Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

[Sách hay] Nỗi cô đơn của những con số nguyên tố




Số nguyên tố chỉ chia hết cho một và cho chính nó. Sự thật hiển nhiên đó tồn tại từ rất lâu trong toán học lại trở thành sự thật của cuộc đời.


Nỗi cô đơn của các số nguyên tố là sáng tác đầu tay của tác giả trẻ người Ý Paolo Giordano, một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vật lý hạt nhân. Cuốn sách ra đời năm 2008 ngay lập tức trở thành hiện tượng của ngành xuất bản Ý và toàn thế giới, mang về cho Paolo Giordano giải thưởng văn học danh giá nhất văn đàn Ý: giải Premio Strega năm 2008. Giordano trở thành người trẻ tuổi nhất trong lịch sử trao giải Strega, giải thưởng gắn liền với những tên tuổi nổi tiếng như Primo Levi, Umberto Eco.


Nỗi cô đơn của các số nguyên tố là câu chuyện về cuộc song hành của cô gái trẻ Alice và chàng trai Mattia. Cấu trúc theo từng chương đan xen nhau kể về cuộc đời của hai con người cô độc dẫn người đọc từng bước tiếp chạm thế giới đơn côi của số nguyên tố. Tính cách, thân phận của Alice và Mattia đều được dẫn dụ từ nỗi đau ngày thơ bé. Alice bị tật nguyền sau một tai nạn khi trượt tuyết. Mattia bị chấn thương tâm lý từ thuở ấu thơ do đã cố tình để lạc mất đứa em gái sinh đôi bị thiểu năng trí tuệ. Những biến cố ấy đã đẩy hai nhân vật vào cánh cửa cô đơn của ngôi nhà nội tâm, không muốn sẻ chia, không muốn gần gũi với bất kỳ ai, kể cả cha mẹ mình. Alice đến trường trong sự khinh khi, bạo hành của bè bạn. Còn Mattia lại cảm thấy gần gũi với những con số hơn là với thế giới loài người. Rồi họ gặp nhau ở trường trung học, họ thấy gần nhau, thấu hiểu nhau nhưng chưa bao giờ họ bước qua được "vạn lý trường thành của hai vũ trụ chứa đầy bí mật" (Xuân Diệu). Mattia gọi mình và Alice là cặp số sinh đôi, nghĩa là cặp số như 11-13, 41-43 trong số học, đứng gần nhau, cùng cô độc như nhau nhưng chẳng bao giờ vượt qua được lằn ranh của con số đứng giữa. Họ đã yêu nhau trong thầm lặng dù Mattia sau khi tốt nghiệp đại học nhận lời làm việc ở một nơi xa, còn Alice lập gia đình với một người đàn ông khác. Chín năm cách trở, hai số nguyên tố sinh đôi đó vẫn chỉ chia hết cho một và cho chính mình. Họ gặp lại nhau, tưởng sẽ vỡ oà tất cả, nhưng rồi mỗi người lại trở về với thế giới của riêng mình, đúng như định mệnh của các cặp số sinh đôi.


Nỗi cô đơn vẫn hằng hữu trong nội tâm của những người trẻ tuổi. Sự thật đó vượt qua mọi biên giới. Có lẽ vì thế mà ta thấy gần gũi với Giordano. Ta gặp bạn bè, gặp chính ta trong từng trang viết của một người Ý xa lạ. "Thế giới sẽ ngày càng trở nên hỗn độn hơn mà thôi, những âm thanh ồn ào sẽ ngày một to hơn, chát chúa hơn, lấn át mọi tín hiệu liên kết" (trích Nỗi cô đơn của các số nguyên tố). Con người không vượt thoát được nỗi cô đơn, không vượt qua được những hàng rào tự dựng với thế giới xung quanh và cũng không cho phép ai bước vào thế giới của mình. Họ chỉ còn biết độc thoại và bấu víu vào chính nỗi cô đơn.


Sự cô đơn mà Giordano nhắc đến không phải là nỗi cô đơn của những cái tôi lãng mạn, cũng không siêu thực như nỗi cô đơn trong tiểu thuyết Murakami Haruki. Nỗi cô đơn của Giordano là một thực thể có nguồn cội, là ám ảnh của vết xước tuổi thơ, là hệ quả những áp đặt của người lớn đè nặng lên trẻ con, là tiếng khóc lạc loài của một bước chân lầm lỡ, là thái độ bất cần nuôi dưỡng những con tim yếu đuối. Nỗi cô đơn ấy có mặt khắp nơi trong những tâm hồn trẻ quá nhiều bối rối, quá nhiều băn khoăn trong thời đại toàn cầu hoá này.


Paolo Giordano khởi phát tiểu thuyết của mình từ một ý niệm toán học và dẫn dắt ý niệm đó vào những suy nghiệm cuộc đời. Tư duy toán học, vốn quen thuộc với một nhà khoa học đã không làm mờ đi cảm xúc của một nhà văn trong Giordano. Nỗi cô đơn của các số nguyên tố vì thế vừa có được sự trầm tĩnh, chắc chắn của những con số, vừa dạt dào cảm xúc của văn chương. Và có lẽ, đi đến tận cùng, văn chương, toán học, khoa học... sẽ gặp nhau!


Có một thế giới số chứa những con số nguyên tố cô đơn. Và có một trần gian dung chứa những nỗi niềm cô độc.


                                                                                    Nguồn: SGTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét