Tôi thực sự nghĩ rằng mình rất có duyên phận với “The great Gatsby”, mà theo thiển ý cá
nhân tôi vẫn thích cách dịch là “Gatsby vĩ đại” hơn là “Đại gia Gatsby”.
Tôi biết đến “Gatsby vĩ đại” một cách hoàn toàn tình cờ khi nó được
nhắc đến chung với “The catcher in the rye” của J.D. Salinger trong quyển “Rừng
Nauy” của Murakami. Tuy nhiên, sau nhiều lần bỏ cuộc chỉ sau dăm trang do
không quen cách viết của F.Scott Fitzgerald và sự nông cạn của tuổi
trẻ, tôi mới thật sự đọc Gatsby một cách nghiêm túc. Và lí do tôi
nói rằng tôi có duyên phận với Gatsby là vì ngay sau khi đọc xong, tôi
ngay lập tức xem được bộ phim cùng tên. Và cũng phải nói thêm rằng,
bản dịch của Trịnh Lữ cũng không mấy làm tôi hài lòng.
Nhắm mắt lại,
lật trang sách, để trí tưởng tượng thăng hoa. Tôi khuyên bạn hãy đọc
sách trước khi xem phim để thấm cái sự tưởng tượng điên cuồng hỗn
loạn và vùn vụt như gió lốc trước khi bị kiềm hãm vào trí tưởng
tượng của người tạo ra khuôn mẫu cho một tác phẩm nghệ thuật. Đó là
một thế giới khác, một thế giới khác biệt đến mức bạn có thể
thốt lên bàng hoàng không thể tin được rằng mới chỉ gần 1 thế kỉ
trước thôi, đã từng có một thế giới như vậy. Đó là “Thời đại Hoàng
Kim”, “Thời đại Jazz” của đất nước Mỹ – cái thời đại rực rỡ lộng
lẫy không thể tưởng được, nơi đã sản sinh ra một Scott Fitzgerald tài
năng viết ra một Gatsby vĩ đại. Năm 1920, sau sự hỗn loạn của thế
giới khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc (1914-1918), đất Mỹ
đã bước vào một thời đại thăng hoa của nền kinh tế khi làm chủ nợ
bao quốc gia tham dự chiến tranh thế giới thứ nhất – phố Wall phồn hoa
với sự phát triển vượt bậc như vũ bão của cổ phiếu và ngành tài
chính; nền công nghiệp phát triển rực rỡ. Điều tất yếu đi cùng với
sự thăng hoa vượt bậc trong của cải là đạo đức suy đồi trầm trọng,
và như một cách gượng ép đưa đạo đức về chỗ nó vốn nên đứng, chính
phủ Mỹ đưa ra luật cấm bán, cấm tiêu thụ rượu – điều đã khiến ngành
tội phạm buôn hàng lậu theo đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Mở đầu câu
chuyện là lời kể của Carraway – một thanh niên từng bỏ qua tài năng
viết lách của mình để chạy đến New York theo đuổi hoài bão làm giàu
từ cổ phiếu và chứng khoán như bao kẻ tham vọng tài phú khác. Một
ngày đẹp trời, chàng đến thăm người chị họ Daisy xinh đẹp của mình –
một người phụ nữ xuất thân từ lụa là gấm vóc và có một ông chồng
giàu nứt đố đổ vách. Nhưng đằng sau hào quang của cải là cuộc sống
không hạnh phúc – chồng của Daisy vụng trộm bên ngoài với một người
đàn bà lẳng lơ – vợ của một gã sửa xe nghèo túng dưới đáy cùng xã
hội. Sau cuộc gặp gỡ Daisy với người bạn xinh đẹp của người chị,
Nick Carraway lại thêm tình cờ khi gặp một “đại gia” bí ẩn là Gatsby –
một đại gia giàu không thể tưởng tượng nổi sống ngay cạnh nhà. Bi
kịch bắt đầu từ đó.
Nhân vật chính
của tập truyện chẳng lấy gì là dày của Scott Fitzgerald tất nhiên là
vị đại gia bí ẩn Gatsby – vị đại gia giàu có tột bậc sống cạnh nhà
Nick Carraway. Điều tôi cảm thấy thích thú nhất bên trong Gatsby chính
là sự mâu thuẫn trong chính nhân cách và tư tưởng của nhân vật. Mặt
ngoài, Gatsby có thể nói là một kẻ ăn chơi trác táng không thiếu
tiền bạc, đắm mình trong của cải, chơi bời và sự đồi trụy hoang lạc
thượng lưu nhưng cũng tầm thường. Chính thông qua nhân vật này, Scott
Fitzgerald đã thể hiện sự tài tình trong việc nắm bắt tâm lý số đông
đang chạy theo “Giấc mơ Mỹ” về của cải vật chất; những ám ảnh
thường trực về danh tiếng và sự thành đạt; sự tôn sùng của cải và
quyền lực. Nhưng lồng trong những phù hoa phiếm tình, trong những cuộc
chơi thâu đêm suốt sáng rực rỡ ánh đèn, những chai rượu vốn bị cấm
mà được tiêu thụ công khai; những điệu nhảy triền miên rực rỡ cuồng
loạn và buông thả của những người tưởng chừng đã đạt đến ngưỡng
của danh vọng và tiếng tăm thời đó, đó là sự suy thoái nặng nề của
đạo đức và lý trí. Cái bộ phận phất lên nhanh chóng và mang trên
mình cái mác thượng lưu thời đó chỉ tối ngày trẫm mình trong những
trò mua vui vô bổ vô nghĩa, khoa trương và phù phiếm. Và đứng đầu,
đại diện cho tất cả những thứ trụy lạc hào nhoáng đó, đại gia
Gatsby mỗi ngày mỗi đêm tổ chức tiệc tùng cuồng dã hoan lạc. Để làm
gì?
Nhìn sâu vào
trong cái sự giàu có ảo mộng của vị đại gia đó, cái người ta cảm
nhận được là sức sống và niềm tin mãnh liệt cháy bỏng – thứ ảo
vọng cũng là sức mạnh của những
con người đang theo đuổi giấc mơ Mỹ ở chốn phù hoa. Phải mang trong
mình thứ niềm tin siêu cường thế nào mới có thể bước đến được đỉnh
cao của danh vọng phú quý đến như thế? Phải có động lực nào mới
nâng đỡ được tinh thần cường liệt bất chấp của một đứa trẻ như Gatsby
– James Gatz – đi lên từ đáy cùng nghèo tận của xã hội bước lên cầu
thang của lâu đài Salomon? Đó chính là tình yêu – một tình yêu chân
thành, cuồng nhiệt đến mức mù quáng. Chính tình yêu với con gái một
nhà quý tộc, nay đã là vợ một kẻ thượng lưu phô trương vô nghĩa
khác, đã giúp chàng chiến binh nghèo khó Gatsby sau khi trở về từ
chiến tranh khốc liệt lao vào bóng tối tội lỗi phạm pháp để kiếm
tiền, quyết tâm đoạt về người con gái chàng yêu say đắm ngày xưa.
Daisy, người
đàn bà xinh đẹp thượng lưu chính là “ánh sáng xanh” của đời Gatsby. Nàng
chính là ảo vọng, là giấc mơ, là niềm khao khát xa vời vốn khó có
thể nắm lấy được của Gatsby. “
Gatsby đã tin vào đốm sáng xanh ấy, vào cái tương lai mê đắm đến cực
điểm đang rời xa trước mắt chúng ta năm này qua năm khác. Ừ thì nó
đã tuột khỏi tay chúng ta, nhưng có làm sao đâu – ngày mai chúng ta sẽ
lại chạy nhanh hơn, vươn tay ra xa hơn....”.
Chính nhờ vào
niềm tin giấc mơ mờ ảo, “đốm sáng xanh” mỗi đêm chiếu bên cầu cảng
nhà Daisy mà Gatsby đã đẩy mình vào một thứ tình yêu không lối
thoát, một thứ tình yêu hết sức ngọt ngào cũng vô vàn cay đắng.
Chàng tin vào cái tương lai mờ nhạt đang rời xa chàng như chính Daisy. Dường
như trong Gatsby có thứ ánh sáng gì đó không thể vụt tắt, thứ ánh
sáng kiềm hãm chàng trong những mộng tưởng khát khao của quá khứ
cuồng nhiệt, thứ ánh sáng của niềm tin, hi vọng và tình yêu giúp
chàng vươn tay đến tương lai phú quý hòng cướp lại người yêu thương.
Đó cũng là thứ ánh sáng vô nghĩa của hiện tại – thứ ánh sáng của
phù phiếm hào hoa chàng đang theo đuổi – cái đốm sáng xanh ở ngay
trước mặt nhưng không thể bắt được, cũng như nàng Daisy. Và đó còn là
đốm sáng của tương lai, của hi vọng và của giấc mơ.....
Chính điều này
khiến Gatsby trở nên hoàn toàn khác biệt với bất kì người nào trên cái
đất phù hoa đó, nhưng cũng giống bất cứ kẻ nào đang muốn đạt được giấc
mơ Mỹ tiến chân vaò thế gới thượng lưu: Đó chính là khát khao, hi
vọng, quyết tâm, đem trong mình lý tưởng, giấc mơ và tình yêu của đời
mình. Nhưng thật đáng thương thay cho Gatsby si tình, nàng Daisy của
chàng mặc dù cũng yêu chàng tha thiết, nhưng tình yêu của người đàn
bà phù phiếm trống rỗng đó chưa đủ để đến được với Gatsby. Trong
danh sách dài những thứ chàng không hề hứng thú: những bữa tiệc xa
hoa, những tấn áo cao cấp không mặc kịp, hàng nghìn cuốn sách chưa
từng đụng đến,....đều chỉ để thu hút sự chú ý của người con gái
đó thôi ư? Hay là gatsby muốn tìm lại cho mình cái say đắm khát khao
của một Gatsby ngày xưa, một Gatsby chưa có gì cả nhưng nỗ lực hết
mình vì có một mục tiêu, một “đốm sáng xanh” rõ ràng sáng chói,
chứ không phải cái “đốm sáng xanh” cầu cảng nhà Daisy mỗi ngày một
mờ đi qua kẽ tay của chàng?
Một Gatsby chỉ
nhìn thấy Daisy cũng là một Gatsby đang tuyệt vọng nắm được chút hi
vọng bé nhỏ rồi lại rơi vào tuyệt vọng. Gatsby sau khi có được mọi
thứ đang chán chường nên chàng cần phải đi tìm thấy điều gì đó của
đời mình, điều mà chàng có thể nắm được, có thể sở hữu cả cuộc
đời, và điều gatsby đang tìm chính là tình yêu thuần khiết ngày
trước. “ Gatsby đại diện cho tình yêu lý tưởng. Nói vậy không có nghĩa anh ta là
một người đáng mến, bởi vẫn có rất nhiều những khía cạnh rất tối tăm trong nội
tâm của Gatsby. Ý tôi là anh ấy đại diện cho định nghĩa thuần túy nhất của cụm
từ này với những gì anh sẵn sàng làm vì tình yêu."
Gatsby còn “Vĩ
đại” là vì là đại diện của mộng tưởng không thể thực hiện được
nhưng không bao giờ ngừng tin tưởng. Ngay cả khi bản thân Gatsby biết
mọi chuyện đã kết thúc sau cuộc cãi nhau mặt đối mặt với người
chồng phù phiếm giả tạo của Daisy, Gatsby vẫn không bao giờ ngừng tin
tưởng về điều chàng đã liên tục theo đuổi. Gatsby vừa là nạn nhân
của chính bản thân mình và của những định kiến lệch lạc của xã
hội; vừa là một trò hề thừa tiền lắm của để thiên hạ mua vui trong
lúc giàu sang thừa thãi; nhưng cũng là một anh hùng “vĩ đại” khi đắm
chìm trong trống rỗng lại có một mục đích thuần khiết kiên định và
không bao giờ bỏ cuộc.
Thế nhưng, cuộc
vui nào cũng phải tàn, lên đến đỉnh cao ắt phải tụt xuống. Thảm trạng
của Gatsby như một lời cảnh cáo chua cay của Scott Fitzgerald đến với
những giấc mơ Mỹ vụt sáng quá nhanh: nếu phát triệt cường thịnh quá
mãnh liệt thì khi ngã lại càng đau đớn. Quả là đến 1929, Thời Đại
đen tối ụp xuống nước Mỹ những quả tạ nặng hơn chì. Cũng giống như
Gatzby, cường đại giàu có quá nhanh nhưng biến mất như điện xẹt, để
lại cho đời những lời phỉ báng, những buổi bàn tán cay nghiệt nhục
nhã, để lại cho đời những ảo vọng tầm thường đáng khinh miệt. Chỉ
người bạn duy nhất của Gatzby là Carraway mới biết được toàn bộ sự
thật thân thế của kẻ đáng thương kia. Rốt cuộc, Gatzby cũng chỉ là
một người khốn khổ tự đẩy mình vào đường cùng của tình yêu và
tuyệt vọng.
Chỉ khi Gatsby
chết đi, sự thật về sự tồn tại của Gatzby mới thực sự là một bài
học đáng giá: đó là sự cô đơn của con người. Dù là ở thời đại
Hoàng Kim của nước Mỹ hay ở bất cứ thời đại nào đi chăng nữa, con
người phải chăng vẫn luôn cô đơn? Dù có để lại mạt kỉ ức nào cho
cuộc đời, rốt cuộc vẫn là sự cô đơn dai dẳng. Sau khi cả cái xã hội
phù phiếm đó lợi dụng chàng, và thậm chí cả nàng Daisy xinh đẹp mơ
ước của Gatzby lợi dùng chàng, Gatzby bị rũ bỏ không chút luyến
tiếc. Đám tang của một người nổi danh chừng ấy mà không một bóng
hình tham gia, chỉ có người bạn duy nhất Carraway và ông bố quá khứ
nghèo khó. Bắt đầu bằng hi vọng và chết đi bằng cô đơn – kết cục đau
đớn dành cho một chàng trai đầy nhiệt huyết lý tưởng, và cũng là
cú ngã đau đớn của cả “Thời đại Jazz”.
Sau cái chết
đau đớn trong cô độc của Gatsby, Carraway đã nhìn ra được mặt đen tối
của thời đại và tê liệt trước những giả tạo dối lừa trong cái xã
hội tưởng chừng tuyệt vời đó. Vì nhìn quá lâu vào những thứ lấp
lánh đẹp đẽ, Carraway phát hiện ra bản thân đã quên mất hẳn 1 lớp
người khác biệt nằm dưới đáy xã hội – đó là những Wilson khù khờ,
những Myrtel muốn thoát khỏi cảnh tủi nhục nhưng lại lóa mắt bởi
những xa hoa phù phiếm, những con người ở những nơi đen tối không lối
thoát – một xã hội mà nhìn lên y hệt một bản vẽ phong cách Roccoco
xa hoa mà nhìn dưới thì chỉ những bùn dơ nhơ nhớp. Carraway dừng lại,
bắt đầu tìm về đúng bản thân mình, và nhận ra theo đuổi những thứ
phù hoa đều là sự vô nghĩa, mà phải tìm được chính bản thân mình –
phải tìm ra ý nghĩa cuộc sống, tìm ra được điều mà mình muốn theo
đuổi. Đó, mới là sống.
Đó là Gatsby –
Gastby vĩ đại. Vĩ đại vì niềm tin, và cũng là kẻ đáng thương ngu
xuẩn vì chính niềm tin đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét