Tôi biết mình sẽ xúc phạm đến tác giả Paolo Giordano
khi nghi ngờ sự độc đáo và sáng tạo của ông trong tác phẩm “Nỗi cô
đơn của những con số nguyên tố”, song tôi không thể tự gạt bản thân
cảm giác quen thuộc tương đồng trong không khí truyện của Paolo với
“Trăm năm cô đơn” của Garcia Marquez. Có lẽ đó chỉ là sự nhầm lẫn
thoáng qua của người đôi chút băn khoăn không biết Paolo có đọc “Trăm
năm cô đơn” trước khi viết “Nỗi cô đơn của những con số nguyên tố” mà
thôi. Tuy nhiên nếu phải nghiệt ngã đánh giá, thì “Trăm năm cô đơn”
thực sự xứng đáng là đứa con cưng của nhà kể chuyện vĩ đại nhất
Mỹ Latin.
Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu để có thể diễn
đạt cảm xúc mênh mang hồi hộp nhưng tĩnh lặng khi gấp trang cuối cùng
của “Trăm năm cô đơn”, và thậm chí tôi sẽ không viết bài theo đúng
trình tự đi từ tác giả, tóm tắt đến cảm xúc nữa. Có điều gì đó
đặc biệt lẩn khuất trong từng câu chữ, từng trang sách của cuốn tiểu
thuyết không thể gọi là dày này khiên người đọc dường như chìm đắm
trong nỗi ám ảnh và hư thực hòa quyện của nó. Nó có thể được coi
là tiểu thuyết lịch sử – một câu chuyện lịch sử từ thời lập làng
khai hoang và được tái hiện lại trong câu chuyện của một người ngoài
cuộc tưởng chừng không tồn tại nhưng lại luôn dõi đôi mắt công bình
nhìn vào từng ngõ ngách của lịch sử. Thế nhưng dường như người kể
nó cũng không cố gắng tái hiện những kí ức khô héo mục rỗng trong
quá khứ mà đang từng chút một hoài niệm lại những hình ảnh còn
vương vấn như đang kể một câu chuyện cổ tích nửa hư nửa thực.
Câu chuyện bắt đầu từ một thời khắc ngắn ngủi
của đại tá Aureliano Buendia chuẩn bị hành hình và vụt ngược thẳng
về thời cha anh Jose Buendia cùng mẹ anh là Ursula lập làng Macondo từ
thuở hồng hoang đang chạy trốn tội loạn luân vì tình yêu, sau những
tháng ngày mỏi mòn đi tìm biển đã dừng lại lập nên Macondo chỉ vì
một giấc mơ. Aureliano cùng anh sinh đôi là Jose Arcadio có tính cách
hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng có điểm chung là họ đều rất tài
giỏi. Những người dòng họ Buendia đều rất tài năng và khỏe mạnh.
Trong tay họ nắm những đức tính tạo nên những con người mà phẩm chất
để đứng trên người khác, nhưng dường như lời nguyền loạn luân đã bám
dính lấy cả gia tộc của họ từ đời này sang đời khác, dai dẳng và
day dứt cứ mỗi chút lại gặm nhấm dần linh hồn của họ. Suốt bảy
đời gia tộc Buendia kéo dài cả một thế kỉ gắn liền với lịch sử
của Macondo như cái bóng phủ lên ngôi làng đó, thế nhưng tất cả cuộc
đời con cháu dòng họ đều kết thúc trong sự cô độc dai dẳng đặc
quánh.
Không thể không liên tưởng lịch sử và những sự
kiện xảy đến với ngôi làng Macondo này với lịch sử của Mỹ Latin – sự kiện tìm ra Châu Mỹ Latinh gắn liền với việc
phát hiện ra làng Macondo của người Digan. Những thổ dân da đỏ Indio sống ở
Châu Mỹ Latinh trước đó chính là dòng họ Buendía.Sau đó sự
phối hợp chủng tộc tạo ra nhân dân Châu Mỹ Latinh ngày nay. Đời sống của làng
Macondo đã bị xáo trộn trước sự xuất hiện của người Digan. Sự phối hợp giữa dân
bản địa và những người từ những miền đất khác đến sinh sôi nảy nở ra những giống
người “lai”. Họ ra đi và lập nghiệp trên khắp các vùng đất ở Mỹ Latinh. Rồi những thước phim về đời sống cổ hủ, lạc hậu của Mỹ Latinh được tái
hiện qua phương pháp phúng dụ: Đá nam châm, kính lúp, thước đo góc, la bàn,
nước đá, máy hát, máy nổ, phim ảnh, xe lửa là những sáng chế đã được sử dụng phổ
biến trên thế giới nhưng lại là những thứ cực kỳ tối tân đối với dân chúng
Macondo.Đó là sự tiếp xúc đầu tiên của thổ dân Anhđiêng với
thế giới bên ngoài. Đó là khi những người Digan đến Macondo mang theo các thành
tựu khoa học kĩ thuật trên thế giới. Dân làng Macondo đón nhận những phát minh
này với một thái độ háo hức, pha lẫn một chút sợ sệt vì không hiểu hết được bản
chất của nó.Tiếp đến là cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị và
chiến tranh liên miên kéo dài thực chất là trận chiến đấu khốc liệt giữa phái Bảo
hoàng và Tự do. Sĩ quan hai phái ban ngày đánh nhau kịch liệt, ban đêm làm bạn
với cờ bạc. Trong tác phẩm, điều này được phản ánh thông qua quan hệ bạn bè giữa
đại tá Aureliano và tướng
Raken Moncada. Sau đó là quá trình xâm nhập của chủ nghĩa đế quốc Bắc Mỹ
tương ứng từ khi làng Macondo được phát hiện bởi người Digan – những cái mới, quan thanh tra, chiến
tranh giữa các phái bắt đầu ùa vào
ngôi làng này. Cuối
cùng, tội ác của
giặc ngoại xâm và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động: cuộc đấu
tranh của nhân dân Macondo giữa những người theo hai phái Bảo hoàng và Tự do .
Những sự kiện hiện
lên như những thước phim lịch sử chạy vun vút ập vào thời gian của
Macondo, nhưng dường như Macondo ồn ào nhốn nháo, Macondo bị những xâm
phạm xoáy tung,....thì Macondo vẫn mang vẻ gì đó lạc lõng đơn độc
của những con người tự nguyện giam chân mình nơi đây. Những Buendia vẫn
lần lượt ra đi tìm kiếm thứ gì họ không biết để rồi lại trở về
đúng ngôi làng miền thung lũng trải bao biến động ấy để gặm nhấm
cái tuổi già cô độc của mình. Điều duy nhất họ không có chính là
tình yêu. Họ giam mình trong nỗi cô đơn đặc quánh và tách biệt khỏi
xã hội, để rồi có giỏi thế nào đi chăng nữa họ vẫn trở thành
những cái bóng tồn tại trong bóng tối và kí ức của ngôi làng mà
chính dòng tộc của họ lập ra.
Thế nhưng dù mang những sự kiện lịch sử có thật,
nhưng cách diễn tả, bối cảnh và không khí trong truyện lại dường như
thuộc về một thế giới ảo xa xăm nào đó không thể xâm nhập. Người
đọc chỉ có thể nhìn thấy qua làn sương mờ theo hướng chỉ tay và ánh
nhìn của người kể chuyện để mường tượng những chuyển mình của ngôi
làng trong mơ để ngạc nhiên những chuyển động chậm chạp đó lại là
khoảng thời gian dài đến như vậy. Điều duy
nhất người đọc có thể cảm nhận sâu sắc nhất đó chính là nỗi cô đơn
sâu thẳm tựa vũ trụ của cái dòng họ quái đản này. Dòng họ Buendia
giam chính họ trong sự cô độc. Mặc dù có tất cả nhưng điều duy nhất
họ thiếu là một trái tim yêu thương. Rồi người cuối cùng trong dòng
họ cũng chết đi trong sự đơn độc cùng với sự biến mất của làng
Macondo. Đó là một câu chuyện truyền thuyết.
Thông qua dòng họ
Beundia, Garcia Marquez muốn chỉ ra điều quan trọng nhất của con người:
tình yêu thương có lí trí. Con người cần tình yêu để tồn tại, cần
sự giao hòa với xã hội để không bị lẻ loi đơn độc. Từ đó ông kêu
gọi con người hãy vứt bỏ mọi định kiến, quan điểm khắc kỉ cá nhân
để giao hòa với gia đình và xã hội bằng tình yêu thương, bởi không
có tình yêu thì con người lại trở về cái gốc là con vật “có cái
đuôi lợn” mà thôi.
Theo lời người dịch truyện,
Gabriel Garcia Marquez đã từng tuyên bố rằng ông để cả đời sáng tác về cái cô
đơn, thông qua nó, ông kêu gọi mọi người đoàn kết lại để đấu tranh, để "...sáng
tạo ra một thiên huyền thoại khác hẳn. Một huyền
thoại mới, nơi không ai bị kẻ khác định đoạt số phận của mình, ngay cả cái cách
thức chết, nơi tình yêu có lối thoát và hạnh phúc là cái có khả năng thực sự và
nơi những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn cuối cùng và mãi mãi sẽ có vận may
lần thứ hai để tái sinh trên mặt đất này...".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét