Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Sức mạnh của những người phi lý - John Elkington và Pamela Hartigan



Tôi không muốn, cũng không đủ hiểu biết để nhận xét hay đánh giá về chế độ hay chính trị, nhưng điều tổng quát tôi có thể nói bằng kiến thức hạn hẹp của mình là: Chế độ chủ nghĩa xã hội là một chế độ quá đẹp, quá lí tưởng, một chế độ quá hoàn mỹ không thể đạt đến được, bởi đó là chế độ dành cho những con người của thời đại Hoàng Kim trong thần thoại. Với bản chất tham vọng và cầu tiến của con người, sẽ không ai dễ dàng chấp nhận một chính sách “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” mà xã hội chủ nghĩa đem đến. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là con người không tìm cách vùng vẫy để giúp đỡ lẫn nhau, cải tạo xã hội – thậm chí là thế giới – theo hướng tốt đẹp hơn. Con người sẽ không thể đạt được Chủ Nghĩa Xã Hội, nhưng điều đó không ngăn cản được những con người phi thường tìm cách kiến tạo Chủ Nghĩa Tư Bản Xã Hội.


Quyển sách tôi sẽ giới thiệu trong bài viết này tập trung vào những con người phi thường như thế. Đó là những con người “phi lí”, có các nhìn khác hẳn với những người xung quanh, thậm chí có thể nói rằng tham vọng của họ là điên rồ! Đó là những con người mà theo lời tác giả Elikington John và Pamela Hartigan là: “Một người sống theo lý trí thông thường luôn điều chỉnh bản thân để thích ứng với thế giới xung quanh; một người phi lý lại kiên trì theo đuổi việc biến đổi thế giới phù hợp với bản thân mình.” Và vì vậy, “Mọi tiến bộ phụ thuộc vào những con người phi lý.” Họ điên rồ và phi lí bởi họ mở rộng tâm trí, loại bỏ những lối tư duy cũ kĩ, lạc hậu gò ép để tìm thấy những cách thức mởi mẻ, sáng tạo và đầy tiềm năng. Họ điên rồ cũng bởi những con người lạc hậu không chịu từ bỏ lối tư duy khắc kỉ có thái độ thù địch với họ – và số những người phi lý thường khó có thể trở thành số đông và biến sự phi lý thành tiêu chuẩn. Nhưng qua thời gian, đặc biệt là khi thế giới đang dần phẳng ra và nhỏ lại, họ đang ngày trở nên quan trọng hơn.


Những người phi lí đó là ai? Họ là những doanh nhân xã hội thời đại mới, sống vì lý tưởng, đương đầu với mọi thử thách bằng thái độ “tôi-có-thể” dù mục tiêu của họ tưởng chừng xa vời đến đâu. Họ nhìn ra những cơ hội lớn lao trong những việc tưởng chừng không thể thực hiện nổi. Họ luôn tìm mọi cách rũ bỏ xiềng xích kiềm hãm tư tưởng hay các quy tắc, luôn tìm cách áp dụng những biện pháp thực tế để giải quyết các vấn đề xã hội; họ tập trung vào việc tạo ra những giá trị xã hội rồi mới đến giá trị kinh tế; họ tìm kiếm lợi nhuận từ những công việc khó có thể tạo ra lợi nhuận; luôn sẵn sàng chia sẻ sáng tạo và hiểu biết; họ cũng có thể rất vội vàng, đi theo lý tưởng dù không chắc chắn thành công; họ có niềm tin vững chắc vào khả năng đóng góp cho xã hội có mỗi cá nhân; họ luôn ngoan cường, kiên quyết và nhiệt huyết nhưng biết kiểm soát hậu quả trong tiến trình đi đến mục tiêu của họ. Có rất nhiều điều tạo nên những người phi lý, và điều mà con người đang dần nhận thức được đó là: Những người phi lý chính là những nhà cách mạng.


Đi sâu vào hành trình của những nhà cách mạng xã hội, John Elkington và Pamela Hartigan bắt đầu chương đầu tiên của “Sức mạnh của những người phi lý” bằng ba dạng mô hình kinh doanh xã hội mới – những mô hình kinh doanh nhằm tiếp cận đến những lĩnh vực khó có thể tiếp cận bằng mô hình kinh doanh vì-lợi-nhuận, đó là các mô hình kinh doanh phi-lợi-nhuận vì xã hội.


Mô hình 1: Doanh nghiệp kinh doanh phi lợi nhuận được tài trợ: Đây là mô hình đầu tiên dựa vào các nguồn tài trợ từ chính phủ, cá nhân, tập đoàn, các nhà hảo tâm,.... nhằm mục đích tạo ra những hàng hóa mang tính chất công cộng để đem đến cho những người dễ bị tổn thương nhất về mặt kinh tế, hoặc những người không thể tiếp cận hoặc không đủ khả năng chi trả cho những dịch vụ, hàng hóa đó. Đây là mô hình được dựng lên để trở thành chất xúc tác cho xã hội với mục đích chính là giúp những con người bất hạnh khó khăn được hưởng lợi trực tiếp những điều thuộc về quyền cơ bản của con người; mô hình này mở rộng với bất kì cá nhân, tổ chức nào muốn ủng hộ. Nhưng khác với tình nguyện quyên góp nói chung, mô hình này sinh ra để tối giản những bất lợi cho những người không may mắn chứ không nuôi họ.

Mô hình 2: Doanh nghiệp Phi lợi nhuận hỗn hợp: Đây là một mô hình vô cùng mạo hiểm và đầy thử thách. Giống như mô hình 1, mô hình 2 cũng đặt mục tiêu đưa dịch vụ và hàng hóa với giá hợp lí nhất đến với những người yếm thế, nhưng trong quá trình đó, những doanh nhân xã hội hoạt động bằng mô hình kinh doanh hỗn hợp có xu hướng tạo ra những khả năng tạo ra lợi nhuận, từ đó có thể tự bù đắp một phần các chi phí thông qua hàng hóa và dịch vụ, tìm ra thị trường mới mà không cần dựa hoàn toàn vào nguồn tài trợ bên ngoài một cách thụ động.

Mô hình 3: Doanh nghiệp kinh doanh xã hội: Đây là một mô hình đầy tiềm năng và chủ động nhất trong cả 3 mô hình. Trong mô hình này, những doanh nhân xã hội thành lập doanh nghiệp của mình như một công ty kinh doanh thông thường vì-lợi-nhuận nhưng lại tự mình mang những sứ mệnh tạo động lực thay đổi xã hội và môi trường. Họ có tạo ra lợi nhuận nhưng không tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông mà thay vào đó là đóng góp tài chính, hoặc tự mình mở ra các chương trình phát triển các doanh nghiệp xã hội khác (như các doanh nghiệp mô hình 1 và 2) hoặc đầu tư vào nhưng doanh nghiệp xã hội để giúp họ có thể tiếp cận và phục vụ nhiều người hơn. Mô hình này có thể phát triển quy mô và có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Tuy nhiên đây là một mô hình khó khăn, vì những người tham gia vào doanh nghiệp hiển nhiên là muốn tối đa hóa lợi nhuận, dễ dàng gây nên căng thẳng nội bộ. Nói tóm lại, đây là mô hình kinh doanh vì lợi nhuận nhưng có mục tiêu cải tạo xã hội và môi trường.

Nhưng vấn đề khó khăn nhất ngay khi bắt đầu lý tưởng là gì? Vốn. Hay còn gọi là nguồn lực tài chính. Có rất nhiều cách để tích vốn, và trong sách, những cách phổ thông đuoươcợc ủng hộ nhất là:
  • ·         Lấy tiền túi mình: Đây có lẽ là cách được tính khá nhiều nhưng không được thực dụng lắm, vì nguồn vốn cá nhân hoặc đến từ gia đình bè bạn thường khó có khả năng duy trì  lâu dài, hơn nữa những áp lực cá nhân đến từ tiền bạc không tốt cho các mối quan hệ gia đình và bạn bè.
  • ·         Gây quỹ từ cộng đồng: Đây là cách rất được ủng hộ, vì nguồn tài chính từ gây quỹ độc lập, chủ động và linh hoạt.
  • ·         Thu hút tài trợ dưới dạng sản phẩm hay dịch vụ: Cách này khá được ủng hộ và dễ gây cảm giác thoải mái hơn: những sản phẩm hỗ trợ dưới dạng quyên góp đồ cũ hoặc quyên góp khả năng và chuyên môn một cách tự nguyện.
  • ·         Kêu gọi các nhà hảo tâm và các quỹ tài trợ: Đây là nguồn lực được các nhà kinh doanh xã hội coi là quan trọng nhất. Mặc dù có một số hạn chết nhất định về hiệu quả, nhưng đây là nguồn tài chính đáng tin cậy, vững chắc và to lớn.
  • ·         Khai thác tài chính từ chính phủ: Đây cũng là một nguồn tài chính được suy xét nhiều – vì những khoản tài chính từ chính phủ thường có quy mô lớn, vững chắc, được bảo đảm, có nhiều lợi ích và giúp đỡ từ nhiều nhân viên thuộc đa ngành của chính phủ.
  • ·         Bán hàng và thu phí dịch vụ: Đây là cách được các nhà kinh doanh nói chung và kinh doanh xã hội nói riêng ủng hộ nhiều nhất, vì chúng giúp đưa nguồn tài lực “hóa thạch” (trong nguồn tài trợ) thành nguồn tài chính có thể luân chuyển và tái tạo được.
  • ·         Nhượng quyền kinh doanh: Đây là cách được các doanh nhân xã hội cân nhắc – nhượng quyền kinh doanh cho các công ty vì lợi nhuận để tìm kiếm thêm nguồn vốn phong phú dành cho các doanh nghiệp vì lợi nhuận, đồng thời tiếp cận được với các thị trường mới.
  • ·         Xác định quan hệ đối tác và liên doanh: Cách này không chỉ vì lợi ích tài chính mà là cả những lợi ích phi tài chính.
  • ·         Theo đuổi các nguồn vốn đầu tư mạo hiểm.
  • ·         Bán công ty, hoặc trở thành Công ty Đại chúng: Điều khó khăn nhất của các công ty xã hội là tiếp cận với nguồn vốn để mở rộng quy mô. Tuy vậy cách này vẫn được ít nhà kinh doanh xã hội lựa chọn nhất.



Bên cạnh đó, Joh Elkington và Pamela Hartigan còn đi sâu vào 10 cơ hội thị trường vốn theo truyền thống là rất khó tạo ra lợi nhuận nhưng lại là những khoảng trống được các nhà doanh nhân xã hội theo đuổi hàng đầu:
1.       Cơ hội từ những điều kiện nhân khẩu học: hay nói cách khác là về dân số. Có thể nói rằng nguyên do đói nghèo trong đa số các trường hợp đều có sự góp mặt của dân số.
2.       Cơ hội từ sự bất bình đẳng về tài chính: Từ rất lâu người ta đã công nhận rằng người đã giàu thì sẽ còn tìm cách kiếm tiền để giàu hơn, còn người nghèo ngày càng mất mát nhiều hơn. Tấn công vào các thị trường có nhu cầu cao nhưng ít khả năng chi trả nghe chừng có vẻ không khả thi, nhưng khi có thể thực hiện được, lợi nhuận không khiến bất cứ doanh nhân nào thất vọng.
3.       Cơ hội về chăm sóc dinh dưỡng (thực phẩm). (Thực phẩm tiết kiệm, thực phẩm giá rẻ, các biến đổi sinh học, dinh dưỡng,...)
4.       Cơ hội từ sự bất bình đẳng trong hưởng thụ tài nguyên.
5.       Các cơ hội từ vấn đề môi trường: Các vấn đề môi trường đã và đang ngày càng trở nên cấp thiết hơn với sự tồn tại và duy trì của con người.
6.       Các cơ hội về chăm sóc sức khỏe.
7.       Các cơ hội từ sự bất bình đẳng giới.
8.       Các cơ hội về sự bất bình đẳng trong giáo dục.
9.       Các cơ hội về công nghệ số.
10.   Các cơ hội về an ninh.

(Đại khái tôi không muốn cũng như không cần viết quá rõ những điều trên bởi lẽ chỉ cần chút suy tính bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng hiểu được có nhiều vấn đề đang tồn tại trong các lĩnh vực này)


Chương tiếp theo, tác giả tập trung vào việc gieo hy vọng cho những con người kém may mắn hơn – chỉ vì khác biệt về điều kiện và môi trường sinh sống có thể thay đổi cuộc đời của một con người. Điều tiên quyết trong việc này tập trung vào 3 hành động chính: cách tiếp cận, giá cả và chất lượng. Đi kèm với tất cả những điều trên, xã hội đang có nhu cầu cấp bách trong việc dân chủ hóa các công nghệ để tất cả có thể cùng tham gia vào công cuộc cải tạo xã hội. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những giải pháp cơ bản nhất từ quy mô nhỏ cho đến những đúc kết lớn để thúc đẩy và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự nỗ lực của con người. Ngoài ra, những chương cuối của sách nêu lên những bài học đúc kết đáng giá dành cho những người muốn trở nên phi lý, muốn một thế giới tốt đẹp hơn.


Song song với việc tổng hợp những mô hình kinh doanh xã hội mới mẻ mang tính tiên phong là những ví dụ chân thực và sinh động về những con người phi lý như vậy – ta có thể nhìn thấy trong đó là những con người đã tạo ra những đế chế nhân đạo khổng lồ: Barefoot College đào tạo nên những kĩ sư nông dân chân đất ít học giúp họ tự túc cánh sinh và phát triển; Aravind Care Eye System cứu hàng triệu người khỏi các bệnh về mắt nhờ cung cấp thuốc men giá rẻ; La Fageda tạo công ăn việc làm và sự tự hào cho hàng trăm người mắc bệnh tâm thần; One laptop per child với tham vọng tạo ra những chiếc máy tính xách tay giá chỉ 100 đô để phổ cập tin tức và công nghệ đến những đứa trẻ nghèo nhất; Air Serv bất chấp mọi tình huống để đưa những biện pháp trợ giúp đến những nơi cần thiết một cách nhanh và hiệu quả nhất;....còn rất nhiều, rất nhiều những doanh nghiệp xã hội khác đang làm việc ngày đêm để xây dựng một xã hội tươi đẹp và bình đẳng hơn.


Đã đến thời đại của Tư Bản Xã Hội!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét