Thói quen trước
giờ của tôi là thường chỉ đọc 1 đến 2 tác phẩm tiêu biểu nhất của
một tác giả nào đó, chứ hiếm khi đọc quá nhiều, nhất là sau khi
đọc gần nửa tá truyện có phong cách gần gần giống nhau của Sydney Sheldon
mà chẳng nhớ được bao nhiêu chữ. Sau “Chiến tranh và Hòa bình”, bố
tôi đã rất khích lệ tôi đọc thêm những quyển sách có nhiều giá trị
và đáng suy nghĩ khác – và một trong số những gợi ý đó là Anna Karenina,
cũng là của Lev Tolstoy. Ok, mặc dù gọi-là đọc được “Chiến tranh và
Hòa bình”, nhưng tôi vẫn phải thú thật, đọc xong Anna Karenina, tôi mới
hiểu thế nào là kiệt sức sao khi gặm được một quyển sách! Anna
Karenina không khô khan – trái lại nó chất chứa đầy những tâm sự tình
cảm mãnh liệt, nhưng nó quá lí trí, mang theo một không khí nặng nề
và những suy nghĩ phức tạp.
Đến Anna
Karenina, tôi đành phải lặp lại một lần nữa lòng thán phục dành cho
một con người nhập tâm viết về những con người trên giấy mà sống
động như thật của Lev Tolstoy! Tôi thật lòng tin tưởng rằng Anna
Karenina mới thật sự là tác phẩm làm nổi bật tài năng của “Con sư
tử Nga” Lev Tolstoy, bởi trong Anna Karenina, ông không chỉ hóa thân và
thấu hiểu nhân vật, mà ông còn thông qua đó để thể hiện cách nhìn
với chính “giới” của mình – phác họa, đánh giá và khóc thương cho
nó. Và điều đặc biệt hơn cả, ông nói lên được những băn khoăn và
chính kiến của bản thân trước thời cuộc và bối cảnh của nước Nga
bấy giờ. Một “Anna Karenina” không cấu trúc gì rõ rệt, Lev Tolstoy đã
vẽ ra hai câu chuyện tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau nhưng lại
gắn kết chặt chẽ với nhau về mặt xã hội – một gia đình tiêu biểu
đại diện cho những gì phù phiếm, nặng nề thành kiến xã hội,
“thượng lưu”, “quý tộc” nhất; còn một bên là một gia đình chân thực,
tràn đầy hi vọng, thương yêu nhưng cũng đầy mâu thuẫn trăn trở với xã
hội – là đại diện của tầng lớp quý tộc trí thức đang nghi ngờ thời
cuộc, đứng trước những biến động của đổi mới.
Bối cảnh câu
chuyện hiện lên vào giữa cuối thế kỉ 19, một thời kì mà nước Nga
đang có chuyển mình rõ rệt về mặt tư tưởng giữa các giai cấp – khi
những quý tộc mới đang bắt đầu trở mình, những quý tộc cũ vẫn chỉ
đang mơ hồ và bối rối khi nhận ra các giá trị dường như đang thay
đổi,...nhưng vô hình chung những quy tắc, định kiến xưa cũ vẫn là một
trong những tiêu chuẩn vững chắc. Đó là thời kì giới quý tộc, tư
sản có tiền vẫn ngày đêm đắm chìm vào những buổi vũ hội kén người
tình vô nghĩa, những buổi hội họp xã giao sáo mòn, những bê tha,
những phản bội vẫn nhan nhản trong giới nhưng được khoác lên mình
những danh tiếng hão huyền, mong manh, đẹp đẽ và đầy dối trá. Tất
cả những gì tốt đẹp như tình bạn, tình yêu, tình thân,...đều trở
thành những món hàng quyền lợi rẻ mạt đáng khinh. Nổi bật lên trên
sân khấu dối trá đó, Anna xinh đẹp, dịu dàng, kiên cường nhưng cũng
hèn nhát xuất hiện – một ánh sáng khát khao sự thay đổi, một nạn nhân
yếu hèn của giới quý tộc.
Có thể nói,
khát vọng cả đời của một con người là mưu cầu hạnh phúc. Chỉ đáng
tiếc thay, như bao người con gái, bao người đàn bà được nuôi dưỡng
trong lụa là, gấm vóc, thành kiến khắt khe và danh vọng gia tộc của
giới thượng lưu, Anna bước chân vào một cuộc hôn nhân không có tình yêu
mà chỉ có danh dự. Nàng sống hao mòn trống rỗng cùng với người
chồng khô khan mà nàng không yêu. Trong một lần đi làm “sứ giả” dàn
hòa cho vợ chồng người anh, nàng đã gặp gỡ một chàng trai quý tộc
là Vronsky, người đã thức dậy trong nàng tình yêu mãnh liệt và say
đắm. Từ đây bi kịch của nàng bắt đầu một cách sóng gió.
Bi kịch đầu
tiên của người mệnh phụ danh giá này là nàng trót yêu quá nhanh, quá
mãnh liệt, khao khát sự vùng vẫy, thay đổi bản thân, dứt ra khỏi thế
giới đang khiến nàng héo mòn trong sự giả tạo, vì thế nàng không
chấp nhận sự cặp kè ngoài luồng trong bóng tối như những mệnh phụ
giả dối khác. Sau một thời gian quá dài sức sống bị chà đạp trong
những buổi chuyện phiếm giả tạo, bốn bức tường lạnh lẽo và người
chồng yêu vợ bằng thói quen; sau một thời gian dài phải yêu đương vụng
trộm với Vronsky cuồng nhiệt phóng khoáng và say đắm, Anna thấy rõ
trước mắt khát khao mãnh liệt yêu thương và được yêu thương của mình.
Sự khao khát đó quá mãnh liệt đến mức biến thành vị kỷ – nàng buông
mình theo những suy nghĩ tiêu cực về con người, về bản thân, chỉ chìm
đắm trong tình yêu thấp thỏm và vô hình chung nàng đổ hết tội tình
lên chồng nàng và chính bản thân nàng. Nàng căm hận người chồng phá
hủy sức sống của nàng, căm hận xã hội đẩy nàng vào đường cùng
buộc nàng phải chọn giữa tình yêu và tình thân với con trai, nàng
cũng căm hận chính bản thân vì sự yếu đuối, sự dối trá ích kỉ của
mình. Ở giữa một thế giới chỉ có danh tiếng là trên hết, tình yêu
chân chính cũng bị biến thành một thứ đáng phỉ nhổ và dèm pha.
Và ngay cả khi
chồng nàng nói thẳng với nàng rằng chỉ cần giữ gìn mặt mũi, ông ta
không quan tâm nàng làm gì xấu xa với Vronsky, mọi chuyện trong nàng
đổ vỡ. Nhưng nàng quá thẳng thắn để có thể sống cuộc đời mỗi ngày
dối trá với thiên hạ mà vẫn khoác trên mình danh dự thối nát, sau
khi đẻ đứa con thứ 2 của nàng với Vronsky, Anna chạy trốn khỏi hiện
thực, chạy đến với Vronsky – họ cùng đi du lịch, cùng chung sống vui
vẻ hạnh phúc. Nàng lại làm dáng, làm duyên, lại vui tươi hưởng thụ
cái hạnh phúc cơ bản mà đáng lẽ bất cứ người con gái nào cũng
phải có bên cạnh người yêu. Nhưng âm ỉ sâu trong tình yêu đó, Anna luôn
bị giày vò giữa sự lựa chọn hoặc con hoặc người yêu; bất an vì sự
kết nối của tình yêu thật lỏng lẻo và không có điểm tựa vững chắc
của hôn nhân; bẽ bàng vì tình yêu chân thật của nàng bị cả giới
thượng lưu chỉ chấp nhận trò đàng điếm ngoại tình trong bóng tối
phỉ nhổ kết tội và tẩy chay như tẩy chay những kẻ hủi. Giới quý
tộc thượng lưu như một cơ thể hoàn chỉnh đã từ chối một tế bào
muốn nổi loạn.
Thế nhưng, bi
kịch lớn hơn của Anna chính là, mặc dù nàng yêu chân thực và thèm
khát được giải thoát, bản thân tâm tính đã bị nhuốm sâu trong định
kiến của giới quý tộc của nàng lại ngăn cản nàng khỏi việc tự
giải thoát hoàn toàn. Đáng lẽ nàng có thể chọn cách li dị, hoàn
toàn làm ngơ trước mọi sự đời, kết hôn với Vronsky để hưởng hạnh
phúc trọn vẹn của một người phụ nữ, thì nàng lại bị cái gốc rễ
quý tộc và cái danh tiêng níu giữ lại. Nàng hèn nhát không dám dứt
bỏ với thế giới cũ, cũng không dám đối diện với đứa con nàng yêu
thương. Những điểm yếu mềm đó đã đẩy nàng vào nỗi lo không dứt, và nàng bắt
đầu cuộc sống bấp bênh trong ghen tuông, so sánh. Tình yêu của nàng
biến thành một thứ tình cảm trói buộc và đầy ích kỉ. Bản thân
nàng cũng không hạnh phúc và lại khăng khăng nghĩ rằng đó là những
bài học trừng phạt nàng. Nàng tự khiến bản thân phụ thuộc vào
Vrosky, biến tình yêu thành gánh nặng, chiều theo tất cả ý nghĩ của
người tình và nhạt nhòa dần trong chính hạnh phúc giả tạo đó. Với tâm lý đó, nếu mất Vronxki
là nàng sẽ mất hết. Vì tự đem cả đời mình phụ thuộc vào Vronxki, như cái bóng
có được nhờ dập theo cái hình, tự tước đi quyền lợi và khả năng sống tự do, độc
lập, cho nên nàng có ảo tưởng buộc người tình phải hoàn toàn nô lệ mình, để cân
bằng giá trị với mất mát của nàng. Cái tình trở thành cái nợ, yêu thương biến
thành hờn oán. Nàng không hề làm công việc gì có ích cho đời sống riêng và
chung, càng chui đầu vào mối tình hẹp hòi, không ngừng đòi thoả mãn tình cảm và
dục vọng thì càng trở nên xấu tính, nhỏ nhen, vị kỷ. Chính những sự sợ hãi đó đã đẩy
nàng và người yêu vào bước đường cùng không lối thoát. Cuối cùng,
nàng tự chọn cho mình cái kết thảm khốc – tự gieo mình xuống đường
ray tàu hỏa. Đây có lẽ là sự trừng phạt do nàng tự chọn, cũng là
sự trừng phạt day dứt về ý niệm nàng dành cho Vronsky, cũng như
tiếng nói ai oán thống hận mà nàng dành cho cái thế giới đã giết
chết tâm hồn nàng.
Mối tình có thể nói bắt nguồn từ một mong ước
cao thượng, bằng việc làm can đảm, cuối cùng cũng trở thành tầm thường, hèn
kém, không hơn gì cuộc hôn nhân đầu tiên với Carenin: Nàng vẫn không vượt khỏi
vòng tiêu cực, thoái hóa của bản chất giai cấp xuất thân và hoàn cảnh sinh sống.
Đó là tấn bi kịch của xung đột bên trong con người nàng, nó điển hình cho mâu
thuẫn bên trong của lớp người trung thực, muốn tiến lên giành hạnh phúc nhưng
không đủ sức chống lại trở ngại chính là xã hội thượng lưu hồi đó.
Xung quanh Anna,
những tuyến nhân vật khác được Lev Tolstoy khắc họa rất tỉ mỉ và
linh hoạt. Đối lập hẳn một một Anna đầy sức sống và khát khao,
chồng Anna là Alexei Karenin là một đứa con hoàn hảo của giới quý
tộc: một người đàn ông danh giá, chức cao vọng trọng được nhiều
người cầu cạnh, một tín đồ ngoan đạo nhưng hoàn toàn khô khan và
đáng thương. Một mặt, Alexei Karenin là biểu tượng của bộ máy hành
chính giấy tờ Nga cồng kềnh, chai cứng, rách việc và vô dụng, suốt
ngày chỉ làm những công việc vô ích không đến đâu với đâu nhưng làm
như chúng có ý nghĩa cao cả lắm. Ông là một mẫu người quan liêu với
lối suy nghĩ thẳng đuột đến mức gần như chỉ suy nghĩ cho danh lợi
bản thân mà không một chút gì biết đến những tình cảm của con
người. Đến khi biết đến những tình cảm ngoài những tình cảm giả
tạo trong giới thượng lưu, đáng tiếc thay thứ tình cảm đó lại là
thứ tình cảm nhục nhã, bẽ bàng và khốn khổ vì bị vợ phản bội.
Ông đáng trách vì yêu vợ bằng thứ tình yêu nhiệm vụ và trách nhiệm,
không quan tâm đến suy nghĩ và tình cảm của người vợ khốn khổ, đồng
thời bản thân ông cũng chỉ là kẻ đáng thương vì tâm hồn bị hút kiệt
và uốn nắn ngay từ khi còn trẻ khiến ông chỉ còn biết đau khổ bằng
suy nghĩ lạc lối của bản thân. Alexei Karenin còn đáng thương ngay cả
khi Anna đã chạy theo Vronsky, vì ông không biết lý do, hay không tự
nhận ra được lý do vì sao mọi việc lại đến bước đường như vậy. Rốt
cuộc ông để bản thân chìm vào trong dối trá về tâm linh của người
đàn bà quý tộc Lidya ngu ngốc, để bản thân ngày càng cạn khô trong
giới “giao tế”. Có thể nói, bi kịch của người đàn ông này là không
có suy nghĩ riêng, tất cả đều phụ thuộc vào chính thể quý tộc.
Thật thú vị
là thông qua nhân vật chai cứng gượng gạo này, Lev Tolstoy lại thể
hiện những quan điểm về tôn giáo. Mặc dù không thực sự có tình yêu
nhưng Alexei trước giờ phút đau khổ sau khi lâm bồn của Anna lại cao
thượng tha thứ cho những hành động phản bội ô nhục của vợ. Bên trong
ông ngoài những định kiến của xã hội thượng lưu lại thuấn nhuần tinh
thần của Cơ Đốc giáo khoan dung nhân đạo. Tuy nhiên, sức mạnh của lòng
mộ đạo và lòng tha thứ nhân từ của Cơ Đốc giáo lại không thể giúp
được gì trong cuộc đời ông ngoài việc dường như giúp ông bỏ được
gánh nặng của sự hận thù. Và chính sự tha thứ của Alexei lại đem
đến ánh nhìn kì dị của giới quý tộc, khiến ông trở nên lẻ loi, cô
độc, đau đớn và ngày càng nhạt nhòa, để rồi dần dần ngay cả tinh
thần đó cũng bị người đàn bà quý tộc Lidya tàn phá và điều khiển.
Vronsky, người
tình của Anna, cũng được Lev Tolstoy chú trọng với những đức tính
nổi bật hơn thanh niên cùng thời – một điều rất tự nhiên mới có thể
quyến rũ đi ánh nhìn của Anna. Đó là một thanh niên tràn trề sức
trẻ, phóng khoáng, quảng giao, tương lai đầy tươi sáng. Nhưng Vronsky
cũng chỉ là hơn các thanh niên cùng thời thế thôi. Ở chàng vẫn có
cái ích kỉ, nông cạn, cái hèn nhát của con người không dám dứt bỏ
giới thượng lưu mà ở bên ngoài lề nó hưởng thụ yêu đương nhưng tâm
tình lại níu giữ lại những vinh quang thuở xưa. Chàng nhìn thấy cái
xấu của giới thượng lưu và cũng nhìn ra cái xấu của mình, nhưng
cũng chỉ dừng lại ở thế thôi chứ chẳng đủ khả năng thay đổi. Nhưng
Vronsky không phải kẻ đáng trách, bởi chính bản thân chàng cũng là
người có tình yêu nồng nhiệt, và ngay cả khi chàng cảm thấy không
thể đánh mất tự do, ích kỉ của bản thân khi đã có được Anna, thì
Vronsky vẫn mang một thứ tình cảm say đắm. Hai lần mất đi Anna, bản
thân Vronsky cũng định kết liễu đời mình – một lần là tự sát không
thành, và lần còn lại, chàng rời khỏi dân tộc, chạy trốn khỏi cái
chết của Anna, chạy trốn khỏi miền đất kí ức – đó cũng là một
cách đày đọa tự sát mà thôi. Vronsky là hình mẫu tiêu biểu đại diện
cho những con người xa lại, sống hờ hững với dân tộc, chỉ biết đến
bản thân mình. Nhưng âu đó cũng là một cách nói rằng, ốc chưa mang
nổi mình ốc thì lo với ai?
Bên cạnh một
Anna dằn vặt bởi tình yêu, Kitty được khắc họa với những nét ngây
thơ, dễ thương, khao khát tình yêu và gia đình với những đức tính của
một người phụ nữ nội tướng. Dường như với Lev Tolstoy, vai trò của
những người phụ nữ chưa thể vượt khỏi khuôn khổ gia đình, thờ chồng
chăm con, quanh quẩn với những nỗi lo tủn mủn trong nhà trong bếp, chưa
thể nghĩ những điều lớn lao vĩ đạo. Đó là những con người có đời
sống tinh thần nghèo nàn bị chôn vùi trong bốn bức tường gia đình –
những người phụ nữ đáng thương.
Bên cạnh chủ
đề lớn là về mặt luân lý gia đình để đánh giá xã hội, Lev Tolstoy
còn đề cập đến những vấn đề cấp thiết khác của xã hội Nga đương
thời thông qua tư tưởng của Levin – một quý tộc địa chủ, chồng của
Kitty. Dường như đó cũng là những băn khoăn trăn trở, những mối mâu
thuẫn trong chính bản thân tác giả. Điều nổi bật nhất trong mâu thuẫn
của Levin là việc chàng muốn giúp đỡ những người dân nghèo, nông nô
không đất, muốn thấu hiểu và tôn trọng họ nhưng không muốn bán rẻ
ruộng đất, muốn giữ lại cơ nghiệp và danh giá dòng họ, gia đình.
Điều này có thể là một điều vô cùng mâu thuẫn và khó phù hợp được
với tư tưởng một nhà cách mạng triệt để muốn hi sinh để bảo vệ người
dân nghèo, đứng về phe dân nghèo – người anh hùng của quần chúng nhân
dân. Nhưng xét về mặt tình cảm và logic thuần túy của con người –
điều này là hoàn toàn hợp lý. Một con người có đầy đủ sân si sầu
vui, lòng tham lam và trí tuệ cùng kiêu hãnh gia tộc, thật dễ hiểu
họ muốn bảo vệ quyền lợi của mình trước tiên rồi mới nghĩ đến
những người cùng thời khác. Đối với Levin trong tình trạng nước Nga
nửa phong kiến nhưng muốn vùng vẫy tránh rơi vào cái bẫy tư bản,
chàng muốn đôi bên hợp tác có lợi hơn là rũ bỏ toàn bộ quyền lợi
của mình cũng như hoàn toàn bóc lột nhân dân, người làm thuê. Có thể
nói Levin đứng giữa ranh giới chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội –
nhưng lại rơi vào vòng luẩn quẩn của chủ nghĩa cải lương. Rốt cuộc
lý tưởng của Levin rơi vào đường cùng, và Levin chọn cách làm ngơ
trước những phe cánh quan niệm đang đối chọi nhau trong xã hội, phản
đối cách mạng và để yên cho lề thói truyền thống xưa cũ để duy trì
cuộc sống yên ổn của mình. Và mặc dù vậy những ý nghĩ trên vẫn
luôn tiếp tục đeo bám Levin, và từ cuộc đấu tranh các vấn đề xã hội
đi đến những băn khoăn về luân lý, đạo đức.
Truyện của Lev
Tolstoy bao giờ cũng hướng theo chủ nghĩa triết lý đi tìm bản thân,
trong Chiến tranh và Hòa Bình và trong Anna Karenina cũng vậy. Các nhân
vật của Lev Tolstoy bao giờ cũng luôn dằn vặt với những câu hỏi mà
dường như chẳng bao giờ có câu trả lời: “Ta là ai?”, “Ta tồn tại có
nghĩa lý gì?”, “Cái chết là gì?”,... Trong Chiến tranh và Hòa Bình,
con người cá nhân tìm ra ý nghĩa của bản thân giữa tình yêu và cộng
đồng, và trong Anna Karenina, ý nghĩa cuộc sống của Levin hiện lên rõ
nét nhất khi chàng ở giữa thiên nhiên tươi đẹp,giữa những người lao
động bình thường và làm những công việc hết bình thường – làm hết
sức, hết mình và chẳng suy nghĩ gì cả, cứ cố gắng thôi. Chính từ
điều này đã khiến Levin nhận định rằng để sống có ý nghĩa thì chỉ
cần không làm điều ác, mà phải làm điều thiện giữa nhân dân. Nhưng
bản thân Levin mặc dù hiểu điều đó nhưng lại không tham gia vào chống
cái ác, mà chỉ tự mình tách ra khỏi nó: Levin nhìn thấy cái ác
trong xã hội thượng lưu nhưng không muốn dùng sức mạnh lật đổ chúng; chàng
phủ nhận những tiến bộ của khoa học kĩ thuật và mong cho nước Nga
trở về với những sản xuất nhỏ lẻ gia trưởng,... Đó cũng là một
mặt mâu thuẫn của Lev Tolstoy khi không tìm ra câu trả lời cũng như
giải pháp triệt để cho tình huống hiện tại, nên bản thân ông cũng như
các nhân vật của ông cũng đều trở về giới hạn của bản thân là tự
làm những điều thiện nhỏ nhoi mà tu tâm tích đức.Cuối cùng thay vì
đi tìm lời giải đáp cho những vấn đề xã hội phức tạp rối ren, Lev
Tolstoy trở về với những đức tin vĩnh cửu và đạo hạnh của Cơ Đốc
giáo nhân đạo. Dường như ông đã hạ thấp tri thức trước những chân lý
bất biến về điều thiện của Chúa; hạ thấp lý trí trước tình cảm,
tâm hồn.
Anna Karenina
vĩnh viễn sẽ là một quyển sách khó đọc, khó thấm. Hoặc giả bản
thân tôi quá thiển cận để có thể hiểu được những điều quá to lớn
như vậy. Tôi không thể đủ khả năng để viết về Anna Karenina đầy đủ và
chi tiết hơn. Hi vọng với sự thay đổi của nhận thức trong thời gian
tới, tôi sẽ đủ khả năng hiểu kỉ hơn giá trị trường tồn của Anna
Karenina. Đành gác lại Anna và hẹn gặp lại trong tương lai không xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét