Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

[Sách hay] Giết con chim nhại - Harper Lee






Một trong những điều tạo nên sự độc đáo và khẳng định chỗ đứng của “Giết con chim nhại” trong nền văn học, tôi nghĩ đó là nhờ sự khách quan trong cách nhìn nhận và đánh giá những vấn đề xã hội cho đến nhân văn thông qua cách tiếp cận của những đứa trẻ. Chỉ một quyển sách, mà dường như nữ nhà văn “one hit” Harper Lee đã đụng chạm đến những vấn đề hết sức cơ bản trong xã hội một cách logic, lý trí hết nhất có thể. Có thể nhờ Harper Lee là luật sư mà những vấn đề cơ bản được bà đề cập đến trong “Giết con chim nhại” đều khao khát sự phán xét công bằng và khao khát muốn thay đổi.  Dù chỉ có duy nhất một tác phẩm, nhưng “Giết con chim nhại” đã đưa tên tuổi Harper Lee vào danh sách những nhà văn không thể bỏ qua.


Nhắc đến lịch sử của nước Mỹ, con người không thể không nhắc đến cuộc Nội Chiến Mỹ (1861-1864) – một trong những cuộc Cách mạng có ảnh hưởng sâu sắc đến không chỉ nước Mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cả cách nhận thức của toàn nhân loại. Và dù ai cũng biết “Giấc mơ Mỹ” Obama đang ở vị trí Tổng Thống của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đến nhiệm kỳ thứ 2, thì không phải ai cũng tránh được sự ngạc nhiên khi chỉ mới hơn 50 năm nước, nạn phân biệt chủng tộc – “vết nhơ” lớn nhất trong lịch sử của Mỹ vẫn còn đang thịnh trị.


Trước năm 1860, những bang miền Bắc nước Mỹ do tập trung vào công nghệ kĩ thuật và tiến bộ xã hội đòi hỏi những công nhân tự do đến làm việc nên có chủ trương muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, trong khi đó các bang miền Nam chủ trương đồn điền nông nghiệp nên cần những nô lệ gắn chặt với công việc khổ sai nên rất cần duy trì chế độ nô lệ thảm khốc. Có thể nói rằng nguồn gốc sâu xa của cuộc nội chiến Mỹ là sự mâu thuẫn giữa quyền lợi của tư bản miền Bắc và chủ nô miền Nam (những nhà tư bản miền Bắc muốn tập trung quyền lực ở trung ương để thống nhất sự phát triển kinh tế, đòi đánh thuế cao hàng công nghiệp nhập ảnh hưởng đến nền sản xuất địa phương. Trong khi đó, những chủ đồn điền, đặc biệt là ngành kinh doanh bông dệt muốn hạ thuế quan xuất khẩu). Và một chính trị gia trẻ tuổi, Abraham Lincoln, trước sự đe dọa của các bang miền Nam sẽ rút khỏi liên bang nếu ông đắc cử, đã trở thành tổng thống – với nhiệm vụ giữ gìn sự vững chắc của Liên Bang.


Tháng 4/1861, các bang miền Nam đã nổ phát súng đầu tiên tuyên bố chiến tranh với các bang miền Bắc, đòi ly khai và lập nên Liên Bang của riêng họ. Sau một năm ròng chiến tranh đẫm máu, Abraham Lincoln ra sắc lệnh tuyên bố giải trừ chế độ nô lệ. Sau khi tướng Lee của Liên bang miền Nam đầu hàng, nội chiến kết thúc. Nhưng chưa kịp tiến hành hòa giải, Abraham Lincoln đã bị một người miền Nam ám sát vì thua nhục nhã. Quyền hành chuyển sang phó Tổng thống Andrew Johnson. Ông muốn nhanh chóng thực hiện Công Cuộc Tái Tiết. Johnson ra lệnh ân xá để khôi phục các quyền chính trị của các bang miền Nam. Nhưng cuối năm 1865, hầu hết các bang miền Nam đã hủy Đạo Luật Ly Khai và Chế độ Nô lệ thì Tennessee vẫn từ chối phê chuẩn sửa đổi Hiến pháp cho người Mỹ gốc Phi có quyền công dân đầy đủ. Kết quả là những người Cộng hòa trong Quốc hội quyết định thực hiện Công cuộc Tái Thiết của riêng mình: họ đưa ra các biện pháp trừng phạt với những kẻ phiến loạn cũ, ngăn các lãnh đạo các bang ly khai nắm giữ chức vụ, chia miền Nam thành các quân khu để cai trị bằng quân đội và nếu từ chối lời thề trung thành với Liên Bang đều bị tước quyền bỏ phiếu, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ quyền của người Mỹ gốc Phi. Johnson cố gắng phá vỡ những chính sách này nên bị luận tội, và dù không đủ phiếu để phế truất ông thì quyền lực của Quốc hội vẫn ảnh hưởng sâu đậm trọng suốt 30 tiếp theo.


Rốt cuộc, khi những người da trắng miền Nam giành được quyền lực chính trị, những người da đen hoàn toàn phải lãnh nhận hậu quả. Những người da đen không được hưởng các quyền tự do vì luật địa phương, không được tiếp cận các cơ sở công và bị đe dọa thường xuyên khi muốn tiếp cận những quyền tư hữu, học hành, làm việc trí óc, hội họp,.... mà dẫn đầu là tổ chức Ku Klux Klan. Công cuộc Tái Thiết từ lý tưởng cao xa đã rớt xuống hố sâu tham nhũng, tệ nạn, và biến chế độ nô lệ thành Chế Độ Phân Biệt Chủng tộc nặng nề.  Công cuộc Tái thiết hỏng đã làm chậm cuộc đấu tranh giành quyền cho người Mỹ gốc Phi đến tận thế kỉ 20, và chúng trở thành vấn đề quốc gia chứ không còn chỉ của miền Nam.


Và, những năm 50 thế kỉ 20, trong khi những người Mỹ đang được trải nghiệm to lớn từ những thành tựu của phe chiến thắng sau Đại chiến Thế giới Thứ nhất và thứ hai, thì người Mỹ gốc Phi bắt đầu phát động những cuộc phong trào đòi quyền bình đẳng ở khắp mọi nơi. Tác phẩm “Giết con chim nhại” lấy bối cảnh ở Alabama – một bang miền Nam rất đặt nặng thành kiến phân biệt chủng tộc, và được viết trong thời gian phong trào đấu tranh của người da màu, đặc biệt là của Martin Luther King đang lan rộng tới tầm cỡ quốc gia. Rõ nhất là vụ Tẩy chay xe bus ở Montgomery kèo dài từ cuối năm 1955 đến cuối năm 1956, với kết quả là Tối cao pháp viện đã tuyên bố luật phân cách chỗ ngồi giữa người da đen và da trắng ở Alabama là vi hiến – thế nên không nghi ngờ gì rằng chủ đề lớn của tác phẩm là về nạn phân biệt chủng tộc. Nội dung chính của “Giết con chim nhại” kể về tiến trình của một vụ kiện, trong đó một người luật sư da trắng – Atticus – đã cố gắng bào chữa cho một thanh niên da đen khỏi tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng.


Quan điểm của Harper Lee được thể hiện một cách rõ ràng và chân thực thông qua hành động nhân vật luật sư Atticus đại diện cho bà, cũng như cách giáo dục của ông dành cho hai con là Jem và Scout. Ông thường xuyên giáo dục hai đứa trẻ về lương tâm, công bằng, bác ái – những điều mà đôi lúc con người phải dùng cả đời để học hỏi. Sự công bằng, bác ái và quan điểm về chế độ phân biệt chủng tộc của nhân vật luật sư Atticus cũng như của chính Harper Lee được thể hiện rõ qua những điều Atticus nói với con:


“Khi con lớn lên, con sẽ thấy người da trắng lừa đảo người da đen mỗi ngày trong cuộc đời con, nhưng hãy để bố nói con nghe điều này và con đừng quên: bất cứ khi nào một người da trắng làm điều đó với một người da đen, bất kể anh ta là ai, anh ta giàu cỡ nào, hoặc anh ta xuất thân từ một gia đình danh giá ra sao, thì người da trắng đó vẫn là rác rưởi.”


Hoặc:


“Đối với bố chẳng có gì ghê tởm hơn một người da trắng thấp kém lợi dụng sự ngu dốt của một người da đen.”


Nói cách khác, Harper Lee đã công khai đứng lên phủ nhận chế độ phân biệt chủng tộc hà khắc và yêu cầu, kêu gọi quyền công bình và tự do cho tất cả con người. Tuy nhiên bà không chỉ yêu cầu ở mức độ của một người da trắng trí thức với mong muốn kêu gọi suông mà không thèm để tâm đến thực trạng của người da đen – ở thời gian này, rõ ràng người da trắng được học hành dạy dỗ tử tế hơn những người da đen thấp cổ bé họng. Bà khẳng định rõ rằng quyền bình đẳng cũng chỉ là tương đối:


“Chúng ta biết tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng theo cái nghĩa mà một số người thường muốn chúng ta tin – rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số đàn ông kiếm ra nhiều tiền hơn những người đàn ông khác, một số phụ nữ làm bánh ngon hơn những phụ nữ khác – một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người.”


Nhưng Harper Lee cũng từ đó mà khẳng định tầm quan trọng của quyền bình đẳng và tổ chức duy nhất đủ khả năng bảo đảm cho quyền bình đẳng đó, đó chính là Tòa án:


“Nhưng có một cách thức trên đất nước này mà trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng – có một thể chế của con người khiến một người nghèo bình đẳng với một Rockfeller, một kẻ ngu ngốc bình đẳng với Einstein, và một kẻ dốt nát bình đẳng với bất cứ bị hiệu trưởng trường đại học nào. Thể chế đó, thưa quý vị, chính là tòa án.”



Tuy nhiên tòa án cũng là tập hợp của con người, mà xu hướng của con người chính là khi nắm giữ quyền lực trong tay, họ dễ dàng có khuynh hướng lạm dụng quyền hành hoặc đi theo hướng đại đa số. Jean Jacques Rousseau cũng từng nhận định về các thể chế chính quyền rằng: “cần phải có một người có sự thông minh siêu tuyệt để thấu hiểu những nhiệt tình của con người mà không bị ảnh hưởng của thất tình lục dục, một người mà hạnh phúc độc lập với con người mà sẵn sàng làm việc ở đời này để cho kết quả ở đời sau.” Rồi ông kết luận: chỉ có Thượng Đế mới làm được như vậy. Đúng như vậy, kết quả của vụ kiện có thể dễ dàng đoán được ở thời kì này: mặc dù Atticus đã bào chưa và lật tẩy được rõ ràng những mánh lới dối trả của người da trắng, thì người anh chàng da đen khốn khổ vẫn bị kết án. Và ngài luật sư Atticus, ngay cả khi biết rõ những gì mình phải đối mặt: sự thất bại, định kiến, bất công, thì ông vẫn lựa chọn một cách can đảm làm việc đó, bởi với ông, can đảm “là khi con biết con sẽ thất bại trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng cho dù có chuyện gì xảy ra.”


Nhưng đồng thời, tác giả Harper Lee không hề có ý định xúc phạm hay phủ nhận hoàn toàn các định kiến thành kiến mà rõ ràng xét trên quan điểm mỗi người (về chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc), thành kiến đó lại là niềm tin họ luôn giữ gìn.Ông luôn dặn dò các con rằng:


“Ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.” Hay “Chắc chắn họ có quyền nghĩ vậy và họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ.” Đứng trên lập trường của Atticus, cho dù những người có ý kiến bất đồng và mâu thuẫn với quan điểm của ông, thì họ vẫn đáng được tôn trọng đúng như chính con người của họ một cách vô điều kiện, bởi họ có lí do, lí lẽ riêng để bảo vệ cho quan điểm đó. Những quan điểm đó chưa chắc đã hoàn toàn là con người họ – họ còn bị ảnh hưởng từ gia đình, học thức, môi trường và địa vị xã hội: nhưng tất cả con người để có điểm chung mà rất lâu Jem với Scout mới nhận ra: bất cứ ai cũng có cả mặt xấu và mặt tốt và không thể đánh giá một con người chỉ qua một mặt hoặc một hành động của họ trong một thời điểm nhất định của họ. Hơn nữa, thông qua cách quan sát và sự nhận thức từ từ của cô bé Scout, Harper Lee còn dần dần phác họa được những biến động, những thay đổi trong nhận thức và quan niệm của con người – rằng rất nhiều người từng bị ràng buộc bởi thành kiến đang dần dần có những suy nghĩ mới và đang dần dà quẫy đạp để thay đổi, tuy không rõ ràng. Tuy vậy, đó vẫn là bước khởi đầu.


Trên hết, Harper Lee cũng nhắc đến những bất cập trong giáo dục: cách dạy dỗ khô cứng, rập khuôn, không quan tâm đến nhu cầu cũng như ý kiến của học sinh như một cách đối chiếu với những gì Scout được bố dạy: em ngạc nhiên khi cô giáo chê trách chế độ độc tài của Hitler nhưng ngay sau đó lại khinh rẻ dè bỉu những người da đen. Từ đó bà đã phác họa ra một thế giới nhân bản, một thế giới công bằng hơn, nơi những bất công, thành kiến, đặc quyền, phân biệt đều được giảm thiểu hết mức có thể – và nhấn mạnh muốn tiến đến được một xã hội như thế, điều quan trọng nhất là giáo dục.


Hình ảnh con chim nhại được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm ám chỉ loài chim “chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó.”, nên giết nó là một tội lỗi. Hình ảnh này, theo Phạm Viên Hương, được tác giả xây dựng thành biểu tượng cho sự ngay thơ trong sạch có thiện tâm bị hủy hoại theo nhiều cách vô tình hoặc hữu ý vì cái xấu trong xã hội. Hay nói cách khác, cho dù có những người lương thiện chỉ muốn cống hiến cho đời, vẫn có những thế lực gây sức ép và gây tổn hại nặng nề cho những cá nhân đó mà không hề biết rằng chính họ đang từng chút gây hại cho chính xã hội, “sinh thái” của mình.


“Giết con chim nhại”, một trong những tác phẩm có nhiện vụ vạch trần những bất công của xã hội, để từ đó chính quyền và con người phải tự nhận thức, bàn bạc và tìm cách sửa đổi. Đây là một cuộc chiến công khai, và nhờ thế nước Mỹ đã tiến những bước dài chống phân biệt chủng tộc. Điều tất yếu là chính con người đã nhận ra và đóng góp vào quá trình đó. “Cho dù chúng ta bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải lí do khiến chúng ta không cố thắng.” Và cuộc thua kiện của Atticus chỉ là một trong hàng ngàn những thất bại để đặt tiền đề chi một chiến thắng rực rỡ trong tương lai.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét