Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

1984 và chủ nghĩa toàn trị lý tưởng



Thực ra tôi cầm 1984 đọc đến dăm bảy lần vẫn không xong vì cái tính khô khan của nó. Nhưng lần này 1984 lại thu hút tôi đến tận từng trang cuối cùng bởi đến tận bây giờ tôi mới tìm hiểu tiến trình tư tưởng một cách có hệ thống. Và chỉ khi những mảnh ghép rời rạc được về đúng chỗ, tôi mới phát hiện ra những hiểu biết thường nhận và những cảm xúc của độc giả về 1984 là hết sức hời hợt. Tôi không dám nhận mình hiểu tường tận hơn, và vì thế phần review dưới này hoàn toàn chỉ là chủ kiến so sánh cá nhân nhằm ôn tập chứ không phải để bàn luận.

Có vài điều tôi đặc biệt chú ý nhất ở tác phẩm này. Thứ nhất, đó là sự nhầm tưởng thường thấy về thể chế chính trị được nhắc đến trong sách. Có lẽ do ảnh hưởng của “Trại Súc Vật” đồng tác giả là George Orwell nên người đọc dễ đánh đồng thể chế trong 1984 với thể chế cộng sản được mô tả trong “Trại Súc Vật”. Tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng 1984 đã đẩy một nhánh của thể chế phi dân chủ lên đến mức cực đoan nhất: đó chính là chủ nghĩa toàn trị. Thứ hai, người đọc thường hiếm khi chú ý đến cái độc đáo trong thế giới phản-không tưởng được xây dựng trong truyện của Orwell mà chỉ nhắc đến nó một cách thoáng qua cho có. Trên thực tế, thế giới phản-không tưởng trong truyện đóng vai trò là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng đánh dấu sự sụp đổ lý tưởng của cả một thời đại, đồng thời phải nói rằng thế giới phản-không tưởng đó còn đặc biệt lý thú nếu người đọc từng để tâm qua đến “Utopia” của Thomas More dựa trên nhà nước lý tưởng của Plato. Thứ ba, nổi bật nhất, hẳn không ai không bị cuốn hút bởi sự thấu đạt hoạt động tâm lý con người như George Orwell – phải nói rằng tiến trình thay đổi tâm lý được diễn tả xuất sắc đến mức đáng ngạc nhiên, thậm chí phải nói rằng cực đoan một cách tuyệt mỹ. Cuối cùng, đây chỉ là chủ kiến cá nhân, nhưng tôi gần như say mê cái học thuyết được đề ra trong 1984 như say mê một thứ phi chính thống toàn hảo được đặt ra để nhấn mạnh vào sự thyết phục của những thể chế dân chủ chính tông – nhất là chủ nghĩa hợp hiến.


Ở điều thứ nhất, mọi người dễ dàng nhầm giữa chủ nghĩa toàn trị và chủ nghĩa cộng sản, và cũng phải nói rằng sự khác biệt giữa hai chế độ quả thật rất mong manh, vì rốt cuộc cả hai chế độ đều thuộc về nhánh phi-dân chủ cả. Tuy nhiên, hãy chú ý rằng George Orwell không hẳn là chế nhạo chủ nghĩa cộng sản, và thậm chí trong cả Trại Súc Vật tôi ngầm đoán cũng không phải – cái ông muốn cảnh báo là khi chế độ cộng sản đi lạc đường bởi những cá nhân biến chất, từ đó cái đáng cảnh giác phải là bản chất của con người chứ không phải lý tưởng của chế độ. Bởi lẽ, nếu thực sự tìm hiểu về chủ nghĩa cộng sản trước khi phê phán, người ta sẽ hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản là điểm lý tưởng nhất trong cộng đồng loại người, được mô phỏng trong trạng thái khi loài người đã mất những bản chất tham lam và xấu xa. Nói chung đây hẳn nhiên là trạng thái không thể đạt được, và cố đi theo ảo tưởng này chỉ dễ dàng sinh ra những chế độ biến chất của nó như chế độ độc tài, toàn trị, thiểu số chính trị hay chính thể quần chúng, thế nhưng ta phải nói rõ ra rằng không phải vì thế mà nên đánh giá cộng sản là xấu, mà phải là những biến chất dưới tay những cá nhân/tổ chức biến chất mới là xấu.


Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Cái 1984 sợ hãi và cảnh báo là chế độ toàn trị cộng sản triệt để. Thực ra, bốn phân loại trong nhánh toàn trị khá gần nhau và có lẽ chỉ  là ý kiến cá nhân khi xếp hệ thống tư tưởng trong 1984 vào toàn trị cộng sản triệt để. Chế độ toàn trị, nói đơn giản ra là chế độ kiểm soát toàn bộ mọi mặt trong đời sống, hợp nhất một cách tuyệt đối toàn bộ các lĩnh vực của đời sống, xoá nhoà các ranh giới giữa cá nhân, gia đình, xã hội, nhà nước, lãnh tụ, đảng, quần chúng. Nhà nước và xã hội bị đảng chi phối hoàn toàn; văn hoá, tinh thần, khoa học, nghệ thuật,…tất cả bị hệ tư tưởng chi phối hoàn toàn.


Và hệ thống xã hội trong thế giới 1984 được xây dựng chính xác dựa trên chế độ toàn trị với những đặc điểm đặc trưng triệt để. Không một tổ chức nào được hoạt động, biến cả xã hội thành một đám đông vô tổ chức, nghi kị và thù ghét lẫn nhau, khiến từng cá nhân hoàn toàn bị tách biệt triệt để thông qua bạo lực khủng bố, từ đó tất cả các quan hệ chiều ngang giữa các cá nhân bị xoá sổ, chỉ còn lại quan hệ giữa cá nhân dưới sự thống trị của đáng-nhà nước. Hoạt động chính trị bao trùm lên mọi hoạt động của toàn xã hội với quyền lực vô biên – mọi chỉ thị và mọi tư tưởng ngấm vào từng tế bào của mỗi cá nhân trong xã hội, vào đời sống, văn hoá, kinh tế, đời sống riêng, thậm chí chuẩn mực đạo đức. Mọi quyết định của chính quyền đều mang chất chính trị và biện giải bằng tư tưởng. Ngoài ra, mọi hệ thống khác của xã hội đều không tồn tại vì đã đều bị đồng hoá với nhau và được chỉ đạo trực tiếp bằng hệ tư tưởng duy nhất – và về nguyên tắc, đây là loại chế độ không thể tiến bộ, vì không có phản ứng ngược giữa quyết định của chính quyền và phản ứng của xã hội. Cuối cùng, mặc dù xã hội được chính trị hoá từ trên xuống, nhưng hoạt động chính trị chỉ xảy ra trên đỉnh cao nhất của kim tự tháp.


Như vậy, trong cơ cấu của chủ nghĩa toàn trị nói chung và thế giới của 1984 nói riêng, ta có thể hiểu được rằng toàn bộ xã hội phải phục vụ hệ thống chính trị - ngược hẳn với các chế độ dân chủ phải tập trung giải quyết mâu thuẫn và phục vụ xã hội. Hệ thống chính trị trong 1984 cũng là hệ thống điển hình toàn trị với hang loạt các phương tiện kiểm soát xã hội như Cảnh Sát Tư Tưởng để quản lý tư tưởng đảng viên, Thanh Niên Chống Dục Tính để tuyên truyền, Bộ Truyện đồi bại hoá suy nghĩ xã hội,… Phương tiện quan trọng nhất là độc đảng toàn trị với tư tưởng nhất nguyên. Đặc biệt, có một điểm hết sức quan trọng khi thiết lập nền chuyên chế độc đảng là phải có Đảng Trong và Đảng Ngoài, trong đó Đảng Trong gồm những thành viên có đặc quyền và Đảng Ngoài gồm những đảng viên thường. Đảng Trong tồn tại dựa trên cơ sở quyền lực tuyệt đối, và chính giai cấp nắm quyền lực chính trị này là nguyên nhân sinh ra hiện tượng sùng bái lãnh tụ và hệ tư tưởng tuyệt đối. Vị Lãnh Tụ Anh Cả này phải có mọi phẩm chất siêu phàm nhất, phải bất tử, dựa trên nhu cầu đảm bảo quyền lực và đặc quyền đặc lợi của nhóm chóp bu.


Vị lãnh tụ Anh Cả này không chỉ đảm bảo đặc quyền của nhóm chóp bu, mà còn đảm bảo quyền nắm giữ chân lý tuyệt đối của Đảng Trong; điều này thường biến một lãnh tụ chính trị trong chế độ toàn trị thành một vị thánh sống phi cá nhân hoá, và dần dần biến thành “sùng bái vị trí quyền lực” chứ không còn là sùng bái một cá nhân nữa – tuy nhiên, trong 1984, Anh Cả điển hình là một công cụ chỉ tồn tại trong tư tưởng chứ không tồn tại ngoài đời thật, và về cơ bản, “Anh Cả” tức là “tư tưởng bất tử được hình hài hoá”. Toàn bộ xã hội bị biến thành một cái lò đào tạo những con chiên cuồng tín với một học thuyết tẩy não chung, một “Anh Cả” đóng vai Chúa và Đảng là Giáo Hội chuyên quyền. Độc đảng, nhất nguyên được bảo vệ bởi bạo lực đã thực hiện ba chức năng chính của chủ nghĩa toàn trị một cách xuất sắc: hợp thức hoá chế độ bằng việc liên tục phá huỷ sự kiện và tính chân thật của mọi sự kiện, biế tất cả mọi thứ thành vô nghĩa, chỉ có duy nhất chế độ là tinh thần tối cao có nghĩa. Thứ hai, phá huỷ thành công tất cả mọi chế độ đạo đức, đẩy “con chiên” vào tình thái luôn cô độc, lạc lõng, nghi kị, tuyệt vọng và buộc phải phụ thuộc vào đảng như phụ thuộc vào một hệ tinh thần. Cuối cùng, luôn giữ nhân dân trong tình trạng kích động, vì căng thẳng xã hội sẽ kiềm chế tự do chính trị.


(Dài quá đê… đó là còn chưa kể về lịch sử chủ nghĩa toàn trị kiểu hiện đại bắt đầu từ Machiavelli, được phát triển qua các chế độ chuyên chế rồi đi đến Phát xít Ý và Đức Quốc xã như thế nào nữa….Thôi dẹp nha….)


Điều thú vị nhất của chế độ toàn trị phản không tưởng trong 1984 của George Orwell đó là Thuyết Ý Đôi – hay thuyết kiểm soát thực tế. Ý đôi chỉ khả năng nắm giữ đồng thời hai niềm tin trái ngược nhau trong tâm trí và chấp nhận cả hai. Đây là một ý tưởng thiên tài mà có lẽ chỉ tác phẩm phản-không tưởng 1984 này của Orwell mới có: bởi đây là một công cụ hoàn hảo để chế ngự tâm lý, chứng tỏ rằng tác giả không hề thua kém một nhà tâm lý học nghiên cứu bản chất con người bao nhiêu. Cách thức hoạt động của ý đôi tác dụng lên tâm tưởng của con người thật kì diệu – hay nói đúng hơn là cách con người tự dối lừa mình thật kì diệu. Trước khi để sự rối loạn khách quan phá huỷ sự cân bằng của bản thân, con người tự lừa dối mình, tự thuyết phục mình tin vào ngay cả những điều vô lý nhất, từ đó con người có thể tiếp tục tồn tại mà không phát điên, và rồi những lời nói dối đó dần trở thành hiện thực. Điều này thể hiện chân thực và rõ ràng nhất triết lý trong truyện mà tôi ngờ là duy tâm được bao triết gia từ cổ chí kim tranh cãi: sự tồn tại của hiện thực khách quan và cấu trúc thực tại phụ thuộc vào tâm trí.


Bên cạnh thuyết Ý Đôi, ta không khỏi khâm phục trí tưởng tượng của tác giả tạo ra cả một hệ thống chặt chẽ của chính phủ toàn trị để thống trị lục địa: đó là những hệ thống về những quy tắc đạo đức, hệ thống ngôn ngữ, đối ngoại, quản lý,… mà cuối sách được mô tả hết sức chi tiết và đáng ngạc nhiên. Biến đổi quan trọng nhất chính là Ngôn Ngữ - Ngôn Ngữ bắt đầu văn minh loài người, thì trong 1984 lại là công cụ để bóp méo và huỷ diệt văn minh loài người. Tất cả mọi thứ được tạo ra trong thế giới phản không tưởng của Geogre Orwell đều để xoá bỏ và huỷ diệt những bản ngã cá nhân của con người – chính sự cực đoan đỉnh điểm này lại dấy lên những câu hỏi lớn về nhân bản và về tính cá biệt của mỗi cá nhân. Người đọc có thể nắm được những làn sóng ngầm trong bản năng của con người ở hình ảnh hai nhân vật chính là Winston và Julia. Winston, với cách chống đối có vẻ sâu sắc hơn, đậm chất “tội tư tưởng” hơn, mang cái sắc thái phản kháng yếu ớt của lí trí “người” hơn nhiều so với Julia, nhưng đồng thời cũng mang cái nhu nhược và hủ bại của một người không nắm chắc được số phận của bản thân nên khao khát những cái hư hỏng xấu xa như để tàn phá chính mình cũng như tàn phá hiện thực. Chính cái khao khát người tình Julia của mình phải “hư hỏng đến tận xương tuỷ” của Winston khiến người đọc phải ngỡ ngàng: ở cái bối cảnh mọi hệ thống đạo đức bị bóp méo và tàn phá đó, khi con người không thể phân biệt nổi đạo đức là gì ngoài thứ đạo đức khô cứng bị nhà nước áp đặt, con người ta phải bám víu lấy cái đồi bại xấu xa để biết rằng mình vẫn còn đang sống, rằng mình còn có suy nghĩ, còn có một chút gì đó gọi là “riêng” mà chưa bị “đạo đức cộng sản” chi phối. Đó là sự phản kháng hết sức yếu nhược, nhưng ít ra vẫn còn “tính người” của nhân vật tự sự.


Trong khi đó, phản kháng ngầm kiểu Julia mang tính chất “thú vật” hơn – trong khi Winston dùng chút lí trí yếu ớt của “người” để tìm kiếm sự tồn tại trong thối nát và sự kiềm chế, Julia chỉ vô thức hành động như con vật để thoả mãn những nhu cầu bị chi phối của mình. Trong một thế giới cho rằng tình dục là tội lỗi, những nhân cách như Julia là điển hình của làn sóng nhu cầu bản năng bị đè nén đang kêu gào được phóng thích. Thế nên, mặc dù nàng đồi truỵ, hư hỏng, giải dối và trơ tráo một cách hết sức đàn bà, nàng vẫn là một nạn nhân đáng thương của chính sự thiếu tri thức, của xã hội toàn trị triệt để và của chính bản năng chưa được thuần hoá của nàng. Nàng cũng là biểu tượng của sức sống không thể bị huỷ diệt ngay cả khi khoác vẻ ngoài đã bị chinh phục – một nô lệ của cả chế độ lẫn của cả bản năng.


Sự khác biệt lớn nhất giữa Winston và Julia chính là, Winston thì mong muốn tìm thấy một cái gì đó “có thực”, chứ không phải là những điều liên tục bị Đảng bóp méo. Ông muốn nắm lấy một thực tại nơi ông đang tồn tại, và ông cho rằng chỉ giới vô sản mới có thể có được cái thực tại đó, và cũng chỉ giới vô sản mới cứu được cái thực tại đó bởi những thế lực liên tục bóp méo và phá huỷ nó. Đối với ông, mọi thứ để chứng minh bản ngã “có” thực sự tồn tại, và đó dường như là một thứ tư tưởng muốn thoát khỏi dòng chảy của sự thống trị từ “hư không, hỗn độn”. Trong khi đó, Julia hoàn toàn ngược lại – do bản năng nguyên thuỷ của nàng mà nàng chỉ nổi loạn ngầm chứ không có ý định hoàn toàn thoát khỏi hay tìm cách phá vỡ thực tại ảo mộng của Đảng. Cái nàng cần là một liều thuốc thoả mãn nhu cầu chứ không nhất thiết phải cải biến xã hội, cải biến thời đại – bởi lẽ nàng hoàn toàn không có chút ý niệm nào về đạo đức trong khi Winston có thể nói là còn sót lại đôi chút từ thời xa xưa. Nàng vừa là đứa con của thời đại tẩy não, vừa không – vì dù nàng có nổi loạn ngầm thì cái nổi loạn đó thực ra rất bé nhỏ, không đáng xét đến, chỉ là cái nổi loạn đi tìm thoả mãn cá nhân, trong khi cái nổi loạn của Winston là nổi loạn tư tưởng, hướng đến thực tại hoàn chỉnh. Ngay cả khi hai người quyết định đi tìm đến tổ chức Brotherhood của Goldstein chống lại Đảng cầm quyền thì chỉ có Winston thực sự ý thức được điều anh muốn tìm kiếm, còn Julia đơn thuần là muốn cùng với Winston chứ không có ý niệm chính xác nàng chuẩn bị đấu tranh chống lại điều gì.


Thế nhưng nhất định phải phân biệt giữa chế độ toàn trị chuyên quyền kiểu cổ điển hay kiểu phát xít với chế độ toàn trị kiểu phản không tưởng – trong khi chế độ toàn trị cổ điển thường đi kèm với giai cấp thống trị và một nhóm nhỏ, thì cái đặc sắc của chế độ toàn trị phản không tưởng đó là đưa cái chủ nghĩa cộng sản không tưởng lên đến đỉnh cao cực đoan của quyền lực – khiến quyền lực đó không thể phá vỡ được, vì khi không cái gì của riêng, thì giai cấp nắm quyền sở hữu tất cả. Thế là, chủ nghĩa toàn trị phản không tưởng đã biến lí tưởng tốt đẹp của không tưởng thành cực đoan của nỗi sợ. Chúng ta đã đi đến điểm độc đáo mấu chốt nhất của chủ nghĩa phản không tưởng cũng như của chính 1984: lí tưởng tuyệt đối trở thành cực đoan tuyệt đối. Hãy để ý rõ những tương đồng trong thể chế lí tưởng và phản lý tưởng: trong khi thể chế lý tưởng được xây dựng để trở nên hoàn toàn tốt đẹp với những con người lý tưởng, thì thể chế phản lý tưởng thực ra lại là thể chế lý tưởng với những con người lệch lạc – những con người “thực” với đầy đủ những bản tính xấu xa của con người được đẩy lên cao độ. Vậy là, sự khác biệt lớn nhất của không tưởng và phản không tưởng chính là con người: một bên là những con người tốt đẹp đến cực đại và một bên là xấu xa đến cực đoan – đó cũng chỉ là cách phóng đại những mặt tốt đẹp hoặc xấu xa của con người mà thôi.


Bên cạnh những ý nghĩa thuộc mặt lý thuyết chính trị, chủ nghĩa phản không thực được mô tả trong sách cũng đóng một vai trò lịch sử hết sức quan trọng của nhân loại. Thứ nhất, đứng ở vị thế đối lập với chủ nghĩa không tưởng phương tây bắt nguồn từ nền thành phố lý tưởng của Platon và được phát triển mạnh mẽ bởi những tác gia như Thomas More với Utopia hay Campanella với “La città di Sole”, phản-không tưởng có vai trò như một thế hệ lý thuyết chính trị phát triển từ không tưởng – từ chủ nghĩa đặt cộng đồng ở vị thế tối cao của không tưởng, phản-không tưởng phóng đại mặt tiêu cực của chủ nghĩa cộng đồng, đẩy nó lên đến đỉnh điểm của tù túng, đồi truỵ hoá, máy móc hoá, hủ hoá con người, để từ đó kêu gọi ý thức về chủ nghĩa cá nhân. Tuy nhiên, trong 1984 thì ấn tượng về việc kêu gọi chủ nghĩa cá nhân có vẻ chưa được đặc biệt nổi trội như một số các tác phẩm khác như Anthem của Ayn Rand.  Thứ hai, phản không tưởng còn đóng vai trò là văn học chống đối lại chủ nghĩa phát xít nói riêng hay những chủ nghĩa phi dân chủ nói trên – bởi lẽ thời đại phản-không tưởng nổi trội nhất chỉnh là khoảng cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, khi chủ nghĩa phát xít bắt đầu lên ngôi và chuẩn bị đẩy cả thế giới vào hai cuộc đại chiến khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại. Không chỉ là lời tố cáo đanh thép về sự thật của những chế độ phi dân chủ tàn bạo, nó còn cảnh báo con người về một tương lai bị đô hộ hoá không chỉ về thân thể mà còn cả về tinh thần và ý thức cá nhân.


Nhưng chính những chủ thuyết chính trị phi dân chủ nói chung và nền văn học phản không tưởng nói riêng lại giúp con người có một ý thức mạnh mẽ hơn về quyền tự do con người và những thể chế nhằm bảo vệ quyền tự do đó. Từ sự sụp đổ về một thể chế cộng sản triệt để ảo tưởng, việc nhanh chóng nhận thức được tầm quan trọng của ý chí cá nhân và những quyền con người ngày càng trở nên cấp bách, và từ đó giúp đám đông mù quáng hướng đến những thể chế có thể bảo vệ quyền tự do hơn, và thể chế được xem là tự do nhất hiện nay là chế độ lập hiến – hay nói cách khác là chế độ pháp trị. Mặc dù phải nói đây là cách thức khá là tàn nhẫn để con người nhận ra sự ngu dốt của bản thân trước những vấn đề chính trị trọng đại và sự nông cạn của đám đông trong những vấn đề về nhân quyền. Liệu có thể nào 1984 hay dòng sách tương tự đã góp phần không nhỏ trong nâng cao ý thức cá nhân của con người hiện đại? hãy để câu hỏi này lại cho những chuyên gia.


Cuối cùng, bên cạnh những giải thích dài dòng và không đầy đủ về điều tôi vốn hứng thú nhất trong 1984 là thể chế chính trị và bối cảnh lịch sử, tôi không thể không đặt tâm tư vào ngưỡng mộ sự thấu hiểu tâm lý con người của tác giả. Nếu ở trên tôi chỉ mới nói sơ qua về tâm lý tự dối trá của con người khi đứng trước những hoàn cảnh tác động bên ngoài, thì giờ tôi muốn đi sâu hơn đôi chút vào tiến trình thay đổi tâm lý của hai nhân vật chính, đặc biệt là trong quá trình bị tra tấn và sau khi bị tẩy não.


Quá trình “yêu đương” của hai nhân vật có lẽ nên được xét vào một trong những mối tình khắc nghiệt nhất trong lịch sử văn học, và tôi phải nhấn mạnh vào sự khắc nghiệt này chỉ nằm một phần ở yếu tố ngoại cảnh: trong khi những thiên tình sử trong nền văn học cổ điển, hai nhân vật chính có thể trải vô vàn khó khăn từ xã hội đến chế độ đến gia đình để đến được với nhau, thì vẫn hoàn toàn không có một mối tình nào có được thứ tính chất cay nghiệt như mối tình giữa Winston và Julia: đây là một mối tình mà không người nào có được bất cứ nền tảng gì về hiện thực, thậm chí còn không có cả nền tảng cá nhân, và họ yêu nhau không vì gì cả ngoại trừ thoả mãn thú tính và để mơ hồ cảm nhận được “sự tồn tại” của họ. Không không thật sự yêu nhau, họ yêu cái cảm giác được tồn tại như là một cá thể trong sự đồi bại và hủ hoá khi ở bên nhau mà thôi. Khi không có được tự thức, con người ta không yêu nhau, họ chỉ đến với nhau bằng nhu cầu nguyên thuỷ, và trong trường hợp của Winston và Julia, nhu cầu nguyên thuỷ của họ còn tồi tệ hơn khi không dựa trên các nền tạng về đạo đức mà dựa tren nền tảng hư hỏng để tồn tại. Và tình yêu của họ là đứa con khốn khổ của một chế độ tẩy não con người ta đến từng khía cạnh một trong cuộc sống – một thứ chế độ đưa tuyệt vọng cùng cực lên làm ý nghĩa sống hàng đầu.


Thế nhưng điều khiến ông trở thành bậc thầy tâm lý không dừng ở bi kịch tình yêu không lối thoát này, mà nằm ở quá trình ông “cải tạo” Winston – hay là O’Brien “cải đạo” cho Winston. Ông nắm rõ những biến chuyển trong tâm lý của nhân vật tự sự đến mức ông thấu hiểu từng giai đoạn đấu tranh trong tư tưởng của người đàn ông vừa được “khai sáng” đó. Câu chuyện độc đáo nhất là ở điểm này – Winston khởi đầu mơ hồ nhận thức về thực tại đen tối – đến với tình yêu bằng trí năng mù loà để phản kháng lại thực tại đen tối bị áp đặt đó – khao khát muốn thoát khỏi tình trạng mù quáng để đến với ánh sáng của thực tại đích thực – được “khai sáng” về thực tại thông qua “kinh thánh” của hội Brotherhood” – bị tra tấn và dần bị đẩy về bóng tối – cuối cùng là bị cải đạo hoàn toàn và đến với một thứ “ánh sáng” đích thực như mong ước ban đầu (nhưng lại không phải thứ ánh sáng mà ông nên tìm thấy). Chính kết quả cuối cùng này là điều đáng chú ý nhất: chúng ta phải hiểu rằng ngay từ đầu Winston mong muốn tìm đến ánh sáng đích thực và qua cách miêu tả của George về sự thoả mãn cuối cùng của ông sau khi bị tẩy não đã đem lại một kết quả hết sức bất ngờ: trên thực tế, cái mà Winston muốn tìm thấy, hay rất nhiều người trong số chúng ta cũng thế, không phải là hiện thực đích thực, chân lý đích thực, mà chỉ là một “lý tưởng cuối cùng”, một “mục đích cuối cùng”. Hãy nhớ lại cho rõ, Winston chưa từng thực sự thấu hiểu được cái mù mờ của ông trong hiện thực, chưa từng có định hướng chính xác hay bất cứ điều gì tương tự vậy, nên cái ông đi tìm là một mục đích sống của ông, và không quan trọng nó có “thực” hay không, nó có là “sự thực” hay không. Mặc dù trong khoảng thời gian được khai sáng và có nhận thức về sự thật về Đảng và xã hội, thì Winston cũng không hề có ý thức rõ rang ông muốn làm gì hay phá huỷ cái bóng đen tối đó thế nào – nhưng sau khi được cải đạo ông lại cảm giác được sự thanh thản khi có một “vị chúa tể” để yêu kính và tuân phục – chính là Anh Cả của Đảng. Vậy là theo một cách nào đó, ông vẫn đạt được đến lý tưởng của mình, đó là có một mục đích trong đời, chứ không trống rỗng như thời kì đen tối nữa, dù mục đích đấy đã bị bóp méo, nhưng ông vẫn đạt đến thanh thản trong cuộc sống. Chúng ta có thể thấy được cái tài tình trong nắm bắt tâm lý của tác giả rồi chứ? Ông hiểu rõ tâm lý con người đến độ biết nó sẽ chấp nhận điều gì thông qua quá trình nào, và nó sẽ đi hướng nào sau khi bị tác động. Đó, mới chính là cái tài tình của George Orwell.


Vậy là, sau khi “phản bội” lẫn nhau trong cuộc “cải đạo” dã man, cả 2 lại đạt được đến sự thanh thản trong cuộc sống, và cùng chờ đợi những ngày sẽ được thú tội và hi sinh vì Đảng. Họ đã hoàn toàn đồng hoá và thấu hiểu “đạo đức” của Đảng chứ không chỉ là những con rối chống đối ngầm như ngày trước. Chính từ hai nhân vật này mà chúng ta có thể hiểu được cách thức làm việc của tâm lý con người: dưới sự ức chế mãnh liệt sẽ tạo ra cảm thức chấp nhận triệt để để giải phóng con người khỏi nỗi sợ hãi tột cùng – hay nói cách khác là sự thích nghi. Sự thích nghi mạnh mẽ và bản chất vì bản thân đứng trên bất cứ điều gì khác, và để thoả mãn nhu cầu sinh tồn trước nhất, thì bất cứ điều gì cũng trở thành thứ yếu. Đó chính là cường chế tâm lý bằng bạo lực trong 1984.


Nói chung, với một quyển sách với đề tài rộng, nặng nề và mỗi trang đều cần phân tích thì dưới vị thế của một người đọc trung dung không nghiên cứu, tôi không đủ kiên nhẫn để có thể đi sâu hơn, nên đành dừng lại ở khung tổng quát những ấn tượng rõ nét nhất về 1984, coi như để tự thoả mãn mình sau khi đọc. Tôi không dám nói bài viết ngắn này đã thực sự đầy đủ, và vì tính chất đặc trưng của 1984 yêu cầu nhiều lần suy ngẫm và sự chi tiết trong xây dựng nền tảng truyện, tôi không cho rằng mình đủ khả năng để phân tích một cách chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, đây là một tác phẩm hết sức đáng đọc và nghiền ngẫm – đây là một thể loại có thể tạo nên những trường suy nghĩ mới trong tâm trí người đọc, và không lí do gì nó không xứng đáng đứng trong danh sách những tác phẩm vĩ đại nhất nhân loại.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét