Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

[Sách hay] Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian




Thật khó để tôi có thế viết về quyển sách này. Ấn tượng về “Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian” gây cho tôi một cảm xúc sâu sắc đặc biệt. Nếu dùng từ ngữ để hình dung, thì “Nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian” có thể dùng: độc đáo, sáng tạo, sâu sắc, triết lý.


Trải nghiệm hoàn toàn có thật của Sherman Alexie ở vùng Anh Điêng nghèo đói, nằm cách Quan Trọng một triệu dặm về phía Bắc và cách Hạnh Phúc hai tỉ dặm về phía Tây.


“Chào các bạn!


Tôi là Arnold Spirit Junior, còn được gọi là Quỹ Đạo hay Địa Cầu vì sở hữu cái đầu khổng lồ chứa đầy nước mà theo cách nói hoa hòe của bác sĩ là mắc phải bệnh tràn dịch não. Thân hình bút chì, nhưng bàn chân lại to đùng cách mạng, nhìn tôi chẳng khác nào một chữ L viết hoa đang đi trên đường. Cái đầu làm khổ cái thân, tôi có đến bốn mươi hai cái răng, bị động kinh ít nhất hai lần một tuần, và tới năm mười bốn tuổi mà vẫn nói l…l…lắp và lói ngọng. Chính vì thế, tôi bị gọi là thằng đần đâu như hai lần một ngày, ăn no đòn là chuyện cơm bữa và là khách VIP của câu lạc bộ Mắt-Thâm-Của-Tháng. Vậy nên, dù thèm ra ngoài chơi chết đi được, tôi vẫn chủ yếu quanh quẩn trong phòng, đọc sách và vẽ tranh. Vẽ tranh để nói chuyện với thế giới, vẽ tranh vì cảm thấy đó là cơ hội duy nhất để mình thoát khỏi vùng Anh Điêng chó ăn đá gà ăn sỏi…”


Ở quyển sách này có một điều gì đó vô cùng đặc biệt khiến tôi khi đọc một trang là không thể dừng lại được cho đến hết trang cuối cùng. Những câu từ ngắn đơn giản dễ hiểu không một chút hoa mỹ nào, những cảm xúc khi viết lên câu chữ dường như phảng phất phong vị đùa cợt không mấy quan tâm, nhưng ẩn trong sự đơn giản đó là những cảm xúc nội tâm mạnh mẽ day dứt. Cậu bé Arnold sinh ra ở vùng đất nghèo khổ, nơi những niềm hy vọng đã tắt, nơi tất cả mọi người đều chìm trong cơn say như muốn quên mọi việc xảy ra, quên rằng họ đang bị khinh bị, bị coi thường, bị lãng quên. Họ mất hết niềm tin chỉ sống qua ngày. Họ chấp nhận hết những cuộc xâm lăng của người da trắng và chấp nhận tồn tại như dưới mác những kẻ chỉ biết đến bạo lực và tệ nạn. Nhưng Arnold, một cậu bé thật đặc biệt, tường chừng ngu đần bệnh tật lại có thể tự mình dứt ra khỏi những tệ nạn đó để đi kiếm tìm hy vọng. Cậu đến ngôi trường dành cho những người da trắng, những người “hy vọng” để học tập với mong muốn sẽ thoát khỏi tương lai tối tăm mà đồng bào của cậu đã mặc nhiên chấp nhận, hoặc bị buộc phải chấp nhận. Ở đó cậu đã cố hết sức mình, học tập chăm chỉ để chứng minh rằng một người Anh Điêng cũng có thể làm nên chuyện lớn. Cậu đã xóa bỏ những định kiến của những người da trắng về dân Anh Điêng, tìm lại cho tìm niềm tin tưởng chừng đã bị nghiền nát, hy vọng tưởng như chưa từng tồn tại.


Thế nhưng việc nào cũng có cái giá của nó. Khi cậu cố gắng dứt ra khỏi viễn cảnh đen tối để đi tìm đến ánh sáng, cậu đã phải trả bằng những người cậu yêu thương. Dù đó chưa bao giờ là lỗi của một người khi họ muốn kiếm tìm hạnh phúc, nhưng đối với hai thế giới quá khác biệt, đặc biệt là bị ngăn cách bởi hố sâu của định kiến và kì thị, cậu đã trở thành mục tiêu bị bắt nạt. Những người Anh Điêng có thể vì quá tức giận khi cho rằng một người trong số mình lại đi sống và làm bạn với những người da trắng, hoặc họ quá ghen tị khi cậu đã đủ dũng cảm để làm điều đó. Những người da trắng vốn bị định kiến làm mờ mắt đã coi thường và ngó lơ sự tồn tại của Arnold. Hai thế giới mà dường như cậu không thuộc về nơi nào tạo nên những áp lực cùng đau đớn khi cậu cứ phải chật vật tồn tại. Thế nhưng, thay vì bỏ cuộc, Arnold lại tiếp tục trưởng thành, mạnh mẽ, dần tin vào bản thân hơn và vẫn kiên cường đi theo quá trình đi tìm hy vọng. Dù trong quá trình đó, cậu buộc phải chứng kiến những người yêu thương của mình rời đi do tệ nạn rượu chè vùi dập, thì Arnold, đau đớn buồn bã, dù có nghi ngờ quyết định của bản thân, thì lại phát hiện ra cậu cần niềm tin hy vọng đến mức nào, để có thể thoát ra khỏi thế giới tăm tối đó. Nhưng không có nghĩa cậu ghét đồng bào! Cậu yêu người Anh Điêng, yêu văn hóa của mình và không một lần phủ nhận điều đó. Cậu chỉ cố gắng sống để chứng minh với người da trắng rằng người Anh Điêng có giá trị, và chứng minh với người Anh Điêng rằng người da trắng không nhất thiết là kẻ thù. Arnold như một sợi dây vô hình tiêu biểu thể hiện cho lòng nhân đạo và tình người: con người ai cũng giống nhau, tất cả đều là anh em bè bạn.


Và, nhờ sự kiên cường của của mình, cậu đã tìm thấy  những người bạn mới, xóa bỏ sự ngăn cách giữa những kẻ lập dị và dân thể thao, tìm ra được những giá trị của cuộc sống. Thật kì lạ khi ngăn cách mỏng mành giữa hai bộ lạc khác biệt lại ngăn giữ họ tìm hiểu nhau đến thế. Đọc “nhật ký hoàn toàn có thật của một người Anh Điêng bán thời gian” bạn sẽ thấy được niềm tin mãnh liệt, hy vọng không  bao giờ lụi tàn và tinh thần đối mặt với hoàn cảnh dù có sợ hãi đến đâu!


Đặc biệt ở trong này tôi muốn nói đến một tình bạn kì lạ. Thật khó khăn để diễn đạt hoàn toàn tình cảm của Arnold với Rowdy. Với Rowdy, tôi không dám chắc tình cảm cậu dành cho Arnold có hẳn là tình bạn không, hay còn là để cậu tự hào về chính mình. Nhưng khi Arnold rời đến trường của những người da trắng họ đã trở thành kẻ thù. Kẻ thù đúng nghĩa. Họ muốn triệt hạ nhau trong những trận bóng rổ. Thế nhưng đến cuối cùng họ lại trở thành bạn. Hai người bạn có mối dây liên hệ vô cùng chặt chẽ gắn kết. À, cái này thì các bạn phải đọc mới cảm nhận được hết tình cảm lạ lùng đó.


À, thật tình thì tôi không thể diễn đạt được hết sự mâu thuẫn trong cảm xúc của quyển sách tuyệt vời này, dù tôi rất thích phân tích và thích các sắc thái phức tạp của chúng. Nhưng nếu bạn chọn “Nhật ký hoàn toàn có thật của người Anh Điêng bán thời gian”, tôi tin bạn sẽ không hối hận!


Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét