Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

[Sách hay] Ruồi trâu

Hôm nay tôi đã khóc, khóc vì xúc động!


Tôi không phải một người dễ khóc, thậm chí còn có thể liệt tôi vào dạng chai lỳ. Tôi đã không khóc từ rất lâu rồi, và những giọt nước mắt nếu có lần rơi thì cũng chỉ vì cảm động. Giống như ngày hôm nay, khi tự tay tôi gấp lại quyển sách “Ruồi trâu” đã cũ, những giọt nước mắt cảm động muộn mằn đó đã thật sự rơi ra trong vô thức... Những giọt nước mắt thầm lặng khâm phục mảnh đời của người chỉ còn tồn tại trên trang giấy và hiển hiện qua ngôn từ, cay đắng cho số phận nghiệt ngã và lặng mình trước những huy hoàng khốc liệt của lịch sử...


Ruồi trâu – tiểu thuyết từng làm chấn động toàn bộ nước Nga đặc biệt là sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 cùng toàn bộ các nước theo chủ nghĩa Cộng sản. Tác giả của Ruồi Trâu nói về cách mạng thống nhất nước Ý là Ethel Lilian Voynich (1864-1960). Mẹ bà là nhà triết học nổi tiếng Mary Everest còn chồng là Wilfirt Michael Voynich – một nhà cách mạng người Ba Lan. Cha mất sớm, cô được mẹ gửi sang nhà cậu nuôi, cho đến năm 1882 Ethel dang Đức học tại nhạc viện Berlin. 1886 cô trở về London và từng gặp nhiều nhà cách mạng nổi tiếng thời bấy giờ như G Mazzini, Stepniak và cả Karl Marx.


Câu chuyện bắt đầu từ những ngày tháng yên bình của chàng trai Athur trẻ trung, thông minh với lý tưởng dạt dào và niềm yêu đời tha thiết trong Viện thần học Pisa. Ba anh tuy đã mất, mẹ anh cũng đã về với Chúa ( Athur theo Công giáo), thế nhưng bên cạnh anh còn có Padre Montaneli – vị cố đạo yêu thương anh tựa như con đẻ – luôn yêu thương chăm sóc anh bằng cả trái tim và tấm lòng. Cho đến khi Athur biết đến tổ chức “Nước Ý trẻ” do Giuseppe Mazzini thành lập năm 1831 với nhiệm vụ và mục đích là giải phóng Ý khỏi sự đô hộ nước ngoài và thiết lập Ý dưới chế độ Cộng hòa. Phải chú ý rằng thời kỳ đó Ý vẫn bị chia thành 7 vương quốc nhỏ, gồm: Lombardia, Venezia, Mondena, Toscana, Naples, Napoli đang chịu sự kiểm soát của Áo, Romania (thuộc Giáo hoàng, đang bị Pháp chiếm đóng), và Piemonte. Thời gian đó chỉ có duy nhất Piemonte thoát khỏi sự thống trị của Áo và vẫn tiếp tục duy trì được nền quân chủ lập hiến do vua Victor II và thủ tướng Cavour cai trị. Thủ tướng Cavour là người ôn hòa, không đồng tình lắm với chế độ Cộng hòa mà chủ trương tái kiến thiết Piemonte bằng cách củng cố quân đội, tăng cường kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp và củng cố chính quyền liên minh tư sản và quý tộc phong kiến đã tư sản hóa. Ngoài ra Cavour cũng có chủ trương thống nhất nước Ý thong qua sự giúp đỡ của nước ngoài, cụ thể là Pháp.


Và Athur, chàng trài thánh thiện với lòng tin mãnh liệt trong sáng vào sự thống nhất đất nước thân yêu, gia nhập “Nước Ý trẻ” với mong muốn được chung sức làm Cách mạng giải phóng dân tộc mình trước sự cai trị của Áo. Anh cũng đã đem lòng yêu Giemma, người con gái theo đạo Tin Lành (một nhánh đối lập của Công giáo mà Athur theo) cùng là đồng chí trong tổ chức “Nước Ý trẻ”. Cuộc đời và tương lai của anh xem chừng còn tươi sáng lắm! Thế nhưng dường như trời không chiều lòng người... Padre Montaneli – vị cố đạo yêu thương anh hết lòng – dường như đã nhận thấy được nguy hiểm gì đó rình rập quanh chàng trai với đầy lý tưởng kia – ông muốn ngăn anh bước vào con đường có thể phải trả giá bằng sinh mạng. Nhưng trước lòng quyết tâm của Carino (tên gọi con chiên thân mật – Montaneli gọi Athur) của ông, ông đã chùn lòng, để con trai mình tự dấn bước. Đúng như dự đoán của ông, tai họa đã ập đến: ông phải đi công tác, có thể được thăng chức, và vị cố đạo thay ông không may thay lại là tay sai của quân Áo. Chàng trai ngây thơ Athur đã để lòng ghen tuông với một đồng chí khi nghĩ rằng đồng chí đó yêu nàng Giemma của anh che mờ đôi mắt sáng và trí óc thông minh – anh đã bị gài bẫy và bị ném vào chốn ngục tù. Và rồi, ngày được tha, anh phát hiện ra điều đã thật sự giết chết anh: người Padre Montaneli anh hằng kính yêu chính là cha ruột của anh, và ông đã che dấu sự thật nhiều năm liền (theo Công giáo cố đạo không được lấy vợ sinh con, nên sự ra đời của Athur không được chấp nhận và Montaneli đã không thể công khai). Cùng lúc đó, sự hiểu lầm của anh và nàng Giemma đã khiến cái tát cuối cùng của cô biến thành chiếc chìa khóa đóng sập cánh cửa hy vọng trong Athur. Anh đã bỏ trốn!


Mười ba năm sau tức 1846, tại Florence, những người làm Cách mạng trong Đảng Mazzini (Giuseppe Mazzini thành lập ‘Nước ý trẻ” năm 1831 với mục đích, nhiệm vụ giải phóng và thống nhất toàn bộ nước Ý, chủ yếu dựa vào khủng bố) họp lại để tranh thủ sự kiện Giáo hoàng Pius IX ( giáo hoàng La Mã lên ngôi năm 1846, đưa ra vài cải cách tự do để nhằm ngăn ngừa các phong trào cách mạng. Nhưng từ năm 1848 trở đi lại tiếp tục chính sách ngăn chặn phản động, rốt cuộc trở thành công cụ bị các thế lực xâm lược nước ngoài lợi dụng) ban vài cải cách tự do để tranh thủ tuyên truyền cho Cách mạng. Trước những chèn ép từ những phe phái Jesuits (một chi phái giáo hội Công giáo thành lập năm 1534 thiên về hoạt động chính trị hơn là tôn giáo), Gregorians (tổ chức Công giáo phản đối các chính sách tự do của Giáo hoàng Pius IX), và Saufedists (vây cánh Giáo hoàng Pius IX, cấu kết với quân Áo đàn áp các phong trào khởi nghĩa), đảng Mazzini buộc phải sử dụng hết những gì có thể để tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng với phong trào giải phóng đất nước. Và họ đã phải viện trợ đến sự giúp đỡ của Rivares – Ruồi trâu – một tay châm biếm bậc thầy, để có thể viết các truyền đơn, các bài báo châm biếm kêu gọi sự đàon kết về chính trị.


Rivarex – Ruồi trâu – hay chính là chàng Athur năm xưa, đã trở về đất Ý yêu thương. Anh đã trải qua bao nhiêu sóng gió, bị vùi dập bởi sự tàn khốc của cuộc đời đối với một chàng trai trẻ vốn được sinh ra trong một gia đình có tiền và được bảo bọc giữa những niềm yêu thương tha thiết. Anh đã bị nỗi đau gặm mòn, những trái ngang khốc liệt của cuộc sống làm cho thành tật nguyền. Chi tiết đau đớn nhất cuộc đời của Rivarex là anh vì đói, vì mưu sinh mà phải hạ mình để biến thành thằng hề dị dạng mua vui cho sự vô tâm của thiên hạ. Nào ai biết được dưới sự dị dàng kia, trái tim đang rỉ máu vì nỗi đau, nỗi ô nhục, lòng thèm khát được làm con người bị cái bụng làm cho mụ mị và quật ngã! Rồi dòng đời xô đẩy đưa anh đến liên lạc với những cánh phản động, và một lần nữa, Athur của ngày xưa, Athur đã chết vì cái tát của Giemma ngày xưa, đã sống lại dưới thân hình tật nguyền và lý trí được Rivarex tái sinh, nhận lời trở về làm ngòi bút châm biếm cay độc nhất nhằm kêu gọi đoàn kết, phô bày những dối trá của chế độ cầm quyền và đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước. Không! Anh trở về Ý để trả mối hận đang rỉ máu ăn mòn tâm hồn! Athur đã chết, và Rivarex trung kiên, sắc sảo, thông minh, lý tưởng sắt đá trở về!


Ruồi trâu trở về đất nước, nơi nàng Giemma đã thành bà Bola – vợ người mà Athur ngày xưa từng ghen tị – và vô cùng có uy tín trong Đảng Mazzini. Cuộc gặp gỡ và thái độ của anh như thể không quen nàng Giemma anh đã và vẫn đang yêu say đắm, tha thiết. Anh lạnh lùng, cay độc, giễu cợt và thậm chí còn đem về một nàng vũ nữ du mục yêu anh say đắm nhưng lại không thể có được tình yêu của người đàn ông đã chai lỳ như đá. Anh dường như đã cố gắng hết sức để có thể tránh Giemma như thể anh không muốn đối diện với nỗi đau năm xưa. Nhưng anh đâu biết, chính nàng Giemma cũng đã đem theo nỗi dằn vặt suốt bao năm sau khi tát anh, nàng đã được tin cải chính rằng anh đã bị gài bẫy, và tất cả đã quá muộn khi nàng tin rằng anh đã trầm mình tự vẫn (Athur trốn ra nước ngoài theo đường tàu lậu). Lúc đầu Giemma cũng rất không ưa anh, không ưa con người khắc nghiệt mà cuộc đời đã nhào nặn nên một Ruồi trâu sắc sảo cứng đầu và không kém phần độc địa. Nhưng những kí ức năm xưa, những tương đồng, và dường như là bàn tay của số phận đã kéo hai người lại gần với nhau hơn. Để cho đến một ngày kia, khi hai người chính thức nhận lại nhau, thì nàng Giemma đớn đau chỉ còn biết lặng lẽ nhìn Ruồi trâu từng là Athur năm nào chìm trong bóng tối của sự đớn đau. Nỗi đau đó khắc ghi và ám ảnh đến mức Ruồi trâu thậm chí còn không dám tha thứ cho Giemma, cũng như chính Giemma không thể nào nhận sự tha thứ! Có lẽ, sự tha thứ đó chỉ kéo dài những dày vò và thống khổ mà cả hai phải chịu!


Cố đạo Montaneli năm xưa, đem theo nỗi đau đã mất người con trai ông yêu mến nhất, nay đã là Đức Hồng Y cao quý đứng bên kia chiến tuyến với chính người con trai ông tưởng như đã về với Chúa ông thờ kính. Ông trở về với một hồ sơ vô cùng trong sạch đạo mạo khác hẳn những cố đạo cùng giới đã chìm sâu trong sự chi phối của quân xâm lược, được dân chúng và con chiên vô cùng chào đón yêu kính. Ngày ông trở về cũng là ngày những cảm xúc của Ruồi trâu trở nên mãnh liệt. Anh bắt đầu lao mình vào những bài báo châm biếm sỉ nhục Montaneli một cách thậm tệ và cay độc nhất, đồng thời cũng chính anh lại dùng một bút danh khác để hết sức hết lòng bảo vệ cho thanh danh của Montaneli. Đây là một chi tiết vô cùng đặc sắc  thể hiện sự đấu tranh dai dẳng của hai loại tình cảm mãnh liệt trong con người: lòng hận thù cay đắng vì Padre đã đẩy ảnh đến mức gần như đã cùng đường, nhưng cũng yêu tha thiết người đã dành cho anh những hơi ấm tuyệt vời nhất thời non trẻ.


Để rồi, thời cơ đến, những sự chuẩn bị cho Cách mạng vũ trang bắt đầu rục rịch. Như một lẽ dĩ nhiên, Ruồi trâu lao vào công cuộc đó một cách không ngừng nghỉ bất chấp bất cứ giá nào. Trong lòng anh giờ đây có lẽ không chỉ còn là cuộc chiến dai dẳn với Cha kính yêu nữa, mà là cuộc chiến mà chính anh đã nuôi lòng lý tưởng năm xưa: giải phóng và thống nhất nước Ý! Anh điên cuồng một cách lý trí dù biết chắc kết cục của bản thân. Để cho đến một ngày, con người kiên trung sắt đá đó, chỉ vì một giây do dự trước Cha kính yêu mà bị bắt trong lúc đang tẩu thoát có vũ trang! Anh đã bị tống và ngục tối, chịu những hành hạ kinh khủng nhất mà vẫn không một lời tiết lộ những bí mật của hoạt động Cách mạng. Dường như anh đã biết trước, đã chuẩn bị cho kết cục này, đã chuẩn bị cho sự hy sinh của chính bản thân vì lý tưởng cao cả kia!


Trong khi nàng Giemma và những đồng chí của anh đang hết sức mau chóng muốn giúp anh vượt ngục thành công, và anh cũng suýt thành công, thì những đớn đau gian khổ khi bị hành hạ trong chốn ngục tù dường như không thể nào khuất phục được ý chí và tinh thần của kẻ nguyện thề trung kiên với lý tưởng! Đêm trước ngày anh bị hành quyết, anh đã xin được gặp Padre kính yêu của anh. Nàng vũ nữ du mục ngày trước nói rất đúng: anh cứng đầu và cay độc vì anh quá yêu Người. Anh yêu Người bằng tất cả trái tim và xương tủy. Thế nhưng Người ở chiến tuyến bên kia, thờ phụng Chúa mà anh từng thờ phụng nhưng nay đã mất lòng tin. Người ở chiến tuyến kẻ thù, còn anh thì đau đớn với những vết thương chằng chịt không chỉ khiến anh tật nguyền cả về thể xác mà còn về cả tâm hồn. Anh đã cầu xin Padre đi cùng anh – Cha phải chọn anh hoặc chọn Chúa. Montaneli, với lòng yêu thương con vô bờ bến nhưng bị ràng buộc bởi đức tin mãnh liệt của mọt cố đạo trung kiên, bị áp lực giữa giết anh và bảo vệ hàng nghìn người khỏi rơi vào cuộc chiến phản động hoặc giữ anh để cuộc chiến đổ máu nổi lên. Cuối cùng, Cha phải nghiệt ngã chọn giết chết chính đứa con trai của mình – giết chết Athur thương yêu xưa kia, chàng thanh niên vui tươi thông minh ham học hỏi và tôn sùng Người như một vị thánh.

Ngày hành quyết, Ruồi trâu cay độc vang lên những tràng cười và từ chối được xá tội – bởi anh có còn theo đạo của Người nữa đâu? Những người lính run rẩy bắn mãi không trúng anh. Họ từ lúc nào đã bị lòng trung kiên quả cảm của anh cảm hóa, bị những phẩm chất của anh làm cho hổ thẹn. Họ rớm nước mắt khi thấy anh chê họ bắt quá tồi và khiêu khích họ bắt lại. Họ đau một nỗi đau khi thấy mổ người đáng được trọng vọng lại phải chết dưới tay họ.

Và Ruồi Trâu đã chết.

Tin được đưa đến cho nàng Giemma bởi một người lính từng hành quyết anh. Người lính sụt sùi thương cảm, đớn đau trước sự ra đi của anh. Và nàng Giemma, như những ánh sáng vụt tắt, tất cả chìm vào trong tăm tối. Ánh sáng Cách mạng còn đâu đó chăng? Trong bức thư cuối cùng mà Ruồi trâu gửi nàng, nhưng ngôn từ sảng khoái:

“Vẫn là ta
Chú ruồi sung sướng
Sống xứng đáng
Chết chẳng vấn vương”


Ruồi trâu đã ra đi nhưng lòng dường như vô cùng thanh thản, vì đó là tấm lòng của kẻ được chết vì lý tưởng cao cả, vì lý tưởng ảnh hưởng đến cả một dân tộc – một cái chết hoàn toàn mãn nguyện và xứng đáng khi chính Ruồi trâu tin rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Chút vấn vương cuối cùng cũng đã đượctrút vào lá thư đầy yêu thương gửi nàng Giemma trước khi ra đi. Nàng Giemma bật khóc, và ngoài cửa sổ, tiếng chuông báo tử của Giáo hoàng Montaneli vang lên! Ngài chết vì vỡ mạch máu tim. Ngài chết sau khi nhận chức. Ngài đã chết..... Chết cùng đứa con của ngài, chết cùng linh hồn của ngài,... Ngài ra đi không dám cầu xin sự tha thứ....

Ruồi trâu....

Tiếng gọi của lý tưởng...

Tiếng gọi của niềm tin...

Ruồi trâu...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét