Một ngày đẹp
trời chết dẫm nào đó, tôi nghĩ mình phải trở nên lãng mạn. Tất
nhiên cái ý tưởng “lãng mạn” trời oánh thánh đâm đó ở đâu chui ra
thì tôi không biết, chỉ biết 10 phút sau khi nó xuất hiện, tôi đã an
vị ở một chiếc ghế đá dọc Hồ Gươm với một ly cà phê (pha nhà đem
đi), một chiếc máy nghe nhạc cổ lỗ sĩ nhưng dai pin, và “Ba gã cùng
thuyền, không kể con chó”. Mặc dù lúc bắt đầu tôi khá chắc mình đã
ngồi vắt chân rất ra vẻ trí thức ngạo đời, thì khoảng dăm chục phút
sau đó người người đi qua đều tưởng thấy một con động giật đang cười
ngặt nghẽo. Nhưng đó không phải lỗi của tôi – của Jerome đấy chứ.
Bạn mà thích thú với khiếu hài hước đậm chất Anh,
tuyệt đối đừng bỏ qua “Ba gã
cùng thuyền, không kể con chó”. Từng câu từng chữ đều hóm hỉnh một
cách ý nhị, tinh tế, tưng tửng một cách khó đỡ, nhưng điểm độc đáo
nhất của nó lại nằm ở chỗ tất cả những điều trên lại được thể
hiện qua một giọng văn rất nghiêm-túc – cái kiểu “anh rất tỉnh và
đẹp trai” ấy. Mà nhé, diễn biến cuộc hành trình của ba tay “phớt
tỉnh Ăng lê” đó đi từ lí do rất chuối củ, cách bắt đầu cực cùi bắp
và diễn biến cũng bó tay không kém – nhưng điều tài tình nhất của
Jerome là mặc dù tất cả những điều ba gã đó làm đều ngớ ngẩn nhưng
hợp lí đến đáng ngạc nhiên. Xen vào cuộc hành trình rõ là lắm rắc
rối từ trên trời rơi xuống là những mẩu chuyện nhỏ theo kiểu nhớ
lại khiến người đọc phải bật cười vì độ trong sáng và (ngốc
nghếch) của nó.
Bên cạnh những
câu chuyện cười sảng khoái, “Ba gã cùng thuyền” không hề thua kém bất
cứ một tác phẩm lãng mạn nào nhờ ngòi bút miêu tả bậc thầy của
Jerome. Phong cảnh nên thơ, không khí dịu dàng say đắm, bầu trời cao
vời vợi, thiên nhiên tuyệt mỹ,....tất cả đều được miêu tả một cách
trau chuốt và độc đáo. Cảnh vật bước vào sách của Jerome trở nên
sống động, vĩ đại như vẽ ra trước mắt người đọc hai bờ hoang dại
đẹp như bức tranh tiền sử của sông Thames, những đêm trời sao lấp lánh
hùng vĩ, những đợt gió miên man như lời thủ thỉ của thiên nhiên,.....
Nghệ thuật nhân cách hóa đã thổi hồn vào từng thực thể nơi ba gã
rảnh việc đó du ngoạn, khiến câu chuyện dường như mang chút âm hưởng
của cổ tích, của thần thoại.
Ấy vậy mà
dường như người đọc vẫn phải chững lại trước những câu chuyện ấy.
Thông qua sự hài hước thầm kín, những câu chuyện đối nhân xử thế,
những bài học về cuộc sống được đan cài một cách khéo léo không hề
mang chút tính chất dạy đời, mà trái lại như lời tâm tình được đúc
kết một cách ngẫu hứng đến từ một nhân vật “thực hơn cả đời thực”.
Đến với “Ba gã cùng thuyền, chưa kể con chó”, bạn sẽ lâng lâng trong
khung cảnh huyền bí tưởng tượng (tất nhiên nếu bạn có trí tưởng
tượng bay xa), những tràng cười sảng khoái (chống chỉ định với những
người đang ăn hay đang bị Tào Tháo rượt), những bài học chân lý giản
đơn sâu sắc mà khó phai.
Cuối tuần giải
trí với truyện cười, quá tuyệt đấy chứ?
Truyện rất buồn cười, cơ mà đợi mãi chưa có bản dịch Ba gã dạo chơi.
Trả lờiXóa