Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

[Sách hay] Con hủi - Helena Mniszek




Nhắc đến những câu chuyện tình gây được tiếng vang lớn nhất mọi thế kỉ, không ai không nhắc đến tuyệt tác “Romeo và Juliette” xưa của đại văn hào Shakepeare. Và nếu đã biết đến “Romeo và Juliette” thì hẳn người yêu văn chương khó có thể bỏ qua một tiểu thuyết kinh điển của nữ văn sĩ của nền văn học Ba Lan Helena Mniszek được mệnh danh là “Romeo và Juliette” thứ hai: Con hủi.


Vào thời kì xã hội còn chưa tin tưởng vào khả năng của người phụ nữ, những nữ văn sĩ gần như không có chỗ đứng trong xã hội, thì Helena xuất hiện như một hiện tượng gây xao động xã hội. Giống như “Kiêu hãnh và định kiến” của Jane Austen, tác phẩm “Con hủi” xuất hiện lần đầu tiên năm 1909 chưa thật sự gây được tiếng vang trong giới phê bình. Tuy nhiên “Con hủi” lại được phái đẹp đón nhận hết sức nồng nhiệt như một bản tình cả bi thảm bất hủ nổi loạn giữa một xã hội đầy quy tắc và định kiến. Cho đến thời điểm hiện tại, “Con hủi” được coi như là một tuyệt tác của nền văn học Ba Lan và trở thành biểu tượng của tình yêu bất diệt và sự đấu tranh vì tình yêu giữa những thế lực bạo tàn.


“Con hủi” được viết vào đầu thế kỷ 20, nhưng bối cảnh lại có phần tương tự như những nước Tây Âu thế kỷ 19, thời gian những định kiến, lề thói vẫn còn cứng nhắc đầy tính khuôn đúc. Mặc dù Cách mạng Công Nghiệp đã lan khắp châu Âu và đưa nền công nghiệp châu Âu lên một bước tiến mới, tạo ra của cải và làm giàu xã hội một cách mạnh mẽ bất chấp địa vị, thì giới quý tộc vẫn không hề mất đi chỗ đứng, mà ngược lại còn tranh thủ làm giàu để củng cố thêm địa vị của tấm gia huy gia tộc. Khác với những “quý tộc mới” dùng tiền bạc chỉ để gia nhập giới thượng lưu và khẳng định quyền lực của mình, những quý tộc phong kiến lâu đời có truyền thống, phong thái nặng nề hơn, đi kèm với nó là những định kiến khắt khe, những yêu cầu khắc nghiệt và những truyền thống đẩy con người vào cuộc sống trống rỗng vô vị được bọc trong nhung lụa đá quý, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là qua những cuộc hôn nhân “môn đăng hộ đối”. Đặc biệt trong thời gian này, vai trò của người phụ nữ vô cùng hạn hẹp: các ngành nghề từ chối mở cơ hội ra với họ, lúc nào cũng phải khép mình che giấu cảm xúc và suy nghĩ đến mức dù có đang vui chơi thả lỏng thì cũng không quên che giấu nội tâm bằng những chiếc mặt nạ cứng đỡ đã được đeo lâu đến mức quên cả cách gỡ; những cô gái quý tộc tự biến mình thành những con búp bê xinh đẹp với mong ước lấy được những công tước, công tử nhà giàu có để mong có cuộc sống hạnh phúc với tiền bạc sau này,... Mặt khác, bản thân những chàng trai quý tộc cũng đeo trên mình chiếc gông truyền thống cả gia tộc, của “giới” quý tộc khi chọn một người vợ đủ danh giá để làm đẹp thêm quyển danh bạ dòng dõi.


Từ những điều trên, Helena đã xây dựng được một câu chuyện tình yêu say đắm, cuồng nhiệt nhưng cũng đầy đau đớn chua cay phê phán xã hội tàn bạo đã cắt đứt sự hạnh phúc của đôi lứa. Nàng Xtefchia xinh đẹp, con một gia đình quý tộc nhỏ của Vương Quốc (Tức Vương quốc Ba Lan, được hình thành năm 1815 từ lãnh thổ Công quốc Vacsava, quan hệ với đế chế Nga bằng các hiệp ước liên minh. Sau cuộc khởi nghĩa tháng Giêng năm 1864 thất bại, chế độ tự trị của Vương quốc Ba Lan bị hủy bỏ, và từ 1874 bị đặt dưới sự thống trị của Toàn quyền Nga) vì bị một công tử quyền quý phản bổi và chà đạp lên tình yêu say đắm cuồng nhiệt của thời trẻ tuổi chỉ vì món hồi môn bị cho là “không xứng đáng”, Xtefchia Rudecka từ biệt cha mẹ đến làm gia sư cho Lucia, em họ của một đại công tước quyền quý nhất nước thời bấy giờ - Waldemar Michorowski. Nàng thanh cao, trong trắng, có lòng tự trọng và phẩm hạnh cao quý như một đóa hoa. Và “đóa hoa có lửa bên trong” đó đã từ từ cướp đi ánh nhìn và trái tim của đại công tử Waldemar, người mà trong xã hội đó cho rằng quá tầm với của nàng. Thế nhưng, với một trái tim từng trải nghiệm đớn đau, Stefchia vẫn tiếp tục yêu thương cuồng nhiệt, đắm say và hiến dâng. Nàng thậm chí còn quyết định bỏ đi, từ chối tình yêu của mình sau khi phát hiện sự thật từ nhiều năm trước cùng với hy vọng rằng sẽ không đẩy người nàng yêu thương vào vòng đấu tranh khắc nghiệt không lối thoát với những nhà đại quý tộc chỉ vì tình yêu với một người con gái quý tộc nhỏ như nàng.


Nếu jane Austen có Lizzy – nữ nhân vật được coi là lôi cuốn nhất nền văn học nước Anh, thì Helena đã xây dựng được một nam nhân vật có lẽ là lôi cuốn nhất nền văn học Ba Lan. Waldemar Michorowski, chàng đại quý tộc giàu có, có học thức cao, hào phóng, quảng giao, nhiệt tình, mới mẻ trong tư duy với một chút nóng nảy và thẳng thắn là một “mối” đáng giá cho bất cứ cô gái quý tộc nào gia huy có 5 gậy. Đối với một Waldermar tiến bộ, đầy hoài bão, con người phải được đánh giá trên phương diện phẩm giá, tư cách và đạo đức chứ không chỉ vì món hồi môn và độ dài của lịch sử tồn tại một gia tộc lắm con ông cháu cha hay độ dày của cái ví. Chàng nhìn thế giới một cách khách quan hơn, và đã bước ra khỏi được trói buộc của định kiến và bức tường của luân lý phong kiến kiểu cũ đã dán mác “hủi” cho tất cả những người không thuộc về “giới” của họ. Với Waldemar, “Người ta không xét viên ngọc qua cái khung, mà qua giá trị bản thân viên ngọc. Trong một cái khung bằng vàng vẫn có thể đặt những viên ngọc giả.”  Waldemar như một biểu tượng của xã hội mới, của tương lai đanng từng bước phủ nhận sự thống trị của nền phong kiến coi thường con người cũ, tạo nền tảng để phát triển cái mới, hướng đến một xã hội công bằng hơn, tôn trọng giá trị chân thực của con người hơn là vẻ ngoài hào nhoáng được tô điểm bằng tiền bạc và tung hô bằng địa vị vô giá trị.


Chàng đã dùng hết lí lẽ để thuyết phục những người thuộc “giới” của chàng, những người đấu tranh bảo vệ đến cùng cái danh gia vọng tộc mà bản thân họ cũng khó có thể định nghĩa thành văn bản mà chỉ có thể truyền miệng nhau những truyền thống “môn đăng hộ đối” kéo dài từ lâu đã đẩy những con người chỉ còn sống trong những bức chân dung khốn khổ đau đớn. Ông Waldemar, cụ Machay, ông của Waldemar, người khi xưa đã đem lòng yêu bà ngoại của Stefchia, người hiểu rõ nhất nỗi đau đớn của lứa đôi không thể đến được với nhau vì định kiến phù phiếm của xã hội và những trói buộc của “giới” nằm trong kho vàng. Chính ông là người gây ra bi kịch bao năm trước, phá tan cuộc sống hạnh phúc của chính mình với người con gái mình yêu thương và rồi để bị dằn vặt đến hết đời. Bà ngoại Waldemar, một đại quý tộc điển hình, yêu thương cưng chiều cháu hết mực, đã phản đối gay gắt lễ kết hôn của Waldemar với Stefchia. Nhưng rồi cả hai với tình yêu cháu sâu sắc, tình yêu của những người thân ruột thịt, đã mở rộng vòng tay yêu thương, chấp nhận và cầu chúc hạnh phúc cho đôi vợ chồng sắp cưới. Điều này dường như đã sắp mở ra trang mới, sắp tác thành cho đôi lứa hạnh phúc kia.


Cứ tưởng rằng tiến bộ sẽ thắng, tình yêu sẽ thắng, nhưng đúng ngày cưới, Stefchia xinh đẹp, rạng ngời, cao quý và tinh khiết lại ra đi vĩnh viễn vì bị bè lũ quỷ dữ mang mác quý tộc âm mưu giết chết. Nàng ra đi trong nỗi đau đớn khôn nguôi, trên người vẫn mặc chiếc váy cưới xinh đẹp tinh khôi đáng lẽ ra dành cho ngày hạnh phúc nhất của hai người. Cái chết của nàng như lời khẳng định cho tình yêu sâu sắc mãnh liệt; là một đòn giáng nặng nề quyết liệt lên án xã hội bất công, phân chia giai cấp và thói hằn học đáng ghê tởm của những kẻ tưởng như là con người, nhưng bên dưới lớp vỏ bọc cao sang lại là những tâm hồn đê hèn bẩn thỉu. Nàng ra đi, đem theo ánh sáng của Waldemar, để lại cho đời một thiên tình ca bất tử.


Câu chuyện với lối kể dịu dàng đằm thắm, những đoạn miêu tả tuyệt đẹp điêu luyện vẽ nên những bối cảnh thần tiên hay những nội tâm sâu sắc. Những đoạn đối thoại ngắn gọn thông minh và xây dựng nhân vật biểu tượng chi tiết, sống động đã tạo nên một “Con hủi” luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả hơn 90 năm nay. “Con hủi” – thiên tình ca đề cao khát vọng yêu thương, tình yêu trong sáng lí tưởng đầy chất hy sinh, ca ngợi phẩm chất con người và lên án xã hội bạo tàn giết chết ước mơ đã khẳng định “Con hủi” như một “Romeo và Juliette” thứ hai trên văn đàn văn học thế giới.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét