Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

[Sách hay] Quân Vương - Niccolo Machiavelli




Năm lần. Quyển sách đầu tiên tôi đọc hơn 1 lần. Quyển sách đầu tiên tôi đủ kiên nhẫn mần từng từ đến lần thứ năm. Và thậm chí tôi nghĩ đây sẽ còn là quyển sách chiếm được lòng trung thành của tôi trong một thời gian rất-dài nữa. Tất nhiên là còn mần mò từng trang một nhiều lần nữa.

Le Prince. Quân Vương.

“Bậc quân vương phải biết học hỏi từ bản tính của dã thú, biết kết hợp sức mạnh của sư tử với sự tinh ranh của cáo. Sư tử không thể tự bảo vệ mình tránh các cạm bẫy, còn cáo thì không thể chống lại sói. Vì thế, cần phải là cáo để nhận ra những cạm bẫy và là sư tử để dọa sói.”

Niccolo Machiavelli sinh vào năm 1469, khi đất nước Italia vẫn đang bị “tan đàn xẻ nghé” thành năm vương quốc lớn: Naples (phía Nam), Milan (Tây Nam), Cộng hòa Venice (Tây Bắc), Cộng hòa Florence và nhà nước Giáo Hội (miền Trung). Quê hương của nhà tư tưởng vĩ đại Machiavelli – Florence – lúc ông còn trẻ đang trong thời kì hoàng kim của nghệ thuật, tri thức và kinh tế dưới sự trị vì của Lorenzo Medici. 1492 – năm Colombo tìm ra Thế Giới Mới – Rodrigo Borgia, nhờ những thủ đoạn chính trị mà đã chính thức kế nhiệm Giáo Hoàng Innocent VII và trở thành Giáo hoàng Alexander VI. 1494, nhà Medici bị lật đổ và bị thay bằng một chính phủ Cộng hòa chịu sự ảnh hưởng lớn của một giáo sĩ dòng tu Dominica là Girolamo Savonarola. Bốn năm sau đó, chính quyền Savonarola sụp đổ, Niccolo được bổ nhiệm vào chức ngoại giao khi chỉ mới 29 tuổi! Nhờ sự thông minh, tài trí và lòng nhiệt huyết của ông, Niccolo đặc biệt được quan tâm, và trong 14 năm phụng sự nền Cộng hòa, ông đã tiếp xúc với rất nhiều các chính khách nổi tiếng và chứng kiến nhiều những biến động lịch sử: Caterina Sforza, vua Louis XII, Cesare Borgia ( nhân vật mà theo ông là tập hợp đầy đủ những “đức tính” của một Quân Vương, và gia đình Borgia được lấy làm hình mẫu chính trong kiệt tác lớn nhất này của ông!). Ông cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu về tham mưu và ngoại giao, đặc biệt là việc tuyển chọn quân đội quốc gia (sẽ được Niccolo đặc biệt chú trọng trong “Quân Vương”)

Nhưng sau cái chết đột ngột của Rodrigo và không lâu sau đó là của chính Cesare Borgia, gia đình vốn đối đầu với Borgias ngay từ lúc Giáo Hoàng Alexander VI tiếp ngôi là gia đình Rovere đã nhanh chóng tiếp nhận quyền lực. Della Rovere – hay Giáo hoàng Julius II, đã mở các cuộc chiến nhằm thống nhất Italia, trong đó tất nhiên là đánh đuổi quân Pháp khỏi lãnh thổ Florence. Nhưng Florence bấy giờ vốn là một đồng minh trung thành của Pháp nên đã kháng cự. Nhờ sự trợ lực của quân Tây Ban Nha, Giáo Hoàng Julius II đã hạ được chính quyền của Soderini – một người bạn thân thiết với Michiavelli. Nhà Medici trở lại nắm quyền, Michiavelli bị tình nghi ủng hộ Soderini nên bị bãi chức và giam lỏng ở Florence.

Sau đó, ông phải ngồi tù vì bị tình nghi chống lại gia đình Medici. Nhân đợt ân xá của Giovanni khi lên làm Giáo Hoàng X, ông được thả và trở về quê nhà. Thời gian này ông thường viết thư cho Francesco Vettori để nắm giữ tình hình và hi vọng được triệu tập, nhưng không thành. Đây chính là thời gian ông hoàn thành “Quân vương” -  một trong những kiệt tác vĩ đại không chỉ của Italia mà còn của cả thế giới.

Sau khi Giáo Hoàng Clement VII mắc mưu kẻ thù và thành Rome bị quân Tin Lành của Đức cướp phá, người Florence đã lật đổ gia đình Medici, và Niccolo – mặc dù luôn trung thành với nền Cộng hòa – bị người Cộng Hòa nghi ngờ là có cấu kết với gia đình Medici. Ông mất không lâu sau đó, vào năm 1527.

“Quân Vương” – có thể nói tóm gọn là một tác phẩm chủ trương chuyên chế độc tài, hướng dẫn chi tiết những cách “không chính thống” trong việc cướp đoạt và duy trì quyền lực cho các bậc Quân Vương – ngược hẳn lại với chủ trương đi theo đường lối Cộng hòa của ông như trong tác phẩm “Luận bàn về Livy”. Tác phẩm “Quân Vương” là một nét đột phá vượt ra khỏi đạo đức và tư tưởng truyền thống theo đường lối Cơ Đốc giáo nhân đạo. Trên thực tế, ông bị rất nhiều người coi là hiện thân của quỷ dữ chuyên rao giảng loại chính trị tàn bạo và vô đạo đức. Rất nhiều tác phẩm của ông bị liệt vào hàng sách cấm. Thậm chí tên ông còn từng được hiểu như nghĩa xảo quyệt và quỷ dữ. Tuy nhiên khi đứng trước dư luận và chỉ trích, ông không hề biện minh mà chỉ khẳng định trong chính tác phẩm của mình:

“Tìm tòi về bản chất của một vấn đề thì phù hợp hơn là tưởng tượng ra vấn đề đó...Có một khoảng cách giữa việc sống như thế nào trên thực tế và cách mà người ta phải sống thế nào. Người nào từ bỏ những gì đáng lẽ đã làm trên thực tế để thực hiện những gì phải làm thì sẽ bị diệt vong chứ không được bảo toàn.”

Dựa trên tư liệu lịch sử và hoàn cảnh đất nước dấu yêu đang bị giày vò cắn xé trên thực tế, ông đã luận bàn một cách ngắn gọn và đầy đủ những quy tắc cơ bản mà một Quân Vương nên làm. Có bao nhiêu loại chế độ? 2. Cộng Hòa và Quân Chủ. Quân chủ có bao nhiêu loại? Quân chủ thế tập và Quân chủ mới. Muốn duy trì Quân chủ thế tập, chỉ cần duy trì văn hóa y như cũ là tránh được hầu hết mọi tai ương. Còn Vương quốc vừa mới được hình thành do xâm chiếm dưới chế độ quân chủ thì sao? Tuyệt diệt hoàng tộc cũ, giữ nguyên luật lệ và thuế khóa, hoặc đích thân đến sống để kiểm soát các vấn đề từ trong trứng nước hoặc di dân. Quan hệ với kẻ yếu nhưng không khiến chúng mạnh lên, tiêu diệt kẻ mạnh và ngăn chặn kẻ thù giành được uy tín ở lãnh thổ kẻ cả đồng minh lẫn kẻ mạnh. Chế độ quân chủ có bao nhiêu dạng? Quân chủ độc quyền và quân chủ phân tán (người viết bài này tự đặt). Quân chủ độc quyền – vua thâu tóm đa số quyền lực – khó chiếm nhưng dễ cai quản. Quân chủ phân tán với các lãnh địa riêng biệt có các lãnh chúa là những nhà quý tộc thế tập – tương đối dễ chiếm nhưng khó giữ. (Chúa ơi, tôi thực sự muốn viết hết tất cả những gì có thể, thậm chí nếu được còn muốn chép cả quyển sách này lên cơ!!!)

Cai trị những thành bang có chủ quyền? Cai trị thông qua công dân của thành phố, và thẳng tay xóa bỏ thể chế, luật lệ và tinh thần độc lập tự do nơi đó. Nên sử dụng loại quân đội nào? Quân đội đánh thuê sẽ giết chết vương quốc, quân đội ngoại bang sẽ khiến quân vương bị phụ thuộc, nên tất nhiên là xây dựng quân đội quốc gia của chính mình. Một quân vương nên hào phóng hay keo kiệt? Hào phóng lúc nào chẳng tốt hơn? Nhưng mang tiếng keo kiệt để khi rơi vào tình trạng khó khăn mà không phải nâng thuế má và bóc lột dân chúng thì hãy keo kiệt. Nên tàn bạo hay khoan dung làm dân yêu hay dân sợ? Bao dung là tốt, nhưng làm dân sợ còn tốt hơn! Ít lần tàn bạo khiến thần dân đoàn kết tốt hơn bao dung mà gây loạn lạc, bởi con người thường ít ngần ngại khi làm hại người họ yêu mến hơn là làm hại người họ e sợ. Còn chữ tín của một bậc Quân Vương? Hãy giữ lúc cần và phá vỡ ngay lúc trí tuệ và hoàn cảnh cũng như việc phá bỏ đó đem lại lợi ích. Có tất cả những phẩm chất đó và lúc nào cũng sống đúng như thế thì thật nguy hại, còn chỉ làm ra vẻ có chúng thôi thì lại rất hữu ích. Chẳng hạn như nên làm ra vẻ bao dung, trung thành, nhan từ, đáng tin cậy, sùng đạo và đại khái thế nhưng đầu óc phải luôn hành động ngược lại nếu cần. Một Quân Vương phải có quan điểm bạn-thù rõ ràng, không bao giờ đứng trung lập. Phải biết vinh danh người tài, trừng phạt kẻ gây tội để tạo ảnh hưởng về sự uy tín và trí tuệ rộng rãi. Phải đảm bảo của cải và thúc đẩy ham muốn làm giàu của dân, phải tổ chức hội hè,....Một vị Quân Vương cũng phải biết dùng và khống chế con người, phải biết tiếp thu ý kiến nhưng có quan điểm riêng,.... Trên hết tất cả, Machiavelli khẳng định, một vị Quân Vương không nhất định cần được yêu, chỉ cần tránh sự khinh miệt và bị thù ghét.

“Quân Vương” của Michiavelli được cho là sách gối đầu giường của rất nhiều chính trị gia hiện đại, thậm chí cả Adolf Hiller và Napoleon Bonaparte. Hoàn cảnh nguy nan cần những biện pháp cực đoan, và dù là một nhà cộng hòa thì với lòng yêu nước trung thành và tận tụy, Machiavelli tuyên bố thẳng cánh những biện pháp “thiếu đạo đức, không ngoan đạo, ngoan độc và thâm hiểm”. Ông đã đưa ra một hệ thống nguyên tắc các “đạo đức” mới mẻ vượt khỏi hệ tư tưởng Cơ Đốc giáo truyền thống nhờ phân biệt rạch ròi việc theo đuổi các quy tắc nhân đạo và mục tiêu thực tiễn. Mặc dù với mẫu hình ảnh minh họa là Rodrigo Borgia và Cesare Borgia – mẫu những kẻ cai trị quyền năng điên rồ theo đuổi những mục đích vô đạo đức bằng những cách cũng vô đạo đức không kém, ông không hề biện minh. Ông chỉ khẳng định, trong hành động của con người nói chung và bậc Quân Vương nói riêng, không có thước đo chuẩn mực và cũng không bao giờ có người phán xử công bằng. Chỉ có kết quả cuối cùng là đáng quan tâm.

Tuy nhiên Machiavelli không hề ảo tưởng về việc không có hành động nào không bị phán xét, và chỉ rõ với những hành động chính trị tàn bạo, không biết đến trung thành, khoan dung và sùng đạo: “Bằng những phương thức này, người ta có thể đạt được quyền lực chứ không thể có vinh quang.”

Không chỉ đơn thuần là một tác phẩm chính trị “ma quỷ, xảo quyệt” bày cho các Quân Vương cách thủ đoạn và độc ác, Machiavelli còn phơi bày rõ tâm lý đơn thuần cơ bản của con người. Rousseau đã nói về Quân Vương: “Dường như đây là những bài học dành cho các vua chúa, nhưng thực ra ông đang dạy những bài học vĩ đại cho nhân dân.”

Kết lại tác phẩm, Machiavelli thống thiết kêu gọi giải phóng Italia khỏi ngoại xâm và thống nhất đất nước. Mặc dù tới tới tận 1861 Italia mới thực sự thống nhất.

Machiavelli được coi là người sáng lập ra hệ tư tưởng chính trị hiện đại, đặt nền móng cho khoa học chính trị. “Quân Vương” được đánh giá như tác phẩm đầu tiên phân tích về sự lãnh đạo của các lãnh tụ chính trị và xác lập tính độc lập của chính trị với thần học. Ông cũng có những đóng góp to lớn vào nền quân sự – ông được nhìn nhận là người sáng lập môn khoa học quân sự hiện đại, và tác phẩm “Nghệ thuật chiến tranh” của Niccolo Machiavelli  được coi là đặt nền móng cho kĩ thuật quân sự hiện đại.

Chừng nào con người vẫn còn quan tâm đến chính trị, thì tư tưởng của Machiavelli sẽ vẫn mãi mãi còn được tranh cãi, nghiên cứu, và thậm chí là ứng dụng. Suy cho cùng, “Con người vốn là một sinh vật chính trị.” (Aristotle)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét