Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

[Sách hay] Bố già




Bố già – The God Father – một cuốn tiểu thuyết nổi danh của Mario Puzo được đánh giá là hay nhất trong tất cả các tác phẩm viết về giới giang hồ đất Mỹ.


“Đằng sau mọi gia sản kếch xù là một tội ác”


Ngày còn bé, tôi rất thường tin vào những câu chuyện mà trong đó cái thiện luôn thắng cái ác. Những người anh hùng lúc nào cũng hiện lên mới thật oai dũng bệ vệ, sức mạnh vô song và luôn chiến đấu hết mình để chống lại những kẻ ác độc giàu có cứu giúp dân lành. Hẳn bất cứ bạn nào cũng một thời tin thế. Những bộ phim hoạt hình hay những câu chuyện cổ xưa đã được khắc ghi trong tiềm thức dường như đã ấn định cho chúng ta cách nghĩ rằng : “Chỉ có người thiện mới là người giỏi.” Thế nhưng sau khi đọc Bố Già, tôi lại bắt đầu có những suy nghĩ khác.


Trong câu chuyện Ông trùm, Bố già, don Corleone hiện lên là một con người tuy có vẻ ngoài chất phác nhưng lại mang một khí thế khiến người người phải kính nể. Xuất thân từ vùng đất Sicily nhuốm đầy bạo lực, tranh chấp, những băng đảng Mafioso đầy máu mê làm giàu sống theo cách của riêng mình, ông thật sự hiện lên là một con người tài giỏi đáng gườm. Trong thế giới cá lớn nuốt cá bé, luật rừng thống trị và chỉ duy nhất Ormeta(luật im lặng) được kính nể, Don Corleone từ một chàng trai chất phác hiền lành đã vươn lên bằng trí thông minh, tầm nhìn xa trông rộng, tài thuyết giao đầy nhẫn nhịn nhưng không kém phần đanh thép, một tinh thần không thể gục ngã, giữ chứ tín hết mình và đặc biệt, điều hiếm tìm thấy ở một kẻ được gọi là Mafioso, đó là tình cảm. Tuy tình cảm của ông trùm dựa trên nền tảng có lợi, nhưng không vì điều đó làm giảm nhân cách của ông: ông luôn tận tình giúp đỡ trong khả năng của mình, và cũng không bao giờ đòi hỏi trả ơn một cách quá sức đối với người nhận ơn. Nhờ khả năng tuyệt vời của ông, gia tộc Corleone đã vươn lên thành một trong những gia tộc mạnh nhất đất New York, quyền lực bao la, tầm ảnh hưởng rộng khắp.


Xuyên suốt câu chuyện Mario Puzo đã dựng lên một thế giới trong bóng tối, nơi máu me và tội lỗi dường như không bao giờ nghỉ. Những kẻ súng giắt lưng dao kè kè lúc nào cũng là nỗi ám ảnh của các nhà chức trách hay những công nhân lương thiện. Thế nhưng trong đây, những tệ nạn đó dường như chỉ làm tăng thêm uy thế của ông trùm, và đặc biệt, điều khiến tôi ngạc nhiên hơn cả, đó là tính công bằng. Trong thế giới của Bố già, điều không ai có thể tượng tượng ra là bất cứ kẻ nào kể cả tay chân tiểu tốt cũng có thể nhận được những điều mà mình xứng đáng được những, những điều xứng với công sức của họ. Thậm chí trong truyện còn tạo nên một tình huống dở khóc dở cười: một công dân lương thiện lại đi cầu cứu trùm mafia để đòi lại công bằng cho người con gái bị bạo hành của mình khi quan tòa đã bị đồng tiền làm mờ mắt. Và ông trùm, quyền lực ô dù của ông và đồng tiền, đã giúp người công dân lương thiện đó thực hiện công bằng bằng cách “dùng nắm đấm”. Trong “bố già” như còn phê phán một thời xã hội nhiễu loạn, khi mà những Don lại là những kẻ quyền thế nhất, khi mà đồng tiền chi phối mạnh mẽ kể cả bộ máy nhà nước, những quan chức chính phủ và thậm chí là cảnh sát.


“Bố già” cũng bóc trần sự thật về bản chất con người, đó chính là lòng tham. Từ trong thâm tâm kẻ nào cũng có lòng tham, và có thể làm mọi việc để có thể thỏa mãn lòng tham vô đáy đó. Có thể có nhiều lý do biện hộ cho lòng tham đó, nhưng không phải vì những lí do đó mà có thể xóa nhòa được bản chất con người. Và đôi lúc còn người còn bán rẻ cả nhân phẩm, linh hồn mình vì lòng tham vô độ.


Trong “Bố già” cũng hiển hiện một điều khá là rõ ràng, đó là hầu như những Ông trùm đều giàu, rất-giàu, giàu hơn vô số lần những công-dân-lương-thiện. Và những “chân rết” của các ông, đặc biệt của Ông trùm Corleone thì cũng sung sướng và đầy đủ không kém. Những đồng tiền đó là phạm pháp. Các ông trùm đã xây nên những đế chết quyền lực đầy ảnh hưởng và kiếm ra cả một gia tài kếch xù dựa trên những “món” tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn lậu, sòng bạc, đánh cá, hộp đêm,... Điều đó hẳn là không tốt cho xã hội. Nhưng không phải vì thế mà người ta có thể phủ nhận khả năng của những “ông trùm” đó. Họ là những người tài giỏi, vô cùng tài giỏi, tuy là dân giang hồ mà dựng xây được cả một cơ nghiệp đồ sộ với những số tiền đáng ngỡ ngàng. Họ cũng chịu thất bại, chịu nhường bước, rồi lại tiến lên, lại tiếp tục dựng xây. Ngoài sự thông minh, tính toán, sự cân nhắc rõ ràng cùng tầm nhìn xa trông rộng, các Don cũng nổi bật lên nhờ sự cố gắng không ngừng, niềm tin đanh thép, sự tôi luyện trải qua tháng năm và quyết không nản chí. Tuy những sai lầm của họ có thể đánh đỏi bằng một gia tài, bằng nhiều mạng người hay thậm chí là mạng sống của chính họ, thì tại sao vẫn có vô số kẻ muốn theo chân họ?


Đặc biệt trong “Bố già” còn ngầm ca ngợi bản chất lương thiện dù nhỏ bé trong mỗi con người. Có thể những kẻ đó hoàn toàn biến thành quỷ dữ, biến thành những con mãnh hổ, nhưng trong thâm tâm vẫn le lói ánh sáng của tình thương yêu, thông cảm, lòng yêu đời yêu người. Ông trùm Corleone luôn cố gắng giúp đỡ bạn bè bất cứ khi nào có thể, yêu thương con và vợ hết lòng, tôn trọng con người và luôn mong muốn các con có thể thoát ra khỏi con đường của ông. Và khi không may chiến tranh giữa các gia tộc xảy ra, con trai út của ông cũng buộc phải tham gia vòng chiến, thì chính Michael cũng mong muốn có thể đưa con trai ra khỏi con đường của mình. Họ đều muốn hướng đến bản chất tốt đẹp, cái lương thiện trong xã hội. Trong ác có thiện, trong thiện có ác, không gì là tuyệt đối cả. Mọi thứ chỉ là khái niệm.


Và điều cuối cùng tôi nhận ra được rằng, ở những nơi kể cả trong một thế giới nguyên thủy chỉ dùng luật rừng, thì chỉ có năng lực mới có thể tồn tại.


Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link đến blog này. Xin cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét