Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

[Sách hay] Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai




Thực ra mà nói tôi nhìn thấy quyển sách này hàng chục lần nhưng chưa từng có ý định mua nó: sumary có vẻ hứa hẹn một câu chuyện tình khá “sến”. Nhưng một buổi tiệc nhỏ nhỏ với kha khá mấy thằng bạn hơi tưng tửng, tôi nốc độ hai ba ly vodko ngay trước khi cô bạn đón tôi đi mua sách. Và tay tôi đã vơ thẳng vào quyển sách này. Ấy vậy mà khi đọc tôi lại không thể dừng lại. Tôi đã có thể lờ mờ hiểu vì sao Griet lại được mệnh danh là nàng Monalisa của Bắc Âu.


Khung cảnh dựng nên ở thành Delft đất Hà Lan những năm 30 đến 70 của thế kỉ thứ 17. Câu chuyện của Tracy được dựa trên bức họa nổi tiếng “Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai” của họa sĩ Johannes Vermeer. Câu chuyện kể về cô gái Griet sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi bố bị mù lòa không còn đủ khả năng cáng đáng gia đình và cậu em trai đã ra đi học nghề sớm, cô đã phải đến làm hầu gái của gia đình họa sĩ Vermeer. Trong thời gian làm việc ở gia đình Johannes cô đã gặp đủ những rắ rối với cô chủ nhà khó tính, bạn đồng nghiệp hay cằn nhằn, cô con gái chủ nhà ma mãnh khó bảo và bị một gã quý tộc bảo trợ cho gia đình họa sĩ giở trò. Nhưng bằng một cách nào đó, Griet ngày càng gần gũi với ông chủ hơn – điều này đã gây nên không ít sóng gió ở trong căn nhà vốn ngăn nắp của họa sĩ Vermeer – và nhanh chóng lan ra khắp nơi.


Trong câu chuyện Griet hiện lên vô cùng trầm lắng ít nói, thái độ biết điều và thông minh theo cách của riêng cô. Cô có đức tin và luôn bình tĩnh đối diện hoàn cảnh. Trong thế giới của Griet dường như không điều gì hoàn toàn đơn thuần như con người định nghĩa và buộc nó vào định nghĩa đó. Ở cạnh ông chủ của mình, Griet cảm nhận được một thứ tình cảm mơ hồ mà bản thân cô không hề nhắc đến trong truyện nhưng dường như tình cảm ấy cứ một lớn dần qua từng trang, kêu gào vùng vẫy không ngớt. Thậm chí trong từng câu chữ ngắn gọn không mấy khi nói về tình cảm của bản thân thì cảm xúc của Griet dường như vẫn tràn đầy. Bằng một cách nào đó, ông chủ và Griet đã cùng nhau lặng lẽ trong một thế giới của riêng hai người, nơi những món đồ hiếm khi xê dịch, nơi những cánh cửa chớp ít lau để điều chỉnh ánh sáng, nơi những bối cảnh quen thuộc cho bức tranh của ông chủ, và nơi những sắc màu rực rỡ phong phú chồng chồng lớp lớp hiện lên đa dạng đầy màu sắc. Những bức tranh được phủ những lớp mày “giả” tối đen phía dưới, và phải chồng rất nhiều những lớp khác mới có thể đến được màu sáng phủ ngoài. Liệu có giống như cuộc đời thẳm sâu bên trong mịt mùng tối tăm dù bên ngoài vẫn trưng bày vẻ rạng rỡ? Và những màu sáng đó cũng phải được nghiền công phu, lọc kĩ càng nhất mới có thể có được độ min tuyệt vời để lấp đầy những khoảng màu tối trên tấm toan vải của ông họa sĩ.


“Câu chuyện có một dòng chảy đặc biệt riêng”


Theo một cách nào đó, người đọc cũng khó có thể xác định được tình cảm giữa ông họa sĩ Vermeer và nàng Griet là gì. Toàn bộ tác phẩm không có mọt chữ “yêu” nào. Không có những cao trào về tình cảm, không mơn trớn đắm say, họ chỉ ở cạnh nhau lặng lẽ đơn thuần như chỉ là sự giao cảm giữa hai người có cùng tâm hồn, cùng cách thưởng thức. Dường như họ coi sự tồn tại của nhau là một điều hiển nhiên vậy. Cứ tưởng như họ sẽ lại gần nhau, nhưng giữa họ luôn có một giới hạn đặc biệt giữ họ ở đúng vị trí. Thậm chí người đọc cũng không thể cảm nhận được chính xác tình cảm của ông họa sĩ. Liệu ông có thật sự yêu Griet hay chỉ coi cô là một trong những hình mẫu đáng vẽ, đáng chú tâm, và sau khi hoàn thành bức tranh về cô là đến lúc phải dọn dẹp như dọn những mẫu vẽ khác? Gần cuối truyện vợ ông đã hỏi ông vì sao ông không bao giờ vẽ nàng, ông đã trả lời rằng nàng không thuộc về thế giới của “họ” – của ông và Griet, thế giới dường như trong ảo tưởng. Tôi tự hỏi không biết có phải ý ông rằng nàng Catharina là người vợ ông không thể bị thay thế giống như những mẫu vật của ông không? Giống như nàng Griet – người tưởng chừng có mối giao cảm sâu sắc với ông thì dường như lại yêu những bức tranh của ông hơn. Không giống như nàng Katharina, nàng yêu chính con người chồng và sẵn sàng nhượng bộ chồng bất cứ điều gì, thì Griet , nếu không phải do những bức tranh, liệu có chú ý đến ông? Chi tiết đôi hoa tai dường như là một vật vừa gắn kết hai người vừa là vật chia tách. Đôi hoa tai thật sự hoàn thiện hình ảnh Griet trong đôi mắt của họa sĩ Vermeer, vừa là vật quyết định đã đến lúc Griet phải ra đi, rời khỏi gia đình để sống cuộc sống của riêng mình. Thật đáng ngạc nhiên khi ở cuối truyện, nàng Griet thay vì giữ lại đôi hoa tai lại đem bán và trở về cùng chàng bán thịt và những đứa con của mình – quyết định về thế giới thực.


Đặc biệt tác giả Tracy đã vẽ được nên hai thế giới kì lạ và tách biệt của Griet. Một là của tuổi mười bảy khi cô trải qua quãng thời gian dường như là mộng với ông chủ trong xưởng vẽ – thế giới chỉ của hai người, tràn ngập bởi màu sắc, sự tĩnh lặng trầm lắng, sự giao cảm giữa hai tâm hồn và lòng yêu cái Đẹp sâu sắc. Nhưng thế giới bên ngoài lại đầy rẫy những rắc rối, những mối quan hệ khó hòa hợp, những mùi thối rữa và bẩn thỉu như móng tay chàng hàng thịt nhưng lại là thế giới cô vẫn phải bám vào để tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Thế nhưng, mười tám tuổi, bức tranh được hoàn thành, và nàng Griet ra đi, bước vào thế giới thực, bỏ lại sau lưng một hồi ức góp phần xây dựng nên con người cô, bồi dưỡng tâm hồn cô và để lại trong cô một khoảng kí ức không bao giờ phai mờ, nơi tình yêu câm lặng, niềm đam mê và bí mật....

Xuyên suốt câu chuyện với lối văn phong trong sách, câu chữ giản dị ngắn gọn đầy xúc tích và giọng điệu giản đơn nén chặt cảm xúc, những mảnh đời hiện lên qua lời kể của Griet có hoàn cảnh riêng, cảm xúc nỗi đau riêng, nhưng vẫn hòa hợp với nhau tạo nên một bức tranh lớn chìm trong một màu thầm lặng.

Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét