Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

[Sách hay] Rừng Na-uy




Đến tận bây giờ tôi mới đọc “Rừng Na-uy”. Điều này có vẻ như tôi đã đi chậm thời địa rất nhiều. Mặc dù không thể phủ nhận được sức ảnh hưởng của “Rừng Na-uy” được biết đến ở khắp nơi, tôi vẫn không tài nào mua được nó – vì tôi sợ mình sẽ lại mua phải một tác phẩm văn học hiện đại nói về tình yêu đơn thuần như ngôn tình Trung Quốc hiện này – thể loại truyện tình cảm mà tôi chưa bao giờ đọc nhưng lại mạn phép được đánh giá rằng có đọc xong thì cũng chẳng có được ấn tượng gì đặc biệt.


Nhưng tôi nghĩ rằng uy tín của Nhã Nam đã thật sự được khẳng định trong lòng tôi. Sau rất nhiều tác phẩm rất tuyệt vời, tôi bắt đầu mở lòng hơn và chú ý đến các tác phẩm văn học hiện đại. “Rừng Na-uy” chính là một trong số những tác phẩm đó. Và giờ thì tôi đang thật lòng cảm ơn Nhã Nam đã đem đến cho người đọc “Rừng Na-uy” của Haruki Murakami.


Haruki Murakami là nhà văn hiện đại người Nhật Bản dù ông chẳng quan tâm lắm đến việc mọi người gọi mình là nhà văn hiện đại hay không – đối với ông độc giả là quan trọng hơn cả, và ông quan tâm đến sự đón nhận của độc giả đến những tác phẩm của ông nhiều hơn. Ông sinh năm 1949 tại Kyoto, và sau 29 tuổi ông mới bắt đầu thực sự viết. Ông được coi là nhà văn hiện đại được biết đến nhiều nhất trong và cả ngoài xứ sở mặt trời mọc. Các tác phẩm của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng khác nhau và chúng đều có sự ảnh hưởng riêng.


Tác phẩm “Rừng Na-uy” của ông được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1981 đã tạo một chấn động vô cùng lớn. Lấy bối cảnh Nhật Bản những năm của thập niên 60 khi nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu hồi phục mạnh mẽ sau thảm bại ở Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945).


“Cuộc khủng hoảng của thế hệ trẻ Nhật Bản cuối thập kỉ 1960 trong ‘Rừng Nauy’ không phải chỉ là sự đau đớn của linh hồn và thân xác đang phải vượt qua ngưỡng ngây thơ, mà còn là sự thất vọng lớn lao trước những biến đổi ngu xuẩn của thời cuộc: Phép lạ kinh tế của một đế quốc quân chủ thất trện đang khiến lòng tin mù quáng vào Thiên Hoàng bị thay thế bởi tín ngưỡng cố tính toàn vào sức mạnh của đồng tiền và những ước lệ xã hội kèm theo”

(Trích Lời Người Dịch – Trịnh Lữ)


Đó là một tác phẩm hay! Tôi sẽ không tóm tắt qua tác phẩm, phần vì ai tình cờ đọc bài viết này đều có thể dễ dàng tìm thấy tóm tắt ở bất cứ đâu, phần vì tôi tin rằng đọc sách khám phá sẽ hay hơn nhiều việc đọc tóm tắt, đọc review và (có thể) nghĩ rằng đã hiểu tác phẩm và không mua nữa.


Điều đầu tiên tôi muốn nói đến trong “Rừng Na-uy” đó là triết lý tưởng chừng giản đơn nhưng chi phối hầu hết mọi thứ trong cuộc sống:


“Sự chết không phải là đối nghịch của sự sống, mà là một phần của sự sống. Sống, tức là nuôi dưỡng Chết. Sự chết không phải là chấm dứt, cũng chẳng phải là bắt đầu. Nó ở ngay đây rồi, được chính sự sống nuôi dưỡng.”

(Trích Lời Người Dịch – Trịnh Lữ).


Thực ra mà nói nếu hiểu theo đúng những gì Murakami định diễn tả thì có phần hơi u ám mặc dù khi đọc người đọc dễ dàng cảm nhận được ý Murakami rằng Chết không có gì là đáng sợ nếu chúng ta là người chọn nó. Chết có thể là một sự giải thoát, giải thoát khỏi thân khác cầm tù và những định kiến quy luật xã hội buộc phải tuân theo đang dần ăn mòn linh hồn. Cái gì cũng phải được sinh ra và mất đi, đó là chân lý tồn tại bình thường của cuộc sống mà chẳng ai có thể thoát khỏi. Những cái chết trong “Rừng Na-uy” cũng đều đơn thuần và mang sự tự nhiên như thể nó đã thành dĩ nhiên. Thế nhưng, tuy cái Chết không thực sự đáng sợ, không có nghĩa chúng ta nên chọn cái Chết. Như trong “Rừng Na-uy”, Naoko, Kizuki đều đã lựa chọn cái chết cho mình như một sự giải thoát khi họ không thể tiếp tục vẫy vùng kiềm nén tâm hồn trong thân xác mục ruỗng và tâm trí bị ám ảnh nữa. Theo Trịnh Lữ thì cái chết của những nhân vật trong trắng và dũng cảm trong “Rừng Na-uy” “không đủ kiên nhẫn để hy vọng cuộc đời này sẽ nuôi dưỡng được một cái chết tự nhiên xứng đáng”. Tôi đồng ý với những khủng hoảng họ phải trải qua, nhưng có một điều khác song hành với nó mà không ai có thể chối bỏ được, đó là: quá trình tiến đến cái chết là quá trình trưởng thành. Naoko và Kiziki chưa trưởng thành, nên họ mới “không đủ kiên nhẫn hy vọng”. Họ đã tự mình đánh mất hy vọng – điều có thể khiến con người mãi cố gắng – để tìm đến một sự giải thoát nhẹ nhàng hơn, để lại nỗi đau cho người ở lại. Cũng có câu nói : “Khi bạn sinh ra bạn khóc mọi người cười. Hãy sống sao cho khi bạn chết bạn cười còn mọi người khóc.” Cuộc sống được hình thành và định nghĩa theo cá nhân, rồi nhiều cá nhân mới thành một xã hội và cuối cùng là thế giới. Thế nên thế giới đó có tốt đẹp hay không là do cá nhân nhìn nhận. Những cái đẹp và những cái cao cả có bị thời thế thay đổi làm nhục hay không là do chính con người, thế nên việc quyết định chết đi hay tiếp tục sống để đấu tranh, cố gắng, đối mặt và sửa chữa nó cũng là việc mà nhiều cá nhân phải cùng làm. Và, dù những việc Kizuki hay Naoki làm được cho là dũng cảm, thì tôi vẫn nghĩ cái Chết chưa hẳn là một sự giải thoát. Hãy “sống” trọn vẹn từng giây phút để cái Chết thật sự được đóng vai trò của nó: giải thoát con người khỏi xác thịt và ràng buộc sau khi họ đã thật sự “sống” và “cố gắng”vì nó.


Và, Midori đã như vậy!


Trái hẳn với Naoko và Kizuki đã chọn cho mình cái Chết như sự giải thoát, Midori sức sống, kì lạ, một người sống thực với máu nóng ấm chảy trong cơ thể từng trải qua rất nhiều điều và chứng kiến rất nhiều cái chết lại có thể nhìn cái Chết dửng dưng hơn. Cô như biến thành một tia sáng nhỏ bé trong cuộc đời của Toru, can thiệp vào những vũng bùn lầy tăm tối mà Toru đã tự giam giữ mình cùng với những xúc cảm của quá khứ về Kizuki với Naoko để đem lại cho Toru một tình yêu khác, mãnh liệt, chân thực và sống động hơn. Với cô, “cuộc đời là một hộp sô-cô-la. Họ có nhiều loại sô-cô-la như thế này này, và cậu chỉ thích mấy loại này và không thích mấy loại kia chứ gì? Và cậu chén hết những gì cậu thích, những miếng còn lại toàn những loại cậu không thích bằng chứ gì? ‘Bây giờ thì chỉ còn việc chén nốt chỗ kia thôi chứ làm sao đây, và mọi chuyện sẽ ôkê cả’”. Đúng như Midori mạnh mẽ tràn đầy sức sống, cuộc sống có lẽ là một hộp sô-cô-la. Chúng ta có thể thích điều này điều khác, song cũng sẽ đến lúc chúng ta phải đối mặt với những thứ mình không thích và giải quyết nó một cách khiên cưỡng. Đó là sự trưởng thành. Mỗi lần như vậy, chúng ta sẽ càng trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, và hiểu biết hơn.


Để rồi, sau đó rất lâu, Toru mới có thể nhận ra rằng:


“Bằng cách sống cuộc đời mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết. Hiển nhiên là như vậy, nhưng đó lại là một chân lí duy nhất mà chúng ta phải học mới biết được. Còn cái mà tôi học được từ cái chết của Naoko lại là thế này: không có chân lí nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu, không một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy.”


Reiko (một cô giáo dạy nhạc giúp đỡ Naoko trong thời gian cô ở AMI, từng trải qua nhiều biến động)


“Tất cả chúng ta đều là những con người bất toàn sống trong một thế giới bất toàn. Chúng ta không sống với sự chính xác cơ khí của một chương mục ngân hàng hoặc bằng cách đo đắn mọi đường nét và góc cạnh của chúng ta với dây và máy ngắm.”


Chúng ta đều không hoàn hảo, cuộc sống không hoàn hảo và như thế thế giới cũng sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo cả. Nhưng phải chăng chính điều đó đã tạo nên một sự hoàn hảo khác? Một sự hoàn hảo có đủ đắng ngọt chua cay, hài bi hạnh phúc. Chẳng hay chúng ta sinh ra là để cảm nhận chúng? Đúng quá rồi đi chứ! Chúng ta sao có thể khô khốc và lãnh đạm với cuộc sống đầy những điều cần khám phá? Và những điều chúng ta cần làm là, hãy đứng dậy và khám phá đi, bằng cách của riêng mình. Hãy hướng tới tương lai và khắc ghi những bài học quá khứ đã tạo nên chính chúng ta ngày hôm nay để dùng nó làm nền tảng cho chúng ta vào ngày mai. Đừng bao giờ hối hận về những việc mình đang làm, còn biết mình sẽ hối thì đừng làm! Như bạn của Toru, Nagasawa đã nói: “ Đừng tự trách móc mình. Chỉ những thằng vứt đi mới làm thế.” Nagasawa đã sống đúng như thế, và dù cậu là người vị kỉ, thì cậu đã đấu tranh để sống,đấu tranh vì những điều mình “muốn”.Hãy sai lầm, hãy đối mặt! Hãy là một người “bất toàn” hoàn hảo để sống trong một cuộc sống cũng “bất toàn” hoàn hảo!


Reiko trong “Rừng Na-uy” cũng là một mẫu nhân vật tiêu biểu đã rút chân ra khỏi được vũng bùn lầy tăm tối. Cô đã phải chịu một đả kích lớn nhất mà một người gặp phải: đó là giấc mơ, mong ước, niềm tin đều bị sụp đổ. Sau tám năm trời ở nhà điều dưỡng không một lần dám bước chân ra ngoài vì nỗi ám ảnh, cô lặng lẽ sống yên bình ở một nơi không ai cố gắng che giấu bản thân và cư xử một cách giả tạo như ngoài xã hội. Họ chỉ sống lặng lẽ, chấp nhận những “sự méo mó” của nhau như một điều hiển nhiên và cũng từ đó chấp nhận những “méo mó” của mình. Sau khi Naoko tự tử, Reiko đã ra ngoài, đến tìm Toru, để từ đó đến một nơi mới với những kí ức mới. Reiko – có thể nói – đã thoát ra khỏi được vòng tròn bùn lầy luẩn quẩn giam giữ những linh hồn mục ruỗng dần trong thân xác.


Tình dục cũng được đề cập đến khá thường xuyên sóng vai với những tình cảm rối loạn của Toru. Về mặt tình dục, tôi cảm thấy dường như đó là thỏa mãn xác thịt xác đáng mà ai cũng cần. Trong “Rừng Na-uy”, tình dục càng đóng vai trò như một thứ giúp Toru, Naoko có thể truyền đạt tình cảm và càng gần gũi nhau hơn. Nó như một thứ khiến con người ta tạm thời quên đi những rối tơ vò. Tình dục trong "Rừng Na-uy" hiện lên như một sự giải tỏa niềm cô đơn tột cùng mà các nhân vật vẫn vùng vẫy đi tìm bản ngã của bản thân. 


Trong Rừng Na-uy, thân xác là nơi trú ngụ và phương tiện biểu cảm tự nhiên nhất của tình yêu. Không những hoàn toàn không phải là một "dâm thư", mà ngược lại, Rừng Na-uy là cuốn tiểu thuyết bắt người đọc phải nhận thức được sự ngu xuẩn của mọi thứ dâm tính trong thị trường văn chương, phim ảnh, và trong chính ý nghĩ của con người. Rừng Na-uy chinh phục được độc giả toàn thế giới vì nó đã giúp giới trẻ (và cả những người không còn trẻ nữa) nhận ra cái cao cả theo nghĩa triết học và tự nhiên của tình yêu. Cái cao cả không còn núp bóng lí tưởng và lãng mạn, mà công khai trực tiếp trong tấm lòng trung thực dũng mãnh của tuổi trẻ.

(Trích Lời người dịch – Trịnh Lữ).


Đặc biệt nhất khi nói về tình yêu trong “Rừng Na-uy”. Tôi không dám chắc mình có nên nói đến vấn đề này khi có quá nhiều người hiểu “Rừng Na-uy” hơn tôi và hiểu tình yêu hơn tôi. Nhưng dường như tôi có cảm giác, tình yêu tay ba đó nó lẩn quẩn không lối thoát. Tình yêu Toru dành cho Naoko vô cùng mãnh liệt nhưng lại mơ hồ chênh vênh, còn mới một Midori lại thực sự cảm nhận được sự mạnh mẽ và cuốn hút. Cũng như tình yêu Midori dành cho Toru – một tình yêu đầy sức sống. Nhưng có cái gì đó mơ hồ khiến tôi không thể không tự hỏi: “Không biết đó có hẳn là tình yêu? Hay đó là sự dựa dẫm, sự tin tưởng, hay là sự đồng cảm?” Tôi không biết gì về tình yêu, nhưng tình yêu trong “Rừng Na-uy” khiến tôi thấy vừa mãnh liệt vừa u ám, vừa mơ hồ vừa cuốn hút.


Những chi tiết nhỏ trong truyện cũng được chăm chút cẩn thận và kì lạ. Chẳng hạn như chi tiết chiếc giếng sâu hoắm đen ngòm như tượng trưng cho tương lai sâu thẳm đen tối mịt mùng không lối thoát, lại cũng có thể là cái nhìn tối tăm và sự tuyệt vọng trong tâm trí của nhân vật, lại vừa có thể để chỉ toàn cảnh xã hội cũng đang mịt mùng như chiếc giếng cạn khô không đáy kia. Rồi chi tiết con đường mòn cũng như để nói rằng nếu không muốn bị ngã xuống chiếc giếng của sự mơ hồ hỗn loạn thì phải đi theo con đường đã được vạch sẵn, con đường những người đi trước đã tạo ra. Rồi chi tiết con đom đóm mập mờ.....


Ngay cả tên truyện cũng gợi cảm giác rộng lớn và tăm tối. Đây là tên một bài hát của John Lenon đã từng viết – giai điệu và lời đều rất đơn giản. Nhưng “Rừng Na-uy” lại gợi cảm giác mịt mù tối tăm không lối thoát với vô số những chiếc cây định kiến quan niệm chặn lối tạo nên những đường mòn chằng chịt khiến con người ta lạc lõng chìm đắm trong bóng tối của nó. “Rừng Na-uy” – một khúc cả kì lạ, xứng đáng là một tác phẩm mà theo như lời quảng cáo đã nói: “Cứ 7 người Nhật là có một người đọc ‘Rừng Na-uy’”

Bài hát "Rừng Na-uy"



Đây là bài viết của chủ blog, vì vậy xin hãy tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét