Thứ Hai, 4 tháng 1, 2016

Bữa sáng ở Tiffany - Truman Capote



Người ta hay nhắc đến Bữa sáng ở Tiffany dưới phiên bản phim hơn là truyện, và mặc dù cặp đôi này được coi là cặp đôi kinh điển biểu tượng cho sự phù hoa và ảo vọng đô thị của Mỹ, cá nhân tôi thấy nó không có ấn tượng mạnh mẽ đến như vậy nếu không có sự xuất hiện của bộ phim cùng tên do Audrey Hepburn đóng vai Holly Nhẹ Dạ.

Trong truyện, ta thấy Holly có một cái gì đó cuồng vọng, ngây thơ và đậm chất “nhẹ dạ” hơn nhiều trong phim. Cách hành văn của tác giả khiến Holly vừa giống một đứa trẻ khao khát món đồ chơi tinh thần thượng lưu kiểu cách ở New York bằng sự ngây thơ và không hề có chút nào là dã tâm; đó là một thứ ưa thích nông cạn, ngúng nguẩy và thuần tuý của một “cô gái” chưa hẳn là đàn bà trong tâm tưởng. Hơn nữa, Holly có một cái gì đó cực kì “tự phát”, cực kì ngẫu hứng theo cách mà những người theo chủ nghĩa “tiết chế” kiểu hiện đại thường cho là “lập dị” và “hoàn toàn bản năng”. Cái nữ tính đua đòi một cách dễ thương của người phụ nữ trẻ mang trong mình ảo vọng phù hoa đô thị không những khiến người đọc cảm thấy hài hước một cách phù phiếm mà còn chua xót một cách hài hước: đời mấy ai thoát khỏi dòng cuốn của văn minh và phù hoa? Thế nhưng phải nhắc lại, cái độc đáo của Truman Capote là xây dựng nên một Holly tình tứ nông cạn chứ không phải ưa thích tính thượng lưu có mục đích. Liệu đó có phải là cách ông nhắc đến cả một thế hệ “nhẹ dạ” bị cuốn theo ánh đèn văn minh phù phiếm thời hiện đại?


Điều khiến sách đặc biệt hơn truyện còn nằm ở chỗ Truman không cho Holly một cái kết rõ ràng kiểu Hollywood, mà để nàng chỉ còn tồn tại trong kí ức và những lời đồn đại phong thanh với thân phận trôi dạt không rõ. Điều đó như để ám chỉ một cái kết mở cho tương lai của thế hệ “nhẹ dạ” kiểu Holly. Hơn nữa, việc Holly không hề có một câu chuyện tình rõ ràng nào mà chỉ nhắm vào tiền bạc, và một mối quan hệ bạn bè có vẻ thân thiết với người kể chuyện tò mò khiến Holly tự do, bay nhảy và khó nắm bắt hơn nhiều so với trong phim. Hơn nữa, cách mô tả Holly với những cảm xúc mãnh liệt và bộc phát bản năng khiến Holly trở nên vô cùng sống động - ở Holly mang nét trẻ thơ chưa cởi nhưng lại quyến rũ và thất thường của một người phụ nữ nhạy cảm, tự nhấn chìm mình vào ảo vọng đô thị một cách vô ý; nhưng đôi lúc trong vài giây phút thanh tỉnh, dường như chính Holly cũng biết mình đang bị cuốn đi trong vô vọng, nhưng rồi nàng vẫn quyết định tiếp tục ở lại, tiếp tục mơ giấc mơ về một ngày được sống xa hoa đến độ dùng bữa sáng ở cửa hàng bán kim cương. Hơn nữa, ở Holly có một điều tôi mơ hồ cảm nhận thấy mà tôi rất thích: nàng có một thứ ích kỉ gì đó, một thứ ích kỉ chỉ nghĩ cho bản thân và lựa chọn bản thân trước mọi thứ khác ngay cả tình yêu, và nàng đi theo tiếng gọi của đô thị phồn hoa để thoả mãn cái khát khao sung sướng cá nhân đến mức quyết định bỏ lơ cả cảm xúc của mình. Cái tư tưởng ngây thơ khi cho rằng “không gì xấu có thể xảy đến trong tiệm Tiffany” của Holly đáng yêu cũng châm biếm đến độ người ta chỉ có thể bật cười – rốt cuộc cũng đâu ai nói được ảo vọng đô thị là đúng hay sai?


Phiên bản phim không hẳn đưa truyện lên một tâm cao mới. Đúng hơn là điện ảnh tái hiện truyện theo một hướng lãng mạn tình tứ và tích cực hơn. Bên cạnh cái thời trang và thời đại đi vào lịch sử điện ảnh dưới bóng hình của nàng Audrey Hepburn, chúng ta phải nhìn nhận đến cả cái tính “Hollywood” của phim nữa. Trong phim, Holly nhạy cảm cuồng nhiệt và tận tuỵ với cảm xúc của mình một cách ngây thơ, nhưng Holly này dường như khao khát một điều ổn định hơn. Holly trong truyện ưa thích xa hoa đến bất chấp, có khi nói là mù quáng, nhưng Holly trong phim lại tìm kiếm xa hoa trong ổn định hơn. Đặc biệt, mối quan hệ với nhà văn nửa vời trong phim được chuyển thành tình yêu – khác hẳn với mối quan hệ đơn thuần là bạn bè trong truyện – khiến cái “bị ảo vọng đô thị cuốn đi” của Holly thiếu đặc sắc và nổi bật. Nhưng ngược lại, chỉ phim mới có thể đem đến một Holly với cái kết trọn vẹn yêu đương – cái kết hạnh phúc cho một biểu tượng của thời đại đầy ảo tưởng. Chính cái kết này là cái kết hạnh phúc điển hình bị châm biếm nhiều nhất, nhưng lại cũng khiến người xem hài lòng nhất.



Vừa đơn giản vừa phức tạp, vừa tình tứ vừa nông cạn, vừa cuồng nhiệt lại vừa tiêu cực – một nàng Holly bé nhỏ với nỗi sợ bị xiềng xích tiềm tàng luôn sống trong cảnh tạm bợ như sẵn sàng chạy trốn mọi giây phút, một nàng Holly sống đàng điếm ngây thơ theo cách tự huỷ hoại bản thân, một nàng Holly với quá khứ đầy ngạc nhiên mang trong mình cái ảo tưởng ngớ ngẩn nhưng đáng yêu của dân tỉnh lẻ - tất cả kết hợp lại thành một biểu tượng kinh điển trong văn học và trong điện ảnh. Bữa sáng ở Tiffany không phải một câu chuyện khó đọc – đơn giản hơn nhiều so với Đại gia Gatsby và theo một cách nào đó, dễ chịu hơn. Có lẽ không nằm trong danh sách “phải đọc”, nhưng “nên đọc” thì cũng không quá đáng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét