Thứ Ba, 16 tháng 10, 2012

[Sách hay] Kiêu hãnh và định kiến



Đế quốc Anh – Nay là Vương quốc Anh – đất nước nổi tiếng với nghi lễ và quy tắc, được hình thành từ Đại công quốc Anh, xứ Wales, Scotland và Northern Ireland – một siêu cường quốc tư bản của châu Âu cũng như toàn thế giới, nơi khai sinh ra những cuộc Cách mạng công nghiệp làm thay đổi cả nhân loại, Thời kì Khai sáng, ngôn ngữ phổ biến trên cả thế giới với nền văn hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn nhân loại,... Anh cũng sinh ra rất nhiều những nhà phát minh, những nhân tài, những nhà cách mạng lớn, những tác giả ảnh hưởng vô cùng sâu rộng,.... Và nhắc đến nền văn học của Anh quốc không thể không nhắc đến Jane Austen – nữ tác giả được đánh giá là mẹ đẻ của những tiểu thuyết xuất sắc nhất trong nền văn học đất nước này. Jane Austen sinh năm 1775 và mất năm 1817 (hai năm sau bại trận Waterloo của Napoleon Bonaparte). Bà là tác giả của những tuyệt phẩm nổi tiếng như Sense and sesibitily, Pride and Prejudice, Emma,.... Văn phong hài hước dí dỏm những không kém phần châm biếm đã đưa những tác phẩm đậm chất văn hóa, xã hội Anh những năm cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 thời kì Nhiếp chính và chính bản thân bà lên văn đàn Anh quốc với tất cả sự trọng vọng. Jane Austen là con một gia đình trung lưu gia giáo, chưa bao giờ kết hôn và chết khi còn khá trẻ. Trước khi chết bà thường không đề tên cho những tác phẩm của mình, và những “đứa con” của bà cũng chỉ được thật sự đón nhận là trọng vọng sau năm 1811 khi người đọc và các nhà phê bình Anh thật sự nhận ra được giá trị trong những tác phẩm của bà.


Để có thể nắm bắt phần nào tác phẩm, chúng ta nên đi qua bối cảnh lịch sử và tư tưởng của tác phẩm tôi muốn bàn đến trong bài này: “Kiêu hãnh và định kiến”.


“Kiêu hãnh và định kiến” (Pride and Prejudice) được viết và cuối thế kỉ 18, kể về những cuộc tình duyên của năm cô con gái gia đình Bennet ở Lounboun. Phải chú ý rằng, câu chuyện xảy ra sau cuộc Cách mạng tư sản Anh bắt đầu từ đầu thế kỉ 17. Thực ra từ khoảng thế kỉ 15-16, nền nông nghiệp Anh quốc đã dần có sự chuyển biến sang chủ nghĩa tư bản – nhu cầu về len dạ, lông cừu tăng đột biến khiến các địa chủ Anh đuổi dần nông dân lao động. Đặc biệt hiện tượng đó đã làm nảy sinh một tầng lớp quý tộc mới đã tư sản hóa tài sản của cá nhân mình. Chế độ quân chủ chuyên chế (hay còn gọi là phong kiến) ngày càng cản trở sự phát triển của tư sản Anh, trong khi đó nông dân lại vô cùng cực khổ khi phải đối mặt với những tô thuế nặng nề thời phong kiến, từ đó đã sinh ra cuộc Cách mạng Tư sản – sự đối đầu giữa những quý tộc phong kiến hưởng bổng lộc triều đình và sự sản riêng với những quý tộc mới – tư sản – nông dân. Chính từ cuộc cách mạng Tư sản đã làm thay đổi bộ mặt của Anh quốc, đưa Anh quốc từ phong kiến lên Tư Bản Chủ Nghĩa – và đã xuất hiện những tầng lớp mới: trong đó có quý tộc mới là những địa chủ với sự sản cá nhân giàu có, những gia đình trung lưu (thường cũng là các địa chủ nhưng tư sản nhỏ hơn), và nông dân.


Chính từ cuộc cách mạng tư sản này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội về mặt tư tưởng, giai cấp, điều mà được thể hiện rõ nét nhất ở những cuộc hôn nhân khoảng thời gian sau cách mạng Tư sản: sự phân hóa giai cấp nặng nề, nhưng tư tưởng bảo thủ cố hữu và hàng sa số những định kiến mới nảy sinh giữa các giai cấp với nhau. Điều này đã tạo tiền đề cho nữ tác giả Jane Austen viết nên những tuyệt tác của nền văn học Anh quốc, trong đó có “Kiêu hãnh và định kiến”.


“Kiêu hãnh và định kiến” khác hẳn với xu hướng tiểu thuyết lãng mạn mà đã phác họa một cách rõ nét bối cảnh nước Anh với những quy tắc luật lệ áp đặt khá khắt khe, đặc biệt là với người phụ nữ: nhất là với những người phụ nữ trong những gia đình trung lưu. Thời kì này họ chỉ được ở nhà (ra ngoài phải có gia nhân hộ tống), chỉ có thể được gia sư chỉ bảo, hầu hết các ngành nghề đầu khép kín với họ,,... thế nên điều duy nhất có trong suy nghĩ người phụ nữ thời đó cũng như những bà mẹ có con gái là phải giúp con lấy được chồng giàu với hy vọng con có thể đạt được địa vị xã hội tốt cũng như cuộc sống được đảm bảo về mặt vật chất – điều vô cùng khó khăn khi sự phân hóa giai cấp và những tư tưởng mạnh mẽ về cao thấp khiến họ chỉ còn được mong đủ đẹp để lấy chồng giàu. Trong khi đó, những chàng trai quý tộc mới, địa chủ cũng mắc một rào cản lớn lao về mặt “môn đăng hộ đối” trước cách nhìn của xã hội.


Từ hai điều trên đã giúp Jane Austen phác họa nên nữ nhân vật được cho là lôi cuốn nhất nền văn học nước Anh: Elizabeth Bennet – hay còn được gọi là Lizzy. Ngược hẳn lại những hình tượng thông thường về một người con gái cam chịu và chịu sự chi phối của xã hội cung với người mẹ của mình, Lizzy xuất hiện với một tính cách đặc biệt và một đầu óc biết suy xét, niềm kiêu hãnh tự chủ độc lập và tính “phù phiếm” bông đùa đầy dí dỏm nhưng không kém phần bốc đồng đầy sức sống. Cô không hề bị lay chuyển bởi những bàn tán xã hội, không bị ảnh hưởng sâu sắc của định kiến “con gái phải lấy chồng giàu” đã giúp cô có được những cái nhìn sâu sắc và tỉnh táo trước thời cuộc. Mọi chuyện trở nên thú vị hơn khi một Lizzy với niềm kiêu hãnh của riêng mình gặp phải chàng địa chủ giàu có Darcy đẹp trai, kiệm lời với niềm kiêu hãnh cao ngất ngưởng và những định kiến về giai cấp tài sản của Lizzy. Một tình thế đảo ngược được tạo ra rất thu hút và độc đáo: hai người họ lúc đầu cố tránh xa nhau vì Lizzy kiêu hãnh có định kiến riêng về giai cấp của anh Darcy cũng như niềm kiêu hãnh của Darcy cũng những định kiến về thân thế của Lizzy khiến anh muốn tránh xa. Thế nhưng mọi chuyển xảy đến thật tự nhiên khi Lizzy bắt đầu có những cách nhìn khác về Darcy, cũng như anh dần cảm nhận được điều đặc biệt trong cô.


Điều đặc sắc nhất trong “Kiêu hãnh và định kiến” mà theo tôi đó là cách châm biếm cùng thương cảm của tác giả đến xã hội và số phận những người phụ nữ. Bằng một ngòi bút tinh tế độc đáo, bà đã vẽ lên được bối cảnh xã hội Anh quốc bấy giờ đầy ắp sự “phù phiếm” – những thứ mà con người ta thích thể hiện phô trương ra bên ngoài - giả tạo, cung cách rườm rà phức tạp và cổ hủ, cũng với “kiêu hãnh” – thứ tự tôn mỗi cá nhân về bản thân và sự sản của mình, chủ yếu được dùng cho những địa chủ có địa vị cao. Hai định nghĩa về “phù phiếm” và “kiêu hãnh” thường xuyên trùng lặp và quấn vào nhau đã tạo nên một hình ảnh vừa rắc rối cũng vừa cuốn hút về mặt đa chiều, châm biếm hài hước dí dỏm không kém phần chua cay nhưng con người và xã hội đầy sức giả tạo với niềm kiêu hãnh phù phiếm. Chính tính phù phiếm mang danh kiêu hãnh đã khiến những cuộc hôn nhân hướng đến mặt vật chất nhiều hơn là về tình cảm, và rằng người con gái được nuôi dạy chỉ để lấy chồng giàu – điều này đã thể hiện được tinh ý về diễn tả bản chất con người đã bị gia đình và xã hội khuôn đúc. Và lúc này, Lizzy đã hiện lên như một “nữ anh hùng” cá tính mạnh mẽ muốn được thoát khỏi lề thói xã hội đi tìm tình yêu.


Những câu thoại đặc biệt thông minh và cách khắc họa tính cách nhân vật đặc trưng khiến câu chuyện càng lôi cuốn thú vị. Tình yêu được đề cập đến cũng hết sức nhẹ nhàng, có những thăng trầm và rào cản, có những ý nghĩ xuẩn ngốc và bốc đồng, có những điều dịu dàng ngọt ngào, tình cảm giữa người với vời bằng sự chân thành thẳng thắn,.... Tất cả, đã tạo nên một “Kiêu hãnh và định kiến” xứng đáng được mang danh tuyệt phẩm với thời gian.


Đây là bài viết của chủ blog, yêu cầu tôn trọng và không đem đi bất cứ đâu. Nếu muốn chia sẻ, xin hãy dẫn đường link về blog này. Xin cảm ơn!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét