Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

[Sách Hay] Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris - Victor Hugo





Francois Coppe từng nói: “Người ta chỉ xấu xa hư hỏng trước đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ. Nước mắt là miếng kính biến hình vũ trụ”. Đã là một nhà văn, sống phải nhân đạo rồi hãy viết, bởi lẽ “Văn học là nhân học” (M.Gorki). Victor Hugo chính là một nhà văn như thế! Nào có từng ai chưa nghe đến “Những kẻ khốn khổ” và “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris” – những bản “nhân hùng ca” của văn học toàn nhân loại?


Victor Hugo (1805-1885), một nhà thơ, nhà văn, nhà biên soạn kịch theo trường phái lãng mạn vĩ đại người Pháp thế kỉ 19, nổi danh với những tuyệt tác làm rúng động toàn thế giới và để lại cho kho tàng văn học nghệ thuật nhân loại những tác phẩm vô cùng giá trị. Ông là một nhà văn “Nhân đạo từ trong cốt tủy”.

Thời đại cắt nghĩa con người, con người cắt nghĩa tác phẩm. Trong văn, trong kịch, trong thơ, nghệ thuật của Victor Hugo đã cải biến, mở đường và phát triển cùng với gần hết cái thế kỉ XIX mà ông chung sống, đang đi lên của nước Pháp. Thoạt đầu dựa vào kinh nghiệm của người đồng thời, cuối cùng vượt xa họ. Tham gia hết sức nồng nhiệt vào mọi niềm say mê, quan điểm, khát vọng của thời đại, trong đó không thiếu các khắc khoải, lầm lạc, tác giả đã đâu buồn, vui sướng như một con người thực sự trần thế.
(Nhị Ca – Tháng 6 năm 1978)


Ông từng bị lưu đày tới hai mươi năm trong thời đế chế thứ hai, và từ đó đã đúc kết được nhiều ý nghĩa về vai trò của nhà văn trong đời sống chính trị, xã hội.Những tác phẩm nhân học cùng những đóng góp to lớn của Victor, ngày ông qua đời, ông được mai táng trọng thể và thi hài ông được đưa vào điện thờ Patheon.


“Thằng gù nhà thờ Đức Bà” được viết dựa trên bối cảnh nước Pháp cuối thế kỉ 15 thời Trung Cổ dưới sự trị vì của vua Louis XI.

Thời Trung cổ là giai đoạn trong lịch sử Châu Âu bắt đầu từ sự sụp đổ của Đế Quốc Tây La Mã ở thế kỉ thứ V, kéo dài cho đến tận thời kì Phục Hưng (khoảng thế kỉ 13 bắt đầu từ Florence – Italia). Tên gọi này do các nhà Nhân Văn Chủ Nghĩa người Ý đưa ra nhằm nhấn mạnh đây là thời kì tăm tối u ám giữa thời kì của Hy Lạp và La Mã cổ đại với thời kì của các nhà nhân văn này.


Dưới ngòi bút tài tình gần như chính xác của Victor Hugo, một khoảng thời kì ngắn cuối thế kỉ 15 của “Đêm Trường Trung Cổ” – Dark Ages được mô phỏng và tái hiện một cách khái quát, đầy đam mê cuồng nhiệt và cũng không kém phần tăm tối - Thần quyền thống trị tất cả các lĩnh vực: Triết học chỉ gồm các giáo lý Thần Học của các Tu sĩ khắc kỉ giáo điều, Nghệ thuật chỉ phục vụ nhà thờ, Văn Học chỉ có những trường ca chỉ kể lại những cuộc chiến vì vua, Thi ca chỉ có Kinh Thơ hoặc Thánh kinh, Kiến trúc chủ yếu là phong cách Roman nặng nề bị Chúa chi phối, dù sau đó phong cách Gothicque có nhẹ nhàng hơn với xu hướng vươn đến Thiên Đường, Hội họa chỉ để trang trí Nhà thờ và minh họa tích trong Thánh kinh, Âm nhạc cũng chỉ giới hạn trong Thánh Ca, và Điêu Khắc thì chỉ có mặt trong các bức tượng rước ngày lễ. Đây còn là thời kì chiến tranh cát cứ khi các ông vua Châu Âu đều muốn thu quyền lực về tay mình, trong khi quyền lực của Giáo Hoàng như “vòi bạch tuộc” vươn tới khắp châu Âu, ảnh hưởng và chi phối hầu hết tinh thần và linh hồn dân chúng.


Giữa mớ hỗn loạn vẫy vùng trong sự thống trị của Thần Quyền đó, Paris cổ kính xa hoa của nước Pháp hoa lệ hiện lên một cách kì diệu và sinh động. Thời kì này Paris chia ra làm ba khu, mỗi khu xé nhỏ thành hàng chuch, hàng trăm biệt khu, chồng chéo hỗn loạn về sự thống trị và luật lệ của các lãnh chúa, mà vua Louis XI gắng sức đập tan những quyền hành xé lẻ đó để thống nhất nước Pháp và tái thiết Pháp sau cuộc Chiến tranh Trăm năm tàn khốc (cuộc tranh giành lãnh thổ và ngôi vua Pháp giữa Pháp và Anh suốt 100 năm từ 1337-1453 mà trong đó xuất hiện Thánh Joan – Jeanne d’Arc). Dựa vào những âm mưu chính trị, những cuộc nổi loạn và chiến tranh, thủ đoạn trắng trợn để chiếm đoạt quyền lợi của giới đại quý tộc, đại tăng lữ, giáo chủ,....cuộc chiến biến chế độ Phong Kiến Cát Cứ thành Quân Chủ Chuyên Chế này đã được hoàn tất dưới thời “Vua Mặt Trời” Louis XIV.


Mặc dù Louis XI có khá nhiều cải cách, đặc biệt nhất là sự du nhập của nghề in mà theo Victor Hugo là đã chấm dứt thời kì đỉnh cao của kiến trúc, xã hội Paris thời đó vẫn vô cùng rối ren và bất công: Các phiên tòa diễn ra như một trò đùa – lệnh án tùy tiện ngớ ngẩn, luật lệ chồng chất vô lý, các thể lọai thuế nặng nề bất công kìm hãm sự phát triển của xã hội, mọi quyền lực tập trung vào tay Giáo Hội, giết người treo cổ diễn ra thường xuyên và ở khắp mọi nơi, những hội hè lễ thánh thái quá, những kẻ lừa đảo trộm cắp, đĩ điếm, vua chúa sống nhung nhúc trong mạng nhện chằng chịt của Kinh Đô Paris, những cuộc đấu tranh vì quyền lợi luôn sôi sục... Bằng ngòi bút vĩ đại bậc thầy và thông qua tuyệt tác nhân văn của nhân loại, ta thấy được chữ Định Mệnh “tàn nhẫn, mê muội, chưa nắm vững quy luật  khách quan của vận động xã hội, thiên nhiên, chỉ thấy nó sặc mùi thần bí, không sao tránh khỏi tai ương nghiệp chướng,...Các nhân vật bị giày xéo , đè bẹp, nghiền nát nhau, vì một lực lượng tối thượng, vô hình, tàn bạo” mà thời kì đó dường như trở thành điều nghim nhiên, lại đang vùng vẫy muốn đập vỡ tấm kính ngăn cách giữa bờ vực tối tăm đến với thế giới tươi sáng của tự do trên cao kia! Về sau, khi Victor Hugo đã nếm trải sâu sắc hơn những đắng cay của cuộc đời, “Những kẻ khốn khổ” không còn nhuốm một màu sắc bi thương lãng mạn của Bóng Tối Định Mệnh nữa, mà trở thành Ánh Sáng của Hy Vọng và Tình Thương.


Nổi bật hẳn lên trên đó là ánh sáng thánh thiện tinh khiết và cuồng nhiệt của người con gái Bohemian, người con gái lang thang với vẻ đẹp tuyệt mỹ và trong trắng, khao khát yêu thương và cũng biết yêu thương cuồng nhiệt và say đắm, như tượng trưng cho cái đẹp, cái hoàn mỹ giữa đống hỗn loạn bùn nhơ của thời kì tăm tối – Esmeralda. Cùng song hành với vẻ đẹp tinh khôi của người con gái đáng yêu, tình mẫu tử mãnh liệt nhưng mù quáng của bà Tu kín giam mình mười lăm năm trong tín ngưỡng u mê dành cho đứa con gái, chính là Esmeralda bị thất lạc ngày nào. Tuy nhiên, ẩn dấu trong những vẻ đẹp tuyệt vời đó vẫn là một nỗi đau. Người mẹ yêu con đến cùng khổ khắc nghiệt, tự đày ải bản thân và nguyền rủa cả nhân loại, mất cả niềm tin và Chúa. Trong khi đó, người con gái xinh đẹp trong trắng lỡ đem lòng yêu gã Phoebus đàng điếm sở khanh chấp nhận bị kết án giết người và phù thủy vẫn không nguôi lòng nhớ thương người tình. Dù nàng không cố ý, thì “cái đẹp” mà nàng tượng trưng vẫn luôn ghê sợ tởm lợm “cái xấu xí” của thằng gù Quasimodo – chính kẻ đã cứu mạng nàng khỏi giá treo cổ! Điều này dường như làm con người ta đau đớn trước sự ngây thơ tinh sạch đến mức nhiều khi vô tâm của người con gái, cũng như sự vô tâm lánh xa của cái đẹp với cái xấu mà chưa hề đào xới xem dưới vỏ bọc kệch cỡm kia chất chứa những gì. Thế nhưng, vẻ đẹp và tình thương vẫn nổi bật lên như một sự chống trả quyết liệt ngầm không bao giờ khuất phục!


Lòng nhân đạo và yêu thương con người của Victor Hugo được thể hiện rõ ràng nhất qua chân dung của thằng gù Quasimodo xấu xí, dị dạng, cô độc, gánh chịu đủ mọi tật nguyền và khinh rẻ của nhân loại, bị mọi người căm ghét đến chối bỏ cả quyền làm người, chỉ coi Quasimodo như một con quái vật! Đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi ngay từ khi sinh ra, bị bỏ lại trong nhà thờ làm đứa trẻ vô thừa nhận và được Claude Frollo nhận nuôi chỉ vì lòng thương hại và muốn làm phúc cho đứa em trai. Chịu mọi bạc đãi bất công của thiên nhiên và tạo hóa, cái khối thịt tật nguyền và ngu dốt đó lại có một tấm lòng vàng tôi luyện, một tấm lòng chung thủy tuyệt vời! “Con quái vật kéo chuông nhà thờ” - vốn chỉ sống lặng lẽ bình yên trước những cái chuông, với tâm hồn đã hoàn toàn nhập vào cùng với kiến trúc kiệt tác của lịch sử là nhà thờ Đức Bà và lòng thành kính tột cùng với người đã cứu vớt nó là Frollo - lại mạo hiểm cả tính mạng và sức lực để cứu Esmeralda chỉ vì trước đó, trên dàn bêu tù khắc nghiệt, khi nó cầu xin một ngụm nước trước những người dân vô cảm đang chửi bới khinh rẻ nó, Esmeralda đã vô thức ban cho nó một chút nước. Thánh thần trêu ngươi để nó rơi vào lưới tình với người con gái xinh đẹp đáng yêu – nó cứu Esmeralda, bảo vệ cô trong nhà thờ Đức Bà, bảo vệ cô trước chính chủ nhân Frollo từng cứu sống mình, và tất cả những gì nó nhận lại được là sự sợ hãi kinh khiếp của người con gái. Ngòi bút nhân đạo của Victor đã tỏ lòng xót thương đến với con người dị dạng nhưng nguyên hình nguyên khối và có một tấm lòng yêu thương sâu sắc như bao con người khác, như một bông hoa tuy xấu xí nhưng hương thơm vọng xa trầm lắng và day dứt! Để rồi cuối cùng, “con quái vật” đáng thương đó đã phải thốt lên “Ôi! Đó là tất cả những gì ta yêu quý” khi đẩy Frollo từ trên đinh nhà thờ Đức Bà vì biết chính người ân nhân đã báo cho lũ lính treo cổ người con gái mà nó yêu thương nhất. Chốt lại câu chuyện, người ta thấy bộ xương dị dạng ôm chặt lấy thân xác “con phù thủy” bị treo cổ năm xưa không rời, chỉ cần chạm nhẹ thôi cũng tan thành tro bụi.


Trong câu chuyện, Gringoire cũng xuất hiện như một nhà thơ chết đói, nhà triết học chiết trung và hoài nghi, hiện lên như một bức hình biếm họa của một kẻ nhu nhược chỉ biết sống bám víu vào những mộng tưởng hão huyền, chỉ biết yêu mình. Rốt cuộc, thực tế khốc liệt tát vào mặt con người vốn ở trên mây đó để tâm trí kẻ mơ mộng buộc phải nhận ra tầm quan trọng của cơm áo gạo tiền hàng ngày và ra lệnh cho cái hàm phải làm trò cắn chồng ghế để có cơm mà nhai. Trong khi đó, xã hội lại đầy rẫy những kẻ ngu ngốc chỉ biết chạy theo phong trào, xu nịnh và học thức kém nhờ tiền quyền mà chen chân lên hàng ngũ “có địa vị”, những kẻ cơ hội tranh thủ kiếm chác mà quên mất những điểm tựa tinh thần.


Nổi bật lên trên hết, và được Victor mô tả một cách kĩ lưỡng nhất, chính là Phó Giáo Chủ Claude Frollo. Claude Frollo xuất hiện dưới một vỏ bọc khắc kỉ, nghiêm ngặt, lạnh lùng và khô cứng, năm trong tay rất nhiều tri thức đương thời và một trí tuệ phi thường. Tuy nhiên, chính những hiểu biết và lòng thiếu thốn tình thương từ nhỏ đã khoác lên cho ông tấm áo choàng đạo đức giả và tấm mặt nạ của kẻ tu hành khô khan, bào mòn dần lòng tin của một cha xứ với chính người ông tôn sùng – Chúa. Dần dần trong tâm khảm đó, Lucifer dẫn trỗi dậy, xâm chiếm tâm hồn, và khi rơi vào lưới tình của Esmaralda tượng trưng cho ánh sáng, bóng tối bên trong Frollo bắt đầu sôi sục và trở nên vị kỉ độc ác. Ông đã đem lòng yêu một nàng Digan mà thời đó vốn bị nhà thờ cho là quỷ dữ, là phù thủy, là giống người phải cấm đoán bằng một tình yêu của Satan – không ăn được thì đạp đổ! Tình yêu say đắm đó muốn độc chiếm nàng Digan xinh đẹp, và khi không chiếm được, ông tự hành hạ đắm chìm bản thân trong khổ ải và hoài nghi của chính mình, để rồi kết thúc, con người đó đã gieo rắc khổ đau lên chính người ông yêu để buộc Esmaralda phải chọn giữa ông và cái chết. Tâm lý của Frollo được khắc họa vô cùng tài tình: dưới vỏ bọc đạo đức giả của một kẻ tu hành mẫu mực là trái tim đã bị bóng tối mài mòn đến mức biến thành cuồng loạn và độc ác.


Xuyên suốt câu chuyện bi thảm tối tăm, Nhà thờ Đức Bà luôn hiện diện như một điểm tựa tinh thần thanh khiết cho những kẻ khốn khổ đau thương trước những biến động của cuộc đời. Tòa nhà vì đại tượng trưng cho cả một nền kiến trúc nghệ thuật đỉnh cao thời kì Đêm Trường Trung Cổ đứng im lìm, lặng lẽ như một nhân chứng khắc ghi tất cả những sự kiện xảy ra xung quanh và cảm nhận nó bằng bức tường vừng vàng bất tử. Cái thần của nó ám ảnh như bản thánh ca cứu rỗi, là nhân chưng cho những sự kiện đẫm máu và như để góp phần tố cáo những tệ hại lạc hậu khốn nạn, kêu gọi sự phát triển cải cách, kêu gọi lòng nhân đạo.


“Thằng gù nhà thờ Đức bà” quả xứng là một trong những tuyệt tác văn học đáng đọc nhất mọi thời đại! Đừng bỏ qua bản thánh ca của “nhân hùng ca” của lịch sử này!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét