Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Đời Yakuza - Saga Junichi



Thú thực, tôi luôn có hứng thú đặc biệt và ổn định về những thứ được gán mác “mafia”, “xã hội đen” hay những cái gì đó tương tự. Tôi thích sự căng thẳng, gan lì liều lĩnh, những cuộc đấu trí, chém giết, sự bất cần và nổi loạn có khuôn phép và tài năng xuất chúng ở những kẻ vùng vẫy trong thế giới bóng tối – trong một thế giới hoàn toàn đặc biệt khác hẳn với cuộc sống thường ngày. Có thể manga đã ảnh hưởng tôi quá nhiều, có thể do nhưng tác phẩm như “Camorra” hay “The god father” đã khiến tôi có ảo tưởng về cái thế giới mà rõ ràng bị đại đa số coi như xấu xa đó, nhưng bất chấp những lời đánh giá “trẻ trâu” về những kẻ như tôi, tôi vẫn thích và vẫn đọc về nó – và thật xấu hổ, nhưng đôi lúc còn mơ ước về nó.


Nếu “The godfather” đã vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về thế giới mafioso đất Sicilia đầy máu me, chết chóc và căng thẳng đặc sánh, thì “Đời yakuza” của Saga Junichi đã phác họa một cách sinh động về cuộc đời chìm nổi của một ông trùm cũ những năm tàn bạo của thế kỉ trước. Cuộc đời của con người sống trong bấp bênh tù tội và phạm pháp đó đi cùng những giai đoạn biến chuyển thay đổi của đất nước Phù Tang giàu mạnh – đất nước mà nhắc đến ta đã có thể tưởng tượng đến những cánh sakura hồng dịu dàng mong manh mà trung kiên; những bát udon ramen nóng hổi mang đặc trưng từng vùng miền; món sushi với vị ngọt unami cầu kì và những bữa ăn theo mùa rất “Nhật Bản”; những lễ hội tưng bừng và những nàng geisha xinh đẹp giỏi giang trong những bộ kimono cầu kì đắt tiền giờ chỉ còn trong kí ức; samurai với những thanh takana tung hoành ngang dọc trong tiếng đàn shamisen; đất nước phát triển giàu mạnh nhưng đậm chất truyền thống và luôn vận động không ngừng,.......


Thế nhưng, khác hẳn với những hình ảnh đẹp đẽ đất nước Mặt Trời Mọc bên vành đai Thái Bình Dương mà chúng ta vẫn ước ao, từng có một thời nó đã rơi vào hỗn loạn, khủng hoảng, chết chóc tăm tối và cuồng loạn. Kumichou Eiji đã từng bước trải qua những thời kì đen tối nhất của đất nước Phù Tang những năm thế kỉ 20 dưới danh nghĩa một Yakuza chân chính và truyền thống: trận động đất Kanto năm 1923 khủng khiếp cướp đi hàng trăm ngàn sinh mạng và phá hủy hầu hết Nhật Bản,  khiến con người phải lặn lội trong đói nghèo, vật lộn với số mệnh; chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914-1918 gần như hủy diệt một nửa đất Nhật và nghiền nát con người trong biển máu,.... những thời kì tăm tối đẩy con người vào đường cùng, kể cả những người sống trong pháp luật và ngoài pháp luật....


Và Eiji – ông trùm yakuza của một băng nhóm có địa vị được kính trọng ở cùng Asakura bắt đầu kể lại câu chuyện của đời mình cho vị bác sĩ vào những ngày cuối đời – bắt đầu từ cuộc tình với người đàn bà tình nhân của chánh án, ông bắt đầu cuộc hành trình đến với thế giới yakuza. Khác hẳn với tưởng tượng về thế giới yakuza tưởng từng bóng bẩy và giàu có cùng địa vị và nhúng tay vào đủ mọi lĩnh vực như hình tượng yakuza hiện nay người ta thường thấy hoặc thường tưởng tượng về nó, những yakuza truyền thống có một cuộc sống và câu chuyện về đời mình vừa vinh quang vừa cay đắng và thầm lặng. Thời hiện đại, những tổ chức mafia như Tam Hoàng (Triad) của Trung Quốc, mafia Nga, Mafioso Ý, Yakuza Nhật,....đều được cho là dính dáng với tất cả những gì xấu xa nhất: buôn lậu, cờ bạc, tống tiền, buôn vũ khí, mại dâm,... những tổ chức này đều có ảnh hưởng không hề nhỏ đến chính trị, và sự vững chắc cũng như cách tổ chức những băng nhóm đều rất quy củ.


Yakuza bắt nguồn từ những samurai từ thời Edo, thường chuyên về cờ bạc, buôn lậu và chém giết thuê. Nhưng thực tế Yakuza truyền thống chỉ làm về cờ bạc và chỉ cờ bạc mà thôi – họ rất hiếm khi nhúng tay vào các lĩnh vực khác nếu không muốn bị coi thường. Một tổ chức yakuza truyền thống cũng thường không đông, có tổ chức quy củ chặt chẽ không kém gì hệ thống nhà nước. Cái tình cái nghĩa luôn đặt lên trên hết. Họ cũng phải hòa đồng với nhân dân và nhún nhường trước cảnh sát, chính quyền chứ không lộng hành kiểu búng tay một phát là chuyện đâu ra đó như truyện hay phim ảnh. Một yakuza chính hiệu là phải tuân thủ luật im lặng khắt khe như Omerta và phải có lòng kiên trung ngang một vị tướng trung thành với vua. Họ phải thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với cảnh sát và chính quyền, và một yakuza chân chính đều từng đi tù vì chữ nghĩa. Danh dự được đặt lên hàng đầu như một món bảo vật danh giá và quý báu, và họ thậm chí phải hi sinh vì danh dự. “Nếu bị đánh bại, phải chết hoặc nằm viện. Nếu thắng thì phải đi tù.”


Cuộc đời quân nhân và cuộc sống trong chốn ngục tù cũng được mô tả một cách hết sức sinh động và chi tiết: những cay đắng, chịu đựng, những khổ đau mà đất nước này trải qua trong những thời kì khốn khổ và mất mát. Đọc “Đời Yakuza” không chỉ để thấy một thế giới ẩn dưới bóng tối và kẽ hở của chuẩn mực chung thời đại; không chỉ để thấy và hiểu về một trong những mặt khác của một cuộc sống, một thế giới khác, mà còn để thấy được bản lĩnh của con người, thấy được bản chất và tinh thần không ngừng vươn lên của con người. “Đời Yakuza” không chỉ là một tài liệu về một mặt văn hóa của Nhật Bản, mà nó còn là một bản ghi chép lịch sử không chính thống đầy cay đắng khổ đau của cả một dân tộc.


Suy cho cùng, “Đời Yakuza” không phải là một quyển sách “phải đọc”, nhưng tri thức thì không bao giờ là đủ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét