
Thực sự thì tôi chưa nghĩ đến việc sẽ có một ngày
mình đọc “Hội chợ Phù Hoa”. Chính xác mà nói thì cách đây hai tuần
trước khi đọc cặp sách này, tôi thậm chí còn chẳng biết là có “Hội
chợ Phù Hoa” tồn tại. Tuy nhiên, người ông yêu quý của tôi một ngày
đẹp trời nổi hứng đi lùng các hàng sách cũ – đối với cả ông và bố
tôi, sách cũ do những dịch giả kiêm nhà văn ngày trước dịch mới thật
sự có giá trị – và đem về hai quyển “Hội chợ Phù Hoa” bìa cứng,
giấy đã hơi ngả vàng, và nhiều trang có những nét quệt bút bi có
vẻ là do một đứa trẻ nghịch ngợm dùng bút vạch tứ tung. Bố tôi đem
về, cười và bảo tôi, con chắc chắn sẽ thích bộ này. Đúng như bố
nói, chỉ một vài trang mà tôi đã thật sự bị “Hội chợ Phù Hoa” cuốn
hút.
Những ai từng được dịp biết đến một trong những nhà
văn vĩ đại nhất nước Anh thế kỷ 19 – Charles Dickens – qua những tác
phẩm như: “Linh hồn đêm giáng sinh – A Christmas Carol”, hay “Oliver Twist”
thì hẳn không thể bỏ qua một tác giả cùng thời cũng nổi danh không
kém: William Makepeace Thackeray. Thackeray sinh năm 1812 (sau Dickens 1 năm)
và mất năm 1863. William Thackeray được sinh ra tại Ấn Độ, bố là một
nhân viên cấp cao trong Công Ty Đông Ấn (vốn được thành lập để giao
thương thương mại với Đông Ấn, chủ yếu là với Trung Quốc và Ấn Độ.
Về sau công ty Đông Ấn Anh kiêm luôn việc quản lý thuộc địa và thương
mại ở nước ngoài, trong đó có 13 vùng Bắc Mỹ.) và mẹ là một trong
những nhân viên cùng công ty. Ông là một nhà báo, nhà văn châm biếm
nổi tiếng Anh quốc thời bấy giờ, đặc biệt là qua tác phẩm nổi danh
“Hội chợ Phù Hoa”. Sau cái chết của đứa con gái, vợ ông phát điên và
ông buộc phải sống xa vợ, ông cũng yếu dần và năm 1863 mất trên
giường do một cơn đột quỵ. Sự ra đi đột ngột của ông là một cơn sốc
vô cùng lớn – đám tang trọng thể và có đến 7000 người tham gia. Sự
nghiệp của William Makepeace Thackeray chủ yếu tập trung vào thể loại
trào phúng châm biếm, và ông từng có những tác phẩm vô cùng xuất
sắc như: Catherine, Vanity Fair, May
mắn của Barry Lyndon,…
“Hội chợ Phù Hoa” được xuất bản năm 1847 và đã tạo
thành làn sóng lớn do bao quát được toàn bộ xã hội Anh quốc thời
kỳ bấy giờ. Bối cảnh của câu chuyện là vào khoảng đầu thế kỷ 19
từ trước trận chiến Waterloo nổi danh nơi Hoàng đế Pháp vĩ đại
Napoleon Bonaparte đã thất bại, chấm dứt vương triều 100 ngày cũng như
toàn bộ Vương vị của ngài. Đây là khoảng thời gian Anh quốc đang tiến
hành cuộc Cách Mạng Công nghiệp (cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19)
khiến toàn bộ gương mặt nước Anh có những thay đổi rõ rệt, lật sang
trang mới của kỷ nguyên công nghiệp hóa, bước vào giai đoạn mới của
nền văn minh toàn nhân loại.
Trên thực tế, cuộc Cách Mạng Công Nghiệp cũng là
một trong những tiếp bước của Cách Mạng Tư sản Anh từ thế kỉ 17. Từ
cuối thế kỉ 15, nền công nghiệp Anh bắt đầu phát triển, quý tộc tư
nhân và các địa chủ bắt đầu nhòm ngó đến nguồn vàng bạc phương
Đông, cùng với việc người Ottoman đang chiếm giữ con đường Tơ Lụa được
biết từ khoảng thế kỉ 2 Trước Công Nguyên và cuộc phát kiến địa lý
của nhà hàng hải vĩ đại Cristoforo Colombo (được nữ hoàng Isabella Đệ
Nhất của triều đình Castilla – Tây Ban Nha tài trợ) đã mở ra một kỉ
nguyên mới, thúc đẩy nạn di dân, buôn bán nô lệ và chế độ xâm chiếm
lục địa. Từ những sự kiện này đã dẫn đến việc thành lập hàng
loạt những công ty lớn tầm cỡ thế giới, các trùm tư bản nổi lên.
Đến khoảng đầu thế kỉ 17, nền công nghiệp Anh đang trong đà tăng
trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về buôn bán len dạ và nô lệ. Công nghiệp
len dạ đã phát triển nuôi cừu và trồng bông, và nhiều địa chủ, vốn
là quý tộc nhỏ, bắt đầu mở rộng trang trại và đuổi các tá điền
đi. Việc này đã khiến nông dân, tá điền vô cùng khổ sở và phẫn nộ.
Tuy nhiên, trong thời gian đó, những quý tộc kiểu cũ đại diện cho
chính quyền phong kiến và Giáo Hội Anh ngày càng cản trở việc kinh
doanh của các “quý tộc kiểu mới” vốn là những tư bản có của cải
riêng do thuế má và các chế độ độc quyền. Điều này đã khiến các
quý tộc kiểu mới liên kết với nông dân tạo thành một tuyến đối đầu
với quý tộc kiểu cũ và triều đình của vua Charles I, dẫn đến cuộc
Cách mạng Tư Sản (1640-1689). Chính từ cuộc Cách Mạng Tư Sản này đã
mở đường quá độ từ chế độ Phong Kiến sang Tư Bản Chủ Nghĩa, giúp Tư
Bản Chủ Nghĩa phát triển mạnh mẽ.
Cách mạng Công nghiệp mang một ý nghĩa vô cùng lớn
lao trong lịch sử nhân loại, đưa nhân loại đến một kỷ nguyên văn minh,
tiến bộ, công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Nhưng đi cùng với nó là
những mặt trái trong xã hội. Sau khi vua Charles I bị xử tử, Anh trở
thành nước công hòa do Oliver Cromwell đứng đầu, và thiết lập nên nền
độc tài quân sự. Sau khi Cromwell chết, Quốc hội làm chính biến đưa
quốc trưởng Hà Lan chống lại vua James II và thiết lập nên nền Quân
Chủ Lập Hiến (chính biến 1688-1689). Kết quả của toàn bộ cuộc Cách
mạng Tư Sản Anh đã thiết lập một chỗ đứng vững chắc cho giai cấp Tư
sản – quý tộc tư sản (quý tộc kiểu mới), và gây ra những mâu thuẫn
sâu sắc trong xã hội. Việc này kéo dài đến tận sau cuộc Cách mạng
Công Nghiệp – sự phân cách giai cấp giàu nghèo trở nên sâu sắc, các
nền tảng đạo lý bị coi thường, xã hội băng hoại thối nát.
Bối cảnh của “Hội chợ Phù Hoa” được xây dựng đầu
thế kỷ 19 rối ren như vậy! Thời gian đó chế độ Tư Bản của Anh đang
phát triển cực kì phồn thịnh và nền Công Nghiệp đang có cuộc cách
mạng vĩ đại đã góp phần khiến những nhà tư sản và quý tộc kiểu
mới kiếm được rất nhiều của cải, khiến vẻ ngoài xã hội Anh thời
bấy giờ cực kì xa hoa và củng cố địa vị của tư sản – địa chủ;
đồng thời sự cấu kết của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản
chặt chẽ hơn (do cuộc chính biến 1688-1689 nên Anh lúc này đi theo chế
độ Quân Chủ Lập Hiến – có vua và quốc hội nhưng thực quyền là ở
Quốc hội). Các tư sản muốn quý tộc hóa đồng tiền của mình và muốn
hoạt động chính trị dễ dàng hơn, trong khi quý tộc muốn tham gia vào
con đường kinh doanh tư bản để làm đầy túi tiền và mạ vàng lại huy
hiệu dòng họ. Hai giai cấp thống trị này đã nhào nặn lại toàn bộ
luân thường lí lẽ của xã hội đi, biến toàn bộ xã hội thành một
cuộc mua bán trao đổi trong đó danh
vọng và đồng tiền có giá
trị gần như tuyệt đối. Tôn giáo cũng bị giảm giá trị rõ rệt, khi
tinh thần của con người đã sa vào vòng xoáy của đồng tiền và danh
vọng, tâm trí bị che mờ bởi những lời bợ đỡ nịnh nọt kẻ khác. Đạo
đức trở thành món hàng phế phẩm đem rao bán chẳng ai mua. Văn hào
Stendal từng nói:
“Trí thông minh và
thiên tài đặt chân lên nước Anh là mất ngay hai mươi lăm phần trăm giá
trị.”
Ở đây ông muốn nói đến tinh thần chiết khấu đặc
biệt trong thương mại đã thấm nhuần vào mọi quan hệ xã hội của Anh
quốc.
Bề nổi là thế, bề chìm của Anh quốc cũng chẳng
kém chuyện thị phi. Dưới gót giày những kẻ nắm trong tay tiền như
nước quyền như núi, những người dân lại khổ sở cực nhọc. Từ trước
cuộc Cách mạng tư sản, người dân đã chật vật với thuế má và bị
cướp ruộng đất. Đến sau khi Cách mạng tư sản hoàn thành thì giai cấp
tư sản – địa chủ – quý tộc kiểu mới trở mặt và tiếp tục củng cố
địa vị của mình khiến đời sống nhân dân ngày càng lam lũ. Đặc biệt
đến Cách Mạng Công Nghiệp thì họ lại càng khó khăn, do tiến bộ công
nghệ đòi hỏi ít nhân công. Đến sau cuộc chiến tranh chống Napoleon kết
thúc với trận Waterloo lừng lẫy, chi phí quốc phòng đè nặng khiến
triều đỉnh buộc phải thải hồi binh lính. Từ đó, nạn thất nghiệp,
nghèo đói tăng lên nhanh chóng và đầy khắp mọi nẻo đường thành thị. Những
mâu thuẫn xã hội trở nên vô cùng trầm trọng, thậm chí còn xảy ra
những vụ bạo động lớn,và là lời giải thích cho sự ra đời của
Nghiệp Đoàn (Trade-Unions) và sự ra đời tư tưởng Chủ nghĩa Xã Hội
không tưởng do Owen đề xướng.
Tư tưởng Xã Hội
Chủ Nghĩa đã xuất hiện từ thế kỉ 16. Các nhà tư tưởng của thế kỉ
19 nhận thấy nạn bóc lột, bất công ở khắp nơi và lấy làm bất bìn
về điều này, và nảy sinh tư tưởng muốn một xã hội công bằng, tốt
đẹp hơn. Robert Owen là người đại diện tiêu biểu của tư tưởng này với
những hành động cho chính công xưởng của mình, song thất bại. Về sau
tư tưởng này được Karl Marx và Friedrich Engles phát triển và tuyên bố
trong tuyên ngôn của Đảng cộng sản năm 1848, và được Lenin phát triển
để ứng dụng vào Cách Mạng tháng 10 Nga năm 1917.
Điều này đã làm thúc đẩy khuynh hướng văn học hiện
thực dưới thời nữ hoàng Victoria mà đại diện ưu tú của dòng văn học
này chính là Charles Dickens và William Thackeray. Chủ nghĩa hiện thực
của Thackeray không tập trung vào mâu thuẫn xã hội hay đối kháng, mà
chủ yếu mang màu sắc luân lí rõ ràng, châm biếm mỉa mai những thối
nát trong xã hội và đứng trên nền tảng đạo lý để nhận xét và rút
ra những bài học đối nhân xử thế.
Ngay từ chủ đề, “Hội chợ Phù Hoa” đã phần nào mô
tả được xã hội Anh thời kì bấy giờ: Cuộc sống rối ren ồn ào đầy
màu sắc mua bán thương mại của một cái chợ, nhưng lại rắc đầy kim
tuyến cầu vồng rực rỡ như hội hè để che dấu những vị kỉ, những
tham lam tính toán, hẹp hòi ẩn bên trong từng “gian hàng” gia tộc. Hội
chợ ở đây còn là hội chợ “Phù Hoa” – hội chợ của sự phù phiếm, hoa
tình, đầy giả dối. Mỗi nhân vật tượng trưng cho một giai cấp của
chính thời đại, tượng trưng cho một dục vọng của con người và mài
mòn thiên lương. Nếu văn học là một chiến trường, thì Thackeray thực
sự là một chiến sĩ xông xáo sắc bén dùng ngòi bút đâm thẳng vào
tầng lớp xa hoa chễm chệ ngồi trên cao đè đầu cưỡi cổ dân chúng. Ông
không hề tỏ ra thương xót lũ người thối nát, mục ruỗng, tư cách đê
tiện bỉ ổi, bất nhân bất nghĩa đã được khắc họa rõ nét thông qua
hai nhân vật như Hầu tước Steyne và tôn ông Pitt Crawley.
Tôn ông Pitt Crawley đại diện cho giới địa chủ quý
tộc thôn quê, khắc nghiệt, độc ác, giàu có và quyền lực và ngu dốt;
lão bóc lột nông dân, tá điền đến mức phá sản, keo kiệt bủn xỉn
đến mức đếm từng đồng xu. Mà lão dù có được chức vụ trong tay thì
cũng chẳng tốt đẹp gì cho cam! Lão chữ không biết viết, đọc cũng
chẳng sõi, suốt ngày chỉ thích đánh người và kiện tụng, đến chết
cũng vẫn giữ những thói trác táng xa đọa. Trong khi đó, hầu tước
Steyne lại đại diện cho những kẻ quyền cao chức trọng, giàu nứt đố
đổ vách nơi kinh thành, đại diện cho giới quý tộc danh vọng bề thế
của triều đình. Tư cách thối nát, suốt ngày chỉ ăn chơi phè phỡn và
quyến rũ đàn bà con gái bằng của cải tiếng tăm trong khi đối với
người trong gia đình như vợ và con dâu lại hết sức khinh miệt, rẻ
rúng, và cũng căm thù luôn con vì sợ chúng soi mói mớ gia tài kếch
xù của lão. Lão thuộc loại người quá thừa mứa và sống chỉ để
hưởng thụ trác táng. Ở đây Thackeray đã nói rõ lý do những kẻ như
Pitt hay Steyne lại khinh đời phù phiếm như vậy là do chính sự thừa
mứa mà nên! Và từ đó, những suy niệm, phân tích tâm lý đặc sắc của
hạng người sa đọa đã thành một điểm vô cùng nổi bật trong tác phẩm:
những kẻ bị chìm sâu trong hố đen dục vọng khôn cùng và chỉ sống để
hưởng thụ, để phá hủy kẻ khác, để tự chà đạp nhân cách và nhân
tính của bản thân. Ngoài ra, hai kẻ này cũng đại diện cho những kẻ
vô tín ngưỡng, thể hiện được tình trạng coi thường rẻ mạt tôn giáo
thời kì này. Tôn ông Pitt ngu dốt thì đành, nhưng Steyne thông minh, có
học mà vẫn “nuôi tu sĩ trong nhà để hai người cãi nhau cho vui.” Tinh
thần vụ lợi đã hạ tôn giáo thành một món trang sức cho những kẻ có
tiền thể hiện với thiên hạ. Thậm chí ngay cả những cha xứ thì có
tốt đẹp gì cho cam! Như em trai Pitt Crawley là một tu sĩ, mà trong đầu
gã cũng chỉ toàn rượu, thói săn bắn ăn chơi, đến mức việc phụng thờ
Chúa chỉ là việc mà sau khi làm một chầu rượu ngon thì sáng hôm sau
lao ngựa về giảng cũng được!.
Thời kì này, giới tu sĩ của Anh vô cùng thối nát;
giới tu sĩ Anh được chia làm hai tầng lớp; lớp tu sĩ cao cấp chuyên lo
việc tâm linh cho bọn quý tộc địa chủ, cách xa nhân dân, còn giới tu
sĩ bình thường thì lại đâm đầu vào mối lo cơm áo gạo tiền và những
thú vui trác táng. Cả hai đều có điểm chung là đối với họ, tôn giáo
cũng chỉ là một công cụ kiếm kế sinh nhai. Vũ khí châm biếm sâu cay
của Thackeray đã cày tung xới đảo cả thế giới tinh thần và niềm tin
của Anh quốc không khoan nhượng.
Tóm lại, bất nhân, sa đọa, hèn hạ, vô hình vô tính,…
Đó là hình ảnh trung thực của giới quý tộc và tư sản Anh đang phá
sản về mặt tinh thần. Đáng tức cười hơn là chúng lại luôn cho rằng
mình hơn người, khinh miệt coi thường các tầng lớp khác – chúng bám
lấy giai cấp tư sản kiếm tiền àm thái độ vẫn rẻ rúng coi thường, trong
khi giới tư sản vừa lóp ngóp trèo lên được chân ghế “quý tộc” thì
lập tức quay lại miệt thị chính cả giai cấp của mình. Đại diện tiêu
biểu là quý ông Oxborn bất nghĩa, quay mặt lại với gia đình Sedley
ngay khi họ phá sản dù trước đó ông Sedley đã từng là ân nhân đưa
Oxborn đến được với đại vị và của cải. Oxborn không nề hà phủ nhận
hôn ước giữa hai gia đình, ra mặt khinh miệt và mong con trai cưới cô
gái Ấn giàu nứt đố đổ vách làm vợ; nhưng khi Geogre Oxborn từ chối
ông lại không ngần ngại từ con trai và muốn đề nghị thay con lấy cô
gái làm vợ! Nực cười thay! Ông thậm chí còn từ con trai, và sau khi
con trai mất trên chiến trường ông chỉ dằn vặt một thời gian rồi lại
tiếp tục nuôi vọng được chen chân vào giới quý tộc thông qua đứa cháu
của mình.
Nhân vật được khắc họa rõ ràng và sắc sảo nhất
hẳn phải là Rebecca Sharp – con gái một họa sĩ nghèo và một vũ nữ
opera, đã tự thân biến mình thành vai chính của một vở kịch rối
hoành tráng. Cô ta là một đại diện sắc nét cho thói ham danh vọng,
tham lam của người đời: từ khi sinh ra đã hoàn toàn không có một nền
tảng cơ sở đạo đức nào, và khi lớn lên thì hoàn toàn sa đọa. Nhờ
sự khéo léo và vẻ ngoài xinh đẹp, cô ta đã chen chân vào được thế
giới “thượng lưu” phù phiếm giả dối bằng chính sự dối trá của bản
thân. Tất cả những gì thiêng liêng nhất: từ tình cảm đến trinh tiết –
đều được Rebecca treo giá bán một cách trắng trợn nhưng không kém
phần xa hoa ở giữa hội chợ phù phiếm. Những tình cảm trong Rebecca
được mô tả đơn thuần đến mức dường như người đàn bà này hoàn toàn
không có trái tim, một sự còm cõi về tâm hồn đến mức đáng ngạc
nhiên! Mặc dù không thể phù nhận rằng
trong hoàn cảnh của Rebecca – không cha không mẹ, sẽ không thể có
được một tấm chồng tử tế nếu không tự chủ động trong mọi hoàn
cảnh, nhưng việc cô ta đánh mác giá cho tất cả mọi giá trị vẫn
khiến người khác thấy kinh tởm!
Xung quanh Rebecca, Thackeray cũng khắc họa những nhân
vật khác đại diện cho những thói xấu một cách rõ ràng: George – công
tử nhà giàu lắm tiền nhiều của, chỉ thích ăn chơi phá hoại, Wenham
và Wagier đại diện cho lũ nghĩ sĩ trí thức nửa vời trong xã hội,
giáo dục dốt nát và phù phiếm, bà Odal vênh váo khoe khoang, vợ gã
mục sư thèm của cải đến mức giở mọi thủ đoạn để hành hạ người
đàn bà ở giá Crawley tính tình quái gở cố chấp,….. Mọi nhân vật
được tô đậm rõ ràng hơn thông qua những hoạt động phù phiếm trống
rỗng – những buổi nhạc kịch chỉ tập trung vào tán tỉnh không chút
nghệ thuật, những buổi tiệc xa hoax a xỉ nơi người ta nói xấu, châm
biếm và khinh bỉ nhau,….Tất cả chỉ vì danh vọng và tiền bạc. Ôi,
Hội chợ Phù Hoa!
Tuy nhiên, William Thackeray không xây dựng chỉ toàn nhân
vật phản diện. Có thể rõ ràng nhận thấy trong truyện, Amelia và
Dobbin gần như là hai nhân vật chính diện duy nhất. Amelia con nhà khá
giả, với tình yêu nồng nàn tinh khiến và được ưu ái nhờ tính cách
bẽn lẽn ngượng ngùng ngây thơ. Nàng chung thủy, đắm say và tôn thờ
người yêu, song mặc dù rõ ràng Amelia đại diện cho những người phụ
nữ còn đức hạnh ngày đó, thì ngòi bút của Thackeray vẫn mang chút
châm biếm khi tình yêu của cô gần như là mù quáng, che mờ toàn bộ lí
trí của một người con gái với chàng công tử George. Trong khi đó,
Dobbin, một nhân vật chính diện mà theo tôi là hoàn hảo nhất, tụ hội
đủ những đức tính tốt đẹp của một con người: trung kiên, vì bạn bè,
tình sâu nghĩa nặng, thủy chung, mãnh mẽ, hy sinh,… Ngòi bút châm biếm
độc đáo của ông cũng không quên lướt qua những người ở giai cấp vô sản
và bình dân. Mặc dù ông không lách sâu ngòi bút mô tả sự khổ cực
chật vật của nhân dân thời kì này, hẳn do ông chỉ muốn lên án tố
cáo xã hội giả dối trên cao, nhưng sự khoan dung và thương cảm đến
những mảnh đời này vẫn phảng phất tính châm biếm cố hữu và thương
cảm cho sự bất công của xã hội đã đổ lên vai họ. Và kể cả những
nhân vật phản diện như tay Rawdon thường sống bằng đánh bạc, tệ nạn
và lừa đảo, nhưng lại cũng rất yêu vợ mình là Rebecca và con trai
Rawdy, hay lúc bị cha bắt phải lấy người con gái tỉ phú Ấn Độ,
George lại vẫn kiên quyết lại người có hôn ước lâu năm nhưng bất hạnh
Amelia,….
Lối viết độc đáo đầy suy niệm của tác giả, phác
họa nhanh gọn độc đáo, xây dựng tính huống và nhân vật đặc sắc và
mô tả bản chất con người cùng tình cảm vô cùng tuyệt vời, “Hội chợ
Phù Hoa” xứng đáng được nhận một chỗ danh dự trong nền văn học thé
giới, đưa tên tuổi của William Makepeace Thackeray lên hàng những nhà văn
vĩ đại trong lịch sử nhân loại! Tóm lại, nếu bạn có chút niềm đam
mê lịch sử, “Hội chợ Phù Hoa” là một tác phẩm không thể bỏ qua.!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét