Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

[Sách hay] Người đua diều - Khaled Hosseini





Nếu hỏi tôi, tôi sẽ không do dự trả lời rằng, “Người đua diều” là một cuốn tiểu thuyết về nỗi đau, dằn vặt, và cứu rỗi. Có điều gì đó lẩn khuất trong từng câu chữ, từng trang sách của “Người đua diều” cứ từng chút một thẩm thấu vào tâm hồn tôi, khiến tôi mê đi trong dòng cảm xúc của nó. Tôi đã bị thuyết phục. Thậm chí ngay cả khi viết lại những dòng này, tôi vẫn có cảm giác rùng mình hoang mang. Là hoang mang.


Khaled Hosseini là một tác gia người Mỹ gốc Afghanistan.  Năm 2003, Hosseini cho ra mắt cuốn tiểu thuyết đầu tay tên The Kite Runner ( Người đua diều). Cuốn sách là câu chuyện về cậu bé Amir vật lộn để có hàn gắn quan hệ với cha mình và vượt qua nỗi ám ảnh về một sự việc thời thơ ấu. Bối cảnh truyện đặt ở Afghanistan, từ lúc chính quyền Taliban rệu rã đến khi sụp đổ hoàn toàn, và khu vực vịnh San Francisco mà cụ thể là FremontCalifornia. Trong các chủ đề được nói tới, bao gồm căng thẳng sắc tộc giữa người Hazara và người Pashtun ở Afghanistan, và những trải nghiệm di cư của hai cha con Amir đến Mỹ. Theo thông tin của Nielsen Bookscan, Người đua diều xếp thứ ba trong số những cuốn sách bán chạy nhất tại Mỹ năm 2005. 


Có lẽ, tất cả những nhân vật trong này đều là những người tội nghiệp. Bắt đầu từ người cha của người kể chuyện, là Baba của Amir. Ông là một người tội nghiệp, và là một con người hèn nhát. Ông không hèn nhát về mặt tính cách, bởi lẽ ở đất nước của ông, thị trấn của ông, vào những ngày yên bình xinh đẹp, khi đất nước vẫn còn hòa bình vui tươi, ông rõ ràng là một người khỏe mạnh, cao lớn, dũng cảm, đối xử với mọi người tốt đẹp. Ông là một người hiểu sự đời, không bao giờ đầu hàng và luôn đứng lên vì chính nghĩa của chính mình. Ông không phụ thuộc vào những lề thói định kiến xã hội, không bị tôn giáo và quan niệm truyền thống chèn ép. Thế nhưng, ông lại hèn nhát trước chính bản thân mình, và điều này thể hiện rõ ràng qua tình yêu của ông dành cho con trai của mình là Amir – một người trực tiếp thừa hưởng dòng máu “cao quý” của ông và của lớp người Pashtun – và tình yêu kín đáo ông dành cho người con ngoài giá thú của ông là Hassan – đứa trẻ khốn khổ được một người đàn bà thuộc tộc Hazara bị khinh bỉ sinh ra, và bị định sẵn là phải chịu sự phỉ nhổ, sự căm ghét của những “lớp bề trên”. Ông thực sự yêu cả hai đứa con trai của mình, cũng như ông yêu chính hai nửa bản thân mình, nhưng cái danh dự của một Pashtun danh giá đã điều khiển ông, không cho phép ông nhận Hassan cũng như thừa nhận với bất cứ ai về thân phận của Hassan, mà đưa Hassan cho ông Ali – người giúp việc Hazara, người chồng tật nguyền của chính mẹ Hassan, một người nhân hậu và tuyệt đối trung thành – nuôi dưỡng.


Bị day dứt trước tình yêu không thể thể hiện với Hassan và nỗi giày vò nếu dồn hết tình yêu cho chính Amir, ông đã kiềm nén chúng một cách triệt để và đẩy cả hai người con vào một bi kịch đầy nước mắt. Có lẽ thật không công bằng khi nói ông là nguyên nhân của mọi sự, nhưng với tôi, có lẽ cái con người đáng kính đó là nguyên nhân của mọi sự thật. Bởi vì ông không dám thừa nhận tất cả bản chất của mình. Mặc dù chính ông dạy cho con trai mình, Amir, rằng không gì độc ác hơn tội ăn cắp:


“Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời. Con ăn cắp quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng.”


Nhưng chính ông, lại cướp đi sự thật từ chính đứa con vô thừa nhận của mình, từ chính con trai được thừa nhận của mình. Sự dằn vặt tội lỗi trong ông khiến ông né tránh ngay cả đứa con chính thống, cướp đi những tình cảm gia đình đơn thuần mà một đứa trẻ nên có, và có quyền được có. Amir đã sống hết tuổi thơ với em trai cùng cha khác mẹ của mình mà không chút hay biết. Cả hai thân thiết với nhau, nhưng với chính Amir vẫn có những khoảng cách của sự ghen tị, hờn giận và chuyên quyền. Cũng bởi cậu không được hưởng trọn vẹn tình yêu thương, và cậu phải chứng kiến cha mình vô cớ chiều chuộng Hassan giống mình – tất nhiên là ở mức độ dè chừng – thì trái tim non nớt của một đứa trẻ đã nảy lên những ghen tị, những khao khát, cô đơn và khinh bỉ.


Nhưng ở một đứa trẻ, những điều đó vẫn chưa bộc lộ rõ ràng đến như vậy. Amir vẫn hàng ngày gắn bó keo sơn với Hassan, và vẫn hàng ngày khao khát tình yêu thương và sự quan tâm của cha. Hassan, một đứa trẻ trung thành, yêu Amir bằng một tình yêu, thật đau lòng khi nói ra, nhưng là tình yêu của một con chó dành cho chủ. “Vì cậu, cả ngàn lần.” Tất cả cuộc sống, tuổi thơ, niềm vui của Hassan dường như đều đặt trên Amir, và dường như trong vô thức, Amir nhận ra điều đó. Hassan tình nguyện hi sinh tất cả, và chính điều đó đã gợi lên sự tội lỗi trong Amir. Amir dường như nhận ra mình chưa công bằng với Hassan. Nhưng tất cả chỉ thực sự hiện rõ sau một sự kiện đã thay đổi toàn bộ cuộc đời của hai đứa trẻ.


Cuộc đua diều. Và chiếc diều cuối cùng, phần thưởng của người chiến thắng.


Với bản tính hiền hòa, nhút nhát của Amir, cậu có lẽ đã không thực sự khiến ông bố kiêu hãnh và sáng ngời của mình hài lòng. Trong suy nghĩ của một đứa trẻ, cậu nghĩ rằng đạt được một điều gì đó, như giải nhất cuộc đua diều chẳng hạn, sẽ kéo Baba và cậu lại gần nhau hơn. Thực ra cậu chỉ khao khát tình yêu của người cha bị tội lỗi dằn vặt đó. Với sự giúp đỡ của Hassan, cậu đã chiến thắng. Nhưng đau đớn thay, chiếc cúp của cuộc chiến thắng đó được trả bằng nỗi tủi nhục của Hassan. Hassan đã bị cưỡng bức bởi những đứa trẻ pashtun khác, và đau đớn nhất là khi Amir- cả đời đều núp sau cái bóng bé nhỏ kiên cường của Hassan - đã bị lòng đố kị và hèn nhát vùi lấp và bỏ chạy mặc Hassan cùng quẫn trong bóng tối sau khi chứng kiến cậu bị phá hủy. Càng tồi tệ hơn khi Amir, một lần nữa không dám đối mặt với sự hèn nhát của chính bản thân mình, không dám đối diện với chính sự xấu hổ và khinh bỉ chính bản thân mình, đã coi như không có chuyện gì xảy ra khi nhìn thấy bộ dạng thê thảm và tuyệt vọng của người bạn trung thành của mình.


Mọi bi kịch bắt đầu từ đó. Lần đầu tiên trong đời Amir thực sự nếm trải sự dằn vặt của lương tâm và sự giày vò của tội lỗi. Cậu đã khao khát có ai đó biết, nhưng lại hèn nhát không dám nói cho bất cứ ai. Cậu thèm khát một sự cứu rỗi, và lúc đầu cậu cho rằng cậu sẽ có được sự cứu rỗi đó nếu Hassan đánh đập và trả thù cậu. Nhưng Hassan không hề làm thế, bởi Hassan thực sự yêu mến Amir. Cậu sẵn sàng tha thứ và mong mỏi Amir tự nhận ra sự tận tâm của cậu, mà có lẽ cậu không biết chính sự tận tâm đó càng hành hạ Amir nhiều hơn. Đỉnh điểm của sự dằn vặt và hèn nhát, Amir đã đổ cho Hassan tội ăn cắp, rồi sau đó Ali, đau đớn và thất vọng vì điều đó, đã đưa Hassan đi khỏi Kabul, khỏi mảnh đất mà cả 2 cha con đã cống hiến cả cuộc đời vì một gia đình.


Không lâu sau đó, lực lượng quân đội Nga và lực lượng phản động Taliban tràn vào Afghanistan, biến Afghanistan thành một bình địachết chóc, đói khổ và tăm tối. Baba ngay lập tức đưa Amir chạy trốn khỏi Kabul dang Mỹ và bắt đầu xây dựng một cuộc sống mới ở đó. Cuộc đời của Amir ở nơi ở mới bắt đầu cũng chẳng thêm mấy phần sáng sủa – nó cứ trôi đi bình bình, đều đều, dần dần, và sự tội lỗi được dìm xuống tận cùng của trái tim cũng như lương tâm của cậu biến thành sự nghiêm khắc với chính bản thân mình. Rồi sau đó, Baba mất đi, Amir tìm thấy cho mình một sự nghiệp viết văn, một người vợ nết na hiền thục cũng đem trong mình một quá khứ đau đớn đầy hối hận, và xây dựng một gia đình nhỏ yên bình hạnh phúc ở miền đất mới. Cho đến ngày người bạn quan trọng nhất tuổi thơ của cậu, người chú, người bạn làm ăn thân thiết nhất của Baba, người biết tất cả bí mật thẳm sâu dù cậu không kể, người đã khuyến khích sự nghiệp của Amir, viết thư tìm đến. Chú Rahim Khan giờ đã ốm yếu lắm rồi, có lẽ chú cũng sắp ra đi. Chú muốn gặp Amir lần cuối cùng.


Amir ngay lập tức tìm đến với chú. Tất cả sự thật được bộc lộ ra từ đây. Cậu biết được rằng Hassan là người anh em có chung nửa dòng máu với mình, rằng Hassan đã có một gia đình nhỏ với một người con trai đáng yêu giống mình như đúc, và cậu cùng người vợ hiền dịu đã bị bọn Taliban bắn chết giữa đường phố – không mảy may biết chút gì về thân phận của mình – và để lại đứa con nhỏ mồ côi bơ vơ không nơi nương tựa. Thậm chí đến tận lúc chết, Hassan vẫn trung thành và một lòng yêu thương Amir. Những kí ức và tội lỗi một lần nữa trào lên khuấy động lương tâm của Amir, khiến cậu hoảng loạn. Cậu không muốn có bất cứ thứ gì can thiệp và phá hủy cuộc sống yên bình cậu đang có. Nhưng lời cuối cùng của Rahim Khan đã thức tỉnh chút dũng cảm còn lại trong Amir chăng? Hoặc cậu đã đau đớn trong tội lỗi quá lâu. Luôn có một con đường để tốt lành trở lại. Amir khao khát sự cứu rỗi trong linh hồn, và cậu đã lên đường trở về mảnh đất quê hương xưa nay đang chìm trong loạn lạc để tìm cách cứu giúp Sohrab – đứa con nhỏ của Hassan, đứa cháu nửa dòng máu của cậu.


Amir trở về đất nước của mình mà ngỡ ngàng trước sự tàn tạ và bóng ma đang bao trùm lên nó. Cậu chỉ còn là khách tha hương trên chính đất nước của mình. Rồi một bi kịch khác, một thứ bi kịch lớn lao khác đã gợi lại sự hèn nhát của chính Amir ngày xưa: đứa con đáng thương của Hassan rơi vào tay chính kẻ ngày xưa đã làm nhục Hassan, và đứa bé tội nghiệp đó cũng phải chịu tất cả, thậm chí khốc liệt hơn người cha khốn khổ của em ngày xưa đã phải chịu. Kí ức và quá khứ như lặp lại một lần nữa. Nhưng tận trong tiềm thức, Amir đã không thể tự lừa dối bản thân nữa. Cậu, sau hàng chục năm làm khách tha hương tị nạn xứ người, đã thực sự đứng lên chiến đấu để trả lại lỗi lầm ngày xưa và chuộc lại lỗi lầm ngày nay. Trận đòn đau đớn của kẻ đang nắm giữ Sohrab lại là sự chuộc tội giúp cậu thấy thanh thản hơn. Và đứa bé, đứa con người anh em ngày xưa, giống hệt Hassan, đã đứng dậy bảo vệ Amir như Hassan làm ngày xưa. Sohrab là bóng hình của Hassan.


Cả hai nhanh chóng rời đi. Amir tàn tạ thân thể, Sohrab khô héo tâm hồn. Amir nhận ra cậu phải cứu vớt lấy đứa trẻ đáng thương đó – không chỉ là lòng thương hại đơn thuần, mà cứu vớt đứa trẻ đó là sự chuộc tội với Hassan ngày xưa, sự cứu vớt linh hồn của chính mình, và một thứ tình yêu máu mủ nào đó chợt dấy lên đối với đứa cháu kiên cường và tuyệt vọng này. Một sai lầm của cậu sau khi hứa với Sohrab đã đẩy em vào con đường tự vẫn. Hassan ngày xưa đã đủ dũng cảm để sống tiếp vì cậu vẫn còn Ali, còn họ hàng, nhưng bé Sohrab đã mất tất cả, bị phá hủy tất cả, và niềm hi vọng nhen nhóm như ánh đom đóm sắp tàn của em vừa được Amir thắp lên cũng bị vùi dập. Quyết định tự tử của Sohrab đã khiến Amir nhận ra mình tàn bạo, độc ác, rằng cậu đã hèn nhát như thế nào. Lần đầu tiên trong đời, Amir quyết tâm sẽ bảo bọc và yêu thương Sohrab thế vào chỗ đứa con sẽ không bao giờ có cơ hội chào đón ánh sáng cuộc sống của cậu, bởi vợ cậu không thể có con. Amir cứu chữa cho Sohrab, tìm mọi cách đưa Sohrab trở về Mỹ.


Sohrab, dù cuối cùng thoát khỏi chốn vùi dập em, nhưng đã hoàn toàn tan vỡ và sống im lặng chối bỏ tất cả mọi thứ như thể em chỉ sống để kéo dài thời gian chết mà thôi. Nhưng cuối cùng, một phép màu trong những trò chơi ngày xửa ngày xưa của Amir và Sohrab đã cứu vớt được tâm hồn của đứa trẻ đó: trò đua diều. Những con diều bay cao chót vót trên nên trời xanh, cuộn dây thủy tinh cứa vào tay, những cuộc chạy đua đuổi bắt con diều chiến thắng,.... tâm hồn của Hassan và Amir xưa nay đã cứu Sohrab lên từ địa ngục thầm lặng. Vì cháu, cả ngàn lần rồi.


Amir chạy. Linh hồn đã được giải thoát chăng? Sohrab đã tìm thấy hi vọng một lần nữa.


Không chỉ khắc họa một câu chuyện tâm lý bậc thầy, Khaled Hosseini còn thành công khắc họa được bi kịch của cả một dân tộc. Từ một miền đất thanh bình, phồn thịnh, giàu có, những lễ hội rực rỡ sắc màu, những cuộc sống ấm áp sum vầy, những con người hòa thuân, Afghanistan bị quân Nga và taliban khuấy động thành một miền đất máu chảy đầu rơi, nơi nơi chỉ thấy thậm thụt, lén lút, lừa lọc, bất tín, suy tàn dần trong bóng tối và tuyệt vọng. Những truyền thống tốt đẹp xa xưa dần nhường chỗ cái đói và nỗi đau. Đất nước của khát vọng xưa nay chỉ còn là nhúm tro tàn. Từ đó Khaled không chỉ tỏ lòng tiếc thương cho số phận của cả một dân tộc, mà còn tiếc thương cho cả nền văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc và lâu đời đang dần suy tàn. Mặc dù Afghanistan ngày xưa vẫn có sự phân biệt chủng tộc, cuồng tín giữa người với người, thì nó cùng với những truyền thống văn hóa vẫn đẹp đẽ hơn nhiều sự tàn tạ khi rơi vào chiến tranh, rơi vào tay bọn phản động, và đang trên đường đi đến sự hủy diệt.


Sự tiếc thương của ông không chỉ là nỗi nhớ, mà còn chất chứa cả hi vọng, điển hình thể hiện qua phiên chợ ngày chủ nhật của Baba và Amir, hay hình ảnh ông tướng trong bộ áo màu xám. Tự thẳm sâu hợ vẫn mơ về nơi chôn rau cắt rốn, nơi quê hương đang chịu đau thương, nên Baba vẫn giữ nguyên niềm kiêu hãnh của một người Afghanistan, còn ông tướng vẫn luôn quanh quẩn trong hi vọng được trở lại. Hy vọng mong manh nhưng dai dẳng âm ỉ đó hòa quyện với nỗi đau của những người tha hương xứ người.


Hình ảnh về những cuộc đua diều và cánh diều trên bầu trời như mọt sợi dây liên kết giữa quá khứ – hiện tại xuyên suốt cả tác phẩm khiến người nôn nao. Tôi nghĩ rằng, hình tượng cánh diều cũng là biểu tượng của một con người, một cuộc đời. Những cánh diều luôn muốn bay thật cao, thật xa, nhưng nó luôn bị kiềm giữ bởi sợi dây thủy tinh nối với nguồn cội. Chính Cội nguồn đó định hướng cho chiều bay của cánh diều đó, nhưng mất nguồn cội, cánh diều sẽ không thể bay cao dù có khát khao tự do đến chừng nào. Sợi dây thủy tinh cũng như tượng trưng cho những gắn bó, những sợi dây liên kết với một điều tâm linh nào đó làm nền tảng cho việc trở nên tự do. Khaled mở đầu câu chuyện, mở đầu hy vọng và chiến thắng bằng những cánh diều, tạo nên bi kịch từ những cánh diều, và mở ra một tương lai tươi đẹp cho những tâm hồn đang lạc lối cũng bằng những cánh diều đó. Cánh diều bay cao, bay xa như linh hồn cứu rỗi.


Tất cả những điều trên đã tạo nên một “Người đua diều” độc đáo, đặc sắc, đầy cảm xúc, nhắc nhở con người tuyệt đối không được đánh mất mình vì sự sợ hãi, và nỗi đau khi cả một dân tộc “đánh mất mình”.


“Người đua diều” là “một khám phá thực sự… Không chỉ là chuyện về sự trưởng thành của con người hay những nỗi vất vả của người di cư… Tất cả đã được dồn nén vào trong một khung cảnh đau thương, trong bức tranh của Afghan, quả thực, một sự hấp dẫn không thể cưỡng lại” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét