Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

[Sách hay] Oliver Twist






Nhà văn Nam Cao từng thể hiện quan điểm sáng tác của mình rằng: Một tác phẩm chân chính phải chứa đựng một cái gì đó vừa lớn lao vừa cao cả, vừa đau đớn vừa phấn khởi. Nó ca ngợi tình thương, lòng bác ái, sự công bình, nó làm người gần người hơn. Chính vậy! Một tác phẩm chỉ chân khi chính trong nó chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc. Và nếu đã kể đến những tác phẩm văn học có giá trị trên thi đàn văn học Anh quốc nói riêng và của thế giới nói chung, chúng ta không thể không nhắc đến tác phẩm thứ hai mang tên Oliver Twist của một trong những nhà văn hiện thực châm biếm vĩ đại nhất thế kỉ 19 thời Nữ Hoàng Victoria cùng với William Makepeace Thackery (Hội chợ Phù Hoa): Charles Dickens.


Charles Dickens sinh ngày 7 tháng 2 năm 1812 ở cùng Hampshire thuộc Tây Nam Anh quốc, hơn William Makepeace một tuổi. Ông là con thứ hai trong gia đình 8 anh em. Năm tuổi ông chuyển đến sống gần London nhưng rơi vào cảnh khố khó. May mắn thay, 5 năm sau ông được kế thừa gia sản từ một người họ hàng và tiếp tục con đường học vấn. 16 tuổi ông vào làm thư kí cho tòa án và nghị viện và viết bài cho tờ Thời sự Buổi Sáng. Năm 1842 ông đã có cơ hội được sang Mỹ và trở về với tạp chí đã vạch trần sự khốn nạn của chế độ nô lệ ở Mỹ thời bấy giờ. (Biết thêm về chế độ này, đọc Túp lều của bác Tom của Harriet Beecher Stowe). Ông bắt đầu biết văn từ năm 1833 và Oliver được biết đến năm năm sau đó.


Cuối thế kỉ 15 khi nhu cầu len dạ tăng cao, các nhà quý tộc Tây phương bắt đầu nhòm ngó đến lượng vàng bạc châu báu và trân phẩm ở phương Đông cũng với những phát kiến địa lý vĩ đại của nhà hàng hải lịch sử Cristoforo Colombo đã mở ra một kỉ nguyên mới, tạo tiền đề cho các cuộc di dân, xâm lược, đặt nền tảng cho chủ nghĩa đế quốc, đồng thời tạo cơ sở cho sự thành lập của hàng loạt các công ty đa quốc gia và thúc đẩy sự nổi lên của các trùm tư bản. Đến thế kỉ 17 khi nền kinh tế Anh bắt đầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu len dạ tăng cao đã khiến các các địa chủ, quý tộc đuổi dân và tá điền đi để phát triển nông trại chăn nuôi cừu. Người lao động đổ về  cac thành thị tạo nên sự rối loạn về việc làm, nạn thất nghiệp và đói kém tăng cao, lại bị ba tầng áp bức nặng nề: các quý tộc phong kiến, thuế má của triều đình và các địa chủ tư bản, đã gây nên những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội. Cùng thời gian đó, chính các địa chủ nhỏ và các nhà tư bản cũng vô cũng bất mãn với triều đình phong kiến nhiều quy tắc luật lệ kìm hãm sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang trong đà tiến tới, nên đã kết hợp với nông dân làm nên cuộc Cách mạng Tư sản (1640-1689). Sau cuộc chính biến 1688-1689 biến Anh quốc từ một nước Cộng hòa chuyển sang Quân Chủ Lập Hiến, bộ mặt của Anh quốc đã thay đổi rõ rệt: các đạp lí dần bị mài mòn, giai cấp giàu nghèo trở nên sâu sắc hơn bao giờ hết.


Chính cuộc Cách mạng Tư sản thế kỉ 17 đã đặt nền tảng cho sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Anh quốc và là bước đệm lớn nhất tạo nên cuộc Cách Mạng Công Nghiệp thay đổi toàn bộ lịch sử nhân loại! Sau Cách Mạng Tư Sản, khi địa vị của giới “quý tộc mới” xuất thân từ các địa chủ và các trùm tư bản muốn dung tiền mua danh “thượng lưu” trở nên vững chắc, cùng với những quý tộc phong kiến lúc này bắt đầu muốn kiếm chác để “dát vàng” lại huy hiệu dòng họ và số lượng nông dân, công nhân bị đuổi đi lấy chỗ phát triển trang trại nuôi cừu lấy len dạ đã thúc đẩy quá trình sáng tạo và tiến đến cuộc Cách Mạng Công Nghiệp cuối thế kỉ 18 – đầu thế kỉ 19. Đi cùng với sự phát triển vượt bậc của kinh tế là những xáo trộn vô cùng to lớn trong xã hội: phân cấp giàu nghèo rõ rệt, đạo lý băng hoại thối nát, Anh Giáo và Thiên Chúa giáo trở thành những món trang sức hoặc thành công cụ thống trị con người, nạn thất nghiệp gia tăng,... Đặc biệt là sau khi cuộc chiến Waterloo với Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte đã khiến nhà nước buộc phải thải hồi hàng nghìn binh lĩnh thất nghiệp,.... Tất cả đã tạo nên một xã hội Anh quốc rối ren, phù phiếm, tiền quyền thống trị,... Đứng trước một xã hội rối loạn vô cảm, những nhà văn nhân đạo bắt đầu lên tiếng bằng ngòi bút và câu chuyện của mình.


Trái ngược hẳn với William – nhà văn lãng mạn hiện thực châm biếm cùng thời ông với tác phẩm lớn nhất là Hội Chợ Phù Hoa chủ yếu nhằm đến việc tố cáo và vạch trần bộ mặt phù phiếm giả dối của giai cấp tư sản và quý tộc, Charles Dickens đã xây dựng Oliver Twist xuất hiện ở những nơi nghèo nàn và tồi tàn nhất trong xã hội nước Anh, nơi mà tất cả luân lí đều bị những kẻ khoác áo thầy tu và cầm gậy ba-toong mài chèn ép đến độ khốn khổ. Ông đã vẽ lên một khung cảnh chân thực nhất về sự tồi tàn khổ cực của người dân thấp cổ bé họng, sống một cuộc sống lầm lũi dưới đế giày của bọn cầm quyền, bị áp bức bởi những giáo lý khắc điều vốn từ lâu đã thành công cụ điều khiển tinh thần của lũ quý tộc; ở nơi mà cậu bé khốn khổ Oliver mang theo tội danh nặng nề là một đứa trẻ mồ côi và bị coi là quỷ dữ khi xin thêm một chút cháo vì quá đói. Quá khổ sở vì bị bóc lột và đối xử tàn tệ, Oliver trốn lên London và một lần nữa cậu bé rơi vào hang ổ của bọn trộm cắp đầu đường xó chợ gian manh. Nhưng sau đó em được những người tốt bụng giúp đỡ, trốn thoát khỏi nanh vuốt của bọn tội phạm và tìm ra chân tướng xuất thân của mình, rồi sống một cuộc sống hạnh phúc được giáo dục trong tình yêu thương và lí lẽ cùng với ông lão ân nhân tốt bụng.


Như ở trên tôi đã nói, một tác phẩm chân chính phải là một tác phẩm có giá trị nhân đạo. Trong Oliver, giá trị đó được thể hiện rõ nét qua ba điểm.



Điểm thứ nhất, đó là tố cáo xã hội thối nát bị tiền quyền thống trị một cách chặt chẽ và chi phối từ tổ chức đến cá nhân, được thể hiện qua phiên tòa phân xử bất công, người dân không được có ý kiến, và tiêu biểu nhất là qua hình ảnh nhà tế bần với ông thầy tế và những lão quan chức tham tiền hám của. Chúng đẩy những người nghèo khổ bần cùng chỉ có duy nhất nơi nương tựa là nhà tế bần để kiếm miếng ăn đến bờ vực của sự chết đói; chúng coi những người nghèo khổ là những kẻ thấp kém vô giá trị chỉ biết ăn không ngồi rồi chực chờ đồ cứu tế của nhà tế bần và làm như việc nghèo khổ là tội lỗi của họ; rằng chúng đã tốt lắm rồi khi ban cho họ ba bữa cháo loãng trong chén con mỗi ngày. Những lời lẽ sắc bén châm biếm đã biến bức tranh về định nghĩa của “lòng nhân đạo” của những kẻ ngồi trên vàng bạc nhưng có trái tim của quỷ và mặt nạ giả nhân giả nghĩa trở nên vừa buồn cười vừa đáng căm phẫn. Đồng thời ông cũng tố cáo sự tàn nhẫn của chế độ đó khi tước đi cả quyền sống, phát triển của những đứa trẻ để nhấn mạnh một điều rằng: xã hội phải được tổ chức lại để cứu lấy tuổi thơ. Điều kì lạ là dù bức biếm họa tàn nhẫn này vẫn được xuất bản đã chứng tỏ một điều: chủ nghĩa tư bản không sợ phê phán, chỉ yêu cầu cải cách – vì điều đó gieo vào lòng người niềm tin rằng mọi chuyện sẽ còn thay đổi, còn cứu vãn được, không cần phải cách mạng hay đổ máu. Điều này là một bất lợi: Charles Dickens là một người “cải lương”, phong cách viết mang vẻ cổ tích và kết thúc trong mơ đã giúp tác phẩm của ông có giá trị tố cáo cao đồng thời lại cũng xoa dịu lòng người khi thấy được những kết cục viên mãn.


Nếu có ai từng đọc truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao sẽ hiểu sâu sắc định lý: khốn nạn hóa. Giá trị nhân đạo thứ hai của Oliver Twist được Charles Dickens thể hiện qua điều này: xã hội băng hoại đẩy con người ta đến đường cùng của sự nghèo khổ, và bị khốn nạn hóa. Những câu tả ngắn gọn sắc nét chân thực về những khu ổ chuột cùng khổ, sự khắc khổ của cuộc sống và phác họa lòng tham cùng lòng tàn nhẫn của con người phải sống trong bóng tôi đã trở thành khung nền giải thích được lí do những nhân vật như Fagin, Monks, Sikes, Nenxi,...trở nên tàn nhẫn và độc ác đến mức đôi lúc người đọc gần như không còn thấy được nhân tính trong những kẻ đó. Chúng bất chấp luân thường đạo lí, làm những chuyện trộm cướp bẩn thỉu để sinh tồn, rồi dần dà biến nó thành bản năng và ý nghĩa sống. Nhưng điều khiến ông trở thành nhà nhân đạo không phải chỉ nằm ở việc khốn nạn hóa nhân vật cùng khổ của mình dưới móng vuốt của lũ tư bản, mà là ông đã khai thác được những cảm xúc sâu thẳm trong tâm hồn những kẻ cùng khổ đó. Chẳng hạn như Nenxi, vì một cảm xúc hối hận hay gì đó, không ai biết, nhưng lại âm thầm giúp đỡ Oliver chống lại bè lũ của chính mình dù phải trả giá bằng sinh mạng; những kẻ vô nhân tính như Fagin, Sikes đến cuối đời cũng phải chịu đòn trừng phạt của tòa, của xã hội, và mạnh mẽ nhất: đó là lương tâm của chính bọn chúng.


Điều cuối cùng, đó chính là ca ngợi lòng nhân đạo và thương người giữa người với người. Những người như ông Brownlow, bà Maylie hay cô Rose,... đã khẳng định niềm tin mãnh liệt vào bản chất tốt đẹp của con người giữa bóng tối thối nát khốn nạn, bày tỏ sự cảm động trước tình yêu không vụ lợi và sự giúp đỡ không cần hoàn trả. Đặc biệt còn là lời ca ngợi đến lòng dũng cảm không bị khuất phục của Oliver cũng như những người giúp đỡ cậu, và là niềm hy vọng vào sự nổi dậy đấu tranh đòi lại sự bình đẳng và mơ ước của con người. Bút pháp cổ tích độc đáo của Charles Dickens đã xây dựng nên một thế giới gần như trong cổ tích, nơi những đứa trẻ đọc vì đam mê cấu trúc huyền ảo đầy chất trẻ thơ và nhận thấy được những chân lý công lý luôn thắng bạo tàn, trong khi người lớn đọc để thấy tâm hồn như trẻ lại, tiếp thêm niềm tin vào con người và giúp tâm hồn trở nên phong phú yêu đời hơn.


1 nhận xét: