Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Bột mỳ vĩnh cửu - Alexander Romanovich Belyaev



Bột mỳ vĩnh cửu là một tác phẩm ngắn khá thú vị và chua cay. Đối với cá nhân tôi, nó đóng vai trò châm biếm sâu sắc bản tính của con người tốt hơn nhiều vai trò nêu lên một bài học cảnh báo. Chỉ bằng một câu chuyện ngắn với lối diễn đạt và cấu trúc đơn giản, tác giả đã xây dựng được một vở bi hài kịch kinh điển ngay cả khi không có một câu thoại trực tiếp phê phán vấn đề nào.


Chủ đề chính của câu chuyện là kể về một phát minh có khả năng làm thay đổi cả nhân loại: đó là món bột mì ăn không bao giờ hết của tiến sĩ Broie. Với tinh thần cao thượng muốn cứu vớt nhân loại khỏi đói nghèo, tiến sĩ Broie dùng gần hết cả cuộc đời để nghiên cứu ra một loại bột mì bổ dưỡng và ăn không bao giờ hết, bởi cứ ăn một phần thì nó lại nở đầy trở lại. Tuy nhiên, món bột mì đó chưa được hoàn thiện, và bằng việc dùng một ông lão trong làng đánh cá để thử nghiệm, tiến sĩ Broie đã vô tình để lộ tin tức về cái của phát minh thần kì đó và gây nên một tràng náo động cả thế giới. Nhưng chẳng bao lâu sau khi món bột mì được tranh cướp và lạm dụng bất chấp những cảnh báo của tiến sĩ Broie, người ta nhanh chóng phát hiện khuyết điểm của nó: nó nở quá nhanh, không tốc độ nào ăn kịp, nở nhanh đến mức gây ra nguy cơ nhấn chìm mọi thứ trong bột. Lúc này mọi sự đã biến đổi: người ta khinh rẻ, sợ hãi nó, chỉ mong thoát khỏi nó càng mau càng tốt. Rốt cuộc, chính tiến sĩ Broie lại bị kết tội là phát minh ra một thứ có hại cho nhân loại, và bị tống tù để tìm ra cách khác phục.


Nhưng trọng tâm câu chuyện không nằm ở món bột mì hay tiến sĩ Broie, mà trọng tâm nằm ở quá trình thay đổi của loài người, mà đại diện điển hình chính là cái làng đánh cá, nơi món bột mì được hoành hành đầu tiên. Chính ở cái thay đổi của đám đông đó mà chúng ta vỡ lẽ ra được ý nghĩa của cả câu chuyện.


Khi chưa biết đến món bột mì vĩnh cửu, con người ta lao động khổ sở vất vả để kiếm miếng ăn mà chưa chắc được no đủ. Nhưng từ khi món bột mì vĩnh cửu xuất hiện, con người ta chỉ nghĩ đến việc được ăn ngủ mà không hề nghĩ đến việc lao động sao cho xứng đáng với điều đó – họ lao vào tranh giành, đấu giá, mua bán thứ bột mì đó bất chấp cảnh báo rằng nó chưa hoàn thiện, không chỉ để được hưởng lợi “ăn không ngồi rồi” khi của dùng không bao giờ hết, mà còn để không “kém người kém ta”. Nhưng khi bắt đầu không phải lo đến chuyện đói nữa, họ bắt đầu muốn nhiều hơn – lòng tham hướng họ tới những thứ của cải vật chất tầm thường, và họ bắt đầu trở nên cay nghiệt, độc ác, nghi kị, tranh đấu lẫn nhau để tạo ra của cải. Cái giàu khiến con người trở nên mù quáng, ngu xuẩn, rơi vào những cái bẫy ăn chơi đàng điếm vô độ, đánh mất đạo đức, liêm sỉ và nhân cách. Lúc này đây, chủ nghĩa vật chất lên ngôi, huỷ hoại linh hồn những kẻ chất phác như món thuốc phiện phá vỡ cuộc đời của một kẻ mạt vận. Nhưng, ngay lúc bánh xe cuộc đời quay ngược một tram tám mươi độ - ngay khi món bột mì kì diệu nảy nở mãi không ngừng biến thành ác mộng đe doạ sự yên bình cá nhân – họ bắt đầu kinh tởm thứ mà họ từng bất chấp để đoạt được, và đổ lỗi cho người tạo ra nó một cách vô ơn vô nghĩa và thiếu suy nghĩ ngay cả khi con người cao thượng đó đã nhiều lần cảnh báo không nên tiêu thụ “bột”. Con người thì có biết ơn bao giờ? Con người chỉ là một đám đông vô ơn, ngu xuẩn, chỉ biết nghĩ cho bản thân một cách ngu dốt và không bao giờ nhận lỗi về mình mà thôi. Tất cả những điều mà đám đông giỏi nhất chính là tìm một kẻ thế tội để trốn tránh cái sự thực ngu xuẩn của mình, tự thuyết phục mình trong dối trá và biến dối trá thành sự thực khi có được một nạn nhân.


Nhưng con người dù sao cũng là con người. Và bên cạnh nhìn thấy những điều đáng khiển trách của con người, tác giả vẫn khoan dung và công bình khi nhắc đến những khía cạnh tốt đẹp khác – hay ít ra là MỘT khía cạnh tốt đẹp khác ở cuối truyện – đó là bản năng yêu lao động. Tác giả kết thúc câu chuyện bằng việc những người làng chài vô thức (rốt cuộc vẫn là vô thức chứ không chủ đích muốn sửa chữa sai lầm hay suy ngẫm) muốn tiếp tục đánh cá và lao động. Con người cuối cùng cũng không thể chỉ ăn không ngồi rồi chơi bời tráng tác, bởi chỉ có lao động chân chính mới có thể đem đến một cuộc sống không hối hận (chứ không dám chắc là tốt đẹp à nha). Chính ở điểm sáng này khiến tác phẩm có giá trị nhiều hơn là một câu chuyện giáo điều tầm thường.


Điều khiến tôi thích thú hơn cả trong truyện ngắn này đó là khúc khi bột mì vĩnh cửu bị biến thành công cụ kiếm tiền của bọn tư bản, rồi rốt cuộc lại bị biến thành hàng độc quyền của nhà nước. Chi tiết này không chỉ nhắc đến khía cạnh tổ chức, quốc gia cũng chỉ là con người, cũng muốn kiếm lợi, mà sâu xa hơn đó là cách thức sử dụng của đám đông và tầng lớp bóc lột. Hãy chú ý xem, đám đông ngay từ đầu chỉ muốn thoát đói nghèo, và cách dùng bột mì như thứ hàng hoá làm giàu chỉ đến sau một thời gian khi đã no đủ; trong khi đó, chủ đích ngay từ đầu của đầu cơ tư bản đã là để kiếm lợi. Chà, chi tiết này mới thật thú vị làm sao, khi dân tư bản dùng bột để kiếm về một cuộc sống xa hoa, trong khi đám đông mù quáng chỉ nghĩ đến chuyện đó sau khi ních đầy bụng bột và giở những trò mánh khoé ngu ngốc. Đây không chỉ nói về sự bóc lột chi phối của dân tư bản áp lên dân thường, mà như tôi nghĩ, hẳn là hơi độc ác, nhưng tư bản giàu cũng có lí do của họ cả: trong khi đám đông chỉ nghĩ đến lợi ích ngắn hạn trước mắt, dân tư bản nhìn xa rộng và cương quyết hơn nhiều (Khúc này chỉ là luyên thuyên. Có lẽ tôi đã quá lệch lạc khi luôn thích thú với những điều thiếu đạo đức.)


Một câu chuyện ngắn, hay, dễ đọc, dễ thấm, giết thời gian khá tốt.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét