Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

[Sách hay] Kinh tế học hài hước - Steven D.Levitt



Tôi không biết phải bắt đầu thế nào với quyển sách chỉ vì nổi hứng khi đọc trúng một phần mang tên “vì sao những tên buôn ma túy vẫn sống cùng mẹ” trong phần mục lục mà mua. Rồi phải ròng rã gần 5 tháng sau khi nó chuẩn bị mọc mốc đến nơi tôi mới rớ lại nó vì 1 câu bố t phê ở trang cận bìa “Quyển sách này rất hay”. Và, đến khi đọc xong thì một vấn đề mới lại xuất hiện: viết về một cuốn sách không thật sự có chủ đề thống nhất là một thách thức đáng phải suy ngẫm trước khi đặt tay.


Steven D Levitt – một nhà kinh tế học trẻ tuổi và xuất sắc tốt nghiệp từ đại học Harvard danh tiếng và Stephen J.Dubner – một nhà báo của New York Times sẽ đem lại cho những người muốn hiểu biết về kinh tế những gì? Không phải là những mẩu tin căng thẳng tiêu cực hay tích cực về tình trạng kinh tế thế giới, không phải là những lý luận khô khan ngồi nhằn khô rang cả họng như lý thuyết sự tương quan giữa luân lý con người với lợi ích của kinh tế đem lại của Adam Smith, thậm chí lại còn không thường được để ý đến bởi số đông – “kinh tế” của Steven D Levitt không chỉ dừng lại ở thị trường, tiền tệ, bla bla bla nói chung, mà nó dường như là một cuốn sách viết về những khía cạnh khác của xã hội đã bị những nhận thức thông thường của đa số che khuất thì đúng hơn.


Chương mở đầu, ok, chương này rất có vẻ kinh tế một chút – nói về mặt khuất thực chất của một người buôn bán bất động sản – một người buôn bán bất động sản là một chuyên gia thông tin nhà đất, và họ sẽ sử dụng chuyên môn giúp bạn bán nhà, và nếu bán được nhà họ sẽ được lãi một khoản hoa hồng tương ứng. Vậy thì theo thông thường, họ là đồng minh của bạn. Nhưng đừng vui mừng vội, vì nếu bán được một căn nhà 300.000 đô họ sẽ được 10% - khá đấy, nhưng nếu để thêm thị trường và tốn thêm công sức, căn nhà của bạn sẽ bán được 310.000 cũng nên, nhưng trong trường hợp đó, 10% của 10.000 chỉ đáng vài trăm đô và họ như thế không đủ động cơ để thúc đẩy họ hoàn toàn cống hiến sức lực cho bạn. Rồi oke, thế Ku Klux Klan (Đảng 3K, bắt nguồn từ miền Nam nước Mỹ với chủ trương phân biệt chủng tộc với người da đen) thì giống những người buôn bán bất động sản – hay các chuyên gia nói chung – như thế nào? Nghe mới đầu thì khá là ngớ ngẩn. 1 tổ chức lớn gây ảnh hưởng như vậy liên quan đến mấy người môi giới bất động sản chỗ nào? Họ đều là những chuyên gia lợi dụng thông tin một cách bài bản để kiếm lợi cho bản thân hoặc tổ chức – 3K đã dùng công nghệ thông tin để chiêu mộ thành viên cho một tổ chức phân biệt chủng tộc đấy, không đùa (và cũng bị Kenedy dùng chính thông tin để biến 3K thành trò cười). Vậy điều này liên quan gì đến kinh tế học? À thì, theo thiển ý của tôi, mục đích và động cơ (chủ yếu là về mặt kinh tế) đã tác động đến đạo đức nghề nghiệp, hay thậm chí là cách suy nghĩ và cách hành xử của con người – Động cơ là hòn đá tảng của cuộc sống hiện đại.


Động cơ kinh tế tiếp tục ảnh hưởng đến các giáo viên và các đô vật sumo trong môn thể thao truyền thống vinh quang của Nhật như thế nào? Một giáo viên sẽ gian lận nếu mức thưởng treo lửng lơ trên đầu đáng để họ làm như vậy, và các đô vật sumo lại càng có lí do để gian lận trong điều kiện được trọng vọng đến độ chỉ cần nhắc đến từ “gian lận” đi cùng “sumo” là người dân nộ rất có nguy cơ sẽ nổi sùng. Thế nhưng cùng một việc gian lận đó nếu đánh vào ý thức thì sao? Thật thú vị khi biết rằng mặc dù những động cơ kinh tế khiến con người đánh mất luân lý là gian lận, thế những nếu đánh vào sự tự giác thì sự gian lận lại cực kì thấp. Tâm lý của con người thật thú vị đúng không?


Rồi câu hỏi tiếp theo, tại sao những tay buôn ma túy – mà ta thường tin rằng chúng hẳn phải rất giàu – lại vẫn sống cùng mẹ? Và cái này thì liên quan gì đến kinh tế? Hãy trả lời ngược trước, liên quan đến kinh tế là vì cấu trúc của một tổ chức tội phạm nói chung và của tổ chức buôn bán ma túy nói riêng thực ra chẳng khác gì một công ty bình thường (khác cái buôn đồ bất hợp pháp), và cũng phải nói thêm chỉ có đám chóp bu ngồi trên đầu mới giàu khú đế chứ đám tay chân loi choi và làm ăn không định kì dựa vào mối bán lẻ thì lấy đâu ra mà giàu? Nhưng vì sao người da đen (đa số) vẫn thường lao vào công việc nguy hiểm rình rập tứ phía này? (chính quyền, luật pháp, sự cạnh tranh giữa các băng đảng, bạo lực....) Vì sau dư âm nô lệ và sự phân biệt chủng tộc, sự tụt hậu quá rõ ràng của họ đẩy họ vào những tình cảnh thực sự không thể tính là khả quan và muốn sống sót trong thế giới thiếu giáo dục ấy, họ để động cơ về tiền bạc dẫn dắt.


Sự yếu kém của người da đen và sự thâm nhập của ma túy nói riêng và bạo lực nói chung đã gây nên một làn sóng tội phạm mãnh liệt từng một thời hoành hành nước Mỹ, và các chuyên gia (lại là các chuyên gia) thi nhau dự báo những viễn cảnh tồi tệ nhất là tỉ lệ tội phạm sẽ còn tiếp tục tăng tiến nữa. Thế nhưng thực chất số lượng tội phạm lại giảm, liên tục giảm, và các nguyên nhân “thông thường” có lý nhất được đưa ra để giải thích cho sự tụt giảm nhanh chóng này, ví dụ như tăng lượng cảnh sát, thiết chặt luật pháp, sự tăng trưởng kinh tế, thay đổi trong thị trường ma túy, luật về súng,.... nhưng nếu như rơi vào cái bẫy “nhận thức thông thường” hay xuất hiện qua báo chí, tuyên truyền, thậm chí là từ các chuyên gia thông tin, các bạn sẽ chẳng bao giờ tìm được ra nguyên nhân thực chất. Theo nghiên cứu của Steven, kết quả thật đáng ngạc nhiên: tỉ lệ tội phạm giảm là nhờ một nguyên nhân tưởng chừng xa tít mù tắp, đó là luật cho phép nạo phá thai. Sự đấu tranh giành hợp pháp hóa việc nạo thai của jane Roe đã thay đổi mọi thứ. Giờ thì ai cũng hiểu ngay lập tức đúng không? Những đứa trẻ của những bà mẹ đơn thân, những bà mẹ nghèo nghiện ngập, những bà mẹ bệnh tật không ổn định tâm lý, những đứa trẻ không được mong muốn được sinh ra trong một môi trường tồi tệ thì hẳn nhiên có xu hướng trở thành tội phạm cao hơn gấp nhiều lần một đứa trẻ bình thường.


Đến đây lại sinh ra một câu hỏi mang tính đạo đức, phá thai là đúng hay sai? Mỗi bên đều có cái lí của mình, và với một người theo tư duy kiểu kinh tế: 1 đứa trẻ bằng cả trăm cái bào thai ( hi sinh cả trăm bào thai không được mong muốn có nguy cơ thành tội phạm bằng một đứa trẻ ra đời vì chúng được mong muốn).


Bạn đã thấy ngạc nhiên với cách tư duy của Levitt chưa? Levitt dường như đã phá bỏ được rào cản của “nhận thức thông thường” (conventional wisdom – theo John Kenneth Galbraith là: “Chúng ta gắn chân lý với sự thuận tiện, với những điều phù hợp, tương đồng với lợi ích và hạnh phúc cá nhân nhất để đảm bảo tránh phải đối mặt với những nỗ lực gây phiền toái hay sự biến dịch không mong muốn của cuộc sống. Chúng ta cũng thấy có thể hoàn toàn chấp nhận những gì ve vuốt lòng tự trọng của ta nhất.”“Hành vi kinh tế và xã hội là vô cùng phức tạp và để hiểu được những đặc tính của chúng sẽ rất mệt đầu. Vì vậy, chúng ta tuân theo những điều thể hiện sự hiểu biết của chúng ta.”


Và hai vấn đề cuối cùng Levitt đề cập đến tưởng chừng chẳng có chút xíu nào liên quan đến kinh tế – và thật ra tôi cũng chưa thấy được sự liên quan đó. Levitt nói trong lời mở đầu rằng anh viết về những điều anh thích thú và đôi lúc chúng chỉ là những khía cạnh nhỏ nhặt của đời sống mà đa số hiểu nhầm hoặc không để ý. Ví dụ như, cha mẹ có thật sự ảnh hưởng đến con cái không? Trường học có ảnh hưởng đến những đứa trẻ? Và thậm chí là cả cái tên? Tất cả những câu hỏi của Levitt được trả lời một cách nghiêm túc và có lẽ sẽ làm ngỡ ngàng đến nhiều vị phụ huynh – bao gồm cả chuẩn bị dạy dỗ vừa đủ cho con cho đến bảo vệ chăm sóc quá mức. Và, theo tôi gộp lại 2 vấn đề chính nhất: gen và môi trường, trong đó.....gen chiếm có phần rất lớn. Tất nhiên môi trường và cha mẹ tốt cấu hình nên một đứa trẻ, nhưng rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi gen chiếm phần lớn. Cũng như cha tôi nói: “Nuôi dạy uốn nắn một đứa trẻ chỉ có thể kéo dài đến hết lớp 7 là cùng, còn sau đó còn phải nhờ vào ý thức của đứa trẻ và cách nó tiếp nhận sự dạy dỗ của xã hội.” Hoặc nói khác và ngắn gọn đi thì, “cha mẹ sinh con trời sinh tính”, họa chăng chỉ tác động được mà thôi.


Nếu bạn đang tìm kiếm một điều mới mẻ, đừng ngần ngại khi tìm đến với Levitt. Còn tôi, tôi sẽ đi tìm quyển “Siêu kinh tế học hài hước” đây!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét