
Trong cuộc sống
xô bồ bon chen, hẳn ai cũng muốn tìm cho mình một pháo đài riêng nơi
tâm hồn có thể thư giãn và đồng điệu với những cảm xúc mà thường
ngày phải kìm nén. Với tôi, “pháo đài” đó có lẽ là cuốn sách
“Những tấm lòng cao cả” của Edmondo De Amicis. Tôi đã đọc quyển sách
này bao nhiêu lần không đếm nổi, đôi lúc chỉ một vài truyện, đôi lúc
là ngấu nghiến hết cả quyết mới chịu dứt. Lần nào cũng thế, những
giọt nước mắt rơi ra trong vô thức như cuốn trôi tất cả muộn phiền hay
thậm chí còn khiến niềm vui được sâu sắc và ngọt ngào hơn. Rất
nhiều lần tôi muốn viết về “Những tấm lòng cao cả”, song những cảm
xúc nó đem đến cho tôi quá mãnh liệt đến mức tôi không biết bắt đầu
từ đâu, và cũng không đủ tự tin để có thể thể hiện chúng thông qua
ngôn từ tầm thường của một đứa triền miên mài đít trên ghế ban A.
Vậy mà hôm nay, sau khi đóng lại trang cuối cùng quyển sách mà hẳn
tôi đã thuộc gần hết, đôi bàn tay lại chạy lướt trên bàn phím không
ngừng nghỉ như thể nếu không viết ra ngay thì những cảm xúc đó sẽ
khiến tâm hồn day dứt.
“Những tấm
lòng cao cả” được xuất bản tại Ý năm 1886 vào ngày khai trường của
Ý (ba năm trước khi Ý hoàn toàn được giải phóng và thống nhất).
Trước đó, khoảng đầu thế kỷ 19 nước Ý bị chia làm bảy nước nhỏ,
bao gồm Lombardia, Napoli, Venezia, Mondena, Toscana bị Áo chi phối, Roma
thuộc Giáo hoàng bị quân Pháp đóng chiếm, và chỉ có duy nhất
Piemonte vẫn giữ được nền độc lập riêng biệt dưới sự cai trị của vua
Victor II và thủ tướng Cavour vốn không đồng tình lắm với chế độ
Cộng hòa và luôn tìm cách kiến thiết củng cố Piemonte và chủ trương
liên minh với nước ngoài (Pháp) để thống nhất Ý. Sau đó các cuộc
Cách mạng liên tiếp nổi lên, tiêu biểu nhất là cuộc Cách mạng của
đảng Mazzini (được thành lập năm 1831 với mục đíchgiải phóng và
thống nhất Ý). Đến tận khoảng 1870 Italia mới hoàn toàn thống nhất
nhờ sự thất bại của Pháp trong chiến tranh Pháp-Phổ. Thời gian
“Những tấm lòng cao cả” ra đời là những năm Đảng Xã Hội Ý đang cầm
quyền và có những điều luật tự do căn bản, song những vấn đề xã
hội về mặt cuộc sống nhân dân sau chiến tranh vẫn còn rất phổ biến.
Tác giả của “Những tấm lòng cao cả” là Edmondo de Amicis người miền
Bắc nước Ý, sinh năm 1846 mất năm 1908. Ông từng tham gia cuộc chiến
giành độc lập Italia lần thứ ba chống lại đế quốc Áo. Sau khi hòa
bình ông rời bỏ quân ngũ và bắt đàu viết các tác phẩm kể lại thời
gian chiến đấu của mình. Không lâu sau khi viết “Những tấm lòng cao
cả” ông gia nhập Đảng Xã Hội Ý.
Chính từ bối cảnh trên đã dẫn đến một cảm xúc
mãnh liệt và cao cả nhất xuyên suốt tác phẩm, đó chính là lòng yêu
nước tha thiết và luôn sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc. “Những tấm lòng cao cả” ca ngợi tình yêu
với chiếc cờ ba màu đỏ cà chua, trắng của phomat Mozarella và xanh lá
húng quế tượng trưng cho đất nước hình chiếc ủng phóng khoáng mà vô
cùng trung kiên. Ai đọc rồi há có thể quên được câu chuyện về cậu bé
trinh sát người Lombardia dũng cảm kiên cường với lòng yêu nước tha
thiết trả lời viên sĩ quan bằng giọng hào hứng được hiến dâng cho tổ
quốc:
“Cháu muốn ấy à, chẳng muốn gì hết...Chết
chửa. Nếu làm cho bọn Áo thì bất kì giá nào chúa cũng không...nhưng
với quân ta thì...Cháu là người Lombar mà...”
Và rồi cậu leo
lên ngọn cây, quyết tâm theo dõi bọn Áo và bị chúng phát hiện. Chúng
bắn cậu. Cậu chết trong niềm vinh quang mãn nguyện của người đã được
cống hiến cho tổ quốc, trong niềm xót thương kính phục của viên đại
tá và những người lính đang xách súng ra đi giải phóng nước nhà (năm
1859 vẫn đang trong cuộc chiến chống Áo). Rồi cậu bé đánh trống cũng
chính vì lý tưởng cao cả và tình yêu thiết tha với quê hương đã chấp
nhận bỏ đi một cái chân để có thể kịp báo tin cho viện quân đến với
tiểu đội đang chống chọi với sự truy lùng của quân Áo. Ấy vậy mà
khi gặp lại người đội trưởng, cậu chỉ cười, cười trong niềm tự hào
và cười trong những khâm phục của biết bao lính tráng,... Tình yêu
nước, tình yêu cao quý và thiêng liêng được xếp ngang hàng với tình
yêu gia đình vốn được cho là cao quý và quan trọng nhất, tình yêu
dòng máu dân tộc chảy trong huyết quản, những truyền thống yếu kém
cũng như tiến bộ của dân tộc,...
Há có thể quên được tình yêu sâu sắc nhất: tình cảm
gia đình. Hãy để những giọt
nước mắt cảm động được thỏa thuê tuôn trào trước sự hy sinh của Julio
ngoan ngoãn hiếu thảo muốn trợ giúp cho gia đình mà mỗi đêm thay bố
viết băng kiếm tiền cho gia đình và cũng để ông bố khốn khổ của cậu
không phải cực nhọc, cho dù điều đó dần ăn mòn sức khỏe của cậu bé
hiếu thảo cũng như mài mòn niềm tin của người bố đối với đứa trẻ
vốn luôn chăm ngoan học tốt kia. Rồi tình yêu vô bờ bến của người mẹ
khóc ngất trước ông hiệu trưởng già hiền từ vì đứa con ngông cuồng
Franti trót vô tâm làm điều xấu chỉ mong cầu xin một cơ hội cho đứa
con đã tự tay giết chết trái tim của bà. Nào ai có thể bỏ qua câu
chuyện về một cậu bé lỡ bước vào con đường cờ bạc lầm lạc mặc dù
thẳm sâu trong tâm hồn còn vẹn nguyên tính bản thiện, trung hậu nhưng
gan lỳ dù vô cùng hối hận đã khiến người bà đáng thương phật lòng
song không thể thốt ra một lời an ủi đã lao ra đỡ cho bà vết chém
của lũ cướp và vĩnh viễn ra đi. Còn cậu bé dùng cảm Marco! Cậu bé
thuần hậu dũng cảm lên đường ngàn dặm xa chịu bao khổ cực gian nan
để tìm người mẹ mến yêu, để có thể cùng mẹ trở về nhà nơi cha đang
chờ đón. Rồi cậu bé Precotxi nữa – cậu bé nhẫn nhục chịu đựng luôn
chăm chỉ học tập và yêu thương người bố bị cái ác mài mòn tâm trí
đã dùng hết sức mình đạt được huy chương danh dự – điều đã thức
tỉnh được bản chất yêu thương tốt đẹp thẳm sâu trong tâm hồn con người
ruột thịt yêu thương kia! Này, liệu có ai đã quên lá thư của bố Enrico
gửi cho cậu khi cậu lỡ vô lễ với mẹ? Hẳn là không! Tình yêu gia đình
và cha mẹ là tình yêu thiêng liêng nhất, và tình yêu nền tảng xây
dựng nên một con người,luôn chở che và bảo bọc con người vô điều
kiện,...
“Những tấm lòng cao cả” còn đề cập đến một thứ tình thương cũng không kém phần sâu sắc
– tình người. Tình cảm giữa những con người không quen biết, tình cảm
giữa những đứa trẻ,...dường như đã trở thành dòng suối sâu sắc ngọt
ngào sưởi ấm trái tim. Cũng như cậu bé anh hùng Robeti đã lao ra cứu
một đứa trẻ khỏi tai nạn và phải trả giá bằng một chiếc chân,
những cô bé nữ sinh đã tìm cách vận động quyên tiền và những bông
hoa nhỏ xíu cho cậu bé nạo ống khói kém may mắn đánh mất tiền công,
cậu bạn Garone lúc nào cũng hào hiệp bảo vệ kẻ yếu thế – đặc biệt
là người bạn Neli yếu ớt tật nguyền – bằng cả một tấm lòng thành
thực và không toan tính; Cậu bé Fransseco trung hậu tốt đẹp đã chăm
sóc một người đàn ông bị tai nạn nặng nề khi tưởng nhầm đó là bố
mình, và kể cả khi nhận ra đó không phải là bố, tình thương trong con
người bé nhỏ đó vẫn giữ chân cậu lại chăm sóc người đàn ông một
cách tỉ mỉ tốt đẹp đến tận những ngày cuối cùng,...... Hãy thương
lấy những mảnh đời bất hạnh và những số phận thiếu may mắn ngoài
kia; Đừng thờ ơ vô cảm, vì hẳn bạn cũng sẽ cầu nguyện thế khi bạn
thật không may rơi vào tình trạng như họ....
Chúng ta cũng
nào có thể bỏ qua được tình cảm và sứ mệnh cao cả của những người
thầy giáo một lòng cống hiến hết mình vì những đứa trẻ dù không
máu mủ ruột rà mà họ vẫn thương như con đẻ, lúc nào cũng vì học
sinh lo lắng yêu thương và chuyên tâm dạy dỗ. Họ đau với nỗi đau của
một người thầy mà cũng đau cùng nỗi đau của học sinh; họ vui khi
những đứa trẻ đáng yêu của mình thành công cũng như buồn vì chúng
phạm sai lầm; cả đời họ dạy bao nhiêu đứa trẻ mà không mong được trả
ơn, chỉ mong mình được níu kéo ở góc nào đó sâu thẳm trong trái tim
những học trò nhỏ mến thương kia. Họ chỉ lo cho học sinh mà thôi, lo
cho tương lai những đứa con của họ. Hãy chăm chỉ học hành như Coretti,
Precotxi, và như những người thợ khác đã đến những lớp học buổi tối
của những người thầy trung hậu tốt đẹp đó chỉ để mong có thêm chút
kiến thức. Hãy trân trong những kiến thức mà những thầy giáo đáng
thương kia đã dạy cho mình – những kiến thức không chỉ về tập đọc
tập tính mà còn là những kiến thức dạy dỗ bản tính tốt đẹp cả
một đời người...
Bạn tôi ơi, hãy
yêu thương và tôn trọng tất cả mọi người, tất cả mọi ngành nghề,
bởi bất cứ ngành nghề nào cũng vô cùng quan trọng trong thế giới
này. Hãy giống như những cậu học sinh đón chào cậu bé xứ Calabria
miền Nam nước Ý mà không chút kì thị (người miền Bắc vốn rất kị
người miền Nam), hãy như ông quý tộc giàu có Carlo đã bắt con trai xin
lỗi vì sự coi thường đến bác bán than và xin bác bán than cho phép
bắt tay như thể hiện sự kính trọng; tôn trọng những người lính đã
đứng lên vì Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc; hãy tôn
trọng kể cả những người bán rau hay tật nguyền, vì họ vẫn là những
người có trái tim tốt đẹp và biết đâu họ biết những điều ta không
thể biết; Đừng ba giờ quên sự nỗ lực đấu tranh,, sự công bình và
tình thương người. Hãy tránh những thị phi và đứng lên vì sự công
bằng, đứng lên để bảo vệ kẻ yếu,....
Nhắm mắt lại,
thở một hơi sâu, để những gì tinh túy và thanh khiết nhất trong cuộc
sống chảy vào tim như dòng suối mát lành trị kẻ đang chết khát. Để
“Những tấm lòng cao cả” trở
thành hành trang tinh thần đầu tiên giúp bạn bước vào đời, để tình
yêu trong lòng luôn vượt cao lên mọi hoàn cảnh. Bên tai tôi, dường như
vẫn văng vẳng bản nhạc L’Italiano của Toto Cutugno năm xưa với giọng ca
hào hùng tự hào vì mình là người Ý:
"Hãy để tôi cất tiếng hát với cây đàn ghi-ta trong
tay
Để tôi hát thật
ngọt ngào
Hãy để tôi cất
tiếng hát vì tôi tự hào rằng
Tôi là một người
Ý, một người Ý thực sự"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét