Bản năng tình dục không bao giờ là tội lỗi. Và kẻ lấy đạo đức ra để phán xét tình dục và tình yêu phải chết, đó là số phận của Charlotte. Bà ta chết trong hoang mang tột độ, trong nỗi đau khổ mà khái niệm ngôn ngữ tạo ra, trong sự dày vò của đạo đức. Thời nguyên thủy, loài người không có tội loạn luân, chỉ khi các thị tộc được hình thành thì quan niệm đạo đức chống loạn luân mới xuất hiện. Đó là một sản phẩm của diễn ngôn. Lịch sử qua đi, khái niệm của diễn ngôn trở thành chân lí, và đó là một sự áp đặt giả tạo. Với tình yêu và tình dục, đạo đức không thể có giá trị gì. Đó chính là thông điệp mà Nabokov muốn gửi đến cho xã hội.”


Có lẽ tôi nên kết ở đây. Nếu bạn muốn biết thêm chi tiết về tác phẩm và độ tranh cãi của nó trước khi mua, xin hãy tham khảo thêm tại: http://www.lolitavietnam.com/


Đây là bài viết của tác giả. Vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem bài viết đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!

1 nhận xét:

  1. Dù đã đọc 2 bản dịch của Lolita ở VN, nói là đọc, nhưng chắc là nhận diện mặt chữ là chính, chẳng cảm được gì. Nhưng sau khi đọc bài viết ngắn này, bỗng dưng lại nhớ đến phim Oldboy (2003) của Hàn Quốc, ấn tượng với đoạn kết: "Liệu các người cũng có thể như vậy chăng?" :)

    Trả lờiXóa