Tôi không có gì nhiều để nói về quyển sách “Nước Nhật mua cả
thế giới”, một mặt vì nó được viết khá đầy đủ và chi tiết rồi, một phần nữa là
vì độ hứng thú của tôi tụt dần từ khoảng giữa quyển sách. Có thể nói phần đầu
quyển sách rất thú vị, diễn giải bằn lối văn chương đơn giản dễ hiểu dễ ngấm,
tuy nhiên phần sau lại sa đà vào những bài phỏng vấn giữa những nhà chính trị
có các tư tưởng đối lập nhau. Thực ra đọc về quan điểm chính trị của những ông
to bà lớn thì cũng hay, nhưng sẽ chẳng còn hay lắm khi nhồi tất cả chúng vào một
quyển sách – chúng trở nên nặng nề, lý thuyết và khô khan. Dù sao thì con người
ai cũng phải nghĩ trước khi nói (đặc biệt khi biết những lời đó sẽ được ghi lại
vào sách), đặc biệt là các chính trị gia chuyên nghề múa miệng (tôi không có ý
xúc phạm các chính trị gia, chỉ là thói châm biếm cố hữu của tuổi trẻ bốc đồng
thôu~).
Trước đây khi đọc “Thế giới phẳng” của Friedman, tôi đã hỏi
bố rằng liệu có thể một ngày nào đó chiến tranh vũ trang chuyển thành chiến
tranh kinh tế, và cách xâm lược một quốc gia chuyển từ vũ lực sang việc đầu tư
và thu mua một quốc gia không. Lúc đó tôi chưa có khái niệm lắm về kinh tế nên
cũng chỉ hỏi chơi vậy, và bố tôi thì cũng chỉ trả lời lưng chừng rằng, có thể lắm,
nhưng đến thời điểm hiện tại thì chiến tranh vũ trang vẫn còn xảy ra ở khắp
nơi. Dù sao tôi vẫn thích nghĩ về chiến tranh kinh tế hơn (bởi ảnh hưởng của mấy
quyển sách về mafia cool ngầu mà mấy ổng tổng tài nắm giữ tiền bạc là điều khiển
được chính trị ý mà). Nhưng khi đọc them được một chút, tôi bắt đầu bị cuốn hút
hơn về những điều tương tự câu hỏi tôi đã hỏi trước đó. Ví như “Lời thú tội của
một sát thủ kinh tế” hay chính quyển sách mỏng “Nước Nhật mua cả thế giới” này.
Quyển sách bắt đầu bằng những sự kiện lịch sử của nước Nhật
trong trường quốc tế sau chiến tranh, khi phát xít Nhật bị tiêu diệt, nước Nhật
một thời vinh quang nổi tiếng với trận tập kích Trân Trâu Cảng bị buộc phải kí
hoà ước đầu hàng vô điều kiện sau 2 trái bom nguyên tử. Sự đầu hàng này không
chỉ đẩy nền kinh tế nguyên thịnh vượng của Nhật Bản vào con đường kiệt quệ và
suy sụp, mà còn đẩy tinh thần của nhân dân xuống vũng bùn tủi nhục của kẻ thua
cuộc. Cả một đất nước từng giàu có giờ trở nên đói nghèo, thiếu thốn tất cả mọi
thứ, người dân không dám ngẩng đầu khi thấy người Mỹ, cật lực đào bới trong từng
đống đổ nát chỉ để tìm vài món vật dụng cá nhân. Nhưng cơ hội một lần nữa đã đến
với Nhật Bản. Chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam xuất hiện vào thời
điểm lúc Nhật Bản đang cần những trợ giúp kinh tế nhất, và Mỹ đã đầu tư, giao
chuyển công nghệ cũng như tri thức và đầu tư một cách không giới hạn sang Nhật
để biến Nhật thành một căn cứ quân sự khổng lồ ở châu Á, từ đó viện trợ đến những
cuộc chiến ở Triều Tiên và Việt Nam. Nhật cần nguồn vốn khổng lồ và sự bảo hộ
quân sự từ cường quốc Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ cần Nhật như một lá chắn của
mình để theo dõi diễn tiến ở châu Á. Chính sự trao đổi kí kết này đã trở thành
một bước đệm cơ bản mở đường cho sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản sau này.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ đó. Nhật Bản quyết định tập hợp
tinh thần toàn dân để xây dựng đất nước lại một lần nữa. Ngoài việc tập trung
vào các ngành nghề cơ bản để tạo nền móng cho quốc khố trống rỗng, Nhật Bản
nhanh chóng khai thác, mở rộng giao thông với tàu điện ngầm Shinkanshen nối liền
các miền đất nước. Quan trọng hơn cả chính là bộ Công Thơng nghiệp MITI – đóng
vai trò chủ chốt trong việc định hướng kinh tế mũi nhọn, tăng cường nâng đỡ hỗ
trợ các doanh nghiệp trong các ngành nghề bằng các chính sách ưu tiên và đặt ra
các chính sách bảo hộ kinh tế chặt chẽ (chính
sách bảo hộ kinh tế là loại chính sách kiểu cho xuất khẩu mạnh nhưng không cho
nhập khẩu để bảo vệ thị trường nội địa, tích trữ được ngoại tệ nhanh chóng hơn.
Tuy nhiên chính sách này bị phê phán là “không song phẳng”, không đúng với tinh
thần tự do thương mại quốc tế - vì nếu xuất sang nước khác quá nhiều mà nhập lại
ít thì nước còn lại sẽ bị thâm hụt mậu dịch nặng nề).
Chính từ đây tương lai của Nhật Bản từng giây thay đổi. Đất
nước kiên cường đó tập trung hết vào các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, bất
chấp mọi thứ mua những bằng phát minh, kiến thức, lien tục nghiên cứu và cải tiến,
tập trung hàng đầu vào chất lượng và liên tục tấn công vào thị trường châu Âu
và thị trường Mỹ. Chính sách của Mỹ lại đặc biệt mở cửa với Nhật, thị trường
Anh chào đón Nhật như khách quý và thị trường Pháp đã thành một món mồi béo bở
của người Nhật. Rồi khi chỉ xuất khẩu không còn đủ để thoả mãn khao khát muốn
tiến lên của đất nước Mặt Trời mọc nữa, họ tham gia vào đầu tư, phi địa phương
hoá các doanh nghiệp công ty, mở rộng các chi nhanh ra nước ngoài, viện trợ mạnh
cho các quốc gia thứ 3 (tất nhiên kèm điều kiện mua hàng của nước Nhật), cho
các nước châu Âu vay vốn,… Chính từ những việc này đã giúp Nhật giàu có lên
nhanh chư chớp chỉ trong dăm chục năm ngắn ngủi. Nước Nhật nhanh chóng có tầm ảnh
hưởng mạnh mẽ đến mức: “Và giờ đây, do sự mù quáng tai hại của người Mỹ mà người
Nhật đã lọt được vào một hệ thống mà họ luôn chiến thắng trong mọi trường hợp.
Nếu đồng yên tăng, họ sẽ đầu tư, và nếu đồng yên giảm, họ sẽ xuất khẩu.”
Cả nước Nhật và các đại gia Nhật bắt đầu xuất hiện khắp nơi
trên thế giới. Họ có tiền và họ mua lại mọi thứ họ thích –những công ty, doanh
nghiệp, những sân golf rộng mênh mông, những nhà hang cung điện đắt cắt cổ, những
tác phẩm nghệ thuật của những danh hoạ nổi
tiếng, một phần của Hollywood, một phần Rockerfell,…. Họ đầu cơ vào đất đai, đầu
tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào các tập đoàn nước ngoài để từ đó từng bước thâm
nhập và mua lại các doanh nghiệp. Tiềm lực kinh tế của Nhật mạnh đến mức có thể
ảnh hưởng đến cả chính trị nước ngoài. Nền công nghiệp điện tử của Mỹ hoàn toàn
phụ thuộc vào Nhật, nền công nghiệp xe hơi châu Âu bị Nhật thống trị, các quốc
gia được Nhật đầu tư đang mỗi ngày tiến vào “vùng bị thu phục” trong ván cờ vây
của chính phủ Nhật – xin đừng quên trong đó có cả Việt Nam, một nước những năm
gần đây lien tục nhận được viện trợ ODA của Nhật, và tôi khá chắc chắn rằng đi
kèm với những nguồn tài trợ khổng lồ như vậy là những điều khoản thương mại mua
hang Nhật, để các công ty Nhật xâm nhập thị trường, mở xưởng mở nhà máy phục vụ
Nhật, để Nhật đặt trụ sở ở Việt Nam,…. Tất nhiên không chỉ dừng ở châu Âu hay
châu Mỹ, Nhật còn nhắm đến châu Á, châu Mỹ Latinh,…hay bất cứ châu nào có thể tạo
ra tiền tài và quyền lực. Có thật vậy không?
Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển như vũ bão của nền kinh
tế Nhật Bản là những hậu quả khó lường của nó đối với nền ngoại giao quốc tế.
Nhật Bản bị chỉ trích là chỉ “ăn chứ không nhả”, do những chính sách bảo hộ kinh
tế nghiêm ngặt của Nhật mang tính chủ nghĩa dân tộc nên việc xâm nhập để kiếm lợi
ở thị trường Nhật là hết sức khó khăn. Nhật Bản lại chủ yếu chỉ xuất khẩu chứ lại
không mấy mở cửa cho nhập khẩu (và cũng có một phần do đồ Nhật quá tốt) nên việc
thâm hụt mậu dịch giữa các nước châu Âu cũng như Mỹ đối với Nhật trở thành một
vấn đề ngoại giao nghiêm trọng. Nhật đã thoát khỏi cái bóng bảo vệ kiềm cặp của
Mỹ, nhưng Nhật cũng đang bị chỉ trích phê phán như một kẻ giàu có tham lam và
có mưu đồ thống trị cả thế giới thông qua kinh tế. (Đại khái ý kiến cá nhân của
tôi là cứ thằng nào hơn người cũng sẽ bị dè chừng ghen ghét thôi, Mỹ cũng từng
bị gán cái danh này suốt mà). Hơn nữa cũng phải nhắc lại rằng, mặc dù Nhật có
những điểm mạnh vượt trội về điện tử, xe hơi, hay nhiều lĩnh vực khác, thì nó
cũng không hoàn hảo và vẫn còn yếu kém trong một số lĩnh vực như hoá hay vật
lý,… Ngoài ra, về mặt vai trò của Nhật trên nền chính trị thế giới khá hạn chế
- Nhật ít khi tham gia mạnh mẽ vào các cuộc thảo luận chính trị mang tính của
chính trường quốc tế.
Phần sau quyển sách bắt đầu với những nhận xét hoặc những giả
thiết trái chiều về khả năng thèm muốn thống trị thế giới của Nhật. Tiêu biểu
cho bên chống Nhật là quý bà Edith Cresson – người kiên quyết bảo vệ ý kiến Nhật
đang thèm khát thế giới và muốn làm bá chủ thông qua kinh tế (Nhật đã bị buộc
phải từ bỏ quân sự và vũ trang). Nhưng trái ngược với bà cũng có những ý kiến từ
những chính trị gia khác khẳng định Nhật muốn trả đũa, không phải trả thù, và họ
không muốn cũng như không thể trở thành bá chủ. Một số ý kiến từ chính những
doanh nhân hoặc nhà chính trị Nhật Bản khẳng định Nhật không bao giờ có dã tâm
thành bá chủ, hoặc chưa phải lúc này, vì dù nền kinh tế Nhật mạnh mẽ thì nền
chính trị Nhật Bản còn khá yếu kém và mang tính tập thể (cần tất cả biểu quyết).
Vì vậy việc Nhật Bản thống trị là khó có thể xảy ra. Giáo dục, năng suất, chất
lượng cuộc sống,…tăng lên, nhưng bên cạnh đó còn những bất cập của chính đất Nhật
mà chúng ta có thể thấy hang ngày, Nhật là một nước có dân số già, tỉ lệ trầm cảm
cao, con người làm việc quá năng suất và áp lực, không có chiến lược chính trị
toàn cầu và không mấy chú ý đến những sự việc toàn cầu, ngoài ra cũng không đứng
ra nhận nhiều trách nhiệm về các nước thứ 3 hay nhân loại,…
Không chỉ nói đến những vấn đề kinh tế và chính trị to lớn,
quyển sách cùng phần nào phản ánh một tinh thần Nhật, một truyền thống cần cù,
chăm chỉ, đoàn kết, hoàn toàn đồng lòng, thâm nho và kiên định của từng người
dân Nhật cũng như khối đoàn kết Nhật. Nếu cả dân tộc Nhật Bản không đồng tâm hiệp
lực một dạ tin vào hướng đi của đất nước để từ đó cống hiến thì sẽ không thể đạt
được những thành quả gây kinh ngạc cho cả thế giới như vậy.
(Đoạn này là ý kiến cá nhân) Có 2 điều tôi muốn nói, thứ nhất
là lòng nghi ngờ đó kị và lòng tham của
con người vốn là một điều tự nhiên, nên chẳng lạ lùng gì khi có những người cho
rằng cường quốc kinh tế Nhật muốn “mua lại cả thế giới”; nhưng cũng chẳng có gì
đảm bảo rằng Nhật sẽ không làm vậy trong tương lai, bởi lẽ sự hiếu thắng và
lòng tham của kẻ mạnh cũng chỉ là một điều hiển nhiên (và cũng cần thiết cho sự
phát triển của nhân loại nữa), và với tiềm lực kinh tế mạnh mẽ như vậy, chẳng
có lí do gì ngăn cản đất Nhật nhen nhóm chủ ý đó. Nếu muốn tránh khỏi sự kiềm
chế của Nhật, thì phải liên kết với Nhật nhưng cũng phải giữ được bản sắc truyền
thống dân tộc, phải phát triển đúng hướng cần thiết để cùng tiến lên.
Hơi lan man rồi, chắc chỉ thế thôi. Dù sao cũng là một quyển
sách thú vị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét