Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

[Sách hay] Những người khốn khổ




“Khi pháp luật và phong hóa còn đầy đọa con người, còn dựng nên những cảnh địa ngục trần gian giữa xã hội văn minh và đem một thứ Định Mệnh nhân tạo chồng lên trên Thiên Mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự sa đọa của đàn ông khi bán sức lao động, sự trụy lạc của đàn bà vì đói khát, sự cằn cỗi của trẻ nhở vì tối tăm, chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi ở trên mặt đất, dốt nát và đói khổ vẫn còn tồn tại thì những quyển sách như loại sách này vẫn còn có ích.”




Trên thế giới há có ai không từng nghe đến đại danh hào người Pháp Victor Hugo(1805-1885) – một nhà nhân đạo vĩ đại với chủ trương Tiến bộ không ngừng: “Không bao giờ tôi chủ trương nghệ thuật vì nghệ thuật. Bao giờ tôi cũng nói: nghệ thuật phải phục vụ cho tiến bộ.”. Ông là một trí thức tiêu biểu, một nhà chính trị dấn thân của Thế Kỉ 19, luôn mang trong mình tinh thần Cách Mạng và Dân Chủ . Ngoài ra ông còn là một nhà văn đại diện cho trường phái Lãng mạn của văn học phương Tây thế kỉ 19. Hai tác phẩm đã đem đến tên tuổi cho nhà nhân đạo vĩ đại của nhân loại người Pháp này là “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris”(Notra Dame de Paris) và “Những người khốn khổ” (Les Miserables).


“Những người khốn khổ” được xuất bản năm 1862 và được đánh giá là một trong những “Nhân Hùng ca” vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Khác hẳn với văn phong mang màu sắc hoài cổ nhuốm màu tăm tối của Bóng Tối Định Mệnh trong “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người khốn khổ” là tuyên ngôn của ông về niềm tin vào Ánh sáng của Hy vọng, Tình thương, vào Dân Chủ, Cách mạng và Tiến Bộ. Mặc dù là người dẫn đầu trong phong trào Lãng mạn tích cực, nhưng những tác phẩm nhân đạo của ông không hề tô hồng bôi đen thái quá hay thoát ly hiện thực mà các tác phẩm của ông luôn nhuốm một lòng thương cảm sâu sắc đến những con người ở vực sâu của nghèo đói và tuyệt vọng. Đối với ông, Văn học nghệ thuật phải phục vụ chân lý và phản ánh thực tế.


“Những người khốn khổ” được mô tả trong bối cảnh từ khoảng năm 1815 đến khoảng 1833. Đây là khoảng thời gian sau cuộc Cách Mạng Tư sản Pháp 1789-1799 đánh dấu mốc chấm dứt hoàn toàn chế độ Phong Kiến của Pháp. Cách Mạng Pháp đã đem lại những thay đổi vô cùng lớn lao trong Xã hội, Chính trị và Tư Tưỏng Pháp.


Sau cuộc nổi dậy năm 1789 mở đầu cho Cách mạng, nền Quân chủ lập hiến-Cộng hòa thứ nhất được thành lập. 1792, Chiến tranh Pháp-Phổ bùng nổ. Một tháng sau tức tháng Tám năm 1792, quần chúng Paris nổi dậy, lập chính quyền công xã Cách Mạng và lập nên Chế độ Cộng Hòa thứ Nhất.  1793, Phái Jacobin kiên quyết đập tan trở ngại phong kiến kìm hãm sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để thiết lập nền chuyên chính cách mạng, mở đường cho Chủ nghĩa Tư Bản và giai cấp Tư sản thống trị nước Pháp. Cuộc đảo chính phản Cách Mạng tháng Bảy năm 1794 đã giúp giới tư sản tranh thủ tích trữ làm giàu. Thời kì khi những cuộc nổi loạn của phe bảo hoàng muốn phá bỏ nền Cộng Hòa để khôi phục Chế độ Quân Chủ. Trong khi đó,tướng Napoleon Bonaparte bắt đầu nổi danh khi chỉ huy quân đội chống phiến loạn trong nước và thắng Áo trong chiến dịch thôn tính Italia. Giai cấp tư sản Pháp định thực hiện chương trình lớn dùng Italia làm bàn đạp chiếm Châu Âu rồi đánh sang Ai Cập và Syrie nên đã dựa vào Napoleon để tiến hành chiến tranh chống liên minh phong kiến châu Âu và trấn áp bảo hoàng cùng phái Jacobin. Năm 1799, Napoleon thiết lập chế độ Tổng tài, và 1804, Đế chế 1 được thành lập. Chính phủ Napoleon là một chính phủ tư sản, bảo hộ cho nền tư sản khắp châu Âu. Tuy nhiên đến năm 1814, chế độ Tổng tài của Napoleon bị phong trào giải phóng dân tộc lật độ, dòng họ Bourbon đưa các thế lực phong kiến lưu vong trở lại nắm chính quyền Pháp. Louis 18 được phục hồi, quý tộc và tăng lữ phong kiến chiếm lại ruộng đất bị Cách Mạng tịch thu, Bảo hoàng cực đoan được khuyến khích áp chế nhân dân. Năm 1815, sau thất bại hoàn toàn của Hoàng đế Napoleon trong trận Waterloo, nền Quân chủ lập hiến và Louis 18 xác nhận được chỗ đứng. Khoảng thời gian những năm 1815 chính là thời gian mở đầu cho quyển 1 của “Những người khốn khổ”.


Thời gian này xã hội Pháp nhuồm trong bùn nhơ của sự tàn bạo. Xã hội rối ren đầy rẫy những kẻ cùng khổ, tuyệt vọng, phải sống những cuộc sống tối tăm không lối thoát, phải chịu đựng sự áp bức bó lột tàn nhẫn của chế độ qua những công cụ ghê tởm như tòa án, cảnh sát, nhà tù, thành kiến, tập quán, pháp luật và văn hoá còn đày đọa con người, còn xây nên những địa ngục tối tăm và đem một thứ định mệnh nhân tạo chất chồng lên trên thiên mệnh”… Đó là một xã hội mà những kẻ bất hạnh và kẻ tội phạm bị coi như giống nhau ...Bức tranh của những kẻ cùng khổ, cuộc Cách mạng huy hoàng năm 1832 dươí ngòi bút đại tài của Victor Hugo trở nên chân thực, sống động và đầy tính nhân văn.


Cảnh của những người khốn khổ bần cùng ấy được thể hiện rõ nét thông qua hình ảnh Fantine, một người mẹ đáng thương. Người phụ nữ trong trắng, ngây thơ, xinh đẹp với một tương lai đáng lẽ sáng lạn lại rơi vào tay một thanh niên tiểu tư sản sở khanh, ăn không ngồi rồi và mang thai. Nhưng điều đó không hề biến cô thành một người độc ác khắc khổ và ghét đứa con của mình. Fantine vẫn hiện lên với ánh hào quang của tình yêu thương một người mẹ vô bờ bến. Đứng trước thành kiến và sự bóc lột của xã hội, cô phải bán tóc, bán răng, bán thân để nuôi đứa con nhỏ xinh đẹp. Ngay cả khi tấm thân đã bị chìm vào bùn nhơ tăm tối của chế độ, của thời đại, đau đớn bởi sự lãnh đạm của xã hội và sự coi khinh của chính con người, thân phận người đàn bà khốn khổ dưới đáy cùng của bậc thang con người đó vẫn ngời lên tình yêu thương mãnh liệt, cao cả, mang trong mình một giấc mơ về hạnh phúc bình dị êm ái. Ngòi bút tài hoa kia khi viết về người đàn bà bần cùng đó dường như rỉ máu theo những giọt nước mắt cuồng dại thấm đẫm sự hy sinh cao cả của người mẹ!


Xuyên suốt cả tác phẩm, nhân vật chính Jean Valjean, đứa con tinh thần nơi Hugo gửi gắm toàn bộ lòng nhân đạo, lòng xót thương và niềm hy vọng luôn hiện lên với một hào quang rực rỡ. Cũng chính qua nhân vật này mà ông đã tố cáo và lên án được cả xã hội giai cấp nặng nề – xã hội bất công sâu sắc, tước đi quyền làm người của con người. Jean Valjean, một con người khốn khổ dưới đáy xã hội, chỉ vì cháu ông quá đói mà ông đi ăn trộm một cái bánh mỳ, để rồi trả giá bằng 19 năm lao động khổ sai trong tù – trong địa ngục trần gian - nơi con người xây nên để trừng phạt và hủy diệt chính con người. Bước chân ra ngoài tự do, một con người khốn khổ bần cùng trở nên độc ác và nguyền rủa toàn bộ xã hội, nguyền rủa toàn bộ loài người và cả chế độ. Từ một người thiếu học chỉ có chút cục cằn và sai lầm lúc quá đói khổ, tờ giấy vàng đã biến Jean Valjean trở thành một kẻ nguy hiểm, bị từ chối về nhân phẩm và cả quyền làm người. Nhưng cũng chính đến đây, Hugo đã thể hiện xuất sắc ngòi bút nhân đạo của mình khi tìm được trong sâu thẳm tâm hồn một kẻ biến chất những tình cảm con người và những khát khao được lương thiện; khơi dậy được trong tim đã khô cằn bởi nỗi đau đớn bị chối bỏ của Jean Valjean bằng ánh sáng của Niềm tin thông qua Mục sư Myriel – vị mục sư tượng cho đức tin cao cả, lòng nhân từ của một vị thánh và sự thứ tha bao la vô tận. Hy vọng và Niềm tin đã cứu rỗi một con người từ trong tận cùng nỗi đau và độc ác!


Từ một người không được coi là người; một người đã bị tước đoạt tất cả, Jean Valjean với đến ánh sáng và trở thành ông Madeleine tốt bụng, tài giỏi, giàu tình nhân ái nhưng cô độc và luôn tự trách chính mình. Ông trở thành thị trưởng nhờ tài năng – ông đem hết khả năng của mình để giúp đỡ kẻ nghèo. Nhưng số phận, hay chính xã hội khô cứng đã không tha cho ông? Những tấm lưới mang tên pháp luật vẫn bủa vây để đuổi theo quá khứ để hủy hoại hiện tại của con người đã hoàn lương khốn khổ này. Vậy mà khi một người bị nhận nhầm là Jean Valjean trong quá khứ chuẩn bị phải ra tòa để nhận án tù khổ sai thay ông – một cơ hội để cứu Madeleine thiện lương ngày nay, thì Madeleine vẫn bị ám ảnh bởi tội lỗi và sự giày xéo của chính lương tâm mình để rồi ra đầu thú. Thế nhưng Madeleine nay lại có một sức sống phi thường, một lý trí mãnh liệt ham sống và một lời hứa thiêng liêng với người đàn bà tội nghiệp Fantine và bé Cosette bé bỏng đáng thương. Bất chấp sự bủa vây vô lí bất công của luật pháp và công cụ mang tên Javert của nó, ông đối mặt không sợ hãi và đưa bé Cosette chạy trốn.


Hugo lại thể hiện sự nhân đạo lớn lao đến với con người cả đời chìm trong bóng tối khi trao vào tay ông một thiên thần bé nhỏ, xinh đẹp và trung thành với tâm hồn trong sáng tinh khôi và tình yêu cao cả. Cosette là cả cuộc đời, là cả định mệnh của Jean Valjean khốn khổ. Ông yêu thương cô bé bằng tất cả mọi thứ tình yêu cao cả nhất, tình yêu của người cha, của người mẹ, của người bạn và thậm chí còn sâu sắc, độc chiếm hơn nhiều. Nhưng con người ấy sau một thời gian hạnh phúc nhất đời ông khi có Cosette bầu bạn vẫn không thoát khỏi bóng ma ám ảnh của quá khứ. Chế độ tàn khốc và xã hội lãnh đạm đã khắc sâu tâm trí ông một tư tưởng – nó luôn coi ông là tội đồ, khiến chính bản thân ông dù đã trở nên tốt đẹp, lương thiện thì vẫn bị định kiến đè nặng và giày vò. Cái xã hội ấy tước đi quyền làm người của chính còn người còn chưa đủ. Nó tước đi là quyền con người tự coi mình là người! Nó biến tất cả tương lai, hạnh phúc của một con người thành tro bụi trước một tờ giấy màu vàng! Phải nói rằng, Jean Val Jean khốn khổ không phải vì ông bị từ do ăn cắp cái bánh mỳ, mà ông khốn khổ vì ông không biết cách tự tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân dù đã dành cả đời để chuộc lỗi, và ông khốn khổ vì ông sinh ra dưới một chế độ xã hội huỷ hoại đầu óc và nhân cách con người đến mức con người ta không dám tự tha thứ cho bản thân!


Rồi đến khi Cosette biết yêu – điều hiển nhiên sẽ xảy ra, thì Jean Valjean với sự ghen tuông và nỗi sợ hãi sẽ mất đi ánh sáng của đời mình vẫn chấp nhận từ bỏ tất cả vì con gái quý hóa bé bỏng. Ông bước chân vào chiến lũy của những thanh niên Cách mạng để cứu chàng trai tư sản tên Marius đã cướp đi trái tim của Cosette xưa vốn chỉ thuộc về mình ông. Ngay cả khi Marius không biết hết quá khứ của ông và sợ hãi khinh rẻ cái bóng ma tù khổ sai của ông, Jean Valjean vẫn vị tha, bao dung, đầy lòng thương yêu và cầu chúc cho hạnh phúc của đôi trẻ tuổi; hạnh phúc của đứa con gái nuôi vốn là cả thế giới của ông. Hình tượng Jean Valjean trong truyện được dựng lên một cách cao thượng, đẹp đẽ, lý tưởng cho cái thiên lương tốt đẹp cao cả.


Con gái Jean Valjean, bé Cosette lại được khắc họa như một tương lai tươi sáng, như một bông hoa xinh đẹp thiện lương cả đời không biết đến bùn nhơ, một tâm hồn tinh khiết trong trắng lại ngọt ngào đắm say. Cô yêu Jean Valjean bằng cả tấm lòng, nhưng cô lại không biết đến quá khứ tội lỗi của cha. Cô sống trong sự bảo bọc nâng niu hết mực, mà như Marius, Jean Valjean như cây gai tàn tạ mục nát đã bảo vệ nâng niu đóa hoa huệ bằng tất cả tấm lòng. Tình yêu tuyệt đẹp và trong sáng giữa Cosette và Marius có cái gì đó vừa hư vừa thực, bay bổng đắm say lại cuồng nhiệt – một tình yêu lãng mạn đúng nghĩa; một tình yêu đẹp đẽ trong sáng không vì hư danh tiền bạc giữa thời đại dưới chân đói nghèo khổ đau, phía trên xa hoa lãnh đạm. Mối tình chọt hé như nụ hoa mùa xuân, đầu còn e ấp trong tư tưởng, sau nở ra dịu dàng trong lãng mạn, và bừng nở rạng rỡ dưới sự bảo hộ và giúp đỡ của Jean Valjean. Marius – tượng trưng của tuổi trẻ, của trí thức tiểu tư sản mộng mơ mang trong mình dòng máu kiêu hãnh của người cha từng ngã xuống trong trận Waterloo, luôn hy vọng và tin vào lý tưởng của bản thân. Mặc dù ngay cả khi trong Marius vẫn còn mang định kiến của giới tư sản và thành kiến của xã hội trước tờ giấy vàng trong quá khứ của Jean Valjean, thì chàng thanh niên bộc trực đó vẫn là con người của tình yêu, của đắm say, của đền ơn đáp nghĩa và ân tình sâu nặng.


Trái ngược hẳn với tình yêu được chúc phúc của Marius và Cosette, tình yêu của cô gái nghèo Eponie con lão Thenardier mang trong mình một tình yêu thầm kín đầy hy sinh. Dù được sinh ra nuôi dưỡng trong dối trá và tội ác thì Eponie tội nghiệp khi đem lòng yêu Marius vẫn trở nên nồng nàn, ngọt ngào đáng ngưỡng mộ. Một người con gái khi yêu dù đau lòng nhưng vẫn hết mình làm con chim xanh cầu nối tình yêu cho người mình yêu và một người con gái khác, để rồi đến ngày định mệnh: năm 1832, Lamarque – vị tướng duy nhất có cảm tình với giai cấp lao động qua đời. Cuộc Cách Mạng của những người nghèo khổ nổ ra vào đêm mồng 5 rạng sáng mồng 6 tháng 6 năm 1832. Marius là một trong những thanh niên đã tham gia vào cuộc Cách mạng cùng với Enjolras và các sinh viên khác. Eponie, dù không chiếm được tình yêu của chàng thanh niên thì cô vẫn ra đi trọng hạnh phúc và thanh thản trên tay Marius sau khi tham gia vào chiến lũy và đỡ thay Marius một viên đạn.


Không thể không nhắc đến những chàng sinh viên Cách mạng và Anjolras – những chàng thanh niên kiên định, đầy ắp lí tưởng và niềm tin. Họ đứng lên vì người nghèo, vì tầng lớp khốn cùng, vì lí tưởng về một xã hội tốt đẹp hơn. Hình bóng những chiến sĩ kiêu hùng bên trong chiến lũy tự tạo kia mang màu sắc oai phong hùng tráng như một đội quân, kiên trì chống trả đến từng giây phút cuối cùng không sợ hãi. Họ dũng cảm đối mặt với cái chết nhờ niềm tin vững chắc và ánh sáng rạng rỡ của thần Apollo khiến ngay cả quân đội cũng tiếc thương khi phải nã súng. Ngay cả cậu bé lang thang Gavroche – con trai lão Tharnadier, em của Eponie – bị cha mẹ bỏ rơi phải lang thang nên những ngõ ngách bẩn thỉu, phải ăn gió nằm sương tồn tại khốn khổ trước sự đe dọa của đói rét và cả sự truy lùng, định kiến của xã hội đối với những đứa trẻ bị bỏ rơi - cũng hiện lên một cách hài hước, trong sáng và vô cùng dũng cảm. Ai mà ngờ được, đứa trẻ vô phúc không được chọn cha chọn mẹ kia, phải sống bờ bụi kia, vẫn đem trong mình nhân cách tốt đẹp và lòng dũng cảm của một chiến sĩ vì tự do. Đó là những con người sống vì lý tưởng cao đẹp, chết đi vẫn vinh quang, dù đó là cái chết vì những ảo tưởng về một xã hội không tưởng kiểu Owen đi chăng nữa!


Trái ngược hẳn lại với những nhân vật như Jean Valjean hay Fantine, gia đình lão Tharnadier hoàn toàn là đại diện cho những cái xấu xa và cặn bã của xã hội. Không thể bỏ qua trường hợp có thể lão đã độc ác gian giảo từ khi sinh ra, nhưng cũng chẳng thể loại bỏ nguyên nhân sâu xa có lẽ đến từ sự tác động của xã hội. Xã hội rối ren, đồng tiền thống trị, con người còn cách nào ngoài việc quý trọng đồng tiền hơn nhân cách? Lão Tharnadier là một đại diện hoàn hảo cho việc bón linh hồn cho của cải, bán nhân phẩm lấy tiền giấy – lão luôn tìm cơ kiếm tiền dù đó có là phạm tội đi chăng nữa. Đó là cái ung nhọt của xã hội, là kẻ cắp được đĩ điếm sinh ra để tàn phá người khác. Đó là đứa con được xã hội thờ ơ áp bức sinh ra!


Trên hết, có một nhân vật đặc biệt và gần như là nhân vật xuyên suốt cả câu chuyện, đó là thanh tra Javert. Nếu ở các nhân vật khác, “Bóng tối” và “Ánh sáng” trong tâm hồn được miêu tả hòa quyện và mờ ảo hơn, thì ở nhân vật này người đọc có thể cảm nhận rõ ràng sự rạch ròi của 2 mặt một con người. Javert là hình tượng hoàn hảo của tính tương đối – gã là một cỗ máy, một công cụ của chính phủ, lúc nào cũng nhăm nhe tóm cổ không chỉ riêng Jean Valjean mà tất cả bọn tội phạm. Nhân vật này thường bị coi là ác – nhưng người ta không thể nào ghét Javert hoàn toàn vì cái tính khắc kỉ, cô độc, mù quáng tin tưởng vào luật pháp như một cỗ máy của hắn. Ở trong hắn có một sự phục tùng tuyệt đối không chút nghi ngờ đến tính công bằng của luật pháp, luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đó là một công dân và là một sĩ quan xuất sắc. Tuy nhiên cũng chính do chính phủ và do bản thân Javert mà dường như ở phần đầu người ta không thấy được bản chất “con người” của tên mật thám. Chỉ đến khi cuối truyện, những xung đột về lòng vị tha và khoan dung cùng với sự giải thoát của Jean Valjean bắt đầu đấu tranh với niềm tin khắc kỉ cũ, hắn mới bắt đầu xuất hiện như là có nhân tính. Hugo đã khéo léo tạo cho một người gần như đã bị “tẩy não” biết rung động trước một gã tù khổ sai, biết rung động trước những tác động của sự nhân từ và tấm lòng cao cả. Đối với tôi, đây là một nhân vật đặc sắc hơn cả: Javert là một kẻ khốn khổ đáng thương đến cùng cực - và càng đáng thương hơn khi hắn biết thân phận của mình là thấp hèn và đáng thương hại, nên hắn dồn toàn bộ tâm tư để trở thành một cỗ máy, rồi cho đến tận lúc chết, hắn vẫn chỉ là một kẻ đáng thương bởi không đủ khả năng thừa nhận sự thay đổi trong cách nhìn, trong lý tưởng khắc kỉ của bản thân và tự trừng phạt mình một cách tàn nhẫn. Nhưng có lẽ, chính cái chết lại là sự giải thoát cho Javert chăng?


“Những người khốn khổ” không chỉ là một cuốn truyện xuất sắc về ngôn từ, cốt truyện; đó còn là một tuyệt phẩm trong việc mô tả tâm lý và triết lý – xuyên suốt câu truyện thường có những đoạn ngắn lồng chính quan điểm, cách nhìn của tác giả và những bài học về cuộc sống, về con người. “Những người khốn khổ” còn kêu gọi những cải cách về giáo dục, về con người, về sự tiến bộ, về tình thương, tự do,... là nhân hùng ca và cũng là anh hùng ca của nhân loại!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét