Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2016

Chết ở Venice - Thomas Mann



Đây có lẽ là bài tế điệu cho phép màu bất tử lẩn khuất trong từng ngóc ngách của miền đất Venezia mà nay chỉ còn là cái bóng tàn lụi của một thời huy hoàng xưa.


Venezia thơ mộng, xinh đẹp và kì diệu; Venezia xuất hiện trong thơ ca, văn học và phim ảnh như một hình tượng tuyệt mỹ của cái đẹp và cái lộng lẫy không chỉ vì sự hoành tráng vật chất của nó mà còn cả về sự giàu có trong tinh thần của đất Venezia; Venezia là giấc mơ của bao người hiếm có cơ hội đi du lịch và là điểm đến lý tưởng của những người may mắn có khả năng cất bước đi xa, và có lẽ chỉ ở nơi chốn này người ta mới nhận được những điều kì diệu bất ngờ. Tôi hẳn được coi là một trong những người có được sự may mắn đó – quả thực lần đầu bước chân đến Venice, tôi đã vừa buồn vừa luyến tiếc bởi dường như Venice chỉ còn là cái xác tàn xa hoa của một thời hoàng kim; nó hầu như đã đánh mất cái tinh thần từ lâu, chỉ còn lại cái thân thể đẹp đẽ đang lụi tàn dần. Nhưng cũng chính đêm đầy luyến tiếc đó, tôi đã nhận được phép màu kì diệu của Venice, thứ phép màu khiến tâm hồn ngỡ ngàng. Phép màu của Venice là có thật.


Dài dòng như vậy cũng chỉ là để kéo đến một tác phẩm tuyệt đẹp mà theo tôi hiếm có tác phẩm viết về nghệ thuật nào có thể xứng tầm được với đó, đó là Chết ở Venice của Thomas Mann. Với độ dài khiêm tốn nhưng lượng triết lý quá cô đọng và súc tích thì chúng ta nhất định phải dành một lượng thời gian xứng đáng mới có thể phần nào cảm nhận được tác phẩm này. Nếu có thể chia ra một cách khiên cưỡng, có lẽ tôi sẽ chia tác phẩm ra những ý chính theo sau: Luận về cái đẹp chân chính; tư tưởng về cái đẹp của người nghệ sĩ; sự xung đột trong bản chất người nghệ sĩ cũng như thời đại.


Biểu tượng nổi bật nhất, hay có thể nói rằng ý nghĩa nổi trội dễ bắt nhất trong câu chuyện chính là về luận về cái đẹp và tư tưởng về cái đẹp của người nghệ sĩ, được thể hiện thông qua nhân vật cậu bé Phaidros đẹp tuyệt trần. Có thể nói tác phẩm này là lời bào chữa điển hình mạnh mẽ cho chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật – đối với tác giả và nhân vật tác gia chính trong truyện, không cái gì có thể vượt lên được cái đẹp – “cái đẹp là tiêu chí tối cao, thậm chí còn cao hơn cả chân lý, bởi lẽ chân lý chưa chắc đã đẹp nhưng cái đẹp thì chắc chắn là chân lý”. Tất cả chúng ta phải quỳ dưới cái đẹp và phục tùng nó, bởi chỉ những người say mê và tôn sùng cái đẹp thì mới nỗ lực sống một cuộc đời đẹp. Nhưng thế này thì chưa đủ. Hãy chú ý rằng quan niệm về cái đẹp của tác giả dường như rất tương đồng với triết học tư tưởng về một thế giới ý niệm tối cao của Plato (xem thêm học thuyết “cái hang” để biết thêm chi tiết). Thực ra có thể người ta sẽ tranh cãi rằng tác giả không hề nói đến cái đẹp tư tưởng kiểu này; và trên thực tế truyện sẽ gây bối rối rất nhiều khi tác giả mô tả Gustav, lúc đầu là một người tôn sùng cái đẹp phi hình thể tối thượng: “Cái đẹp là con đường đưa người cảm thụ đến với tư tưởng – chỉ là con đường, chỉ là phương tiện mà thôi.” Người nghệ sĩ tôn sùng một cái đẹp ý niệm tối cao và không thể đạt tới, coi nó như là cái đích vĩnh cửu để hiến dâng cả cuộc đời và tinh thần; và do những tư tưởng đó quá thuần nhất, chân thiện mỹ, thuyệt hảo và tinh khiết, thế nên người nghệ sĩ không có cách nào khác ngoài đem lòng yêu thương cuồng nhiệt với bất cứ cái đẹp “nhân loại” nào gần với lý tưởng nhất, bởi lẽ họ đâu thể chối lòng phụng thờ một “biểu tượng sống hoá” của cái đẹp? Với Gustav, đó chính là cậu bé Phaidros tuyệt diệu của ông.


Thế nhưng cái tuyệt diệu trong “luận về cái đẹp” không phải của tác phẩm này không phải nằm ở điểm này. Không, nó không chỉ đơn thuần là một cái đẹp xa xôi, một cái đẹp trong lý tưởng không thể nắm bắt được như Plato như chúng ta hằng tưởng; hay ít ra, như trong ấn tượng non nớt đầu tiên của tôi về tác phẩm. Cái “đẹp” của vạn vật trên thế gian này, như Plato, chỉ là cái bóng của một cái “đẹp” chân chính, và đó là một cái đẹp ý niệm. Đối với tác giả, “đẹp” không chỉ là ý niệm chân nguyên tối cao của vạn vật; không chỉ là một thứ lý tưởng vô vị vô sắc vô hình. Gustav, đã đi từ tư tưởng cái đẹp tối thượng đó để thừa nhận một “cái đẹp” khác, một “cái đẹp” không bị giới hạn vào cái khuôn không thể nắm bắt nổi như cái đẹp chân thiện mỹ và đầy luân lý đạo đức như Plato, mà là cả những cái đẹp “khả ái và tận mục khả thị”. Gustav với lý tưởng bất khả đạt đến đã nhìn nhận “cái đẹp” : “là hình thức duy nhất của tư tưởng mà ta có thể tiếp thu qua các giác quan, cảm nhận bằng các giác quan.” Hãy chú ý đến điểm này, điểm khiến “cái đẹp” của tác giả gần gũi và dễ tiếp cận hơn rất nhiều những quan điểm về “cái đẹp” khác. “Đẹp” là bản chất chân chính của một sự vật, sự kiện, và nó ở xung quanh ta. Mọi thứ đều có một cái “đẹp” nằm trong bản chất của nó, và chúng ta có thể cảm nhận cái đẹp, có thể thấu cảm cái đẹp, có thể tôn sùng cái đẹp. Vậy tức là, cái đẹp là chính là chân lý tối cao và rực rỡ, nhưng nó cũng có thể gần gũi.


Và theo tôi đây chính là cốt lõi của chủ nghĩa nghệ thuật vị nghệ thuật. Nghệ thuật vì cái đẹp. Con người hoàn toàn có thể “cảm nhận” cái đẹp. Những hoạ sĩ vẽ một sự vật như đúng cách ông ta “cảm thấy” được bản chất của sự vật đó, thừa nhận và tôn trọng bản chất của sự vật đó, tại vì chỉ bản chất của nó đã là “đẹp” rồi, và ông ta không có quyền sử dụng bản thể của nó để thể hiện một phần cảm xúc của mình; ông ta phải đối xử với đối tượng nghệ thuật của mình như thể bản thể của nó là mục đích tồn tại duy mỹ của chính nó, chứ không thể đối xử bản nguyên của nó như phương tiện để phục vụ cho định kiến và quan điểm của mình. Không, tôi không phủ nhận những hình thức nghệ thuật khác. Tôi chỉ là ưu ái hơn cho cách nhìn của những người quan sát vô luân – những người đứng ngoài mọi thứ để mô tả lại chân nguyên của mọi thứ bằng cái nhìn khách quan và phi đạo đức. Và chính từ quan điểm cái đẹp này, theo thiển ý của tôi, là dẫn đến một trong hai câu hỏi quan trọng nhất của tác phẩm.


Thứ nhất, tại sao tác giả lại chọn một cái đẹp tội lỗi? Chọn một hình tượng tội lỗi? Chọn một cuộc dằn vặt của một thứ tình yêu vô luân lý phi đạo đức để diễn tả quan niệm về “cái đẹp”. Và thứ hai, hành trình đi tìm “cái đẹp” chân chính của Gustav là gì? Và cái đẹp ông tìm thấy, là cái đẹp trinh nguyên tuyệt mỹ của đứa trẻ Phaidros của ông, hay là bản nguyên tâm hồn ông? Sự lựa chọn của ông là biểu tượng của điều gì?


Câu hỏi thứ nhất, tại sao tác giả lại chọn một cái đẹp mà như mặt bằng tư tưởng đại chúng chung đều xem đó là tội lỗi và vô luân? Tại sao Gustav lại được khắc hoạ là đem lòng yêu một cậu bé nhỏ? Chúng ta liệu có nên đặt câu hỏi này cho ngay cả những tác phẩm “vô đạo đức” khác? Chúng ta ngày nay dường như có quan niệm quá rõ ràng về cái đẹp chăng? Một hành động tốt, như cứu người, cứu chó, cứu mèo, là đẹp. Một tình yêu tình nguyện đôi bên là đẹp. Một vườn hoa rực rỡ là đẹp. Hay coi như nói sâu xa hơn, một người đạo đức, hiếu lễ nghĩa, là đẹp. Nhưng dường như chúng ta rất kị nói đến những loại “đẹp” lạc loài khác, hay thậm chí còn gán cho chúng là những thứ tội lỗi kinh khủng. Tại sao, ví dụ, không ai nói Hannibal “đẹp”, mặc dù người đàn ông tuyệt mĩ đó sống đúng như bản chất và quan niệm về cái đẹp của ông ta? Vì sao không ai nói Grenouille và công trình của hắn là “đẹp” mặc dù hắn chính là biểu tượng điển hình của một shokunin theo đuổi cái “đẹp” chân chính, và chính thành quả của hắn ta là sự kết tinh của những “mùi hương” tinh khiết nguyên bản nhất? Chúng chả lẽ lại không đẹp? Tôi không hiểu lắm những quan điểm đại chúng về cái đẹp, nhưng đối với cá nhân tôi, ngay cả những thứ méo mó cũng đẹp, hay thậm chí chúng còn đẹp hơn những cái đẹp thuần chủng nữa, bởi chúng đẹp là do chúng gây tranh cãi, gây bối rối, và buộc con người ta phải vượt qua một giới hạn nào đó của bản thân để chấp nhận cái thể loại “đẹp” đó. Không phải tôi đang muốn cổ suý cho những loại đẹp gây hại và tâm thần như vậy. Tôi chỉ đang muốn đối mặt với cái phần biến thái trong mình và chấp nhận rằng chính mình cũng có những phần đen tối luôn ham muốn những thứ “đẹp” như thế. Và đây cũng chính là một trong những điểm xuất sắc của tác phẩm này khi nhìn nhận về “cái đẹp” – tôi không nói đến sự chấp thuận, mà tôi muốn nói đến tính “vô luân lý” và “phi đạo đức” của cái đẹp. Một điều “đẹp” chính là đẹp. Không nên dùng bất cứ định kiến nhân loại nào, quan điểm thế gian nào xen lẫn vào đánh giá “cái đẹp”. Cái đẹp phải vượt lên trên mọi thứ, phi nhân tính.


Và chính từ câu hỏi trên mà chúng ta có thể phần nào bắt lấy được câu trả lời cho vấn đề lớn nhất và xuyên suốt nhất trong truyện: “hành trình đi tìm “cái đẹp” chân chính của Gustav là gì?”.


Cách giải thích đơn giản nhất và cũng dễ nắm bắt nhất chính là, hành trình đi tìm “cái đẹp” của Gustav chính là hành trình thừa nhận bản ngã của mình. Đó là quá trình đấu tranh kinh điển giữa Apollo và Dionysus mà đa số những người từng tiếp cận tác phẩm này đều sẽ nhắc đến. Hướng tiếp cận này cũng dễ phân tích. Thần mặt trời Apollo, đại diện cho cái đẹp cố định, được định hướng, có trật tự, rõ ràng rành mạch và đầy lý tính; trong khi đó, Dionysus là biểu tượng của cái đẹp cuồng loạn, hoang dại, đầy sức sống của bản năng. Và chẳng phải nói gì nhiều – cuộc đấu tranh này hẳn nhiên là cuộc đấu tranh giữa lý trí – bản năng; giữa cái đầu và nội tâm; giữa bản ngã vô trật tự và thế giới có trật tự; nói rằng cách tiếp cận này dễ phân tích đó là vì, nếu so sánh giữa cả hai bên đại diện cho cái đẹp thì mỗi bên đẹp một cách khác nhau, và quan trọng là cả hai đều đẹp. Apollo là cái đẹp của lí tính tinh thuần, kỷ luật, trí tuệ; còn Dionysus là cái đẹp bản ngã vô thượng, say đắm, đầy dục vọng vĩnh cửu. Và quan trọng nhất là cách tiếp cận này không quá ngả về bên nào cả, và cho rằng cả hai đều quan trọng như nhau. Nhưng cá nhân tôi thấy thì cách tiếp cận này khá là bất cân xứng. Cách tiếp cận này sẽ hợp lý nếu Gustav là một người thừa nhận tự nguyện và ý thức rành mạnh được cái “đẹp” của lý tính. Nhưng hãy để ý rõ ràng rằng, Gustav, nói đúng hơn là lí tính của Gustav là sản phẩm của xã hội thì đúng hơn. Cái phần “người” của ông bị định kiến của xã hội gọt giũa tạo hình, chứ không phải là bản thân Gustav. Thực tế khi viết khúc này tôi có hơi chột dạ một chút, bởi lẽ ít nhất ở hai chương đầu tiên tôi nhận thấy theo một cách nào đó ông vẫn là một người “tự do”, bởi lẽ ông vượt qua được chính mình để tuân theo những nguyên tắc tự đặt ra cho bản thân để sống trong cộng đồng chung – tức là ông có khả năng chế ngự được bản năng, “tự do” khỏi bản năng để buộc bản thân tuân theo lí trí; ông tự do về lí trí. Nhưng sau đó tôi chợt nhận ra rằng cách nhìn này vẫn quá nông cạn. Bởi càng những chương về sau ta sẽ càng nhận thấy được những định kiến của ông là định kiến chung của cả xã hội chứ không phải là những định kiến của tự thân lí trí của ông đặt ra cho bản thân mình. Ví dụ như ông kinh khủng trước những người già ăn mặc loè loẹt vì ông cho rằng “họ không có quyền” được như vậy, bởi lẽ lí trí bị hun đúc bởi xã hội của ông đã ra lệnh cho ông như vậy – ông cho rằng họ không được ăn mặc như thế vì xã hội khiến ông nghĩ như thế chứ không phải tự ông ngộ ra được điều đó và vượt khỏi ham muốn để ra lệnh bản thân mình không được làm thế.


Nhưng dù sao chúng ta cũng vẫn có thể nói rằng đây là cuộc đấu tranh giữa “cái đẹp lý tính và trật tự” của Apollo với “cái đẹp dục vọng và hoang dã” của Dionysus, bởi xét trên một phương diện nào đó, mặc dù Gustav không có một lý trí tự do nhưng ông vẫn là một sản phẩm được xây dựng từ những tính chất của một lý trí tự do theo nguyên tắc cái đẹp của Apollo. Chúng ta phải hiểu rằng mọi cái đẹp dược nhắc đến đều phải là cái đẹp ý niệm – tức cuộc chiến về cái đẹp giữa Apollo và Dionysus cũng phải là cuộc chiến giữa hai cái đẹp ý niệm, và Gustav trước khi sa ngã thì chẳng qua là sản phẩm thứ cấp của cái đẹp ý niệm Apollo, còn Gustav sau khi sa ngã là sản phẩm thứ cấp của cái đẹp Dionysus mà thôi. Chúng ta tuyệt đối không được nhầm hai cái đẹp trong con người Gustav với biểu tượng cái đẹp của Phaidros – Phaidros là cái đẹp tối cao nhất vượt mọi ngưỡng luân lý, đạo đức, tuyệt đối đẹp, tuyệt đối tinh thuần; còn Apollo và Dionysus vẫn chẳng qua là biểu tượng của hai loại đẹp đối lập có thể bị xét đoán mà thôi – cả hai là hai mặt của mọi sự vật sự kiện, còn Phaidros là tinh nguyên bản chất vô vi vô tri (và cũng không phải là sự kết hợp của cả hai cái đẹp trên đâu nhé).


Để nói rõ ràng dễ hiểu hơn một chút thì cuộc chiến giữa Apollo và Dionysus trong linh hồn Gustav là cuộc đấu tranh giữa lí trí và bản năng; Gustav phải đấu tranh giữa cái lí tính của xã hội đã được thừa nhận và đúc kết để đến với cái bản năng sâu thẳm cá nhân mình. Trong khi lý trí của ông nhận thức rằng thứ tình yêu ông dành cho một cái đẹp phi luân lý là vô luân, thì bản năng của ông lại khát cầu cái đẹp đó. Nhưng ở đây lại nảy ra một vấn đề mới. Ông đã đấu tranh và dằn vặt bằng tất cả sức lực và linh hồn mình trước “cái đẹp” hay trước “bản năng”? Bởi rõ ràng là nếu “cái đẹp” đó là được biểu hiện bằng một điều gì đó hợp lý hơn thì rõ ràng người nghệ sĩ này đã chẳng phải đấu tranh đến như thế. Nếu Phaidros của Gustav không phải là một cậu bé chưa thành niên, mà là một người phụ nữ đứng tuổi xinh đẹp rạng rỡ thì chẳng có lí gì ông lại rơi vào mối tình bi kịch với cái đẹp đến như vậy. Và hiển nhiên là chúng ta phải thừa nhận rằng nếu đã là “cái đẹp” thì không thể nói “một cậu bé trẻ thì đẹp hơn một người phụ nữ đứng tuổi”, vì như ở trên đã nói, định nghĩa về “cái đẹp” của người nghệ sĩ là một cái đẹp lý tưởng tối cao và có thể xuất hiện trong bản chất nguyên sơ của bất kỳ điều gì. Vậy nên tôi xin mạn phép được tuyên bố rằng hành trình truy đuổi cái đẹp chân chính của Gustav chính là hành trình truy tìm bản năng thẳm sâu trong con người ông sau cả một đời bị lý tính xã hội đè nén. Đúng là Phaidros là biểu tượng của cái đẹp, và đúng là Gustav theo đuổi Phaidros như theo đuổi chính cái đẹp đó, nhưng Phaidros chỉ là cái đẹp ngoại vi mà thôi. Cái ông chân chính theo đuổi, mà theo tôi, phải là cái đẹp tối hậu trong linh hồn mình.


Đây chính là lúc chúng ta nhắc đến sự ảo tưởng trong nghệ thuật. Hẳn nhiên Gustav chẳng biết gì về đứa trẻ Phaidros thiên thần của ông ta ngoại trừ vẻ ngoài tuyệt đẹp, và ông ta yêu đứa trẻ đó bằng mơ tưởng của bản thân mình, và tự thân ông ta suy diễn về cái đẹp ép lên đứa trẻ đó đấy chứ. Nhưng thực tế ông ta đang truy đuổi cái bản ngã của mình thì đúng hơn. Tương tự như một quá trình đi từ lý tính, đến bản ngã, vươn đến “vô vi” vậy. Khi Gustav sống ngoài xã hội, ông sống lý tính. Ông theo đuổi Phaidros, tức là theo đuổi bản năng. Và khi Gustav trả giá, ông đạt đến cái đẹp. Một người có thể cả đời chỉ sống ở giai đoạn thứ nhất, trong xã hội lý tính mà thôi, bởi lẽ bản năng sâu thẳm chứa đựng những thứ mà chúng ta không thể ngờ đến được, và đôi lúc, như trong chính trường hợp của Gustav, là không được chuẩn bị để thừa nhận và chịu đựng được những cơn sốc đến từ nhận thức bản năng ấy. Sự ngỡ ngàng, phủ nhận và sợ hãi chính tâm hồn mình trong Gustav và trong rất nhiều người khác nữa là một mốc hiển nhiên mà bất cứ ai cũng phải trải qua khi họ bắt đầu hướng vào bản thân mình sau khi đã sống cuộc đời gắn liền với ngoại vi xã hội. Không phải ai cũng có thể thành công và vượt qua được quá trình nhận thức bản thân đó. Gustav đã làm được đấy. Ông đã thừa nhận và lao mình vào cái đẹp, hay nói đúng hơn là lao vào “bản năng” của chính mình, thừa nhận chính bản thân mình, ngay cả những mặt tối tăm bị khước từ bởi lý tính. Và cuối cùng, với cái chết và sự chấp nhận bản thân một cách đầy đủ, cả mặt xấu xa lẫn mặt tốt đẹp, ông đạt đến được ngưỡng cái “đẹp” thống nhất và hoàn thiện. Đó cũng là “sự lựa chọn” của lí trí tự do: ông vượt lên mọi thứ, bước vào hành trình đau đớn tìm kiếm bản thân và rốt cuộc trả giá bằng sinh mạng để đạt được “cái đẹp” chân lý của bản thân mình.


Kể ra nếu ai chơi tarot thì sẽ khá là hiểu cái kiểu suy diễn của tôi ở trên.


Nếu theo như những lời trên thì tôi nghĩ cái cuộc chiến giữa “Apollo và Dionysus” sẽ hợp lý hơn nhiều nếu được gán vào bình diện thế tục. Mỗi người có cuộc chiến giữa “con” và “người” của riêng mình, và đến một mức độ nào đó thì xã hội loài người đã bị gò một cách gần như thái quá vào phần “người” đến độ quá trình chấp nhận phần “con” trở nên đau đớn và khó khăn. Không chỉ thời đại của ông, không chỉ thời đại này, mà cả xã hội lẫn văn minh loài người đều đã bị chính sự phát triển của chúng ta hãm vào màu sắc cứng nhắc của lý tính, và đa phần đều không được chuẩn bị để đối mặt và đón nhận phần “con” trong mình, đặc biệt là những phần “tăm tối” mà ngày nay chúng ta gán cho chúng những tội danh xấu xí để guồng nhau vào hệ thống định kiến đạo đức. Vấn đề của Gustav không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề của cả xã hội, đặc biệt là một xã hội luôn bị giằng co giữa “tính cộng đồng” và “tính cá nhân” – một xã hội mà con người càng ngày càng chú trọng vị thế cá nhân trong xã hội cũng như trách nhiệm cá nhân với xã hội.


Cuối cùng, cái chết của Gustav có thể nói là một trong những cái chết nghệ thuật đẹp nhất trong lịch sử văn chương. Có lẽ chẳng còn cái kết nào tuyệt diệu hơn một cái kết bi kịch – hiến dâng sinh mạng và sức sống cho cái đẹp.


Tóm lại, dài dòng văn tự và đầy mâu thuẫn, nhưng tôi vẫn muốn kết lại bài viết của mình bằng thiển ý cá nhân: hành trình đi tìm cái đẹp tối thượng và chân chính chính là hành trình vượt qua cả lý tính lẫn bản năng để tìm đến cái đẹp “bản thể” vượt mọi luân lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét