Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

[Sách hay] Túp lều bác Tom



Tôi dám cược rằng bất cứ ai cũng biết đến tổng thống Barack Obama của nước Mỹ hiện nay dưới cái tên “giấc mơ Mỹ”. Ông là người Mỹ gốc Phi đầu tiên được lên làm tổng thống thứ 44 của đất nước một thời từng có những chế độ phân biệt chủng tộc vô cùng tàn nhẫn và vô nhân tính. Thế nhưng liệu đã có ai thực sự cảm nhận được sự tàn bạo của chế độ đó? Hãy thử đọc “Túp lều của Bác Tom” để có thể cảm nhận sự sâu sắc của số phận, của niềm tin, của nỗi đau của những con người bị đàn áp bóc lột nặng nề đó.


Trên thực tế, chế độ nô lệ bắt đầu từ thế kỷ 15 (trước khi Hoa Kỳ được thành lập) khi nền kinh tế châu Âu bắt đầu phát triển, nhu cầu len dạ tăng cao và những nhà tư bản “quý tộc mới” phất lên bắt đầu nhóm ngó đến vàng bạc và những món đặc sản ở phương Đông, cùng lúc đó Con Đường Tơ Lụa vốn được biết đến từ khoảng thế kỉ 2 Trước Công Nguyên lại đang bị người Ottoman theo đạo Hồi chiếm giữ. Ngoài ra có khá nhiều người châu Âu bắt đầu tin vào thuyết “Trái đất hình tròn” từng được Aristole đề cập đến, nên bắt đầu tin rằng có thể đến phương Đông bằng đường biển. Chính điều này đã tạo tiền đề cho cuộc khám phá ra miền đất mới (châu Mỹ) năm 1492 của Cristoforo Colombo – nhà hàng hải vĩ đại người Ý, được nữ hoàng Isaballa của triều đình Castilla – Tây Ban Nha tài trợ. Chính những phát kiến địa lý của Colombo và một số nhà hàng hải khác đã trực tiếp dựng nên mầm mống của chế độ thực dân xâm lược và buôn bán nô lệ, gây ra một làn sóng di cư mạnh mẽ vào Bắc Mỹ, và người Anh đã theo đó lập được 13 thuộc địa dọc theo bờ Đại Tây Dương.


Đồng thời với việc chế độ thực dân và buôn bán nô lệ xuyên quốc gia được thành lập là các công ty lớn tầm cỡ thế giới cùng với các trùm tư bản bắt đầu nổi lên, tạo ra một tầng lớp mới là “quý tộc kiểu mới”. Lớp quý tộc mới có tài sản riêng, nhưng lại bị chế độ phong kiến cũ cùng những quý tộc kiểu cũ bảo vệ phong kiến chống đối, đã cùng với nông dân – công nhân (do các quý tộc, địa chủ cần nông trại nuôi cừu lấy lông đã đuổi số lượng lớn công nhân, nông dân ra ngoài thành thị. Họ cũng bị chế độ phong kiến bóc lột tàn nhẫn) lập nên hẳn một chiến tuyến tạo ra cuộc cách mạng tư sản kéo dài khoảng thế kỉ 1618,trong đó có Cách mạng Tư sản Anh năm 1640-1689 đã lật đổ chế độ phong kiến, mở đường cho Tư bản Chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ.Đến giữa thế kỉ 18, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế các nước Bắc Mỹ thuộc địa cạnh tranh với chính quốc Anh, nên bằng mọi cách, Chính Phủ Anh đã cấm đoán và thuế khóa Bắc Mỹ nặng nề – tạo nên những mâu thuẫn vô cùng sâu sắc trong tầng lớp nhân dân. Đỉnh điểm nhất là sự kiện “chè Boston” đã thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở Bắc Mỹ. Chiến tranh giành độc lập ở Bắc Mỹ bắt đầu nổ ra  từ năm 1776 bằng Tuyên Ngôn Độc Lập, và kết thúc với hòa ước ở Pháp năm 1789. Geogre Washington lên làm tổng thống đầu tiên của Hợp chúng quốc Mỹ.


Trong thời gian tiếp theo sau khi đã đánh đuổi được thực dân Anh, Mỹ ra sức phát triển công nghiệp để đuổi kịp các nước châu Âu. Ngay từ đầu, tư bản Mỹ đã thấm đầy máu và mồ hôi của nhân dân lao động, đặc biệt là những người nô lệ da đen. (Trên thực tế chế độ nô lệ đã xuất hiện từ khoảng thế kỉ 16 như trên). Đến khoảng đầu thế kỉ 19, kinh tế Mỹ phát triển mạnh mẽ dẫn đến tình trạng thiếu nhân công trầm trọng. Chính điều này đã khiến nạn buôn nô lệ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết! Những con buôn sang châu Phi để lùa từng đoàn người sang Mỹ làm nô lệ. Khốn khổ thay cho số phận những người xấu số mà cái tội duy nhất của họ là có màu da khác biệt và sống ở nơi không được phát triển bằng chính quốc! Những con người đáng thương có những phẩm chất đáng quý như bao người khác lại bị đối xử như súc vật, như những “cỗ máy biết nói”. Họ bị đánh đập và bị bán theo “lô” như thể những món đồ vô tri không biết suy nghĩ....


Và, “Túp lều của bác Tom” đã được ra đời giữa hoàn cảnh đó như một khúc ca bi ao não lòng nhưng không thiếu phần hùng tráng, ca ngợi những gì tốt đẹp nhất của con người không kể màu da. Tác giả. Harriet Beecher Stowe sinh năm 1811 mất năm 1896, là một người phụ nữ kiên định, có chí, sinh trưởng trong gia đình gia giáo với truyền thống bảo vệ và đấu tranh cho Chủ nghĩa Bãi Nô. Bà từng viết rất nhiều tiểu thuyết, song người đời vẫn biết bà qua tác phẩm nổi tiếng nhất là “Túp lều bác Tom”, được mệnh danh là cuốn sách đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình dẫn đến Nội Chiến Mỹ (1860-1865). Chính tổng thống Abraham Lincoln năm 1862 đã từng gặp bà và nói:


“Hóa ra bà là người phụ nữ nhỏ bé đã viết quyển sách làm bùng lên cuộc chiến tranh vĩ đại.”


Trên thực tế, nước Mỹ thời bấy giờ không hoàn toàn ủng hộ chế độ nô lệ tàn nhẫn hà khắc, nên cố nhiên đã chia Mỹ ra hai miền Nam Bắc với tư tưởng hoàn toàn khác nhau.  Miền Bắc nước Mỹ với kinh tế công nghiệp phát triển mạnh đòi hỏi nhiều công nhân tự do đến làm việc ở các nhà máy, do đó có chủ trương tiến bộ muốn xóa bỏ chế độ nô lệ. Trong khi đó, miền Nam đất đai màu mỡ rất phù hợp phát triển cây công nghiệp, đặc biệt là cây bông để phục vụ nền công nghiệp dệt đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, rất cần công nhân gắn chặt với công việc ruộng đất khổ sai nên cố hết sức duy trì chế độ nô lệ thảm khốc. Tuy vậy từ khoảng 1840 có rất nhiều người Mỹ chủ trương tiến bộ ở miền Nam đấu tranh muốn hủy bỏ chế độ nô lệ, và đã sinh ra một số những con đường giải phóng nô lệ chui  sang Canada (Canada hủy bỏ chế độ nô lệ từ năm 1833.) Để từ đó, “Túp lều bác Tom” xuất hiện đã hoàn toàn khoét sâu thêm những bất đồng giữa miền Nam và miền Bắc nước Mỹ.


“Túp lều bác Tom” đã thể hiện được chân thực sự man rợ độc ác của của những kẻ sống chết vì tiền, những kẻ chỉ đuổi theo lợi ích trước mắt mà bán rẻ linh hồn mình cho ác quỷ và dẫm đạp lên quyền được sống, quyền được hạnh phúc, quyền được làm người của những người khác mình! Đó cũng là một bản hùng ca oai hùng mãnh liệt tố cáo chế độ nộ lệ khủng khiếp được coi là “vết nhơ” trong lịch sử đất nước phát triển bậc nhất – Mỹ. Những con người tội nghiệp kia có tội gì ngoài màu da hơi tối? Vậy họ phải chịu những nhục nhã, bị coi thường chà đạp, không bằng loài sâu bọ loài chó. Họ bị đem bán như hàng hóa, bị xiềng xích cùm riềng và bị mắng chửi. Thế nhưng, họ cũng là những con người có những nỗi đau, có tình yêu thương tha thiết, ham học hỏi và hòa ái, muốn yêu thương và được yêu thương. Họ chăm chỉ làm việc, nhẫn nhục dưới quyền hành những kẻ mà họ không biết tại sao những kẻ đó lại hơn. Họ bị ràng buộc trong một chế độ nô lệ mà


“Trong chế độ nô lệ, chỉ có một ý kiến đúng đắn nhất. Bọn chủ đồn điền, mà chế độ nô lệ mang bạc vàng đến cho chúng, bọn thầy tu, muốn làm vui lòng bọn chủ đồn điền; bọn chính trị gia quèn, muốn cai trị bằng chế độ nô lệ – tất cả bộn chúng muốn lòe bịp và xuyên tạc đạo lý khéo léo đến mức làm cho thiên hạ phải ngạc nhiên. Bọn chúng có thể lợi dụng kinh thánh và những gì nữa mà chính bọn chúng và tất cả mọi người không thể tin được.”


“Túp lều bác Tom” cũng là một bản nhạc mềm mại ca ngợi bản chất và sức sống tiềm tàng của con người. Trong truyện chia ra hai mạch đấu tranh riêng biệt. Mạch thứ nhất là Bác Tom, tấm lòng trung hậu ngay thẳng, tính tình trung thực tràn đầy tình yêu thương, đã đấu tranh bằng cách chịu đựng và tin tưởng. Mặc dù Bác buộc phải lìa xa vợ con, bị bán cho lão lái buôn Haley coi tiền quan trọng hơn mạng sống, thì Bác Tom vẫn luôn cố hết sức bảo vệ nhân phẩm của mình, khiến ai cũng yêu mến bác. Sau những ngày bị đối xử khinh rẻ trên tàu buôn của Haley, Bác được một ông chủ tốt, thoải mái và tiến bộ mua. Bác đã luôn chăm sóc và làm theo lời chủ, chiếm được cảm tình của nhiều người bao gồm cả bé Eva con gái yêu thương của ông chủ, khiến cho người đọc phải chạnh lòng vừa mừng vì bác tìm được người chủ tốt, vừa buồn vì bác không được sống dưới cái danh tự do mà bác luôn xứng đáng hơn những kẻ muôn máu thịt kia. Điều đáng tiếc là cô bé Eva ôm yếu mất đi, ông chủ bác cũng mất ngay khi vừa hứa sẽ giải phóng cho bác. Cánh cửa đến tự do đóng sầm lại, và bác bị bán đến một đồn điền bông ở miền Nam – nơi “miền chưa khai thác, ai đã đi là mất tích.”


Dù đến đó, cuộc sống rẽ sang trang mới với cực nhọc đớn đau và nhục nhã, bác vẫn sống với niềm tin và đấu tranh bằng niềm tin. Bác giúp đỡ các nô lệ khác và quyết tâm bảo vệ Emilin cùng Casi trốn thoát đến mức bị đánh chết. Chính điều này đã ca ngợi lòng trung kiên anh hùng của một con người có tình yêu thương con người sâu sắc và tình yêu cuộc sống tha thiết. Quả thật rất mâu thuẫn khi nói bác là người có sức sống tiềm tàng bất tử và yêu cuộc sống, nhưng chính điều này mới hình thành nên được con người của bác Tom, vì ở đây, sức sống tiềm tàng và tình yêu cuộc sống được thể hiện qua việc: thà bác chết khi còn là một con người còn hơn nói dối, đánh người, xúc phạm những tư cách đạo đức thiêng liêng và tín ngưỡng của mình,bị cái ác thuần hóa mà sống! Thật đáng tiếc thay, tấm lòng cao cả tốt đẹp đó không được đền đáp – bác chết trong đau đớn tang thương, chỉ còn niềm an ủi cuối cùng là con trai người chủ tốt đẹp cũ đến chôn cất cùng với lời thề sẽ đứng lên hủy bỏ chế độ nô lệ.


Mạch đấu tranh thứ hai là của George và Eliza, đó chính là đứng lên đấu tranh và trốn sang Canada tìm kiếm tự do, nơi đã được ban hành luật hủy bỏ chế độ nô lệ từ năm 1833. Họ đã dũng cảm bỏ trốn tìm con đường cho riêng mình, dùng vũ lực và tự vệ nếu thấy cần thiết. Trong tấm lòng thuần hậu và tốt đẹp của họ đã bị nỗi khổ cực nhục nhã cùng lòng yêu mến thèm khát tự do bào mòn đến cháy bỏng! Trái tim đó rực lên tiếng gọi tự do và độc lập, mong muốn được sống bình yên giản dị như bao người khác. Họ nhận ra được giá trị của bản thân và đấu tranh vì nó! Trải qua những khó khăn, họ đã thành công, trốn sang Canada và thực sự được nếm hương vị tuyệt vời của “tự do”.


Ngoài ra, cuốn sách còn là lời ca ngợi và cảm tạ đến những con người tốt bụng đã dám thể hiện mình chống đối chế độ hà khắc tàn bạo đó và giúp đỡ những con người khốn khổ kia. Họ giúp đồ ăn, nhà, giúp chạy trốn, trở thành niềm an ủi tinh thần và thành những điểm dừng chân tạm thời của những kẻ bất hạnh tội nghiệp trên đường tìm kiếm tự do và giải phóng.Những người da trắng đã chấp nhận và thậm chí còn yêu mến cảm thương cho số phận không may của những kẻ xấu số. Họ như những nốt lặng mềm mại chống đỡ tinh thần trước những biến động thảm khốc. Ngoài ra cuốn sách còn muốn nói lên đạo lý “giao hạt nào gặt quả ấy” – những kẻ độc ác sẽ bị trừng trị! Giống như gã chủ đồn điền ác độc đã giết chết bác Tom, hắn cũng chết trong men rượu, trong ân hận đau đớn và trong lời chửi rủa của ngàn đời sau!


Đừng bỏ qua “Túp lều bác Tom”. Hãy đọc và cảm nhận những rung cảm sâu thẳm trong tâm hồn, để hiểu rõ giá trị của con người những những tốt đẹp sâu thẳm trong con người. Đọc để sống cho tốt, cho xứng đáng với giá trị của bản thân, sống cho xứng với cuộc đời tự do, và sống cho xứng với những chiến binh bất tử của “Túp lều bác Tom”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét