Tôi đã đọc
Người Thầy của Frank McCourt từ rất lâu, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến
chuyện viết về nó cả, vì tôi rất ngán các giáo viên, và cũng vì
tôi triền miên luôn là đứa đứng bết bát không đầu cũng hai từ dưới
lên. Tất nhiên tôi có yêu những thầy cô đặc biệt đã làm lơ khi tôi thả
hơi quậy phá, trốn tiết, bỏ học,... nhưng tôi vẫn có những kiêng kị
riêng với họ và những bài học thuộc khô hơn cả ngói cũ dưới trời
nắng. Nhưng một ngày đẹp trời ở trường quân sự 1 tháng, rảnh rỗi
không có gì làm, tôi quyết định viết một chút để không quên tay và
không để đầu mụ mị đi vì những bài học chính trị ngớ ngẩn.
Nhưng khi đọc
“Người thầy” của McCourt, dường như tôi thấy lại được hình ảnh người
thầy lý tưởng trong tiềm thức non trẻ ngày nào. Đột nhiên cái hình
ảnh cao cả tuyệt diệu đó kéo lại mãnh liệt như thể chúng chưa từng
bị dập tắt:đó là hình tượng một người thầy đứng thật thẳng, đôi
mắt nhìn thẳng sáng lấp lánh nhiệt huyết khi giảng bài, cặp môi nở
thành một nụ cười phong đạm vân khinh đầy khoan dung từ ái, sự nóng
nảy đầy quan tâm và sự kiên trì bền bỉ trước những tiểu quỷ nghịch
ngợm – một người thầy tâm huyết yêu nghề yêu trò bằng một thứ tình
yêu say đắm. Phải chăng đó là một thứ yêu cầu đòi hỏi quá mức? Nhưng
vậy mà đâu đó vẫn sinh là một Frank McCourt mà ít ra đã viết ra
những trang viết tìm lại được khao khát của tôi.
Tất nhiên điều
đặc sắc nhất trong quyển sách đạt giải Pulizzo muộn màng này là lời
kể giản dị chân thành và những cảm xúc vui buồn bối rối liên tục
của một người làm nghề gõ đầu trẻ. Cuộc đời của người thầy giáo
trẻ hiện ra rõ ràng chân thực và hết sức gần gũi – không có những
tham sân si, không có những lời giảng đạo nhàm chán của kẻ bề trên
hay những câu chuyện tự tâng bốc để bản thân trở nên cao cả, Frank chỉ
đơn giản kể lại những câu chuyện và cảm nhận của bản thân khi đang
làm một trong những công việc quan trọng khó khăn nhất thế gian:
trồng người. Những khó khăn muôn
thuở của những người làm nghề dạy dỗ thiên hạ tất nhiên luôn là đám
học trò quỷ quái nghìn tính triệu kế lúc nào cũng chăm chăm soi mói
đời tư giáo viên và ngóng trông giờ tan học; những định kiến cũ rích
nặng nề của nghề làm thầy và khuôn mẫu cứng nhắc của những đồng
nghiệp giáo viên,... rất nhiều những điều mà hàng ngày hàng giờ một
giáo viên phải đối mặt, và rất nhiều trong số đó gần như không thể
giải quyết được. Thế nhưng người thầy không có những học thức vĩ đại
tầm cỡ giáo sư và không một mảnh bằng tâm lý nào đã từng bước đem
lại ánh sáng cho những học sinh của mình – những ánh sáng tưởng
chừng nhỏ bé nhưng không chỉ thay đổi chính những học sinh của ông mà
còn thay đổi cả niềm hi vọng của những người đọc được chúng.
Tôi đã vô cùng,
vô cùng bị ấn tượng với những chi tiết xuất hiện trong “Người thầy”,
ví dụ như ông cho bài tập về nhà là hãy viết một lá đơn xin nghỉ
học theo cách của mình; hoặc là chi tiết ông cầm chiếc bánh dưới
đất mà ông bị đám học sinh ném vào lên ăn để chưng minh hàng triệu
người vẫn còn đang chết đói; hay những chi tiết ông dẫn dắt những
học sinh vượt qua trung học và tìm lại con đường của mình như thế
nào;... tất cả chúng đều được kể lại bằng giọng văn hoài niệm, ấm
áp của một người giàu kinh nghiệm – một người giàu kinh nghiệm cống
hiến và yêu thương, chứ không phải thứ kinh nghiệm đối phó đám nhất
quỷ nhì ma thứ ba học trò.
Thông qua những
câu chuyện cuộc sống của Frank, những chân lý giáo dục hiện lên rõ
nét và khiến người đọc nhận thức được sự quan trọng của chúng hơn
bao giờ hết: giáo dục phải là sự truyền đạt kinh nghiệm, truyền đạt
cảm hứng, giúp những mầm non ngây thơ tìm được bản thân, chân lý, tìm
được con đường và cá tính của mình, chứ không phải là những môn học
không mấy khi được ứng dụng trong cuộc sống. Con người nói chung luôn
khao khát tìm thấy tri thức thuộc về bản thân hơn là những tri thức
chính xác tỉ mỉ trong trường học – tất nhiên phải khẳng định rằng
có học có hơn. Sự học là sự cả đời, tri thức là vô tận, và điều
quan trọng nhất để một con người tìm được đam mê trong sự học và
trong tri thức chính là niềm cảm hứng. Một người đam mê đồ ăn ngon
mới có chí học ẩm thực; một người yêu máy móc mới thành kĩ sư
giỏi; một người say đắm nâng đỡ người khác mới thành một thầy giáo
vĩ đại. Tôi không biết có thể gọi Frank McCourt là một thầy giáo vĩ
đại hay chưa, nhưng sự giản dị của ông là sự vĩ đại của những học
sinh của ông.
Không gì tuyệt
vời hơn một người thầy vĩ đại. Thế giới mất đi 1 Frank McCourt, nhưng
có thêm 1 tài liệu quý báu cho những người làm giáo dục; thêm niềm
tin cho những mầm non tương lai; và thêm hi vọng cho nhân loại. Còn tôi,
tôi tìm lại được tầm quan trọng của lòng yêu nghề và sự sáng tạo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét