Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013

[Sách hay] Thế giới phẳng - Thomas L.Friedman






Cả đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đủ khả năng đọc một quyển sách tầm cỡ như quyển sách mà tôi sẽ viết review ngày hôm nay. Và tôi cũng phải thành thực thú nhận rằng, tôi nghĩ “Thế giới phẳng” sẽ là một trong những quyển sách tôi thích nhất từ trước đến giờ cho đến một thời gian nữa.


Ngay từ cái tên cũng đã khiến người đọc cảm thấy kì lạ và có phần vô lý. Thế giới phẳng chỉ được công nhận từ những năm cổ xa xưa trước khi Galileo chứng minh được rằng Trái Đất hình cầu và chuyển động xung quanh Mặt trời cũng như quanh trục của chính nó. Sau cuộc phát kiến định lý của nhà hàng vĩ đại người Ý Cristoforo Colombo năm 1492 đã khẳng định được Trái Đất hình cầu thì lý thuyết “Trái đất phẳng” chỉ còn xuất hiện trong một phần vô cùng nhỏ của thế giới thông qua các định lý trong hình học phẳng của nhà toán học người Hy Lạp Euclide. Thế nhưng ở thế kỉ 21, một nhà báo lỗi lạc lại tuyên bố rằng “Thế giới là phẳng” và đã xuất sắc trong việc thuyết phục người đọc tin được rằng, thế giới đang ngày càng nhỏ lại và phẳng ra.


Thomas Friedman, sinh 20/6/1953 tại St.Louis Park, Minesota thuộc Minneapolis nước Mỹ. Ông là một nhà báo, nhà phê bình người Mỹ và từng đạt nhiều giải thưởng Pulitzer. Sau này chính ông cũng trở thành một thành viên trong hội đồng Pulitzer. Ông là chủ một chuyên mục trên báo New York Times, đề tài chủ yếu về đối ngoại bao gồm: Thương mại toàn câu, Trung Đông, Môi trường. Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Từ Beirut đến Jerusalem”, “Chiếc xe Lexus và cây Olive”, “Kinh độ và Thái Độ”, và quyển sách gần đây nhất tôi đang giới thiệu là “Thế giới phẳng – The world is FLAT”.


“Thế giới phẳng” hay “Toàn cầu hóa 3.0” theo cách gọi của Thomas Friedman được hiểu theo nghĩa “mọi thứ đang được kết nối” – mọi rào cản về địa lí, dân tộc, văn hóa,... đang được kết nối ngày càng mạnh mẽ nhờ sự phát triển vượt bậc của Cách mạng số. Điều này đã mở ra những phương thức sản xuất, kinh doanh, hợp tác, những tình thế chính trị, kinh tế hoàn toàn mới mẻ và năng động; những cá nhân bắt đầu vượt lên và có cơ hội ngang bằng dưới một sân chơi hoàn toàn bình đẳng. Từ những thay đổi mạnh mẽ này, Friedman đưa ra các hiện tượng và mở một hướng đi mới cho kinh tế, chính trị, cách nhìn cho thế giới mới và những bất lợi cùng mặt trái trong Thế giới phẳng. Tất nhiên, quan điểm vững chắc nhất của ông vẫn là ủng hộ sự “là phẳng” của Thế giới.


Trong “Thế giới phẳng”, Thomas Friedman đề cập đến mười nhân tố chính đã dàn phẳng thế giới, nhưng ông tập trung vào ba nhân tố chính – 3 nhân tố gốc rễ đã tạo tiền đề cho sự làm phẳng thế giới, còn những nhân tố còn lại đã tiếp nối, thúc đẩy quá trình làm phẳng. Nhân tố đầu tiên là sự sụp đổ của bức tường Berlin và sự xuất hiện của Windows.


Đến năm cuối cùng của Thế Chiến Thứ Hai tức 1945, hội nghị Yalta diễn ra với sự tham gia ba nguyên thủ quốc gia: Mỹ (Franklin Roosevelt), Nga (Joseph Stalin) và Anh (Winston Churchill) nhằm thảo luận kế hoạch giải quyết bất đồng giữa ba cường quốc, thống nhất thắng phe Trục Phát Xít, buộc Đức bồi thường chi phí chiến tranh và chia lại trật tự thế giới.  Cuộc hội nghị này đã chia thế giới ra hai cực, hay còn gọi là hai cực Yalta – biểu trưng cho hai chế độ hoàn toàn đối lập: Chủ nghĩa Cộng Sản do Liên Xô đứng đầu và Tư Bản chủ Nghĩa do Mỹ đứng đầu.


Trong hội nghị Yalta, ba nguyên thủ ba cường quốc đã thống nhất chia Đức ra làm 2: Đông Đức(Cộng Hòa Dân Chủ Đức) do Liên Xô và Chủ Nghĩa Cộng Sản chi phối, và Tây Đức(Cộng hòa Liên Bang Đức) do Mỹ và Chủ nghĩa Tư bản chi phối. Chiến tranh lạnh bắt đầu: Hai khối tư tưởng đối lập bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, chạy đua công nghệ, chạy đua không gian, tình báo. Các khối Liên minh quan sự Nato và Warsarva được thành lập, Hội đồng tương trợ kinh tế và Kế Hoạch Marshall được triển khai để khôi phục kinh tế cho hai bên. Bức tường Berlin được dựng lên ở nước Đức như một biểu tượng lằn ranh chia tư tưởng ra hai thái cực đối lập và đã ngăn cản con người suy nghĩ, nhìn nhận thế giới như một thể thống nhất, ngăn con người tạo ra một công đồng, ý thức,hệ sinh thái chung. Và sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào ngày 9/11 đã mở ra một chương mới trong lịch sử loài người, khi bức tường ngăn chặn sự khai thác kiến thức qua nhiều khía cạnh bị phá bỏ đã tạo điều kiện cho các tiêu chuẩn về các cách điều hành kinh tế, tính toán, ngân hàng, đầu tư,.... được thành lập và phổ cập.


Trước đó không lâu tức năm 1977 khi chiếc máy tính gia đình đầu tiên được Steve Jobs đưa ra thị trường và chiếc máy tính IBM (năm 1981) cùng với sự xuất hiện hệ điều hành Windows năm 1985 kết hợp với sự kiện bức tường Berlin bị sụp đổ năm 1989,  hàng loạt những sự kiện khác liên tiếp xảy ra thay đổi toàn bộ tầm nhìn và cách nhận thức của con người. Lần đầu tiên trong đời, những chiếc máy tính gia đình cho phép con người tự tạo nội dung thông qua các đơn vị thông tin bit và byte và chia sẻ nội dung đó đã tạo điều kiện cho sự chia sẻ và phổ biến thông tin dễ dàng hơn. Tiếp đến, sự xuất hiện của cáp quang cũng mau chóng tạo điều kiện để việc truyền tải thông tin trở nên phổ thông hơn. Tuy nhiên thời gian này, chia sẻ và điều chỉnh còn gặp nhiều khó khăn.


Ngoài ra, sự kiện ngày 9/11 này được Friedman cho rằng là nguyên nhân, hạt giống sâu xa cho sự kiện này 11/9 sau này, khi cả thế giới ăn mừng sự sụp đổ của bức tường Berlin và vị trí của chế độ tư bản chủ nghĩa được khẳng định, thì Bin Laden đã chĩa tầm súng vào nước Mỹ ma quỷ theo tư tưởng chính trị của đạo Hồi.


Nhân tố quan trọng thứ 2, đó là sự xuất hiện của Mạng (Web) và Netscape bán cổ phiếu đợt đầu cho công chúng. Những năm 90, thời đại hệ điều hành Windows đã bắt đàu ổn định, và một sự đột phá mới đã cho phép các cá nhân thiết lập các địa chỉ web nhờ world wide web và trình duyệt web. World Wide Web tạo mạng lưới sắp xếp, liên kết tài liệu để các cá nhân có thể truy cập thông qua Internet. Tiếp sau đó là sự xuất hiện của hệ thống ngôn ngữ siêu văn bản HTML – ngôn ngữ chung của web. Ngoài ra Berners-Lee cũng đã tạo ra một quy tắc giao truyền siêu văn bản, là HTTP. Một ngày may mắn, ông cũng tạo ra trình duyệt sơ khai đầu tiên của thế giới. Cộng với việc Netscape lần đầu tiền bán cổ phiếu ra công chúng đã thúc giục nhân loại mau chóng nhận ra sự tồn tại của Mạng, dẫn tới sự đầu tư ồ ạt của các công ty dot.com và hệ thống cáp quang, thúc đẩy phương thức truyền tải bằng số hóa một cách mãnh liệt và dẫn tới bong bóng đầu tư của các công ty dot-com (làm việc dựa trên Internet) bùng nổ. Mặc dù bong bóng đầu tư sẽ rất nguy hiểm nếu đổ vỡ, song việc này đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhanh hơn, và hạ giá thành truyền tải thông tin xuống một mức vô cùng thấp nhưng lại mạnh mẽ và trải rộng khắp thế giới, tạo lợi thế lớn cho nhân loại khi được kết nối một cách dễ dàng với chi phí rẻ và mạnh mẽ.


Nhân tố thứ ba là sự xuất hiện của các phần mềm xử lý công việc. Khởi đầu những năm 80,, con người đã có khả năng sử dụng máy tính cá nhân để soạn ra nội dung riêng gồm văn bản, âm nhạc,...dưới hình thức số, và có thể in trên giấy hoặc trao đổi thông qua thư điện tử. Sau đó, sự xuất hiện của các phần mềm xử lý công việc đã giúp con người đi từ việc có khả năng xuất nội dung số trên máy tính cá nhân và truyền qua Internet nhờ vào các giao thức được chuẩn hóa để có thể cộng tác với bất kì ai ở bất kì đâu lên đến việc các tài liệu có thể được liên lạc và xử lý công việc thông qua Internet bằng các giao thức đã được chuẩn hóa mà không cần sự can thiệp của con người.


Từ ba nhân tố chính tạo nền tảng cơ bản cho quá trình làm phẳng và thu nhỏ thế giới, những nhân tố tiếp sau xuất hiện, đó là Uploading (tải lên mạng), Outsourcing (Thuê làm bên ngoài), Offshoring (Chuẩn sản xuất ra nước ngoài), Insourcing (Thuê bên ngoài làm), Supply-Chaining (chuỗi cung) và Informing (Cung cấp thông tin).


Có thể tóm gọn lược giản các quá trình này là: Uploading đã tăng cường sức mạnh cộng đồng, giúp các cá nhân gửi hoặc chia sẻ hoặc tải tài liệu, thông tin,...qua mạng một cách chủ động giúp các khoảng cách trở nên co hẹp dần, sự lưu thông của kiến thức trở nên rộng rãi hơn, giúp bản thân mỗi cá nhân đều có khả năng sản xuất những sản phẩm với giá thành thấp hơn nhiều trước đây. Trong quá trình Uploading, 3 hình thức tải lên mạng đánh dấu bước ngoặt của việc chia sẻ thông tin do chính bản thân cộng đồng phát triển, đó là Wikipedia, Blogging và Podcasting. Bắt đầu từ xuất hiện của các mã nguồn mở Apache, các công tuy phần mềm độc quyền đã đối ặt với một sự thay đổi lớn lao khi bản thân các cá nhân người tiêu dùng đã có thể tham gia vào quá trình dựa trên những Mã nguồn mở làm tiền đề để tự tạo nên những phần mềm, những chương trình cá nhân,...khiến lĩnh vực phần mềm trở nên vô cùng phong phú và rộng lớn. Không lâu sau phong trào phần mềm cộng đồng, một hình thức khác của việc tự tải lên mạng xuất hiện: Blogging. Blogging và các Bloggers xuất hiện đã đặt một bức nền gạch vững chắc trong việc tự cung cấp và chia sẻ thông tin trên mạng, thúc đẩy sự tự do trong việc tìm kiếm thông tin và cung cấp thông tin theo nhiều nguồn đa chiều và rộng mở.


Podcasting, phiên bản âm thanh của Blogging cũng theo đà phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là sự phổ thông của Ipod và các thiết bị chạy file âm thanh đã thay đổi hoàn toàn cách thức của nền công nghiệp điện ảnh, âm nhạc, truyền thông,...truyền thống. Wikipedia, nội dung do cộng đồng tải lên mạng cũng nhanh chóng góp phần vào việc truyền tải thông tin nhanh chóng và đầy đủ, tất nhiên không phải lúc nào cũng đúng, nhưng đã thay đổi rõ rệt sự chia sẻ kiến thức của nhân loại.


Nhân tố tiếp theo là Thuê làm bên ngoài Outsouring. Có thể hiểu nôm na rằng đây là một quá trình mà các công ty lớn gửi bớt lượng công việc sang một công ty nhỏ khác để giảm thiểu lượng công việc không yêu cầu trình độ quá cao hay những kĩ năng đặc biệt để những nhân công trong các công ty lớn có thời gian và khả năng tự phát triển kĩ năng, công việc của mình theo chiều hướng chuyên sâu và sáng tạo hơn thay vì làm bù đầu với những công việc cơ bản. Đây là một quá trình rất quan trọng, có thể tạo cơ hội cho hàng loạt những nhân công trung bình, tạo thêm việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các công ty đến tập đoàn chuyên lo việc “hậu trường” để có thể tập trung phát triển ở trạng thái cao hơn, chuyên môn hơn, sáng tạo hơn và tạo ra nhiều thành tựu hơn.


Nhân tố làm phẳng thứ 6 là sự xuất hiện của việc Chuyển sản xuất ra nước ngoài Offshoring. Nói đến nhân tố này thì ví dụ rõ nét nhất là những nước như Trung Quốc hay Ấn Độ. Nói đơn giản thì đây là quá trình những nước phát triển, những tập đoàn, công ty lớn chuyển những sản xuất cơ bản về mặt kĩ thuật sang các nhà máy, dây chuyền sản xuất của những công ty có trình độ thấp hơn ở những nước có trình độ phát triển thấp hơn để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, mở rộng thị trường, được ưu đãi về thuế và tiền đất cát,...Nhân tố này giúp các công ty lớn của những nước phát triển tiết kiệm được một khoản thu khổng lồ đáng lẽ để thuê nhân công đòi hỏi mức lương cao của đất nước mình để thuê một lượng nhân công lớn hơn nhiều lần ở các nước phát triển thấp hơn, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sự phát triển hợp tác giữa các nước, tiết kiệm chi phí để đầu tư vào những nghiên cứu chuyên sâu cao cấp hơn, giúp những nhân công ở các nước phát triển có điều kiện học tập phát triển kỹ năng cao hơn và chuyên nghiệp hơn, tiếp cận nhiều thị trường để lưu thông hàng hóa hơn.


Nhân tố thứ 7: Chuỗi cung. Các chuỗi cung được coi là sợi dây kết nối giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng, khi nó có thể giúp các nhà sản xuất tiêu thụ và phổ cập hàng hóa đến bất cứ nơi nào chuỗi cung đó có tầm ảnh hưởng giúp các nhà sản xuất thu lợi nhuận còn người tiêu dùng được tiếp cận một lượng lớn hàng hóa phong phú với chi phí thấp nhất và chất lượng tốt nhất có thể. Đây là một nhân tố có lợi cho cả hai bên khi thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất-tiêu dùng, đồng thời đóng vai trò lớn trong việc mở rộng nguồn hàng hóa ra thế giới. Tuy nhiên, theo Friedman, đây cũng là một nhân tố có mặt hại to lớn: nó có thể sẽ biến thành trung gian khiến các nhà sản xuất-đầu tư đối đầu với người tiêu dùng, do người tiêu dùng luôn đòi hỏi những sản phẩm thấp nhất với giá cả cạnh tranh nhất, trong khi những nhà đầu tư luôn yêu cầu lợi nhuận lớn nhất có thể, có thể khiến những công nhân làm việc thuộc chuỗi cung bị thiệt thòi về điều kiện làm việc và lương so với công sức.


Nhân tố thứ 8 là việc Thuê bên ngoài làm. Đây là nhân tố khác hẳn nhân tố Thuê làm bên ngoài. Thuê bên ngoài làm có thể hiểu rằng một tập đoàn, công ty,.... muốn quảng bá, vận chuyển,....thì có thể thuê một công ty riêng chuyên lo liệu những công việc đó để giao dịch. Ví dụ, khi công ty sản xuất máy tính muốn giao hàng đến tận nơi nhưng không đủ khả năng tổ chức thêm hẳn một bộ phận chuyên để giao hàng hiệu quả, họ có thể thuê một công ty chỉ chuyên giao hàng để lo công việc đó. Đây là một nhân tố liên kết các công ty vô cùng quan trọng, trong khi các công ty nhỏ lo các công việc chuyên môn có thể giúp những công ty lớn những việc mà các công ty lớn không chuyên môn, thì các công ty lớn giúp các công ty nhỏ đó có sân chơi bằng phẳng và bình đẳng với các công ty lớn. Đây không phải là một chuỗi cung dù nó có tính chất tương tự.


Nhân tố làm phẳng thứ 9 mà Thomas Friedman đề cập đến chính là sự cung cấp và tìm kiếm thông tin. Đại diện của nhân tố này chính là các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo!, MSN,... Những công cụ này giúp các cá nhân nắm giữ trong tay một khối lượng tri thức toàn cầu khổng lồ chỉ trong vài từ khóa tìm kiếm, kết nối và mở rộng tri thức hơn bao giờ hết. Điều này chắc chắn sẽ giúp con người tìm hiểu và phát triển nhiều hơn do được tiếp cận tri thức dễ dàng hơn. Song Friedman cũng cảnh báo rằng, sự phát triển quá mạnh mẽ và tự do của mạng cũng như tự tiện lợi của các công cụ tìm kiếm có thể chứa cả những thông tin không tốt, phải biết chọn lọc thông tin để không bị lợi dụng.


Nhân tố cuối cùng là các nhân tố xúc tác còn lại, như tính chất số, di động, cá nhân, ảo. Đến đây thì hẳn ai cũng biết, khi xuất hiện những máy điện thoại di động, máy tính không dây,...với giá thành càng ngày càng rẻ và càng ngày càng phong phú. Việc này đã hoàn toàn thu nhỏ khoảng cách giữa người với người.


Chính mười nhân tố hợp lại dẫn đến ba sự hội tụ lớn, và có thể khái quát rằng: Thế giới đang càng ngày càng phẳng, càng được thu nhỏ, công việc bắt đầu được tổ chức theo chiều ngang và công bằng hơn tạo điều kiện cho từ tổ chức đến các cá nhân có thể tham gia sân chơi một cách bình đẳng mà không bị can thiệp hay định hướng bởi tôn giáo, học thuyết chính trị hay chính phủ,... miễn là các cá nhân hoặc công ty có đủ tầm nhìn và khả năng hòa nhập và thích ứng với sự tiến bộ và phẳng hóa của thế giới. Khoảng cách sẽ không còn ý nghĩa nữa, và thế giới sẽ ngày càng thu nhỏ.


Tuy nhiên đây là quá trình có điều kiện, và tất nhiên có đánh giá chủ quan và khách quan theo từng cá nhân hoặc từng tập thể. Sự thu nhỏ của thế giới có thể đưa con người hướng đến tiến bộ, khiến thế giới trở thành một thị trường toàn cầu không bị hạn chế bởi đường biên giới quốc gia. Điều này sẽ phá vỡ toàn bộ các thể thức phong kiến, dân tộc, tôn giáo, khai sinh ra một nền văn minh phổ quát bị chi phối bởi các mệnh lệnh của thị trường. Theo Marx: Một khi tư bản chủ nghĩa đã phá hủy lòng trung thành dân tộc và tôn giáo, nó sẽ bóc trần toàn bộ cuộc đấu tranh giữa tư bản và lao động. Buộc phải cạnh tranh trong một thế giới chạy đua toàn cầu đến cùng kiệt, những người lao động sẽ liên hiệp lại trong một cuộc cách mạng toàn cầu để chấm dứt nó.


Thế giới dưới mắt của Friedman là phẳng, nhưng dưới mắt của nhiều người khác, thế giới là không phẳng , tuy rằng những người này cũng tiếp cận được tất cả những công cụ mới, những công nghệ mới đang làm phẳng thế giới như Friedman đã nêu . Với Bin Laden và những học trò cuồng tín của ông ta, thế giới này không thể được làm phẳng . Ong ta thà cho nổ tung thế giới hơn là thấy nó bị san phẳng theo ý đồ của người Mỹ. Đối với những ai khác có tầm nhìn thực tế hơn , điều quan trọng không phải là tìm xem thế giới này phẳng hay không phẳng. Điều quan trọng là quan điểm và lập luận của Friedman về một thế giới phẳng có thể cung cấp một “ cẩm nang “ hành động thích hợp giúp cho những quốc gia, những doanh nghiệp , những cá nhân biết vận dụng tốt lời khuyên của ông đạt đến thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hoá đầy khó khăn thách thức hiện nay , và từ nay về sau , trên con đường đi đến thịnh vượng của ho.


Phần tiếp của cuốn sách, Thomas tập trung phân tích những điều cần thiết của một công ty, quốc gia phải làm gì để có thể hòa nhập với sự “Toàn cầu hóa 3.0” đang kết nối mọi cá nhân trong phạm vi toàn cầu. Ông cho rằng các nước đang phát triển muốn thành công phải nhìn lại mình để tự đánh giá một cách trung thực và đúng mức để tìm ra những giải pháp phù hợp với điều kiện bản thân để vươn lên cạnh tranh với các nước khác. Ba yếu tố cơ bản Friedman đưa ra bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng kĩ thuật thật tốt để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa các tổ chức, công dân, cá nhân, công ty,...quốc gia này với quốc gia khác với giá thành rẻ để nâng cao sự ý thức cũng như sự hòa nhập. Thứ hai là xây dựng nền giáo giục tiên tiến, đào tạo lực lượng tri thức chuyên môn một cách kĩ càng để có thể mau chóng hòa nhập và tạo ra những sản phẩm trí tuệ hoặc lao động để nâng cao chất lượng con người. Cuối cùng là tổ chức quản trị vĩ mô thật tốt với những hệ thống pháp luật, chính trị, hành chính trong sạch, hiệu quả, những chính sách phù hợp khuyến khích hộ trợ hữu hiệu nhất cho các công dân và công ty của đất nước mình. Ngoài ra ông còn lưu ý về các sai lầm trong chiến lược phát triển kinh tế ở nhiều nước phát triển: vì mục tiêu giải quyết công ăn việc làm , giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhiều nước đã duy trì một khu vực doanh nghiệp quốc doanh lớn, sử dụng nhiều lao động nhưng làm việc với mức lương thấp và năng suất lao động kém . Hậu quả là đầu tư không hiệu quả, nợ nần chồng chất , nền kinh tế quốc gia bị hao hụt tài nguyên, hao tỗn nội lực và mất đi năng lực cạnh tranh cần thiết . Friedman cho rằng giải quyết công ăn việc làm không phải là mục tiêu duy nhất mà các quốc gia phải nhắm tới và cũng không quá khó để họ đạt được , nhưng tăng năng suất và hiệu quả lao động để tăng thu nhập cho người lao động và tăng cường lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia mới là mục tiêu thiết yếu có tính chất sinh tử hơn .Ong nhấn mạnh “ thay vì bảo vệ công ăn việc làm trong các dây chuyền sản xuất với giá rẻ, nên chú trọng vào việc tạo ra các việc làm có giá trị gia tăng cao. “ Cạnh tranh bằng nhân công giá rẽ không phải là một sự cạnh tranh tốt và cũng không phải là một chiến lược tốt trong lâu dài .


Ngoài ra Friedman cũng nhấn mạnh những mặt trái của sự toàn cầu hóa: đó là các vấn đề về môi trường, truyền thống, các vấn đề về tư tưởng, tôn giáo, vấn đề con người,....


“Thế giới phẳng” –tác phẩm tóm lược lịch sử thế kỉ 21.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét