Thật tình mà nói thì tôi nhắm đến Số đỏ
của Vũ Trọng Phụng trong nhà sách vì thứ nhất là nó giảm giá tới
tận 50%! Và thứ hai là bất cứ bạn học sinh nào từng học qua lớp 11
hẳn đều sẽ biết đoạn trích “Hạnh phúc một tang gia” trích trong tác
phẩm này.
Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó
Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ
vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan
bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu
Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo
thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là "sinh viên trường thuốc",
"đốc tờ Xuân". Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người
giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại
tình. Xuân còn được bà Phó đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời
làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được
mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch
trước kia rồi đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận
động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với
quán quân Xiêm. Vì để giữ tỉnh giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận
đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng
hiểu hành động "hi sinh vì tổ quốc của mình", được mời vào hội Khai
trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và
cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.
Theo Wikipedia
Để
nói một từ tóm lại về tác phẩm “Số đỏ”, đó hoàn toàn là một tác
phẩm trào phúng. Nghệ thuật trào phúng và giọng điệu cũng mang phong
vị trào phúng nốt khiến tác phẩm hiện lên rõ nét là một lời tố cáo
và phê phán chua cay xã hội “văn minh” thời bấy giờ. Có đọc “Số đỏ”
mới thấy thấm thía được cái “chuẩn mực xã hội” mà con người luôn
miệng ca ngợi và vừa gắng mình vừa quan niệm kẻ khác cũng phải làm
theo. Với tôi những “chuẩn mực xã hội” có thật là “chuẩn mực” đi
chăng nữa thì vẫn chỉ là thứ do con người nghĩ ra, hay nói đúng hơn,
thứ mà mọi người cứ nghĩ mình phải làm theo, rằng những ai không
làm theo thì không xứng đáng được liệt vào “văn minh” với chả “hiện
đại”. Có một chuẩn mực là tốt, nhưng nếu cái chuẩn mực đó trở nên
ngu ngốc ngớ ngẩn và ép kẻ khác làm theo thì thật thứ chuẩn mực
đó chỉ là thứ trò vô bổ bịp người bịp mình. Cũng như trong “Số đỏ”,
thứ “chuẩn mực” mà những nhà “Cải cách xã hội” đặt ra thực khiến
bất cứ ai cũng phải phì cười và lắc đầu thở dài. Những “chuẩn mực”
đua đời theo phong cách Tây nhưng lại biến hóa nó thành một thứ tởm
lợm nửa nạc nửa mỡ không chỉ bôi bác cả phẩm chất những kẻ ngù
ngờ quyết định theo cái thứ “chuẩn mực” đó và thậm chí, phỉ báng
cả những nền văn hóa gốc được “copy-paste” theo. Để rồi rốt cuộc, khi
những hậu quả của mấy thứ “chuẩn mực” đó xuất hiện qua ngòi bút
trào phúng của Vũ Trọng Phụng, người ta sẽ dễ dàng lắc đầu ngán
ngẩm trước một xã hội lố lăng, giả dối, đầy những quan niệm ngu
ngốc và những kẻ xảo trá bịp bợm, những kẻ đủ vô lương tâm để thấy
người thân chết là may mắn, những sự việc hết sức ngớ ngẩn thế mà
lại có thể trở thành một sự kiện,.... “Số đỏ” – một tác phẩm phản
ánh cả một thời kì lầm đường lạc lối của xã hội Việt, phản ánh
những bản chất xấu xa nhất trong con người, tố cáo những thói đời
phi lý một cách hài hước, để rồi cuối cùng để lại cho người đọc
những suy ngẫm chua cay.
Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét