Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

[Sách hay] Cuốn theo chiều gió - Margaret Mitchell




Nếu bạn đã từng đọc “Túp lều bác Tom” của Harriet Beecher Stowe, bạn sẽ không thể bỏ qua “Cuốn theo chiều gió – Gone with the wind” của nữ tác gia người Mĩ Margaret Mitchell. Nếu”Túp lều bác Tom” được chính Abraham Linconl đánh giá là tác nhân thúc đẩy quá trình bắt đầu của cuộc chiến vĩ đại để lật đổ chế độ nô lệ tàn nhẫn một thời vốn được coi là “vết nhơ” trong lịch sử một quốc gia phát triển bậc nhất, thì “Cuốn theo chiều gió” lại là một tác phẩm thành công trong việc ghi lại diễn biến cuộc chiến đó dưới con mắt và phong tục của một người miền Nam.


Margaret sinh tại Atlanta, chính nơi bà đã lấy làm bối cảnh chính trong truyện của mình vào năm 1900. Bà mất khi còn khá trẻ – năm 49 tuổi. Tên đầy đủ của bà là Margaret Munnerlyn Michell, là một tác gia người Mĩ và là tác giả của bộ tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” được đánh giá là một trong những tác phẩm phổ biến nhất mọi thời đại và được dịch ra vô số các ngôn ngữ khác nhau. Chính Tác phẩm này đã đem về cho bà giải thưởng văn học danh giá Pulitzer vào năm 1937. Bà đã trải qua hai đời chồng, từng viết nhiều về tiểu sử của những danh tướng quan trọng trong cuộc Nội chiến Mỹ. Thông qua giọng kể chuyện của nàng Scarlett kiêu hãnh, cứng đầu, bướng bỉnh và bất chấp, Margaret đã miêu tả thành công bối cảnh của một cuộc chiến có quan trọng đã thay đổi số phận của cả một dân tộc người da đen.


Chế độ nô lệ chính thức được bắt đầu từ thời trung cổ, tuy nhiên đến khoảng đầu thế kỉ 15 thì chế độ này dưới chế độ phong kiến trở nên vô cùng tàn nhẫn, đặc biệt là với người da đen. Thời kì này là lúc nền kinh tế châu Âu bắt đầu phát triển mạnh mẽ, nhu cầu len dạ tăng cao, những nhà tư bản “quý tộc mới” bắt đầu nhóm ngó đến vàng bạc và những thức quý hiếm phương Đông, nhưng Con Đường Tơ lụa được thành lập vào thế kỉ 2 Trước Công Nguyên lại đang bị người Ottoman theo đạo Hồi chiếm giữ; cùng thời gian đó, khá nhiều người châu Âu bắt đầu tin vào thuyết trái đất hình tròn của Aristole và có thể đến phương Đông bằng đường biển, nên chuyến phát kiến vĩ đại của nhà hàng hải người Ý Cristoforo Colombo năm 1492 dưới sự tài trợ của nữ hoàng Isabella của triều đình Castilla – Tây Ban Nha đã tìm ra “Thế giới mới”, cũng từ đó đã trực tiếp dựng nên mầm mống chế độ thực dân xâm lược, tạo nên một làn sóng di cư mạnh mẽ bào các vùng Bắc Mỹ. Và người Anh từ đó lập được 13 nước thuộc địa dọc theo bờ Đại Tây Dương.


Đồng thời với việc chế độ thực dân và buôn bán nô lệ xuyên quốc gia được thành lập là các công ty tầm cỡ thế giới của các trùm tư bản bắt đầu mọc lên hình thành một tầng lớp gọi là “quý tộc kiểu mới”. Lớp quý tộc này có tài sản riêng nhưng bị chế độ phong kiến kìm hãm và các quý tộc phong kiến coi thường khinh bỉ, nên đã cùng công nhân, nông dân bị đuổi do các nông trại nuôi cừu lấy lông chứ không còn làm nông và bị chế độ phong kiến bóc lột tàn tệ khởi nghĩa, tạo ra những cuộc Cách Mạng Tư sản khắp châu Âu, mở đường cho sự phát triển vững chắc của Chủ nghĩa Tư Bản. Bắc Mỹ cũng không nằm ngoại lệ đó. Tuy nhiên dưới sự kiểm soát của thực dân Anh, việc phát triển của Bắc Mỹ bị tô thuế luật lệ kìm hãm khắt khe, đỉnh điểm là sự kiện “chè Boston” đã trực tiếp làm bùng nổ cuộc “Cách mạng Mỹ”, hay còn gọi là Cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ năm 1776 thông qua Tuyên ngôn  độc Lập, và Geogre Washington lên làm tổng thống đầu tiên của Hợp Chúng quốc Mỹ.


Trong thời gian sau khi hoàn toàn làm chủ đất nước và đánh đuổi thực dân Anh, Mỹ ra sức tăng cường phát triển công nghiệp. Tư bản Mỹ thấm đầy mồ hôi và máu của người lao động, đặc biệt là những người nô lệ da đen. Tình trạng buôn bán nô lệ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Trong bối cảnh đó, rất nhiều nhà nhân quyền Bắc Mỹ bất bình muốn đấu tranh cho quyền tự do con người. Trong khi miền Bắc tiến bộ đang bắt đầu phát triển kinh tế công nghiệp nên chủ trương muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, thì miền Nam chủ yếu dựa vào sản xuất bông để xuất khẩu sang các nước châu Âu nên các đồn điền rất cần sự gắn bó lâu dài và sức lao động đến khánh kiệt của người nô lệ nên muốn tiếp tục duy trì chế độ nô lệ. Tuy vậy từ những năm 1840, nhiều người miền Nam cũng bắt đầu đấu tranh hủy bỏ nô lệ, và sinh ra một số con đường giải phóng.


Bối cảnh bắt đầu ở tà áo dài màu xanh, đôi mắt ngọc bích và đôi khuyên tai lủng lẳng thanh nhã của hoa khôi hạt Clayton – Scarlett O’Hara của đồn điền Tara – một đồn điền có hàng trăm nô lệ, hàng ngàn bành bông rộng tít tắp. Nàng có một người Mammy da đen, một người mẹ quý tộc quý phái trầm tĩnh lặng lẽ nhưng tháo vát và luôn yêu thương mọi người, kể cả những nô lệ da đen, bằng tình thương cao quý và kiêu hãnh. Cha nàng là một người Ái Nhĩ Lan, tay không bước lên mảnh đất từ thời còn hoang sơ và cũng tay không gây dựng nên cả một cơ nghiệp đồ sộ. Hàng xóm của nàng, những gia đình quý tộc giàu có, thân thiết và yêu quý nhau như gia đình và luôn chung tay gìn giữ những truyền thống lâu đời của quý tộc về giai cấp, địa vị, danh giá và niềm tự hào. Mới 16 tuổi trẻ trung xinh đẹp như búp hoa mới hé, nàng có vẻ đẹp kiêu kì rực rỡ làm gục đổ bất cứ chàng trai nào, cùng với vẻ duyên dáng quý tộc bao bọc lấy sức sống ương bướng tiềm tàng và cá tính mạnh mẽ. Cùng với những bài học của mẹ Ellen và Mammy, người con gái xinh đẹp đó tự dựng lên cho mình một hình tượng quý tộc cao sang giữa một thế giới đầy rẫy định kiến, quan niệm, nghi lễ, quy tắc, đặc biệt nghiêm khắc với một người phụ nữ. Thế nhưng trong nàng, dòng máu Ái Nhĩ Lan cường liệt vẫn cuồn cuộn chảy như sóng triều, dù bị kìm hãm bằng nghi thức cao sang.


Cuộc sống của nàng được bao bọc bởi tiếng cười, những buổi tiệc, khiêu vũ dành cho con nhà quyền quý, những chàng trai trẻ tuổi đầy sức sống lớn lên trong những phong tục tập quán đặc trưng của người miền Nam: cờ bạc đi kèm với danh dự, khiêu vũ là truyền thống, kết giao dựa trên danh giá, săn bắn làm nên một người đàn ông,... Nàng hoa khôi xinh đẹp đã đem lòng yêu Ashley, một chàng trai trí thức được coi là hoàn toàn khác biệt với tính phóng khoáng quảng giao của người miền Nam, người con của một gia tộc “cài hoa kết lá” và “làm đẹp” trong những salon sang trọng. Nàng chưa bao giờ và không bao giờ hiểu nổi Ashley, một người chỉ thích âm nhạc, sách vở và những thứ tựa như vậy. Nhưng Scarlett yêu Ashley bằng một tình yêu cuồng nhiệt, mù quáng đến mức đánh mất tất cả lý trí. Ashley cũng yêu nàng. Nhưng Ashley biết rằng cả hai sẽ không bao giờ đến được với nhau, bởi chàng là một công tử trí thức và hoàn toàn khác biệt Scarlett – một thiếu nữ cuồng nhiệt say đắm và hoang dại như một đóa hồng nhung giữa rừng già.


Đúng thời gian đó, Liên Bang miền Nam bắt đầu phát động chiến tranh bảo vệ chế độ nô lệ và lý tưởng của họ. Chính phủ Liên Bang miền Nam tuy không được công nhân nhưng lại huy động được hết lòng yêu nước và lòng tin chính nghĩa của những công dân miền Nam, đặc biệt là giới quý tộc miền Nam. Họ có một lòng tin trung thành tuyệt đối vào “chính nghĩa” – một thứ chính nghĩa mơ hồ đẩy con người vào những cuộc chiến khốc liệt không có đường quay trở lại để bảo vệ cho chế độ nô lệ tàn khốc – bảo vệ cho quyền lợi tiền tài của giới quý tộc. Những thanh niên lần lượt ra đi với niềm tự hào và kiêu hãnh để bảo vệ Liên Bang miền Nam. Scarlett lúc đó quá thất vọng vì Ashley tuyên bố sẽ kết hôn với Melanie – cô em họ yếu đuối, ngốc nghếch và tốt bụng quá mức cần thiết trong dòng tộc, đã kết hôn với em trai của chính Melanie là Charles. Nhưng nàng không hề yêu Charles, và ngay sau khi để lại cho nàng một đứa con trai, Charles lên đường đến quân trại và chết ngay trong quân trại vì bệnh tật. Ashley kết hôn với Melanie, và dù anh nói rằng anh không hề ủng hộ chiến tranh, anh không tìm ra được ý nghĩa trong cuộc chiến tranh này, thì anh vẫn cầm súng lao vào cuộc chiến.


Scarlett đến Atlanta để ở cùng cô của Charles và Melanie. Người con gái trẻ trung mới 16 thanh xuân mà đã phải chịu tang chồng, suốt ngày nhốt mình ở nhà và mặc những bộ đồ tối tăm như một con quạ. Thời gian đó Atlanta rộn ràng nhộn nhịp để bảo hộ và cung cấp cho chiến tranh đầy rẫy xe cứu thương, bông băng và những nhà thương. Nàng cùng những người đàn bà quý tộc chăm sóc cho các thương binh, nhưng chiến tranh chỉ mới bắt đầu, và với Scarlett, nàng chẳng quan tâm đến chiến tranh. Dòng máu ương bướng cuồng nhiệt của nàng chỉ khao khát được nhảy múa, được khiêu vũ, được để lại tất cả để tiếp tục là một thiếu nữ duyên dáng quý phái – hoa khôi của hạt Clayton. Và nàng đã gặp Rhett Butler, một kẻ tai tiếng vô cùng bị căm ghét – một kẻ “đầu cơ” hút máu dân trong chiến tranh đã từng tuyên bố: có hai thời kì dễ xây dựng sự nghiệp nhất, thời kì một nền văn minh mới được dựng lên hoặc lúc nền văn minh đó đang sụp đổ. Chính Rhett Butler đã khơi dậy và khiến Scarlett trở thành là chính mình – một mãnh thú Ái Nhĩ Lan kiêu hãnh và bất chấp tất cả để đạt được mục đích.



Chiến tranh tưởng chừng đang chuẩn bị kết thúc thì trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Atlanta rộn lên trong lo âu khắc khoải khi thấy thương binh dồn dập đổ về, các tin tức chiến tranh trở lại càng ngày càng tiêu cực. Sau khi tướng Lee bị thay thế và tướng Johnson lên thay, Atlanta bị chiếm, miền Nam biến thành địa ngục. Scarlett, mặc dù ghét cay ghét đắng Melanie – vợ của Ashley, nhưng cố gắng giúp Melanie sinh con và đưa mọi người trại trốn về Tara, nơi người mẹ cao quý như Đức Mẹ của nàng đã bị bệnh và qua đời, bông đã bị đốt, nô lệ đã trốn hết, chỉ còn vài người nô bộc cũ cùng Mammy và người cha sau khi mất vợ đã hoàn toàn rối trí. Tất cả đã sụp đổ, Scarlett, một tiểu thư quyền quý với vỏ bọc cao sang hoàn toàn đổ vỡ, chỉ còn nỗi ám ảnh bị đói và phải kiếm ăn, đã giết người, làm việc như một người hầu và lúc nào cũng lo sợ. Nhưng, “ngày mai là một ngày khác”, Scarlett không bao giờ đầu hàng, tiếp tục đứng dậy bảo bọc cho Melanie, cho con trai Wade, cho những người nô bộc dù lòng đã kiệt quệ. Sự đói nghèo lan rộng khắp miền Nam, những gia đình quyền quý cũng đã bị phá hủy. Tất cả những gì còn lại trong họ là lòng tự trọng của những quý tộc đã hết thời, chỉ còn bám víu lấy quá khứ hào hùng mà sống trong khổ cực thanh cao.


Không lâu sau đó, chiến tranh khốc liệt kết thúc, Liên Bang miền Nam bị đặt dưới quân luật của người miền Bắc. Chế độ nô lệ bị bãi bỏ, hàng loạt người da đen từ thân phận nô lệ trở thành người tự do. Nhưng chính quyền miền Bắc thực thi những chính sách vội vàng trao đất và quyền bỏ phiếu vào tay người da đen mà chưa tính đến việc họ đã bị nô lệ hóa từ lâu đến mức không thể đột ngột tự mình làm gì, từ đó đã gây nên làn sóng phẫn nộ từ giới quý tộc miền Nam, chính quyền miền Nam; gây thất nghiệp cho người da đen nhan nhản, tạo cơ hội cho những kẻ miền Bắc vào miền Nam cai trị, khinh bỉ người miền Nam. Người miền Bắc muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, nhưng chính họ với tư tưởng công bình lại coi thường chính những người da đen mặc dù bảo hộ cho họ, đã khiến một số người da đen trở nên độc ác. Đã thế chính quyền sau khi được bỏ phiếu lên thay chính quyền miền Nam đã trở nên nhũng loạn, tham nhũng và bóc lột người miền Nam kiêu hãnh một cách nặng nề khiến những mâu thuẫn trở nên vô cùng sâu sắc.


Trong lúc đó, những người miền Nam giàu có duy nhất là những kẻ như Rhett Butler – những tay “đầu cơ” đã tranh thủ tích trữ bông vải từ hồi miền Nam bị phong tỏa để đẩy giá đem xuất khẩu, đồng thời tranh thủ đem về nhu yếu phẩm để bán với giá trên trời; đó là những kẻ coi thường chiến tranh, tranh thủ làm giàu khi cục diện hỗn loạn, “khi một nền văn minh đang sụp đổ”. Rhett Butler thông minh, cục cằn, trắng trợn tráo trở nhưng đầy lí lẽ và kiêu hãnh, không thèm để tâm đến lời bàn tán ra vào của giới quý tộc đang chết dần chết mòn để bảo vệ cáo kiêu hãnh đang dần trở nên nghèo túng của mình để kiếm chác và gây dựng một gia sản khổng lồ. Hắn là đại diện cho một lớp người làm giàu trên nỗi khổ kẻ khác, không ngại tự nhận mình là “những con la mang vẻ ngoài của loài ngựa” như đúng bản chất. Nhưng hắn cũng thuộc lớp người hiểu được rằng chiến tranh không có ý nghĩa mà chỉ đem lại chết chóc, tang thương và cơ hội để những kẻ như chính hắn đục khoét trục lợi. Nhưng khác hẳn với Ashley biết rằng chiến tranh vô nghĩa mà vẫn cầm súng lao ra chiến trường như những thanh niên vì “lý tưởng” khác, Rhett Butler chỉ đến phút cuối cùng, lòng yêu nước trỗi dậy, mới lao đến mặt trận.


Scarlett, phát ngấy với việc nghèo đói và trở về đúng bản chất thẳm sâu của mình sau lâu ngày bị mẹ Ellen và Mammy kiềm hãm: tráo trở, thực dụng, ích kỉ và cứng đầu ương bướng. Nàng cũng là “một con la mang vẻ ngoài của ngựa”. Nàng trở về Atlanta với mục đích quyến rũ Rhett Butler để kiếm một khoản tiền bảo vệ mảnh đất Tara thân yêu, mảnh đất của gia đình mà nàng yêu thương sâu sắc. Nàng để lại Melanie với Ashley - trở về bạc nhược sau cuộc chiến và chỉ còn là biểu tượng mơ hồ của một thời xưa cũ, biểu tượng của một danh gia vọng tộc, một thời kì giàu có trù phú đã bị suy tàn nhưng không chịu tiến lên mà chỉ vọng tưởng về quá khứ và hoài nghi chính mình cũng như tương lai - đến Atlanta để làm giàu. Nhưng Rhett Butler và nàng quá giống nhau, nên sau khi bị lật tẩy bộ mặt, nàng chuyển sang quyến rũ Frank, người yêu cũ của em gái và lấy frank làm chồng để trục lợi kiếm tiền cứu Tara.


Không lâu sau đó, Scarlett nhận ra Frank là người đàn ông quá trọng danh dự của quý tộc và trọng bè bạn như truyền thống danh gia vọng tộc ngày xưa mà không chịu nhìn vào hiện thực khốc liệt đang bào mòn con người, nàng phá vỡ mọi luật lệ, tự mình làm chủ cửa hàng của chồng và thậm chí còn mua lại hai trại cưa để làm việc. Lúc này đây, nàng trở thành biểu tượng của sự bột phá, vượt lên hoàn cảnh, khao khát làm giàu – trở thành đại diện của sự bất chấp quy tắc luật lệ để vượt lên hoàn cảnh. Nhưng kèm với sức sống mãnh liệt, trí thông minh và lòng bất chấp thủ đoạn để có được mọi thứ đó, nàng nhanh chóng trở nên lí trí, cứng đầu và thực dụng đến tàn nhẫn. Chỉ có tình yêu của nàng với Ashley là mãi không bao giờ đổi thay, vẫn cuồng nhiệt, mù quáng và hi sinh đến mụ mị.


Nhưng sự liều lĩnh và bất chấp của nàng ở giữa xã hội rối ren đang bị quân luật kiểm soát đè nén nặng nề cùng những bất ổn mới mẻ trong những người da đen được thành người tự do mà trở nên côn đồ đã gây nên cái chết cho chồng thứ 2 của nàng, Frank. Cũng chính từ lúc đó, ngoại trừ Melanie và Ashley, nàng đã hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ với quá khứ, với truyền thống mà những nhà quý tộc vũ như bác sĩ Maeda, gia đình Merriweather,.... đại diện. Đối với nàng giờ đây, tiền bạc quan trọng hơn tất thảy. Nàng làm tất cả vì tiền bạc. Nàng trở nên cứng rắn, tàn nhẫn. Người duy nhất luôn tin tưởng vào nàng là Melanie – Melanie yếu đuối, ngu ngốc, là đại diện của những gì đẹp đẽ chân thành, đức tin diệu kì và tình thương tha thiết. Melanie ngoan hiền và trung thành, Melanie đáng kính trọng và có được tình yêu thương của tất cả những gia đình danh gia vọng tộc của miền Nam.


Hành động cuối cùng cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ của nàng với miền Nam là việc cưới Rhett Butler – cưới một tay đầu cơ, một tay hút máu dân chúng có mối liên hệ thân thiết với lũ Yankee miền bắc, với bọn Cộng hòa. Rhett Butler yêu nàng say đắm, hiểu những cá tính thực dụng, độc ác và nhẫn tâm của nàng đến tận xương tủy. Hắn cho nàng tất cả tiền tài, sự giàu có sung sướng, sự chiều chuộng,... rồi nàng thật sự dần dần quên đi những truyền thống xưa, những truyền thống mập mờ đang dần bị mài mòn và chỉ còn bấu víu nhờ danh dự. Chỉ có tình yeu vọng tưởng với Ashley là vẫn còn ám ảnh nàng.


Nhưng cuối cùng, sau cái chết của con gái với Rhett Butler là Bonnie, Rhett Butler tuyệt vọng khi nghĩ rằng không thể tiếp tục sống với cái bóng của Ashley trong Scarlett nữa. Cả hai hoàn toàn trở nên lạnh lùng và xa cách. Cùng sau đó là cái chết của Melanie đã hoàn toàn phá hủy tất cả của Scarlett. Nàng nhận ra nàng không yêu, không hiểu Ashley, bởi Ashley yếu nhược chỉ bám vào vinh quang quá khứ không chịu tiến lên; nàng nhận ra truyền thống vô cùng quan trọng, và Melanie đại diện cho những tình thương thanh khiết của truyền thống đó là ánh sáng duy nhất của nàng đã mất đi; nàng nhận ra mình yêu Rhett Butler bằng tất cả tấm lòng. Nhưng Rhett lại quyết định ra đi.


Kết thúc câu chuyện, Scarlett mới 28 tuổi, quyết tâm trở về quê hương, trở về đồn điền đất đỏ, thứ ăn sâu vào trái tim tâm hồn nàng, để “mai lại là một ngày khác”, và nàng rồi sẽ đoạt lại Rhett Butler!


Nghệ thuật khắc họa nhân vật và tâm lý vô cùng xuất sắc với những con người điển hình đại diện cho những tư tưởng, giai cấp khác nhau cùng với mạch truyện chặt chẽ được dựng trên nền một bối cảnh chân thực trong lịch sử đã giúp người yêu văn chương không thể bỏ qua “Cuốn theo chiều gió”. Bà đã lên án sự tàn bạo của chiến tranh, thương cảm cho một nền văn minh đang bị sụp đổ, ngạc nhiên trước sự thay đổi trong chế độ nô lệ, ca ngợi lòng kiên cường sống và lên án sự tàn nhẫn vô tâm trong mỗi con người. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét