Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Hình hài dấu yêu - Alice Sebold



Tôi đọc “Hình hài dấu yêu” đã từ lâu lắm rồi và xem phim thì thậm chí còn lâu hơn thế nữa. Phim dường như đem lại một cảm giác nổi da gà mênh mang gì đó, nhưng không đủ sâu để tôi muốn suy diễn ra một bài cảm nhận giống như sách. “Hình hài dấu yêu” là một quyển sách hay, có cái chất thơ ngây và phóng khoáng một cách trầm muộn nhưng tích cực. Đó là một câu chuyện kể về hành trình chấp nhận sự thật về cái chết của đứa con gái yêu dấu, được kể qua hướng nhìn của chính cô bé đó.

Salmon, cái họ có nghĩa là cá hồi, tên Susie, bị cưỡng hiếp và bị giết năm 14 tuổi bởi gã hàng xóm vốn trông rất đạo mạo nhưng hoá ra lại là kẻ giết phụ nữ trẻ em hàng loạt. Sau cái chết của cô bé, cả gia đình cô dường như bị quấy tung lên bởi cảm xúc, giống như một đầm lầy bị đảo lộn: người cha chìm vào nỗi đau buồn nhung nhớ khôn nguôi và lòng khao khát tìm ra kẻ sát hại con mình đến gần như điên cuồng; người mẹ hầu như chìm vào trầm cảm trong nỗi xót con và thậm chí còn đột ngột bước vào hành trình đi tìm lại chính bản thân mình; đứa em gái mạnh mẽ luôn tìm cách tìm hiểu ra bí ẩn trong cái chết của chị mình; người bà ngoại với tinh thần vững vàng trở thành cái cột trụ cảm xúc trong gia đình cứ tan vỡ từng chút một mỗi ngày đó; cậy bạn Ray của Salmon thì trải nghiệm hiện tượng siêu thực là được hôn và được quan hệ với chính người bạn nữ mình thích thông qua một cô bạn khác; và đứa em trai ngây thơ bé bỏng của Salmon luôn cảm nhận được cô bé bên cạnh họ từ ngày thân thể cô bé rời trần thế cho đến tận ngày chính linh hồn của cô bé cũng quyết định đã đến lúc rời đi.

Diễn biến tâm lý của các nhân vật trong truyện rất thực và rất hợp lý, đi từ quá trình đau đớn nhung nhớ và thù hằn cho đến chấp nhận, đối mặt và tiếp tục sống. Nhưng thực tế tôi chỉ muốn tập trung vào diễn biến cảm xúc của hai nhân vật: mẹ của Susie là Abigail, và tên giết người Harvey. Hai nhân vật có diễn biến cảm xúc quá khứ hiện tại gây hứng thú cho tôi nhất – và mặc dù cảm xúc của những nhân vật khác của rất đẹp nhưng lại không đủ đặc sắc với bệnh suy diễn của tôi.

Nhân vật Abigail, sau khi nhận được tin mất con gái, đã hầu như rơi vào trầm cảm và giằng co, đặc biệt là khi chồng trở nên đau buồn quá độ và điên cuồng muốn truy tìm kẻ hại con đến mụ mị, khiến bà vốn đã chênh vênh nay còn mất đi chỗ dựa. Bà bỏ bê gia đình, bỏ bê chính bản thân mình, rơi vào mối quan hệ thể xác với viên sĩ quan phụ trách điều tra cái chết của con gái mình, rốt cuộc dứt áo ra đi, và mãi sau này khi chồng gặp tai nạn mới quay trở về, chấp nhận cái chết của con cũng như chấp nhận chính bản thân mình. Cái đặc sắc trong nhân vật này thông qua sự quan sát của Susie đó chính là dường như mặc dù bà lấy chồng, có con, thì bà vẫn giữ lại một phần gì đó hết sức bí mật trong con người mình – bà không thể hoàn toàn dứt được cái con người tự do phóng khoáng đầy đam mê trước khi lập gia đình được, nhưng khi lấy chồng và có con, bà hầu như lạc lối trong cảm giác con người mình thay đổi hoặc thậm chí bị huỷ diệt bởi tình mẫu tử. Và cái chết của đứa con gái khiến cảm xúc đó thoát ra không kiềm lại nổi, đi đôi với nỗi đau khổ xa lạ khi mất đứa con như một phần của mình, khiến bà lao vào quan hệ thể xác với người lạ như muốn quên đi dù chỉ trong một giây những cảm xúc đối chọi nhau đó. Rồi khi bà không thể chịu nổi việc tiếp tục dây dưa lằng nhằng sống với kẻ thù của cả gia đình thay vì sống tiếp trong thế giới vắng bóng con, bà trốn chạy.

Nhưng ít ra bà vẫn còn ngộ ra được rằng tình mẫu tử không huỷ diệt bà – nó không huỷ diệt một bản thể tươi trẻ, tự do, phóng khoáng trong bà ngày trẻ, và nó cũng không huỷ diệt một phần con người bà khi một đứa trẻ mất đi. Nói đúng hơn, nó cấu thành một phần trong con người bà, ngay cả khi nó đem lại nỗi mất mát và bất an, nỗi hoảng sợ khi đánh mất chính mình cũng như nỗi đau đớn khi chìm trong thống khổ. Rồi một ngày, khi chồng bà bị thương vì luôn truy đuổi kẻ thù đã hại chết con và phải vào viện, bà đã trở về. Bà là một người phụ nữ may mắn, bởi chồng bà đã yêu bà hết lòng, yêu cả con người bà trước khi bị tình mẫu tử thay đổi, và yêu cả con người bị tổn hại, tan vỡ và đầy khiếm khuyết của bà sau khi bị tình mẫu tử giày vò huỷ hoại. Bà trở về, và cả hai cùng tiếp tục cuộc sống, vẫn nhắc về bóng hình đứa con xưa, nhưng không phải trong trạng thái đau đáu khôn nguôi nữa, và bằng hồi ức nhơ nhung đôi chút nuối tiếc.

Nhân vật thứ hai tôi muốn đi sâu hơn một chút chính là tên giết người Harvey. Sống dưới cái vỏ đạo mạo bình thường đó là một tâm hồn vặn vẹo, móp méo và độc ác phi nhân tính. Hắn cưỡng hiếp và giết các bé gái không gớm tay, theo đúng nghĩa “vô nhân tính”. Từ “vô nhân tính” có lẽ là từ miêu tả chính xác nhất, hắn đã mất tính người, nên không cảm giác được sự độc ác trong những tội ác của mình. Nhưng hắn không phải quỷ, cũng chả phải quái vật. Hắn vẫn là một con người. Là một trong những kẻ giữa chúng ta. Chúng ta hay gán những đặc tính quỷ quái ác ma cho những kẻ đánh mất tính người như để chạy trốn chính những mặt tối tăm trong bản ngã của mình, và biện hộ cho đồng loại của mình. Nhưng chúng ta phải đối mặt và chấp nhận rằng những kẻ đó cũng là người; thậm chí, chúng còn là sản phẩm của xã hội -bản thân sự vô nhân tính của harvey đến từ quá khứ nghèo đói và đè ép của hắn. Ngay từ bé xã hội và số phận đã đối xử với hắn như rác rưởi, thì cơ hội để trở thành một người lương thiện khi lớn lên cũng hầu như là không có. Ngay từ khi còn bé, một đứa trẻ bất lực sống trong khuất nhục đã chịu đủ những miếng hành của cuộc sống, thì ao ước duy nhất là thoát khỏi cái vòng xoáy bị đàn áp đó. Cả đời hắn dường như quanh quẩn trong nỗi bi thống này, và đến tận lúc chết hắn cũng đâu thoát khỏi được vòng luẩn quẩn đó. Hắn giết các con thú nhỏ, cưỡng hiếp và giết những bé gái bất lực chỉ để cố chứng tỏ với bản thân rằng hắn là một kẻ có sức mạnh, rằng hắn đã thoát khỏi ẩn ức ngày xưa; rằng hắn đã có thể thống trị số phận của mình, và thậm chí còn cướp được chút cảm giác khoái trá khi thống trị cả số phận của người khác. Nhưng từ đầu đến cuối, rốt cuộc hắn vẫn chỉ là một kẻ cô độc, bất hạnh và độc ác trong vô thức mà thôi.

Xã hội tạo ra những cặn bã đó, nhưng lại không chịu trách nhiệm trước cái tạo vật mà cặn bã đó trở thành, thậm chí cũng chẳng tự vệ được trước những hành vi của những tạo vật đó.

Có lẽ nên vì thế mà tác giả chọn cái chết cô độc, lạnh lẽo và thậm chí phải nói rằng có phần yên ả cho kẻ giết người này chăng? Bà ban cho hắn một cái chết vẫn trong thân phận con người, chứ không phải một sự trả thù bị vạch trần ra trước toàn thể những định kiến được định sẵn là sẽ biến chất hắn. Thậm chí, cái chết riêng tư đó còn mang hàm ý là sự tha thứ - sự tha thứ của một nạn nhân dành cho kẻ tội phạm vô thức.

Mọi chuyện rồi cũng trôi đi. Susie khi đã thực sự không còn vấn vương và ám ảnh cuộc sống của gia đình theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ, cô bé chứng kiến gia đình mình về với nhau, chứ không phải về với cô bé nữa. Họ đặt cô vào một vùng ấm áp của hồi ức, vào phần sâu thẳm của trái tim, đem theo bóng hình cô để tiếp tục cuộc sống riêng của họ và với nhau.

Câu chuyện là một bức tranh dữ dội mô tả cả mặt sáng lẫn mặt tối của số phận nhân sinh, là hành trình dò dẫm trong bóng tối hướng về ánh sáng vô định của những người bị tổn thương. Đó cũng là một câu chuyện về sự chấp nhận và đối mặt. Và tất cả những điều mà đôi khi cả đời một con người cũng chưa chắc đã trải qua và thấu hiểu hết đó lại được kể bằng một giọng văn thơ mộng, thậm chí còn mang âm hưởng tươi sáng và đầy hi vọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét