Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

Chiến tranh và Hòa Bình - Lev Tolstoi





Tôi đã nghĩ mình không thể đủ khả năng để đọc hết “Chiến tranh và hòa bình” – nó quá dài, bối cảnh quá rộng lớn, yếu tố lịch sử quá nhiều,....và ti tỉ những lí do nhỏ nhặt vớ vẩn khác mà tôi đã tự nghĩ ra để biện hộ cho thói lười biếng của bản thân. Hơn nữa tôi lại đã-từng là một người khá sùng bái Napoleon. Bố tôi chỉ cười, “Con không đọc cũng chẳng sao. Nhưng đọc rồi con sẽ hiểu vì sao ‘Chiến tranh và hòa bình’ lại là một trong những công trình văn học vĩ đại nhất mọi thời đại.”. Và sau 1k1 lần tôi đọc được dăm trang rồi bỏ, tôi đã theo được đến cùng “Chiến tranh và hòa bình”. Và ngay khi đọc xong, những câu hỏi và sự mâu thuẫn kéo đến dồn dập như thủy triều mùa hạ. Điều duy nhất tôi có thể nói ra ở trong mở bài hết sức dài dòng này là, tôi nhận thấy mình có khá nhiều bất đồng với người viết “Lời giới thiệu” của “Chiến tranh và hòa bình.”


Bá tước Lev Nikilayevich Tolstoi là một tiểu thuyết gia vĩ đại của Nga nói riêng và của thế giới nói chung, đồng thời là một nhà triết học, một người theo chủ nghĩa hòa bình, một tín đồ Cơ đốc đạo đức. Muốn biết về ông, tha hồ Google, và mặc dù tôi hiểu rằng phải nói đến cuộc đời ông mới có thể biết được đôi phần về tư tưởng và suy nghĩ của ông, nhưng sau khi đọc những triết lý xuất hiện trong “Chiến tranh và hòa bình”, tôi không đủ can đảm để copy paste cuộc đời của nhà tư tưởng vĩ đại này rồi phân tích chúng như một món ăn được chết biến qua nhiều bước công phu và dọn sẵn trên bàn tiệc Wikipedia, nhưng điều tôi có thể nói về “Con sư tử Nga” này là: ông là một người thực sự vĩ đại và có một tư tưởng rộng mở, một cách nhìn phóng khoáng, chính chắn và hoàn toàn đáng ngạc nhiên so với một người ở địa vị của ông – nếu bạn chú ý, những tiểu thuyết gia vĩ đại và những nhà triết học vĩ đại nhất thường là những nhà tư bản, tức là có tiền, có của cải, nhưng điều khiến họ trở nên vĩ đại không phải vì họ viết được những tác phẩm vĩ đại, mà họ có thể mở lòng để nhận thức và thấu hiểu những con người khác, cùng hoặc đối lập giai cấp, rồi truyền tải suy nghĩ, mong ước của những con người đó vào tác phẩm của mình – những người hiểu rõ sâu sắc được vị trí của mình cũng như của người khác trong xã hội, hay nói cách khác là có thể “ngồi ở địa vị của người khác để suy nghĩ”. Lev Tolstoi là người như vậy – ông là một bá tước nhưng có khả năng thấu hiểu được nông dân bằng tình yêu cao cả của một người theo Cơ Đốc Giáo. Ngoài ra điều làm ông đặc biệt đó là ông có cách tiếp cận vấn đề hết sức trung lập, rồi từ những nét phác họa về con người, hành động, sự kiện mà ông mới lồng ghép những ý kiến đánh giá – nhưng cũng không hẳn ông đánh giá các sự kiện đó bằng lí trí thuần túy, mà ông đánh giá chúng dựa trên cơ sở cộng đồng và quy luật tự nhiên (nhưng hoàn toàn không phải thuyết Định Mệnh như rất nhiều người đã viết về tác phẩm của ông – đây chỉ là thiển ý của tôi mà thôi.)


Đầu tiên chính là bối cảnh xuất hiện trước khi cuộc chiến tranh với Napoleon bùng nổ năm 1805-1807, Lev Tolstoi đã tập trung miêu tả không khí và bối cảnh của giới quý tộc Nga, và cách viết của ông - không chỉ ở giai đoạn này, mà còn xuyên suốt khắp cả tác phẩm - đã khiến tôi luôn canh cánh băn khoăn, vì tôi khá tin chắc rằng ông viết về những con người của “xã hội thượng lưu” cùng những buổi tiếp tân tưởng chừng nghiêm lúc nhưng lại nhuốm phần lố bịch, những quý bà quý ông ngỡ chừng quyền cao chức trọng lại mang sắc thái vô công rỗi nghề chỉ thích bàn tán, gió chiều nào ngả chiều đó,....bằng một sự châm biếm dịu dàng. Ông không hề quật rõ vào xã hội “đừng trên đầu người khác” đó những đòn đau đớn như William Makepeace đã thông qua nhân vật Rebecca Sharp để bóc trần, để mỉa mai cay độc một xã hội phù hoa, mà Lev Tolstoi tế nhị, tưởng chừng thờ ơ, dường như ngầm nhếch mép cười, đã từng chút vẽ lên những phòng khách, phòng ăn xa hoa sang trọng phù phiếm bằng ngòi bút trung lập. Ông không cần phải mỉa mai ra mặt mà chỉ dùng những từ ngữ “đắt” để miêu tả những hành động, nét mặt đặc trưng của những con người sống trong xã hội đó, đã đủ để người đọc phải trầm ngâm trước sự thâm thúy của ông. Ví dụ như nhân vật Vassili Kouraguine, một triều thần nhàn tản giàu có chỉ mưu trục lợi cho bản thân, luôn có bộ dáng ra vẻ chiếu cố với người dưới, hoặc Helena con gái của Vassili – một người con gái xinh đẹp nông cạn nhưng chỉ cần có sắc và tài sản kếch xù của chồng cũng mang tiếng quyền quý và thông minh,... Bên cạnh đó, những câu chuyện phòng trà, những vũ hội xa hoa diễn ra như một thói quen tất yếu, một thú vui xa xỉ của những người có quyền có tiền.


Bối cảnh nhanh chóng chuyển đến cuộc chiến tranh 1805 – sau khi Nga và Anh kí một hiếp ước liên minh nhằm đẩy Pháp ra khỏi Hà Lan và Thụy Sĩ, một cuộc chiến tranh giữa Pháp và Liên Minh thứ 3, thứ 4 (Anh, Nga, Áo, Thụy Điển và Vương Quốc Napoli) đã bùng nổ. Ở đây tôi xin khẳng định rằng Lev Tolstoi viết “Chiến tranh và Hòa bình” hoàn toàn không nhằm đi tìm nguyên nhân hay lý do, hay biện hộ cho các cuộc chiến tranh, mà ông đơn thuần chỉ phác họa lại những biến cố và những diễn biến của những cuộc chiến tranh đó. Ông không đánh giá chúng là sai – hay đúng, tiêu chuẩn đạo đức của nó là gì, cách người ta nhìn nhận nó ra sao,.... Điều ông quan tâm hơn cả là cuộc chiến tranh đó có ý nghĩa như thế nào đối với những con dân của Nga; hay nói đúng hơn, nó đã diễn ra như thế nào? Có những nhân tố gì? Những ai đã tham gia vào nó? Điều nổi bật hơn cả mà chúng ta có thể nhận ra thông qua các Lev Tolstoi miêu tả hai cuộc chiến tranh này là sự khác biệt về quy mô tinh thần của nó: Cuộc chiến tranh Liên minh 3, 4 đối đầu Pháp mà tiêu biểu là trận Auerstedt – một cuộc chiến tranh phi nghĩa bên ngoài biên giới nước Nga và được phát động vì quyền lực của một nhóm người nhỏ mà ông cho rằng chẳng qua họ cũng chỉ là một bánh răng trong các biến cố. Trong trận chiến này, Lev Tolstoi đã miêu tả rõ sự phi nghĩa thông qua thái độ của quân đội đối với nó: đó là một quân đội hùng mạnh nhưng không có phương hướng, không thực sự biết mình chiến đấu vì điều gì ngoại trừ biết rằng phía trên đưa mệnh lệnh xuống. Đó là cuộc chiến tranh của Ba Hoàng Đế, không hơn.


Đến cuộc chiến Vệ quốc năm 1812 là một sự trái ngược hoàn toàn. Cuộc chiến này không chỉ đơn thuần là cuộc chiến tranh do số ít thúc đẩy nữa, mà toàn dân Nga đều tham gia vào cuộc chiến tranh này. Đây là cuộc chiến tranh trên mảnh đất tổ tiên, trên mồ mả cha ông người Nga, và họ chiến đấu với một tinh thần bất khuất và một mục đích rõ rệt: Chiến đấu giải phóng Tổ quốc, chống sự xâm lăng ngoại bang. Không chỉ quân đội, mà chính những người dân của Nga cũng tham gia cuộc chiến tranh du kích, không chút vụ lợi này. Điển hình cho cuộc chiến tranh này là trận chiến Borodino – một trận chiến mà đa số các nhà sử học đều viết rằng đây là một trận thua, rằng đây chính là trận đã để Napoleon có cơ hội chiếm được Moskva. Những người dân ở thành Moskva đã đồng lòng rời bỏ thành phố, để Napoleon dẫn quân vào một thành phố trống rỗng và trơ trọi. Sau một mùa đông khắc nghiệt, binh sĩ Pháp chết dần chết mòn vì đói, vì lạnh, vì bệnh tật,.... và Koutouzov thì lại cố gắng hết sức để không có một cuộc chiến nào diễn ra, bởi ông hiểu quân Pháp đang lụi tàn và sắp phải chạy trốn.


Thông qua 2 cuộc chiến tranh này, Lev Tolstoi muốn khẳng định


Tinh thần của chiến tranh chính là tinh thần của nhân dân. Bản thân Lev Tolstoi cũng từng nói rằng tác phẩm này chủ yếu hướng về nhân dân, bởi ông ưa thích chủ đề tư tưởng nhân dân. Ông khẳng định rằng chính nhân dân mới quyết định thời cuộc, quyết định lịch sử. Thế những có một điều ông muốn nói rõ ràng ra rằng, việc chọn cách từ bỏ Moskva – điều mà bất cứ nhà sử học nào cũng hết sức tán dương rằng đó là một hành đồng cao cả của cả 1 tập thể đầy ý chí, lòng yêu nước, đầy đức hi sinh,...nhưng thực tế xảy ra không phải như vậy, mà vì sự trùng hợp ở một quy mô lớn khiến những người không trực tiếp tham gia vào nó không thể nhận ra được những quyền lợi cá nhân quan trọng hơn quyền lợi tập thể; và rằng người dân Nga lũ lượt di tản đi có chăng là vì sợ hãi chiến tranh tràn đến, rằng nhiều binh lính than gia để mong chóng được thăng bậc, ví dụ như Nicholas,.... Cái tinh thần chiến tranh nhân dân ông quan tâm hơn cả là sau khi Moskva bốc cháy, người dân đã tự lập ra những đội du kích, tập kích và hủy hoại dần con mãnh thú đang mệt mỏi và tìm cách chạy trốn ra khỏi lãnh thổ Nga. “Quân du kích tiêu diệt đạo quân vĩ đại từng bộ phận một”!. Và mặc dù vai trò của Kutuzov – một vị tướng vĩ đại trong lịch sử Nga, người đã đánh bại Napoleon một thời lẫy lừng – là không thể bị thay thế, thì Tolstoi cũng nhấn mạnh rằng người dân mới thực sự quyết định mọi thứ – đó cũng chính là tên của quyển sách này (Cộng đồng – tên sách lúc đầu được đặt là “Chiến tranh và cộng đồng”, nhưng chữ “Cộng đồng” (Mir) viết bằng chữ “i” của Nga thì là “Cộng đồng”, còn viết “i” theo dòng Latinh là “Hòa bình”, và sau khi được xuất bản Tolstoi cũng không thay đổi nó.), chứ không phải chủ nghĩa anh hùng cá nhân như rất nhiều sử gia đã viết về các cuộc chiến tranh khác.


Muốn nghiên cứu các quy luật lịch sử ta phải thay đổi hoàn toàn đối tượng quan sát, để yên các nhà vua, các vị tướng và các vị đại thần đấy, mà nghiên cứu các yếu tố đồng chất vô cùng nhỏ lãnh đạo quần chúng. Và “Những yếu tố chồng chất vô cùng nhỏ” đó là ý chí của quần chúng nhân dân.


Lịch sử chỉ là một chuỗi các biến cố trong quá khứ. Đối tượng sử học là con người. Quy trình diễn ra của các biến cố thường có quy luật tất yếu, ngẫu nhiên và thường thì con người ta tìm cách đưa ra nguyên nhân, lí lẽ cho nó, như là người lãnh đạo, mục đích,.... Tuy nhiên không một điều nào có thể hoàn toàn chứng minh được nguyên nhân hay mục đích của chiến tranh là gì, vì ngay cả các nhà sử học cũng là con người, và họ cũng chỉ có thể viết lại được những biến cố, những tư tưởng, trí tuệ, giáo dục văn minh mơ hồ trong thời đại đó bằng khả năng và nhận thức của mình – nói cách khác là viết lại lịch sử theo cảm nhận riêng, không thể hoàn toàn khái quát. Từ đó Lev Tolstoi đưa ra những nhận xét khái quát hết mức có thể về lý tưởng, đạo đức, tự do thông qua những nhân vật của ông.


Đầu tiên, nhân vật Koutouzov có lẽ là nhân vật lý trí nhất của Lev Tolstoi. Dựa trên hình ảnh vị tướng quân có thật Koutouzov – một vị tướng vĩ đại người Nga, người đã đánh bại Napoleon đem vinh quang và tự do về cho dân tộc. Đâychính là nhân vật tôi có ý kiến bất đồng với người viết lời mở đầu trong “Chiến tranh và Hòa bình” – trong đó Nguyễn Hải Hà đã viết rằng Lev Tolstoi đã viết về một Koutouzov thụ động và đi theo chủ nghĩa định mệnh. Điều này, theo thiển ý của tôi, là hoàn toàn sai lầm. Koutouzov không phải người đi theo chủ nghĩa định mệnh dù rất nhiều quyết định của ông có vẻ như dựa trên cơ sở quy luật tất yếu sẽ xảy đến của các biến cố. Hoàn toàn ngược lại, Koutouzov là một người lý trí và am hiểu – ông biết đích xác rằng một cá nhân, một kế hoạch tấn công, và bản thân ông không thể cũng không nên can thiệp vào những quy trình, những biến cố đó. Ông hiểu rõ mọi chuyện bắt đầu không phải từ ý chí và quyền lực của một cá nhân, mà nó bắt đầu từ một số đông biến thành ý chí tập thể, và những điều ngẫu nhiên đã điều khiển nó. “Công lao của Koutouzov không phải ở chỗ đã thực hiện một cuộc hành quân chiến lược thiên tài như người ta thường nói, mà là ở chỗ chỉ một mình ông hiểu được Ý NGHĨA của các biến cố đang diễn ra.” Từ đó, ở vị trí tướng quân mà lẽ ra ông phải phát động trận đánh, ông chọn kiềm giữ những kế hoạch rất có thể đẩy đội quân Nga vào hoang tàn chết chóc của những con người mơ hồ về những điều đang xảy ra và chỉ hi vọng mau chóng kiếm lợi được cho bản thân để đội quân tránh đi sự hi sinh vô ích.


Tiếp đó, thông qua nhân vật Napoleon ông đã phác thảo được ý tưởng của mình về những nhân tố trong quá khứ. Theo ông, những đánh giá thiên tài về Napoleon rất phức tạp và mâu thuẫn – ông khẳng định rằng mặc dù dựa trên những chi tiết được ghi chép lại trong lịch sử thì Napoleon là một người có quyền lực, là một thiên tài, một người dẫn dắt đội quân,... nhưng tất cả mọi khái niệm quyền lực, thiên tài,...đều phải dựa trên nhân dân – vì rằng lịch sử là tổng quát về một dân tộc trong quá khứ và tất cả những gì thuộc về nó – như mục đích tức là tổng số mong muốn cộng lại, nguyên nhân dẫn đến các biến cố đều phụ thuộc vào một ẩn số lớn hơn là quyền lợi hay tiền bạc,... Trong cách khắc họa của Lev Tolstoi, Napoleon hiện thân là một người đạo đức giả, một công cụ vô ý thức của các biến cố, một bánh răng của số mệnh. Ông biết rõ vai trò của Napoleon trong lịch sử, nhưng ông không tranh việc phê phán và lột trần bộ mặt của Napoleon thông qua những hành động của ông ta. Ở nhân vật Napoleon, người đọc có thể cảm nhận rõ một ác cảm của một người Nga đối với quân xâm lược. Đó chỉ là một con người nhỏ bé, vô nghĩa, “xây dựng vinh quang cá nhân trên xương máu của hàng triệu con người”.  Theo tôi, bất cứ đánh giá nào được đưa ra cũng có cơ sở riêng, và rằng dù chúng ta không thể phủ nhận được tài năng của Napoleon, không có nghĩa là chúng ta có thể dung túng cho chủ nghĩa bành trướng sức mạnh. Chính thông qua một Napoleon có những hành động vô lý, muộn màng, Lev Tolstoi đã bộc lộ được chủ trương hòa bình của mình.


Hai nhân vật chính của Lev Tolstoi có thể nói rằng là hai trong số những nhân vật đặc biệt nhất trong thế giới văn học – lại vừa bình thường nhất. Có thể nói rằng cả 2 nhân vật đó đều có thể xuất hiện trong tâm hồn bất cứ ai: bất cứ ai cũng luôn đi tìm cho mình một mục đích, một lý tưởng nào đó. Hành trình lớn nhất của một con người là đi tìm chính mình. Andrei và Pierre luôn luôn vùng vẫy đi tìm lí tưởng và mục đích sống cho bản thân. Andrei thông minh, dũng cảm, thần tượng Napoleon và luôn muốn tìm ra được chân lý cho sự tồn tại của mình, khẳng định được bản thân mình, đã nhận ra được sự phù phiếm và giả tạo chốn thượng lưu và quyết tâm lên đường gia nhập quân đội để đi tìm vinh quang của cuộc đời minh. Nhưng một lần suýt chết trong chiến trường, Andrei nhìn lên bầu trời cao vút trong xanh và nhận ra rằng mỗi cá nhân đều vô cùng nhỏ bé nếu đứng một mình, kể cả Napoleon chàng từng tôn sùng. Cuộc đời cân kề cái chết mới hiểu được nó mới vô nghĩa và hóa ra tất cả đều không quan trọng đến chừng nào. Andrei tưởng chừng đã mất đi ý nghĩa sống.


Cũng như vậy, Pierre luôn đi tìm ý nghĩa và mục đích của cuộc đời mình. Lúc đầu Pierre đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình trong ánh mắt, trong cách đánh giá của người khác “cùng giai cấp” với anh – điều đã đẩy anh vào sự chán chường, mệt mỏi và vô vọng. Rồi sau khi gặp một người thuộc hội Tam Điểm, Pierre lại tin vào một Chúa trời vĩnh cửu với những niềm tin cao cả, lý tưởng và xa xôi, và anh tưởng rằng đã tìm được ý nghĩa cuộc sống của bản thân thông qua việc tạo dựng hạnh phúc cho người khác, cho cả nhân loại. Nhưng rồi khi phát hiện ra ngay cả niềm tin cũng bị những kẻ hám lợi hám quyền lợi dụng để nịnh bợ, thăng tiến trong sự nghiệp thực dụng của mình, Pierre một lần nữa rơi vào chán chường. Chiến tranh 1812 đến, và lúc này Pierre mới thực sự tìm ra được ý nghĩa của cuộc sống thông qua nhân dân.


Điểm chung của cả 2 nhân vật này đó là cả 2 đều tìm ra ý nghĩa của cuộc sống trong tình yêu. Andrei tìm ra ý nghĩa của cuộc sống trong tình yêu với Natasha ngây thơ, xinh đẹp và trong sáng – anh nhận ra rằng khao khát về hạnh phúc gia đình và hạnh phúc cá nhân vô cùng mãnh liệt có tầm quan trọng to lớn trong cuộc sống của con người. Nhưng thật đáng tiếc rằng Andrei nhận ra điều này thi chàng cận kề cái chết. Và điều đau đớn nhất là chỉ khi cận kề cái chết Andrei mới thấy được sự thanh thản, sự tha thứ từ tận sâu tâm hồn. Và chỉ khi đến lúc chết, Andrei mới hiểu được tư tưởng “Thương yêu đồng loại, thương yêu kẻ thù của mình. Thương yêu tất cả – thương yêu Thượng đế trong tất cả những sự thể hiện của Người.”  Andrei, trên con đường đi tìm vinh quang cá nhân đã nhận ra sức mạnh của quần chúng nhân dân, sức mạnh của tinh thần nhân dân. Bên cạnh đó, Pierre lại tìm ra ý nghĩa của cuộc sống trong chính những người nông dân Nga thuần hậu, vô tư lự với một tình yêu nước vô điều kiện trong những tháng ngày dự chiến trường Borodino và những ngày bị cầm tù bên cạnh người bạn tù Platon vui vẻ lạc quan của chàng.Chàng hòa mình vào nhân dân và yêu quý nhân dân. Chàng hiểu được rằng đi tìm con người của mình thì phải nhìn vào chính bản thân mình trước, rằng không thể đi tìm ý nghĩa của đời mình và của cuộc sống thông qua cách sống, cách nhìn nhận của người khác, và càng không nên hướng đến những lý tưởng quá cao cả không thể có khả năng thược hiện nổi. Thoát khỏi cuộc sống giàu sang nhưng bị cầm tù cả về thân thể và tầm nhìn, Pierre thực sự cảm nhận nỗi đau khổ của nhân dân, sự đau đớn, sự vui vẻ của nhân dân,... và chàng đã học được rằng những điều đơn giản nhất lại đem đến những triết lý vĩ đại nhất, và chỉ cần có niềm tin và tình yêu thương, mọi thứ sẽ đơn giản và rõ ràng. Pier luôn đi tìm bản thân nhưng rồi tìm ra rằng phải nhìn vào chỗ mình đứng, nhìn vào bản thân mình mới tìm đc con người và ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa đó lại hiện hữu trong những người nông dân.


“Trước kia chàng không biết nhìn thấy cái vĩ đại không thể hiểu thấu, cái vô cùng, dù là trong vật gì cũng thế. Chàng chỉ có cảm giác nó ở đâu đây và chàng đi tìm nó. Trong những cái gần gũi, dễ hiểu chàng chỉ thấy một cái gì hữu hạn, nhỉ nhặt, tầm thường vô nghĩa.” Và rồi “ Còn bây giờ chàng đã biết được cách nhìn thấy những điều vĩ đại, cái vĩnh viễn là cái vô cùng trong vạn vật, cho nên lẽ tự nhiên là để thấy nó, để có được khoái cảm chiêm ngưỡng nó, chàng đã vứt bỏ chiếc kính viễn vọng mà trước nay chàng vẫn dùng để nhìn qua đầu những con người, và vui mừng ngắm cuộc sống không ngừng thay đổi, vĩnh viễn vĩ đại, không sao hiểu thấu và vô cùng tận đang diễn ra quanh chàng. Càng nhìn gần bao nhiều, chàng càng thấy yên tĩnh và sung sướng bấy nhiêu.”


Từ hai nhân vật trên dường như Lev Tolstoi muốn đề cập đến vấn đề lý trí và sự tìm kiếm tri thức chân chính trong mỗi con người.  Ông cho rằng trước khi có thể nhận xét, quan sát, thấu hiểu những quy luật ngẫu nhiên của các biến cố, trước hết phải có ý thức rằng mình đang sống – con người có thể đặt ra quan niệm tồn tại của một điều gì đó khi đã có thể nhận thức ra được ý thức của mình. Tuy nhiên, nhận thức là hạn chế và thay đổi theo hoàn cảnh, thời gian, và bản thân con người luôn vô thức đi tìm kiếm ý thức của bản thân. Tuy nhiên ý thức cũng bị chi phối bởi những quy luật và luật lệ nhất định – là những quy luật của tự nhiên buộc nó như thế và những luật lệ do chính những ý thức của con người đặt ra. Lev Tolstoi dường như muốn nói rằng, không có bất cứ điều gì là hoàn toàn được giải thích hoàn hảo: tất cả đều có điều bí ẩn, nguyên nhân, diễn biến, biến cố của nó mà con người có hoặc không thể can thiệp. Điều duy nhất con người có thể làm được là đi tìm điều cần thiết cho bản thân mình ở một khía cạnh riêng mà không có bất cứ môn khoa học nào có thể đưa ra câu trả lời xác đáng. Ý thức có phụ thuộc vào quy luật không? Quy luật có chi phối ý thức, và từ đó dẫn đến các cuộc chiến tranh hay không?


Nhân vật Marya, em gái của Andrei, tôi cũng cho rằng đây là một nhân vật được khắc họa hết sức tỉ mỉ. Theo nhiều bài viết thì Maria được khắc họa dựa trên mẹ của Lev Tolstoi. Maria trong truyện là một người con gái không xinh đẹp lắm, nhưng cô có tâm hồn thánh thiện luôn sẵn sàng tha thứ và hi sinh, một tấm lòng cao cả tin tưởng Đức Chúa trời và mang trong mình tình thương vô điều kiện của một người Cơ Đốc Giáo ngoan đạo. Và mặc dù đôi lúc hình ảnh về Maria có phần ngờ nghệch, hiến dâng và bi lụy, thì không thể phủ nhận rằng cô là một nhân vật quan trọng đem đến cho người đọc có cảm giác vừa ghét vừa yêu. Một mẫu nhân vật quá thánh thiện và đầy đức cam chịu.


Hai nhân vật mang tính chất đối ngược nhau là Natasha và Helena cũng một phần thể hiện tư tưởng đạo đức của Lev Tolstoi. Theo ông, một người mang một ngoại hình đẹp chưa chắc đã mang một nhân cách đẹp, như Helena chỉ suy nghĩ cho bản thân, cho tiền bạc địa vị, ích kỉ và tham lam. Bên cạnh đó, Natasha – một cô gái có thể nói rằng có một tính cách và tinh thần nhất quán gần nhất tác phẩm, lại có rất nhiều thay đổi về hành động, thái độ và cách suy nghĩ. Giữa một xã hội vụ lợi, Natasha sống bằng tình cảm thuần túy và điều đó, mặc dù khiến nàng trở nên ngây thơ, nhưng lại khiến mọi người như bộc lộ được bản thân khi ở quanh nàng. Bên trong nàng dường như mang âm hưởng, suy nghĩ của mọi con dân Nga. Từ điệu nhảy, câu hát của nàng đều trong sáng và rực rỡ. Thời điểm Natasha đẹp đẽ nhất có lẽ là lúc nàng có thể bộc lộ được tinh thần ái quốc của bản thân thông qua những việc vô cùng nhỏ bé không vụ lợi. Để nhiều năm sau, khi làm vợ Pierre, Natasha hiện rõ hình ảnh một người vợ mẫu mực: yêu chồng yêu con, hết lòng vì gia đình và hi sinh toàn bộ linh hồn lẫn thân thể vì gia đình của nàng – 1 tế bào xã hội bé nhỏ của nàng.


Cách kết thúc câu chuyện với hình ảnh 2 gia đình của Nicholas với Maria và Pierre với Natasha như một hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nga sau chiến tranh. Sau một bối cảnh bi tráng rộng lớn, Lev Tolstoi thu ống kính về những gia đình bé nhỏ – những tế bảo tập hợp lại tạo nên xã hội – như một lời cầu nguyện về hòa bình và hạnh phúc gia đình.


Các nhân vật khác cũng được Lev Tolstoi khắc họa hết sức tỉ mỉ và tinh tế thông qua những đặc trưng về hành động và thói quen. Đó là những chàng binh sĩ hết lòng vì một câu nói của Nhà vua như Nicholas hay Boris, những người dân Nga du kích yêu nước và dũng cảm bất khuất, những vị tướng đại diện cho ích kỉ cá nhân,...tất cả đều rất sống động và thực tế đến mức người đọc thậm chí còn có cảm giác “hiểu” được họ.


Phần cuối truyện, Vĩ thanh mặc dù hơi triết lý và nặng nề, nhưng nếu thật sự đọc và cảm nhận được, người đọc lúc đầu có thể sẽ thấy mơ hồ, rồi sẽ nhận ra rằng có lẽ tất cả mọi chuyện đều xảy ra, diễn ra và kết thúc một cách tự nhiên, và không ai nên và có quyền đánh giá bất cứ thứ gì, bất cứ điều gì, đặc biệt là Lịch Sử. Có câu ngạn ngữ nói rằng: Nếu anh bắn súng lục vào quá khứ tức là anh đang rót đại bác vào tương lai. “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoi là một quyển tiểu thuyết lịch sử có tầm vóc vĩ đại nhất, và trung lập nhất!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét