Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Cô bé Fadette - George Sand





Phải nói rằng mặc dù thể loại cổ tích vẫn chỉ luôn là cổ tích, nhưng nó lại mang một sức hấp dẫn đặc biệt dù là với người lớn hay trẻ con. Tôi luôn thích cổ tích, ngay cả khi nó vô lý và viển vông. Tôi vẫn tìm đến những câu chuyện cổ tích như một đứa trẻ tìm về hơi ấm quen thuộc trong vòng tay của những giấc mơ ngọt ngào và đáng yêu. Có lẽ đây cũng chính là lí do mà thỉnh thoảng, sau khi cảm thấy chuẩn bị bị ngộ độc bởi những loại sách hết sức “hàn lâm” được gán mác kinh điển, tôi lại vô thức mò về những cuốn truyện mỏng, nhẹ nhàng, đơn giản và đậm chất ảo tưởng, như Cô bé Fadette.


Cô bé Fadette thật sự là một câu chuyện hết sức dễ thương với motif cổ điển: một chàng trai đẹp mã tài hoa đem lòng yêu say đắm một cô bé nghèo khó mang đầy tai tiếng, nhưng rốt cuộc hoá ra cô bé ấy lại hết sức thông minh, ngọt ngào, và được thừa kế một gia tài đáng kể. Rốt cuộc hai người cưới nhau và hạnh phúc mãi mãi. Bài học cũng thật đơn giản và được viết rõ ràng ngay trên mặt giấy chứ cũng không phải cất công tìm kiếm đâu xa: Mỗi con người có nỗi khổ riêng và không bao giờ nên hùa theo đám đông đánh giá bất cứ ai nếu không biết rõ bản chất của họ; hãy đứng ở vị thế người khác để thông cảm, khoan dung, yêu thương và công bình; hãy nhìn nhận người khác khi họ là chính họ chứ không phải những đồn thổi về họ, hay những điều họ phải gánh chịu dù không phải do họ làm ra,… nói chung, những bài học đạo đức cơ bản, không bao giờ sai và hết sức nhân đạo. Nếu suy diễn sâu xa hơn, coi như nó còn phê phán cái thói bất công của đám đông có thể khiến nạn nhân của nó trở nên đau khổ, cay nghiệt và độc ác đến mức nào. Nhưng tất nhiên, trong một câu chuyện cổ tích đáng yêu thì cái điều thường xảy ra trong thực tế là nhân cách và tư tưởng một nạn nhân khốn khổ của đám đông trở nên hoàn toàn méo mó hiển nhiên không thể xảy ra; nạn nhân đó nhất thiết vẫn phải giữ được những tư cách đúng đắn, những suy nghĩ chính chắn, lòng khoan dung và kính Chúa ngay cả khi những hành động mang phần nào màu sắc nghiệt ngã – như cô bé Fadette vậy. Mặc dù mang đậm chất kinh điển đến hơi quá quen thuộc, cô bé Fadette lại vẫn vô cùng dễ thương, và theo một cách nào đó, tôi thích Cô bé Fadette nhiều hơn Bông hồng mất tích vừa đọc cách đó có vài giờ đồng hồ nhiều, ngay cả khi Bông hồng mất tích dễ suy diễn dạy đời và xem chừng bài học tìm kiếm bản chất cá nhân có vẻ sâu sắc hơn – Bông hồng mất tích có một cái gì đó gượng gạo, giả tạo và không có được cái thần khái ngọt ngào như Cô bé Fadette, một câu chuyện vốn nhiều lần đơn giản hơn.


Nhưng điều vẫn giữ chân tôi tiếp tục với cô bé Fadette đến cùng không phải ở những điều đặc chất đạo đức trên, mà là sự xuất hiện của một nhân vật khác, vừa chính vừa phụ, đó là anh trai sinh đôi của Laundry – Sylvinet. Mỗi tác phẩm văn học đều sẽ có một hoặc hơn một nhân vật xuất sắc, nhưng thường thì không mấy khi là nhân vật chính diện (rất hiếm có những tác phẩm nào có nhân vật chính lại xuất sắc kiểu như Scarlett O’Hara hay Rhett Butler, hay Rebecca Sharp). Trong tác phẩm này cũng thế, mặc dù hai nhân vật chính nhất là Laundry và chính cô bé Fadette đều được xây dựng chân thành, thấu hiểu, rộng mở, và đặc biệt là xây dựng để có thể thay đổi, thì nhân vật Sylvinet lại ở trường khái niệm khác hẳn. Sylvinet độc đáo hơn ở cái bản chất hết sức thuần tuý và bản năng của một đứa trẻ không chịu lớn. ở Sylvinet có một thứ ích kỉ nồng nàn, nhạy cảm và dòng cảm xúc tràn đầy đam mê đến mức, theo một cách nào đó, chỉ những miêu tả về nội tâm của cậu cũng hoàn toàn đủ sức át đi ánh sáng của hai nhân vật “chính diện” đầy đạo đức. Đó là một nhân vật không thể đánh giá trắng đen – con người ta đâu thể phê phán quá nặng nề những thói hư tật xấu của một tâm hồn quá đỗi yêu thương gây nên? Tình yêu của Sylvinet với người em trai sinh đôi say sưa, tận tuỵ đến độ mọi hành động của đứa em đó cũng tác động đến cậu mạnh mẽ đến khó mà tưởng nổi. Mỗi dòng cảm xúc của đứa trẻ nhạy cảm đó đậm tràn tình yêu đến mức mất cả lý trí, đến mức khiến cậu không còn nghĩ được đến ai nữa ngoài bản thân. Rốt cuộc Sylvinet đặt tất cả những người cậu yêu thương vào đau khổ vì chính tình cảm của cậu quá nhạ cảm khiến cậu gần như trở nên độc ác.


Và không biết nhiều người trong thế giới thực có nhận ra được mình trong cậu bé Sylvinet nhạy cảm này không? Cái loại người than vãn, ngấm ngầm và ngu xuẩn thích tự hành hạ mình để hành hạ người khác, và coi đó là một niềm vui khi thấy người khác phải đau khổ vì mình. Cái loại người bi kịch này thì ở đâu cũng có, nhan nhản ra đấy, tổn thương những người mình yêu thương bằng sự ngu xuẩn của bản thân trong khi vẫn cho rằng bản thân mới là người đau khổ. Nhưng cái khác giữ những kẻ xuẩn ngốc như thế, Sylvinet than vãn và hành hạ người khác vì cậu yêu em trai đến mức như yêu bản thân mình. Cậu quá sợ hãi bị mất vị trí trung tâm trong lòng em trai sinh đôi đến độ muốn hi sinh hạnh phúc bản thân và của người thương yêu với hi vọng độc chiếm sự chú ý của em. Nhưng từ những cảm xúc quá mãnh liệt như thế ban đầu, dần dà nó biến chất và cậu bắt đầu thấy thích thú khi được lo lắng và khi dằn vặt người khác khi họ than khóc vì mình. Không thể nói đây là một nhân vật tốt, nhưng đây là một nhân vật rất thực, rất biểu tượng, và rất đáng để phân tích tâm lý.


Nhưng điều thú vị nhất chính là cái kết của Sylvinet, khi cậu cũng lỡ yêu cô bé Fadette, mà lúc đó đã chuẩn bị kết hôn với Laundry. Ngay khi cậu được Fadette mở mắt trước những hành động ích kỉ và xuẩn ngốc của mình, cậu lập tức yêu Fadette say đắm, và đồng thời ngay sau đó lên đường gia nhập quân đội chống Napoleone đến tận mười năm sau đó. Đây là bước ngoặt tâm lý để đời của nhân vật này. Không hề giống đứa em trai chỉ có một bước ngoặt tâm lý khá nhỏ nhoi khi nhận ra bản chất thực của Fadette sau vẻ xấu xí và những hành động cay nghiệt của cô bé, bước ngoặt tâm lý của Sylvinet thay đổi toàn bộ cuộc đời và tư tưởng của Sylvinet. Từ một đứa trẻ quá nhạy cảm, quá say mê một cách ích kỉ, cậu trở nên đàn ông, nam tính, hi sinh vì đạo lý và danh dự cho cả mình lẫn Fadette – thông qua hành động đăng lính ngay khi nhận ra tình cảm của mình. Sylvinet chưa bao giờ là một đứa trẻ mạnh mẽ, nhưng không ai có thể nói cậu yếu nhược được nữa – cái tinh thần đó hàm chứa một sức mạnh thú vị và kiên định trong tình cảm đến độ đáng ngạc nhiên. Mặc dù trong sách, tình yêu của Sylvinet đến quá nhanh và đột ngột đến mức có cảm giác không thực, nhưng ý tưởng này vẫn làm tôi khá thích thú.


Chốt lại cho nhân vật Sylvinet, ta thấy được cái tương lai cô độc của cậu bé kiên định đó: Sylvinet chỉ có thể dừng quấn quít như điên với em trai mình khi yêu một người phụ nữ, nhưng điều đó có nghĩa cả đời cậu cũng chỉ có thể yêu một người thôi, vì trái tim cậu quá nhạy cảm và say mê. Không một cái kết nào mĩ mãn hơn dành cho Sylvinet.



Vậy là, mặc dù câu chuyện nhằm vào cô bé Fadette và giấc mơ lọ lem cổ tích của riêng cô, nhưng nhân vật thú vị hơn cả lại là một nhân vật chính thứ hai – một nhân vật mà chỉ những dòng cảm xúc cũng có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết riêng mà tôi đoán rằng có khi còn xuất sắc hơn câu chuyện chính. Không phải thuộc dòng sách “phải đọc”, nhưng không phải là phí phạm thời gian.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét