Tôi đọc “Lời thú tội của một sát thủ
kinh tế” là vì sau khi đọc “Chiến tranh tiền tệ”, tôi cảm thấy khá
bất ngờ khi ngay cả Nội chiến Mỹ trong sách giáo khoa hiện lên vĩ
đại và cao cả thực chất mang cả những lí do lợi ích vật chất.
Ngoài ra, “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” còn là do một cô
giáo dạy triết học Mác Lê-nin gợi ý – và tôi tò mò không biết một
cô giáo dạy một môn tư tưởng lý tưởng đến mức không thể thực hiện
nổi nghĩ gì về một khía cạnh tư tưởng khác đang thịnh vượng khắp
thế giới. Tôi không có quyền, không đủ khả năng cũng như không đủ dũng
cảm để nói lên ý kiến riêng của mình về những vấn đề chính trị và
kinh tế phức tạp xuất hiện trong sách cũng như đang diễn ra trên khắp
thế giới, nhưng đồng thời tôi cũng không thể ngăn bản thân mình muốn
viết lại những kiến thức mới vừa học được, nên bài viết này chỉ
đơn thuần là để tóm lược điều mà thiển trí của tôi có thể nhận
thức được thông qua “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế”. Tuy nhiên,
nếu có ai đọc bài viết này, xin hãy nhớ rõ – mọi thứ đều có tính
2 mặt của nó.
Theo lời
John Perkins, “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” là một cuốn
sách nói về chính cuộc đời bôn ba của ông - của một sát thủ kinh tế
hối hận về những điều mình đã làm. Không biết tôi nghĩ có đúng
không, nhưng nghề “Sát thủ kinh tế” của John Perkins rất giống nghề Tư
vấn tài chính (hay đại khái là Tư vấn kinh tế nói chung), nhưng ở quy
mô rộng hơn. Và điều ông nói đến, hẳn là những quỹ tài chính kiểu
như ODA: cho những nước chậm phát triển hoặc đang phát triển vay (có
khi còn không hoàn trả) lượng tiền lớn trong thời gian dài và lãi
suất vô cùng thấp, thậm chí không lãi suất để phát triển kinh tế
của đất nước đó. Đó hẳn là một thỏa thuận vô cùng hấp dẫn đấy
chứ? Được tài trợ diện rộng để phát triển kinh tế và tầm nhìn của
cả một đất nước mà bớt được hẳn công đoạn tích tụ vốn hay đi vay
lãi suất cao chưa chắc trả được. Nhưng đi kèm với lợi ích đó là một
tác hại khổng lồ: những nguồn tiền như vậy thường có tính chất “mang
nợ”: người đi vay buộc phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những
người cho vay để họ có thể tự do làm ăn, buôn bán. Trong trường hợp
một quốc gia, thì quốc gia được cho vay buộc phải mở rộng cửa và
tạo điều kiện cho các công ty từ quốc gia tới tư nhân của nước cho vay
tiến vào nước mình làm ăn, xâm nhập thị trường, và khi những chính
sách không tốt dẫn đến những món nợ không thể trả, họ buộc phải
trả bằng khoáng sản,tài nguyên, đất đai, thị trường,.... và trong
trường hợp bị siết nợ, quốc gia được cho vay thậm chí phải từ bỏ
quyền phát hành tiền tệ của nước mình – và điều đó cũng đồng
nghĩa với việc quốc gia đó đã hoàn toàn bị kiểm soát.
“Chỉ cần
khống chế được quyền phát hành tiền tệ của một quốc gia, tôi sẽ không phụ thuộc
vào bất cứ thứ pháp luật nào do ai đặt ra”.
Mayer Rothschild
Và công việc chính của John Perkins và những
sát thủ kinh tế như ông là đi khắp các đất nước chậm hoặc đang phát
triển, ngụy tạo các con số phát triển đáng mơ ước để thuyết phục
lãnh đạo những đất nước đó chấp nhận những khoản vay khổng lồ để
đầu tư vào các công trình trong nước, thuyết phục những cơ quan tài
chính quốc tế đổ tiền cho vay, và sau đó tìm mọi cách khiến quốc
gia được cho vay không thể trả nổi nợ, từ đó hoàn toàn quy phục Mỹ
và làm “sân sau” thỏa mãn mọi yêu cầu của Mỹ – hoặc ít nhất cũng
phụ thuộc vào các quyết định của Mỹ trên diễn đàn quốc tế. Công
việc này đi kèm với những khoản hối lộ khổng lồ chỉ làm giàu cho
một nhóm người rất nhỏ có “quyền lực” của quốc gia, còn hậu quả
của nó vô cùng nặng nề: nó đẩy đa số người dân của những đất nước
được cho vay từ cảnh bần hàn xuống khốn cùng, thay đổi môi trường,
ảnh hưởng văn hóa, xáo động chính trị, khiến người giàu lại càng
giàu, người nghèo lại càng nghèo hơn. Và, nếu những “Sát thủ kinh
tế” không thể hoàn thành nhiệm vụ, những tên Sát thủ (mà nghe tưởng
chừng chỉ xuất hiện trong phim) sẽ phải tiếp tục hoàn thành công
việc. Nếu ngay cả những tên Sát thủ cũng không thể lung lay sự cứng
đầu của một quốc gia, quân sự sẽ là biện pháp cuối cùng.
Có ai từng nghe nói rằng đời tổng thống nào
của Mỹ cùng từng gây ra ít nhất một cuộc chiến?
John Perkins từng rất nhiều lần thành công
trong công việc của mình – và mặc dù biết rằng công việc của ông đẩy
hàng triệu, hàng trăm triệu, hàng tỉ người vào cảnh nghèo đói khốn
khổ, thì khó có thể phủ nhận rằng ông hoàn thành công việc thật
xuất sắc. Nhưng trong thời gian làm công việc đấy, ngoài sức ép công
việc công còn hải chịu sức ép từ chính bản thân lương tâm của mình
sau khi gặp những vị lãnh đạo sáng suốt biết rõ âm mưu của Mỹ và
không chịu thỏa hiệp hoàn toàn tác động đến: ví dụ như chính phủ
Panama. Bị dằn vặt bởi lương tâm của chính mình và sự cao thượng,
nghĩ đến đồng bào của những vị lãnh đạo dám đối đầu với Mỹ, John
Perkins đã viết lại cuốn hồi kí của đời mình để vạch trần bộ mặt của
những đất nước tư bản giàu có – và mặc dù 5 lần 7 lượt bị hối lộ,
đe dọa để không xuất bản xuốn sách, những năm về già, “Lời thú tội
của một sát thủ kinh tế” xuất hiện và làm náo động xã hội một
cách âm thầm từ bên trong.
Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều nghi ngờ về cuốn
sách này, và người đọc hoàn toàn có cơ sở của riêng mình để nghi
ngờ nó. Chẳng hạn như một bài tôi đọc được trên mạng nói rằng, tại
sao tự nhiên một công ty tiếng tăm lại đột ngột tuyển một anh chàng
chưa đến 30 vừa tốt nghiệp để làm một công việc khổng lồ đến vậy.
Theo thiển ý của tôi, một đất nước phát triển là do họ phát hiện
được nhân tài mà không cần dựa trên bằng cấp hay tuổi đời. Hay ví dụ
như, bài viết cũng đề cập đến việc tại sao các nhà lãnh đạo lại
phải cần có người tư vấn? Có lẽ các nhà lãnh đạo cũng biết sự
thật và cũng không cần đến những nhà tư vấn chỉ ra cái gì là tốt
cho dân tộc họ, nhưng lòng tham con người vốn là vô biên. Vì vậy, nếu
hỏi tôi rằng tôi có tin “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế” không,
tôi sẽ trả lời rằng tôi tin có một công việc như vậy tồn tại, cũng
như có một nguồn tài chính cho vay là ODA vậy.
À thì, đại khái tôi cũng không đủ hiểu biết
để khẳng định được toàn bộ cuốn sách là đúng. Nhưng biết thêm một
điều gì đó hoàn toàn không phải chuyện xấu, và biết về một cuốn
sách dù thực sự sai lệch về sự thật cũng vẫn là sự học.
Tôi cũng đã đọc hết cả hai cuốn sách, và có một kết luận là: loài người đã có một bước tiến dài trong quá trình phát triển, kể cả phương thức "bóc lột".
Trả lờiXóa