Thực sự ra mà nói tôi chưa bao giờ là fan của “Bắt trẻ đồng xanh” kể cả trước hay
sau khi đọc. Nhưng tôi nghĩ Nhã Nam đã tạo nên những điều tuyệt vời
trong quá trình quảng cáo, thiết kế sách, nên dù với một người tôn
sùng chủ nghĩa chất lượng tác phẩm như tôi cũng bị thu hút bởi sự
đơn giản của bìa. Thế nên sau khoảng độ n+1 lần nhìn thấy “Bắt trẻ
đồng xanh” và cũng đủ ngần đấy lần tôi tự hứa suông với bản thân
rằng sẽ mua ở lần tới, tôi mới đủ can đảm đem quyển sách màu xanh
đó về. Một quyển sách bìa xanh cả hai măt, chẳng có gì ngoài 2 dòng
chữ tiêu đề “Bắt trẻ đồng xanh” và tên tác giả J.D. Salinger khiến tôi
chưa đọc đã có cảm giác...hơi u tối mịt mùng.
Tính tôi hơi
quái, nên thay vì đọc những bài review trên mạng trước rồi mới quyết
định mua sách thì tôi lại muốn đến tận nơi, chọn tận tay, đọc tận
mắt và tự cảm nhận xong rồi mới đi tìm review để tham khảo ý kiến cảm
nghĩ của người khác về quyển sách mình đã đọc – cách nhìn của mỗi
người đều khác nhau và có điểm độc đáo riêng, nhưng khi chưa có quan
điểm của mình mà đi tìm hiểu quan điểm của người khác thì thật
chẳng khác gì nhét mình vào giữa mớ hỗn độn của ý kiến. Thế nên
không thể tránh được việc hơn một lần tôi mua phải một tác phẩm dở
chỉ vì cái sumary cuốn hút và mấy trang tôi lật phải đọc dễ trôi.
Thế nhưng với bản dịch “Bắt trẻ đồng xanh” của Phùng Khánh, tôi tin
rằng tôi không hề hối hận (dù nó được mua giảm giá ở hội chợ đi
chăng nữa.)
(Từ bài này
tôi sẽ cố gắng nói sơ lược về tác giả và bối cảnh sáng tác của
các tác phẩm, như vậy sẽ có thể tìm hiểu và đánh giá tác phẩm rõ
ràng hơn)
J.D. Salinger là
một nhà văn Mỹ được đánh giá là một trong những tác giả bí ẩn và
khó hiểu nhất. Ông để lại rất ít tác phẩm trong đó có “Bắt trẻ
đồng xanh” – “The Catcher in the rye”. “Bắt trẻ đồng xanh” được xuất bản
lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 1951, sáu năm sau khi Đệ Nhị Thế Chiến
kết thúc. Sau khi chiến tranh kết thúc, nền kinh tế Mỹ phát triển
mạnh mẽ do thuộc phe thắng lợi và nhận được nguồn lợi to lớn từ
buôn bãn vũ khí trong chiến tranh. Mỹ cũng có nhưng ảnh hưởng vô cùng
to lớn đến toàn cầu. Trong khoảng 20 năm đầu tiên sau chiến tranh người
Mỹ rất tin vào quan điểm phản đối Liên Xô và Chiến Tranh Lạnh (Cold War – 1945-1991), tán thành những chính sách củng cố quyền lực của
Chính phủ Mỹ (Chính phủ Mỹ bấy giờ tăng cường ngăn chặn xóa bỏ chế
độ Xã hội chủ nghĩa, đàn áp phong trào giải phóng dân tộc và tiếp
tục đẩy mạnh thao túng các nước Đồng Minh). Nhưng đến những năm 50 khi
những giá trị văn hóa của Mỹ trở về tính chuẩn mực và bình ổn,
lại bắt đầu xuất hiện những “Thế hệ lập dị” phản kháng lại những
quy ước chung, thách thức tôn ti trật tự và gây ra những cú sốc về
mặt văn hóa. Thế hệ này nhấn mạnh vào tính tự phát và tâm
linh, thích dùng trực giác hơn
lí trí, và theo đuổi tìm hiểu những thuyết thần bí phương Đông hơn
là tôn giáo kinh viện phương Tây. Có thể nói Holden Caulfield trong “Bắt
trẻ đồng xanh” là một mẫu hình tiêu biểu cho thế hệ thanh thiếu niên
nổi loạn ở Mỹ thời kì đó. Hay nói cách khác, đây là một thời kì
văn hóa hỗn loạn chưa thể tách biệt rõ ràng, và Holden cũng như giới
trẻ thời đó, lòng mang những nghi kị mơ hồ đang tìm cách vùng vẫy
tìm ra chân lý của bản thân.
“Bắt trẻ đồng xanh” đã gây ra rất nhiều tranh cãi vì nó được cho là đề cập một cách kín đáo về các vấn đề tôn giáo, giáo dục, chính trị và văn hóa. Tuy vậy số lượng sách được bán ra vẫn tăng chóng mặt và số lượng tiêu thụ khi xuất bản khổng lồ không thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của “Bắt trẻ đồng xanh”. Mãi về sau “Bắt trẻ đồng xanh” mới được thừa nhận và đưa vào trong giảng dạy của Mỹ.
Xuyên suốt cả
câu chuyện hầu như là một cảm giác chán chường hồ nghi với mật đồ
chửi thề dày đặc và những câu phê bình con người một cách thẳng
thừng đến độc ác, song lại không khiến Holden mang vẻ khốn nạn. Ngay
cả khi Holden bị đuổi học liên miên, bỏ trường đi uống rượu, gọi gái
làng chơi, đánh nhau hay chửi thề thì người đọc vẫn dễ dàng cảm
nhận được những cảm xúc phức tạp mờ ảo của chàng trai dường như
đang không biết mình là ai, nên làm gì, nên tin vào cái gì. Thậm chí
Holden có nhắc với thái độ không được mấy tốt đẹp về các công giáo
phổ biến của châu Âu được coi là chuẩn mực chung trong xã hội Mỹ
thời bấy giờ. Lối nói ngôi một và cách diễn tả dường như không được
mấy liên kết tạo cảm giác Holden không hề quan tâm đến mọi việc xảy
ra xung quanh, xong cách nghĩ về nó lại thể hiện rõ ràng sự quan tâm
của cậu đến sự hỗn loạn trong xã hội: tính điệu bộ, giả tạo,...
Dù cách đánh giá con người xung quanh mang tính tiêu cực nhưng Holden
thấy thương hại họ nhiều hơn là ghét bỏ họ. Trong Holden có những mâu
thuẫn mãnh liệt khát khao tìm ra bản thân, tìm ra con đường và ý
nghĩa của cuộc sống.
Nhân vật
Antolini mà Holden yêu mến đã nói:
“Chú không nghĩ
rằng mọi sự đều có một thời gian và một nơi chốn riêng biệt thích
hợp cho nó hay sao?”
Câu hỏi này
bản thân tôi nghĩ không chỉ đặt ra cho Holden trong cuộc đối thoại
phiếm giữa hai người mà còn là câu hỏi cho một thế hệ. Mọi chuyện
đều có một thời kì của nó, khi ảnh hưởng của nó hoặc mạnh mẽ
nhất hoặc yếu ớt nhất, song nhất định sẽ có trầm bổng lên xuống,
và xuất hiện khắc mất đi. Cũng như những tâm trạng rối bời băn khoăn
của Holden, câu hỏi muốn hỏi hẳn cả một thế hệ dường như đang đánh
mất phương hướng. “Nơi chốn riêng biệt thích hợp cho nó” có thể nói
đến trong tâm và ngoài xã hội. Chỉ khi con người thật sự nghĩ về nó
thì nó mới có cơ hội phát triển và tồn tại, từ đó thành một quan
điểm mới. Tôi nghĩ Antolini đại diện cho mẫu người tuân theo chuẩn mực
chung trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Cũng như rất nhiều người Holden
cho là “bộ tịch” khác, họ “chưa” hoài nghi.
Holden đã nghĩ
“Có một
vài điều không thể quy nạp hay giản lược gì hết. Nghĩa là thầy không thể nào cứ quy nạp và giản
lược một điều gì chỉ vì một người muốn thầy làm thế.”
Câu trả lời
này giống như câu tuyên bố rằng một xã hội, chính quyền không thể ép
buộc một chuẩn mực nào đó khiến người khác phải thi hành. Cái gì
cũng có tính phức tạp riêng mà không thể cứ “quy nạp, giản lược” là
dễ dàng tồn tại. Có nhiều điều không thể quy nạp và giản lược mà
phải tách từng cá nhân ra để nhận xét, đánh giá. Nhiều luồng ý kiến
khiến nó phức tạp hơn nhưng cũng sẽ đưa ra nhiều điều mới mẻ hơn
những quy phạm chuẩn mực áp đặt.
Đặc biệt nhất
có một câu nói trong tác phẩm mà ai đọc hẳn cũng chú ý, đó là ở
đoạn đối thoại của Holden với em Phoebe yêu quý của cậu. Em đã hỏi
cậu rằng cậu thật sự thích cái gì, cậu đã trả lời: “Nếu một đứa
nào bắt được một đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh...”, “Thế
đấy, anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò gì đó trong
một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con, và không có ai ở
đấy – không có ai là người lớn, anh muốn nói vậy – trừ anh. Và anh
thì đứng trên một mỏm đá điên khùng nào đó. Điều anh phải làm là,
anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy đến gần mỏm đá. Nghĩa
là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, thì anh sẽ
nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng.”
Nếu đọc không
kĩ hoặc thật lòng không thích tác phẩm, bạn sẽ không nhận ra được
điều kì lạ này trong giấc mơ công việc của Holden Caulfield. Nếu theo
suy đoán của tôi (và vài tài liệu liên quan) thì Holden muốn ám chỉ
mình – thế hệ của mình – đã bị rơi xuống vực thẳm cạnh cánh đồng
xanh anh tưởng tượng đó, bị rơi vào trong hỗn loạn mờ mịt chưa thấy
lối ra. Thế nhưng những đứa trẻ ngây thơ như em Phoebe thì khác, các em
vẫn còn là những đứa trẻ ngây thơ chưa bị dính bất cứ một tiêu
chuẩn hay định kiến nào trong xã hội mà vẫn còn có thể vô tư chơi
đùa. Và Holden ngưỡng mộ sự vô tư đó. Anh muốn là người khác hẳn
những người khác, đứng ở mỏm đá cạnh vực ở đồng xanh để bắt lấy
những đứa trẻ có thể đang bị lạc đường hay không chú ý mình đang
làm gì tránh khỏi rơi xuống vực tối hỗn loạn. Điều này giống như
một giấc mơ đạo đứcmong muốn một tương lai tươi đẹp. (Thật sự rất
khó giải thích – những điều tác giả muốn thể hiện khá mơ hồ để có
thể viết ra thành ngôn từ trên giấy. Nếu đọc bằng cảm nhận và lí trí
thật sự bạn sẽ hiểu dù chưa chắc đã diễn đạt được)
Đặc biệt trong
đó có một cảnh khi Holden cho tiền quyên góp cho những nữ tu sĩ.
Trước đó Holden rất băn khoăn và thực chất là cậu “vô thần” (không đi
theo một tôn giáo đặc biệt nào), thế nhưng cậu cũng bày tỏ rõ quan
điểm là không kì thị hay chê bai nó, cũng không khó chịu hau có ý
kiến về bất cứ người theo đạo nào, song điều đó không có nghĩ là
cậu không nghĩ đến nó và không làm việc tốt. Điều này như muốn
khẳng định dù nằm ngoài quy phạm chuẩn mực của xã hội chưa chắc
Holden đã là một người xấu xa. Cậu chỉ lạc lõng trước những “bộ
tịch, giả tạo” của cuộc sống và dám bóc lớp mặt nạ của xã hội mà
thôi.
Thực ra mà nói
tôi cũng từng trải qua một giai đoạn gần gần như Holden: lạc lối,
không biết tìm kiếm điều gì, tương lai gần như mịt mùng. Có lẽ tôi
không đến mức bỏ học, song chửi thề và những suy nghĩ tiêu cực vẫn
có xuất hiện. Đọc “Bắt trẻ đồng xanh” dường như đem lại cái gì mới
mẻ hơn. Dù đã vượt qua được trạng thái đó, xong ở tuổi 17 tôi vẫn
nhiều lần hoài nghi. Đến đoạn cuối cùng gần kết truyện khi Holden cứ
liên tục đi qua các quãng đường tưởng tượng rằng mình đang ngày càng
chìm xuống và mất phương hướng trước các ngã rẽ, cậu đã cầu cứu
người em trai Allie đã mất của mình. Thậm chí cậu còn tưởng tượng
sẽ trốn đi thật xa, giả câm giả điếc trước mọi điều và sống trong
bình lặng. Để rồi mọi điều cậu tưởng tượng lại bị gác lại, vì em
Phoebe nhất quyết đòi đi theo. Cậu lại ở lại, lại tiếp tục hành
trình....
Tôi tin chắc đây
là một quyển sách đáng đọc!
Một vài bài review tham khảo:
Đây là bài
viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ
đâu. Nếu muốn chia serxin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét